Tuesday, June 2, 2015

Một thời điểm để chọn lựa cho Đảng Cộng Sản (BNS Tổ Quốc, Số 205, Ngày 1-6-2015)





Được đăng ngày Chủ nhật, 31 Tháng 5 2015 18:47

Tương lai Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ ra sao chắc chắn là câu hỏi mà mọi đảng viên cộng sản đang đặt ra trong lúc này, nhất là các cán bộ và đặc biệt là các cấp lãnh đạo, trước đại hội 12 dự trù đầu năm tới.

Sự bối rối thấy rõ. Chỉ còn nửa năm nữa là đến đại hội nhưng tới nay chưa ai biết gì về những định hướng lớn của Đảng. Bối rối không phải vì thiếu thời giờ mà vì không có giải đáp cho những vấn đề đặt ra.

Gần nhất là sự nguy ngập về kinh tế. Chế độ đã gần như phá sản. Gần 3/4 số thu ngân sách phải dùng để trả lương, số còn lại không đủ để trả nợ. Còn gì để đương đầu với những chi phí tối cần thiết khác? Chế độ đã chỉ không chính thức phá sản nhờ tiền vay từ Trung Quốc nhưng chính Trung Quốc cũng bắt đầu khủng hoảng mạnh và chẳng bao lâu cũng sẽ không còn ngay cả khả năng để lo cho chính mình.

Trước khó khăn hầu như không có lối thoát đó nội bô Đảng Cộng sản lại phân hóa như chưa bao giờ thấy. Khủng hoảng không phải chỉ giới hạn trong bộ chính trị mà những tranh chấp đã quá lộ liễu, nó còn nghiêm trọng trong toàn bộ cơ cấu Đảng. Các đảng viên đã mất hết lòng tin vào chủ nghĩa xã hội, đa số thậm chí không còn biết chủ nghĩa này là gì, và nhìn các cấp lãnh đạo như những đầu sỏ tham nhũng, ngược lại các cấp lãnh đạo cũng chỉ nhìn các đảng viên cơ sở như những kẻ gian trá, thiếu cả khả năng lẫn đạo đức, chỉ dùng tư cách đảng viên để kiếm lợi.

Chọn lựa khó khăn lớn nhất là chính sách đối ngoại. Cho đến nay đồng thuận duy nhất trong ban lãnh đạo Đảng là chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc để tồn tại bất chấp dân tộc nhưng chính sách này không thể tiếp tục được nữa, vì một lý do giản dị Trung Quốc cũng đã chao đảo và không còn là một chỗ dựa nữa. Lối thoát bắt buộc là phải sáp lại với Hoa Kỳ và các nước dân chủ, cụ thể là tham gia khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, nhưng giải pháp này lại đòi hỏi phải từ bỏ chế độ toàn trị, điều mà Đảng Cộng Sản coi như đồng nghĩa với cái chết của chính mình.

Chọn lựa này gắn bó chặt chẽ với chọn lựa chính sách đối với các đòi hỏi dân chủ hóa trong nước. Đảng Cộng Sản sẽ xiết lại và gia tăng đàn áp chính trị hay sẽ nhượng bộ từng bước? Cũng tương tự như chính sách đối ngoại, đảng cộng sản coi bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát. Vấn đề là họ không thể dựa vào sự yểm trợ của một quan thày nào để khống chế nhân dân Việt Nam như một lực lượng chiếm đóng nữa. Họ sẽ rất cô lập và bối rối trong khi xã hội Việt Nam đã đủ mạnh và đủ tự tin để đòi hỏi những quyền con người cơ bản. Một lớp trí thức trẻ có kiến thức, có ý chí và dứt khoát khước từ chế độ độc tài đảng trị đã xuất hiện và ngày càng đông đảo hơn.

Và ai sẽ là những cấp lãnh đạo mới? Với hiến pháp 2013 Đảng Cộng Sản đã chuẩn bị cho một chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Nhưng cá nhân đó sẽ là ai? Đảng Cộng Sản không còn một khuôn mặt sáng giá nào để đảm nhận vai trò này. Người có nhiều triển vọng nhất, ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng lại chính là người mà bộ chính trị đã từng đề nghị kỷ luật vì bất tài và tham nhũng. Đây cũng chỉ là một chọn lựa tự sát.

Chung cuộc chọn lựa thực sự của Đảng Cộng sản chỉ là chọn lựa giữa hai vai trò tác nhân hoặc nạn nhân của cuộc chuyển hoá về dân chủ bắt buộc phải tới và sắp tới.

Ban biên tập Tổ Quốc

*

DOWNLOAD :







No comments: