Đào
Duy Tùng biên dịch | Lê Hồng Hiệp hiệu
đính, NCQT
Posted on Jun 2, 2016
Sự phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy
một sự thay đổi trong việc hoạch định chính sách của Australia đáng được quốc tế
chú ý rộng rãi. Bằng cách coi việc duy trì một “trật tự toàn cầu dựa trên luật
lệ” là một ưu tiên chiến lược cốt lõi, Sách trắng Quốc phòng mới của
Australia đã sử dụng cách diễn đạt không thường thấy trong các cuốn sách trắng
quốc phòng của quốc gia này. Điều đặc biệt ngạc nhiên hơn là việc nó xuất phát
từ một chính phủ bảo thủ thường sẵn sàng đi theo bất kỳ con đường nào Hoa Kỳ chọn.
Australia muốn có một nền tảng khả dĩ để thách thức
những yêu sách của Trung Quốc, và nền tảng này không nên bị diễn giải như chỉ
là một sự khúc xạ thụ động quan điểm của Hoa Kỳ. Với một nước đang cố gắng – giống
như các nước khác trong khu vực – tránh những sự lựa chọn một mất một còn giữa
đối tác chiến lược là Hoa Kỳ, và đối tác thương mại là Trung Quốc, từ ngữ trong
Sách trắng đã được lựa chọn hết sức khéo léo và xứng đáng để học hỏi.
Phần hấp dẫn của một “trật tự toàn cầu dựa trên luật
lệ” là nó sẽ ràng buộc tất cả các bên liên quan. Những nhà hoạch định chính
sách Hoa Kỳ, không giống phần lớn còn lại của thế giới, không thấy sự hấp dẫn cỗ
hữu của khái niệm đó. Mặc dù họ – giống như những người khác- lên tiếng ủng hộ
nó, nhưng việc sẵn sàng bị giới hạn bởi luật lệ quốc tế không phải là một phần
DNA của các quan chức Hoa Kỳ.
Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 vẫn là chứng cứ quan trọng
nhất. Nhưng còn những sự kiện khác, bao gồm việc vượt quá (cùng với Anh và Pháp
) sự uỷ quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở Lybia năm 2011, và như những
gì Jessica Mathews đã miêu tả là “bãi đất hoang cho những cam kết đa phương”
trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với các hiệp ước, bao gồm Hiệp định về đa dạng
sinh học, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, Nghị định thư về tra tấn, và
liên quan nhất tới Biển Đông là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Sự “chỉ trích” trực tiếp trong Sách trắng Quốc phòng
Australia là dành cho Trung Quốc. Cho dù điều gì đang diễn ra ở Biển Đông thì
Trung Quốc cũng cho thấy không tôn trọng một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.
Tuân theo các luật lệ sẽ đồng nghĩa với một vài thay đổi trong cách hành xử của
Trung Quốc.
Đầu tiên, nó sẽ có nghĩa là Trung Quốc phải giải
thích rõ ràng những yêu sách chủ quyền cụ thể, trên cơ sở sự sử dụng lâu dài hoặc
sự chiếm giữ các đảo có thể có người ở, tại quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa hoặc
những nơi khác. Khi những yêu sách đó chồng lấn với những yêu sách của các nước
khác, như phần lớn các yêu sách hiện nay, Trung Quốc phải sẵn sàng giải quyết
chúng, ưu tiên qua phân xử hoặc trọng tài quốc tế – điều mà cho đến nay
Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ – hoặc ít nhất bằng đàm phán thực sự mang
tính thỏa hiệp có đi có lại.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ yêu sách “đường
chín đoạn” như là cơ sở không chỉ cho những yêu sách chủ quyền liên quan đến những
phần lãnh thổ ở bên trong đường này, mà còn cho những yêu sách kém rõ ràng như
về “vùng biển lịch sử” hoặc “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Do tàu cá
Trung Quốc đang liên tục xâm phạm vào khu vực mà cho đến nay là vùng đặc quyền
kinh tế 200 hải lý không bị tranh chấp của các nước khác theo UNCLOS, những yêu
sách này đang gây ra sự xích mích thực sự với các quốc gia như Indonesia.
