Wednesday, June 1, 2016

TRÙNG TU NGHĨA TRANG THUYỀN NHÂN VIỆT Ở BATAAN, PHILIPPINES (Lê Hữu Thành)





Lê Hữu Thành
(Gởi cho Người Việt từ Philippines)
Saturday, April 9, 2016 7:23:55 PM 

Bài liên quan

MANILA – “Cuối tháng 7 sẽ hoàn thành trùng tu nghĩa trang thuyền nhân Bataan.” Đó là lời khẳng định của ông Trần Đông, giám đốc tổ chức văn khố thuyền nhân Việt Nam trong lễ động thổ xây dựng công viên tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Bataan, Philippines hôm 5 tháng 4, 2016. 

Toàn cảnh nghĩa trang thuyền nhân Bataan. (Hình: Lê Hữu Thành)

“Chúng tôi là Trần Đông và Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại, xin kính báo cùng với các anh chị em cùng Hoàng Thiên Hậu Thổ tại nơi đây để xin phép cho chúng tôi được động thổ và bắt đầu cho công trình trùng tu tất cả mộ phần thuyền nhân Việt Nam ở nơi đây được khang trang hơn.”
“Mục đích của vấn đề tu sửa lại là để giữ gìn di tích tị nạn của chúng ta và cầu mong anh chị em có được mồ yên mả ấm, với lòng chân thành của bà con hải ngoại. Kính mong anh chị em được siêu thoát,” ông Trần Đông xúc động nói trong lễ động thổ.

Ông Nguyễn Văn Sơn đại diện V-Help cho hay, “Từ đầu năm 2015, với sự hỗ trợ về tài chánh của tổ chức thiện nguyện Vhelp, Australia cùng với tổ chức văn khố thuyền nhân Việt Nam, chúng tôi đã vận động với chính phủ Philippines để được phép trùng tu và xây dựng khu công viên tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại nơi đây.” 

Xác định ranh giới và mộ phần

Buổi trưa nắng gay gắt, chỉ có một cây to ở giữa khu nghĩa trang rộng lớn không đủ bóng mát để che, thế nhưng ông Trần Đông vẫn đi lại khắp nghĩa trang, cắm cọc tre trước đầu các ngôi mộ để xác định chính xác vị trí của mộ phần nhằm làm bia mộ sau này. 

Một ngôi mộ trong nghĩa trang thuyền nhân Bataan. (Hình: Lê Hữu Thành)

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng khó nhọc bê những hòn đá to xếp lại với nhau, theo hướng Đông Tây Nam Bắc để xác định chính xác phương hướng của nghĩa trang khi xây dựng.

Sau khi cắm cọc, ông Đông cho biết có khoảng 321 ngôi mộ ở nơi này, trong đó có 12 ngôi mộ có kiến trúc kiên cố, trong khi đó những ngôi mộ còn lại hầu như chỉ được đánh dấu bằng những viên đá to xếp thành một vòng tròn, không tên không tuổi.

Những ngôi mộ vô danh như thế sẽ được làm bia bằng đá hoa cương có khắc chữ VBP (Vietnam Boat People), còn các cấu trúc kiên cố sẽ được giữ lại và sửa chữa nhằm tránh đụng đến vong linh của những người quá cố.

Công viên tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam được xây trên nền đất cũ của nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam, diện tích khoảng 4,000 m2, gồm các hạng mục: bia tưởng niệm, nhà nguyện, sửa lại các ngôi mộ hư bể, xây mới các bia mộ bằng đá hoa cương, trồng các hàng cây xung quanh và cây kiểng ở bên trong, làm lối đi lại bằng bê-tông, và trồng các trụ xi-măng xung quanh để xác định ranh giới, kinh phí hoàn thành vào khoảng 60 ngàn đô-la Úc.

Ông Trần Đông và Nguyễn Sơn làm lễ động thổ xây dựng nghĩa trang thuyền nhân. (Hình: Lê Hữu Thành)

“Sẽ hoàn thành trong 3 đến 4 tháng tới”

Ông Nguyễn Văn Sơn dự tính công trình xây dựng Công viên tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam này sẽ phải mất 3 đến 4 tháng mới hoàn thành. Sau khi hoàn tất vào khoảng cuối tháng 7, 2016 đoàn văn khố thuyền nhân Việt Nam sẽ tổ chức chuyến đi để khánh thành, và cầu nguyện cho công trình này.

Ông Manzo, người Philippines, là nhà thầu công trình trùng tu nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam cho hay: “Hôm nay chúng tôi tiến hành lễ động thổ ở nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam. Xong rồi chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng theo ý tưởng của ông Trần Đông và Nguyễn Sơn.”

Cắm cọc tre để xác định vị trí các ngôi mộ. (Hình: Lê Hữu Thành)

“Tuần sau công nhân chúng tôi sẽ đến đây để tiến hành công tác trùng tu.”
“Chúng tôi không biết chính xác thời gian chính xác sẽ hoàn thành, chúng tôi sẽ làm đúng những gì trong kế hoạch và trong các hạng mục nghĩa trang thuyền nhân Việt Nam,” ông Manzo nói.

Trại chuyển tiếp Bataan hay còn gọi là Trung Tâm Tiến Hành Thủ Tục Tị Nạn Philippines được mở cửa vào năm 1980 và đóng cửa năm 1994, nằm ở phía Nam Vịnh Subic và phía Bắc của nhà máy điện hạt nhân Westinghouse bị bỏ hoang.

Các ngôi mộ chỉ được đánh dấu bằng những vòng đá, không tên, không tuổi. (Hình: Lê Hữu Thành)

Nơi đây từng có 400.000 lượt thuyền nhân sinh sống tại trại để học tiếng Anh, học văn hóa ở nước sở tại trước khi đi định cư, hầu hết là đến Hoa Kỳ.

Ở trại Bataan còn có các công trình khác như chùa Vạn Hạnh, nhà thờ Thánh John Paulo II, tượng Phật 4 mặt của người Khmer, và bảo tàng viện nơi lưu giữ di tích của người tỵ nạn nơi này.



No comments: