Fri, 06/03/2016 - 16:46 — tuankhanh
(AP) – Các bà mẹ của những người thiệt
mạng trong vụ đàn áp đẫm máu vì phong trào dân chủ tại Thiên An Môn, Trung Quốc
vào năm 1989, cho biết rằng họ đã sống qua 27 năm trong sự liên tục 'khủng bố
và nghẹt thở “ của chính quyền Bắc Kinh. Những bà mẹ này tâm nguyện rằng
dù như thế nào, thì họ cũng vẫn tiếp tục sống để khơi gợi sự thật,
nhất là vào các dịp lễ tưởng niệm 4-6.
Một bức thư ngỏ có chữ ký của 131 bà mẹ được nhóm
Nhân quyền Hải ngoại Thông tin công bố, đã xuất hiện ở Trung Quốc. Thư cho biết
gia đình của các nạn nhân đã phải khứng chịu việc sách nhiễu và đe dọa, liên tục
từ nhiều năm qua từ giới an ninh, mật vụ của Trung Quốc, chỉ vì họ quyết tâm
tìm kiếm công lý cho những người thân đã khuất của họ.
"Với chúng
tôi, thân nhân của của các nạn nhân, sự khủng bố và trấn áp nghẹt thở từ chính
quyền kéo dài đến nay đã 27 năm”, lá thư viết, “công an đã cử ra những người để đối phó với
chúng tôi với nhiều thủ đoạn như cắt điện, theo dõi từng người, áp đặt các cáo
buộc và đe dọa".
"Tất cả những
hành động này, rõ ràng đã xúc phạm đến hương hồn của những người đã chết (trong
cuộc đàn áp 1989), cũng như sỉ nhục danh dự của người còn sống", lá thư ngỏ viết. Nội dung của thư ngỏ lên án Bắc Kinh về thái độ làm ngơ
cho tội ác diễn ra. Các bà mẹ cáo buộc chính quyền đã phớt lờ lời thỉnh cầu từ
gia đình các nạn nhân, cũng như tìm cách xóa bỏ ký ức của công chúng về phong
trào dân chủ đã bị đàn áp đẫm máu vào tối ngày 03 và 04 Tháng Sáu, 1989, mà
trong đó có hàng trăm hay có thể là hàng ngàn người đã bị giết chết.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định mình vẫn đã làm
đúng khi đưa xe tăng và quân đội vào Thiên An Môn năm 1989 để dập tắt cuộc biểu
tình, mà ước muốn chân chính của giới trẻ đã bị chụp mũ là nổi dậy bạo loạn nhằm
chống lại luật của Đảng Cộng sản đề ra. Cho tới nay, chính quyền vẫn khước từ mọi
lời kêu gọi điều tra hay thậm chí chỉ là thảo luận về sự kiện này. Hầu
hết những nhà lãnh đạo sinh viên đều phải tỵ nạn ở nước ngoài sau cuộc đàn áp,
lệnh cấm những người này trở về vẫn còn hiệu lực.
Tuy vậy, những người mẹ, cùng với gia đình và những
người ủng hộ của họ - qua nhiều năm đã trở thành một Phong trào được biết đến
như hiện nay - với cái tên các Bà Mẹ Thiên An Môn. Phong
trào này đã dần tạo ra được một lớp người hiểu biết, quan tâm và chia sẻ mục
đích hành động của họ. Lá thư ngỏ cũng nhân dịp này nhắc lại tình trạng an ninh
mật vụ Trung Quốc tăng cường áp sát sau cái chết của Jiang Peikun, chồng của bà
Ding Zilin. "Người phụ nữ này là một trong những bà mẹ Thiên An Môn có hoạt
động nổi bật nhất", bà Yin Min, một người trong Phong trào và đồng ký thư
ngỏ cho biết như vậy.
Công an đã ngăn chận không cho bất kỳ ai trong Phong
trào, cũng như những người đã cùng ký trong lá thư đến thăm bà Ding Zilin từ
ngày 22 tháng 4 vừa rồi. Bà Ding Zilin là người có đứa con trai 17 tuổi Jiang
Jielian đã chết trong cuộc đàn áp Thiên An Môn 1989. Là bộ mặt tiêu biểu của
Phong trào, Bà Ding đã phải chịu đựng những sự cấm cản khó khăn nhất.
“Cảm giác như là một
con đường dài không bao giờ có thể đến. Chúng tôi chỉ là tập hợp của nhiều độ
tuổi mà cái chết có thể ập đến bất cứ ngày nào nhưng chúng tôi mong mỏi nhìn
thấy sự thật được hiển lộ và công lý được duy trì vào lúc chúng tôi vẫn còn
đang sống”, bà Yin Min, người có đứa con trai 19 tuổi, tên là
Ye Weihang, cũng đã bị giết chết trong cuộc đàn áp. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có nghĩa vụ và quyền phải được nói với
công chúng rằng 27 năm qua, chúng tôi đã sống như thế nào, và đòi hỏi chính phủ
phải có hành động đúng”, bà Yin Min cho biết qua điện thoại.
Một bà mẹ Thiên An Môn khác, bà Zhang Xianling, cho
biết bà vẫn lạc quan. “Không phải đã có
những tin tức về chuyện ai đó đã sống đến 105 tuổi sao? Tôi nghĩ rằng tôi sẽ sống
cho đến ngày công lý sáng tỏ”, bà Zhang, người cũng mất con trai 19 tuổi của
bà, tên là Wang Nan trong cuộc đàn áp 1989, nói.
Mỗi năm khi đến ngày tưởng niệm thảm sát Thiên An
Môn, mọi thủ đoạn trấn áp lại xiết chặt hơn. Gia đình của các nạn nhân 1989 đều
bị giam lỏng trong nhà, hoặc buộc phải đi đâu đó ra khỏi Bắc Kinh. Với sự kiểm
soát truyền thông luôn tìm cách làm lờ đi ý nghĩa của ngày 4-6-1989, các bà mẹ
luôn bị cấm không được công khai làm lễ tưởng niệm những đứa con của mình.
Ngay cả việc tưởng niệm, tụ họp mang tính riêng tư,
nhưng có ý tưởng liên quan đến những người đã chết trong các cuộc đàn áp cũng đều
bị cấm. Các nhóm nhân quyền Trung Quốc ở hải ngoại đã cho biết công an đã bắt
cóc mang đi ít nhất là ba nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, do những người này đến
tham dự một bữa ăn tối tưởng niệm trong một gia đình tại Bắc Kinh, trước ngày
trước ngày 4-6. Mới đây, một tờ báo Hong Kong cũng cho biết có hai người đàn
ông bị bắt giữ vì quảng cáo các chai rượu Trung Quốc với nhãn hiệu có gợi ý về
ngày 4-6.
Bất chấp các mối đe dọa rình ập họ, các Bà Mẹ Thiên
An Môn mặc nhiên viết trong bức thư, bày tỏ niềm tin rằng công lý cuối
cùng cũng sẽ phải đến.
“Trong tâm thế của
tình mẫu tử bao la, chúng tôi gửi lời đến mọi nơi, cho các thế hệ tương
lai: Rằng đừng bao giờ khuất phục trước bạo lực dã thú, hãy đối đầu với tất
cả điều bạo ác bằng lòng can đảm, và rồi công lý sẽ chiến thắng”, bức thư ngỏ của các Bà Mẹ Thiên An Môn viết.
-------------------------------
Bài của Didi TANG - (gửi từ Bắc Kinh), đăng trên
Washington Post (01-06-2016), tựa gốc “27 years on, Chinese moms of Tiananmen
victims vow to fight”.
No comments:
Post a Comment