Nguyễn Đình Cống
02/06/2016
Khoa
xem tướng phân ra tĩnh và động. Trong động tướng thì giọng nói, ánh mắt, dáng
đi… là quan trọng hàng đầu. Tướng là sự thể hiện ra bên ngoài cái ẩn giấu ở bên
trong gồm Tinh, Khí, Thần. Khi quan sát một con người cốt yếu nhất là cảm nhận
được cái THẦN của họ. Tôi không có dịp gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực
tiếp cảm nhận thần khí của ông, chỉ có thể quan sát gián tiếp. Vừa qua, ngày 27
tháng 5, tại buổi truyền hình về Hội nghị toàn quốc công tác dân vận của Đảng
tôi có dịp quan sát và xin nêu vài nhận xét.
Càm
nhận chung là Thần khí của ông đang ở vào tình trạng yếu kém.
Tôi đã theo dõi và đọc lại toàn văn bài phát biểu của ông, khoảng 4 ngàn rưỡi từ.
Tôi cũng quan sát những người trong hội trường và thấy họ chẳng quan tâm mấy đến
đến phát biểu đó.
Phần lớn thời gian ông cúi mặt nhìn vào giấy
nên chắc không nhận ra thái độ thờ ơ đến coi thường của người nghe. Ông có biết
vì sao không. Vì : 1-Những thông tin không có gì mới, đa số là nhàm chán, những
thứ đó nhiều người nghe còn biết rõ hơn ông. 2- Phong cách trình bày chưa đạt,
giọng nói thiếu sinh khí, nét mặt hơi vô cảm, chứng tỏ trong lòng còn nặng trĩu
lo âu, quá lệ thuộc vào bài viết sẵn mà ông chưa nắm vững nội dung.
Không
biết với ông thì thế nào chứ tôi đã có dịp hỏi một số người sau khi họ đọc xong
báo cáo ở các đại hội. Tôi nói: “Đồng chí (ông, bà, anh, chị…) đã đọc một báo
cáo khá dài, được vỗ tay hoan hô, nhưng xem ra nhiều người chẳng chú ý nghe, chẳng
nhớ gì lắm, họ vỗ tay là theo phép lịch sự mà thôi. Xin hỏi, liệu bản thân đồng
chí có nắm chắc được, nhớ được toàn bộ nội dung không”. Phần lớn người được hỏi
trả lời là không nhớ.
Trong
bài phát biểu của ông, ngoài các thành tích, tình hình, nhiệm vụ của công tác
dân vận với 5 yêu cầu, ông dẫn lời của Nguyễn Trãi nói về đời Hậu Trần (họ
chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ mặc dân khốn khổ, muôn
dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh), về Hồ Quý
Ly (chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận). Ông cũng đề cập đến
tình hình hiện tại (Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến,…
không tôn trọng ý kiến của dân,... độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần
chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng không được đấu
tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh…). Như vậy thì xã hội hiện tại tồi
tệ hơn nhiều so với thời Hậu Trần và Hồ Quý Ly, ông có nhận ra điều đó không,
có thấy trách nhiệm của đảng hay không. Về nhiệm vụ ông nói: ”Vấn đề là Đảng
phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn
trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng
thật trong sạch…”
Ông
trình bày những điều trên với giọng điệu mà người nghe cảm thấy như từ miệng của
một người đang ốm chứ không phải xuất phát từ một trái tim nồng nàn yêu nước
thương dân, không phải từ một trí tuệ sắc sảo. Bài phát biểu khác với bài viết
đăng trên báo là ở chỗ có sinh khí, truyền được cảm hứng, lay động được lòng
người. Ông nên tự xét xem đã truyền được chưa, đã lay được chưa.
Về
nội dung, vấn đề Đảng phải chăm lo đầy đủ đời sống của nhân dân đã được Phạm
Nguyên Trường cho là một triết lý sai lầm (trang Ba Sàm-8512, ngày 30/5. Khi mới
đọc đầu đề tôi thấy vô lý, nhưng đọc xong mới thấy sự đúng đắn của lập luận).