UNCLOS – giờ được chấp nhận rộng rãi như là thông luật
quốc tế thậm chí bởi những quốc gia chưa tham gia, như là Hoa Kỳ – là bộ khung
(pháp lý) duy nhất chấp nhận được để giải quyết những vấn đề trên. Thậm chí nếu
các yêu sách chủ quyền hiện tại của Trung Quốc đối với các đảo cụ thể có người ở
được chấp nhận, thì vùng lãnh hải 12 hải lý, và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý tính từ các đảo này, cộng lại cũng không chiếm đến 80% Biển Đông như đường
chín đoạn của Trung Quốc hiện nay đang bao trùm.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ cần phải nghiêm túc hạn chế
các hành động của mình liên quan đến các bãi san hô và bãi cạn, trước đây chưa
bao giờ có thể có người sinh sống được, nơi mà nước này đang cải tạo lại, xây dựng
các đường băng và các công trình có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự, và
đang nỗ lực ngăn chặn các nước khác sử dụng các vùng nước và không phận lân cận.
Luật quốc tế cho phép một vài công việc cải tạo như thế – như Philippine, Việt
Nam, và Malaysia đã làm những năm qua, mặc dù ở một quy mô nhỏ hơn nhiều. Nhưng
nó sẽ không thể chấp nhận bất kỳ sự sử dụng nào cho mục đích quân sự, hoặc chấp
nhận một “khu vực an toàn” lớn hơn 500 mét xung quanh những công trình đó – tức
không chấp nhận một vùng lãnh hải, EEZ, “vùng nhận diện phòng không”, hoặc bất
kỳ cái gì khác (xung quanh các đảo nhân tạo đó).
Thứ tư, Trung Quốc nên giảm nhẹ quan điểm của mình rằng
không tàu hoặc máy bay nước ngoài nào có thể tham gia giám sát hoặc thu thập
tình báo không chỉ trong khu vực lãnh hải của mình, điều mà luật quốc tế đã quy
định rõ ràng, mà còn trong toàn bộ EEZ, điều mà lập luận của Trung Quốc là
không hoàn toàn mạnh mẽ. Bám chặt vào quan điểm này làm kéo dài một rủi ro thường
trực là xảy ra các sự cố mang tính khiêu khích.
Chừng nào Trung Quốc còn từ chối chơi theo luật chơi
quốc tế, thì các nước khác còn có quyền kháng cự, bao gồm việc cho máy bay bay
qua hoặc cho tàu thực hiện các “hoạt động tự do hàng hải” mà Hoa Kỳ đang tiến
hành, và Australia cùng các nước khác nên cố gắng làm theo một cách riêng rẽ. Sự
khẳng định của Trung Quốc rằng nước này không có ý định gây cản trở các tuyến
đường hàng hải và đường bay thương mại không nên được tin tưởng, bởi làm khác
đi sẽ chẳng khác gì lấy tay vả miệng mình. Nhưng cách hành xử của Trung Quốc
đang thử thách giới hạn của sự cảm thông và kiên nhẫn của khu vực và quốc tế.
Điểm hấp dẫn còn lại của việc nhấn mạnh một “trật tự
toàn cầu dựa trên luật lệ” trong chính sách của Australia là việc nguyên tắc
này áp dụng cho chính Australia – bởi nó sẽ áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào chấp
nhận cách diễn giải này. Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải nói đi đôi với
làm, bằng cách chấp nhận các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế – giống như giúp
chấm dứt các tội ác tàn bạo ở nước ngoài – điều nhất quán với những tuyên
bố của chúng ta rằng Úc là công dân quốc tế tốt nhưng lại không phục vụ cho một
lợi ích truyến thống trực tiếp nào về kinh tế hoặc an ninh quốc gia.
Với trường hợp của Australia, điều này nghĩa là cần
phải nghĩ lại về một vài nỗ lực của chúng ta nhằm lảng tránh Toà án Công lý Quốc
tế và các cơ chế nhất định để giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.[1] Trong thế giới chưa hoàn hảo này, có một
sự bao dung đáng kể đối với các hành xử chưa hoàn hảo. Nhưng cách hành xử đạo đức
giả luôn luôn phản tác dụng. Rao giảng các chuẩn mực của một trật tự dựa trên
luật lệ cho người khác, nhưng bản thân lại rụt rè áp dụng một vài quy tắc đó
cho bản thân, không phải là hình ảnh tốt.
--------------
Gareth Evans là Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia
Australia, đồng Chủ tịch của Trung tâm toàn cầu về Trách nhiệm Bảo vệ. Ông cũng
từng là Chủ tịch của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế từ năm 2000 đến năm
2009, và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Australia từ năm 1988 đến năm 1996.
No comments:
Post a Comment