Riêng việccủng cố và xây dựng đảng thật trong sạch thì không
những đảng muốn mà dân, trong đó có tôi, cũng muốn như thế. Nhưng làm thế nào để
làm cho đảng trong sạch được thì chắc ông chưa có biện pháp hữu hiệu, đáng tin
cậy. Tôi định mách nước trong việc này đây.
Trước
hết ông có biết nguyên nhân sâu xa nào đã làm cho Đảng Cộng sản VN từ một đảng
CM kiên cường trở thành một tổ chức chứa rất nhiều tiêu cực với các nhóm lợi
ích như bây giờ không. Có lẽ ông đã khẳng định 2 điều. Một là sự thoái hóa biến
chất của một số đảng viên, cán bộ. Hai là sự phá hoại của bọn thù địch. Tôi
không tán thành hoàn toàn với các ý kiến đó và đã viết bài “Nguyên nhân gốc của
nhiều tệ nạn…”, rất đáng để ông tham khảo. Lại nữa, việc muốn làm cho đảng
trong sạch không phải mới được đặt ra gần đây mà đã từ vài chục năm nay, đảng đã
có nhiều nghị quyết, dùng nhiều biện pháp, lần nào cũng tưởng là sẽ đạt kết quả,
thế mà mãi vẫn không làm trong sạch được. Như một bệnh nặng, chữa được chỗ này
liền phát sinh chỗ khác, càng chữa thì bệnh càng nặng thêm. Ông có biết tại sao
lại như thế không. Vì rằng dùng sai thầy, sai thuốc và sai cả phương pháp chữa.
Đảng của ông đã từng là đảng lãnh đạo làm cách mạng, bây giờ là đảng chính trị
cầm quyền, ông có nhận rõ điều đó không. Ông có bao giờ tham khảo tổ chức,
cương lĩnh các đảng chính trị ở các nước dân chủ, tiên tiến để biết mục tiêu,
nhiệm vụ, yêu cầu đối với một đảng cầm quyền hay không.
Đúng
ra trước khi mách nước phải tìm cách nào đó để biết được ông có thực lòng muốn
làm cho đảng trong sạch không, hay là chỉ nói cho qua chuyện. Vì không có cách
nào để biết nên tôi đành cứ viết, hy vọng ông không xem thì có người khác xem vậy.
Có
một câu nổi tiếng: “Không thể sửa chữa một sai lầm bằng các công cụ hoặc lý
thuyết ở tầm mức đã làm phát sinh ra nó”. Vậy
những thứ gì đã làm phát sinh những tệ nạn làm cho đảng kém trong sạch. Đó là sự độc tài đảng trị, sự dối
trá và bạo lực. Để làm cho đảng trong sạch thì điều kiện tiên quyết
là từ bỏ 3 điều trên. Không từ bỏ được thì nói làm trong sạch đảng chỉ là nói
chơi cho có chuyện mà thôi.
Có
một thói quen xấu là cứ gặp điều gì khó người ta cứ đổ tại cơ chế. Xin thưa: Mọi
chính sách, luật lệ, cơ chế… đều do con người vạch ra. Những người từ trước tới
nay đảng dựa vào để vạch ra cơ chế, nghị quyết… như các Ủy viên Bộ chính trị,
các trí thức có bằng cấp của đảng đều tỏ ra không còn thích hợp cho công việc đề
ra và thực hiện biện pháp làm trong sạch đảng. Vì sao vậy. Vì chính những người
như họ đang ở tầm mức làm đảng mất trong sạch. Ngay bản thân ông cũng thế. Nhìn
thần sắc tôi thấy ông chỉ tạm vui được chốc lát sau đại hội 12, sau việc vội
vàng cho về vườn các ông Sang, Hùng, Dũng. Còn hiện nay lòng ông đang rối bời về
nhiều chuyện, kể cả nhận thức về đảng. Ông làm luận án tiến sĩ về chuyên ngành
xây dựng đảng. Tôi rất muốn đọc luận án đó nhưng tiếc là chưa tìm thấy, không
biết trong luận án và bây giờ ông có phân biệt được thật rõ ràng giữa một đảng
làm cách mạng vô sản và một đảng chính trị cầm quyền hay không. Nếu vẫn đồng nhất
hai đảng ấy thì càng xây dựng càng đi sai đường, càng xa mục tiêu.
Để
giúp làm trong sạch đảng, đúng như một đảng cầm quyền, tôi xin góp một số ý kiến
sau:
1- Đảng nói rất nhiều đến
đổi mới tư duy. Người đầu tiên cần đổi mới tư duy chính là Tổng bí thư . Ông
nên mở rộng tâm hồn và đầu óc . Những người bất đồng chính kiến như Hà Sĩ Phu, Nguyễn
Thanh Giang, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyễn Trung… phải
được xem là những người yêu nước theo cách khác, rất nên mời họ đến gặp, đối
thoại với họ, tham khảo họ. Chính những người như thế mới có thể đề ra được biện
pháp làm trong sạch đảng, không nên tìm cách nhốt họ vào tù. Nếu ông không làm
được việc đó, không tự đổi mới được thì nên từ chức để toàn đảng bầu chọn ra một
Tổng bí thư mới trên cơ sở tranh cử công khai giữa ít nhất 2 người, chứ không
phải do ông chọn và áp đặt.
2- Phải chuyển từ một đảng
làm cách mạng vô sản thành đảng chính trị, đảng cầm quyền. Chủ nghĩa Mác Lênin
(CNML) chứa đựng nhiều độc hại, nếu có dùng được một chút gì đó thì chỉ dùng
trong cách mạng vô sản, còn với đảng cầm quyền thì nên từ bỏ nó, và khi đã từ bỏ
CNML thì nên đổi tên đảng. Nếu ông thật sự chưa thấy độc hại của CNML thì tôi sẵn
sàng đối thoại để cùng ông đánh giá đúng về nó. Vũ khí phê bình và tự phê bình
trước đây sắc bén, bây giờ cùn quá rồi, không mấy ai dùng nữa. Phải tìm vũ khí
mới hiệu quả hơn. Nếu ông và tham mưu tìm không ra, cho hỏi, tôi sẽ mách.
3- Khi đã chuyển thành
đảng cầm quyền thì phải thay đổi hệ thống tổ chức, làm cho nó gọn, nhẹ. Dẹp bỏ
hết các tổ chức của đảng như là một chính quyền thứ hai, đặt trên và bao trùm
lên chính quyền thứ nhất. Ban chấp hành trung ương không cần đông mà cần chọn
được những người thực sự có tài năng và liêm khiết. Vấn đề là các ông có muốn
làm hay không chứ cách làm không khó. Tổ chức có gọn nhẹ mới dễ làm cho trong sạch.
Đảng không tự tiện dùng ngân sách nhà nước (chủ yếu do dân đóng thuế) mà chỉ
dùng nguồn tài chính của đảng cho mọi hoạt động của mình. Nếu tài chính của đảng
không đủ thì có thế xin Quốc hội cấp một khoản dưới 0,5% ngân sách, nhưng phải
công khai, minh bạch.
***
Tôi
tạm mách nước cho ông 3 vấn đề để thăm dò. Tôi còn có một số ý kiến nữa, cả về
tầm chiến lược, cả về biện pháp cụ thể. Nếu ông muốn nghe mà yêu cầu thì tôi
xin vui lòng trình bày tiếp. Ngày xưa , thời Chiến quốc bên Tàu, Văn Chủng dâng
cho Việt vương Câu Tiễn 7 kế sách. Câu Tiễn chỉ mới dùng có 3 mà đã thành công
lớn. Còn lại 4, Câu Tiễn chưa dùng mà bảo Văn Chủng mang xuống Tuyền đài để bày
cho các tiên vương nước Ngô, xem họ có dùng làm gì không. Tôi không dám so mình
với Văn Chủng, chỉ cốt tránh cái họa của ông ta.
Viết
bài này, vì không có địa chỉ Email của ông nên tôi gửi cho 2 địa chỉ sau: dangcongsan@cpv.org.vn và bandoc.dcsvn@gmail.com . Kính nhờ các
đơn vị này của đảng chuyển tiếp cho ông. Ngoài ra tôi cũng công bố trên vài
trang mạng xã hội để ai quan tâm thì tham khảo.
N.Đ.C.
Tác
giả gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:18
No comments:
Post a Comment