30.06.2015
Ở Việt Nam lâu nay có một câu nói nổi tiếng thể hiện
hai khả năng chọn lựa trái ngang của đảng cầm quyền: “Đi với Trung Quốc thì mất
nước; đi với Mỹ thì mất Đảng.”
Sự thật thế nào?
Tôi không tin Trung Quốc có tham vọng đánh chiếm Việt
Nam. Họ chỉ cần chiếm đảo và biển. Nhưng khi đã chiếm đảo và biển, cộng với những
ảnh hưởng chằng chịt về cả kinh tế lẫn xã hội, Trung Quốc cũng dễ dàng khống chế
Việt Nam. Lúc ấy, họ muốn gì Việt Nam cũng đều tuân theo. Không cần tốn đạn và
không phải đối diện với rất nhiều rủi ro của chiến tranh, họ vẫn có thể có một
chư hầu và vẫn đạt được tất cả những gì họ muốn.
Nhưng còn mệnh đề thứ hai? Liệu nếu đi với Mỹ trong
trận chiến đối đầu với Trung Quốc, đảng Cộng sản có mất quyền lãnh đạo độc tôn
tại Việt Nam?
Tôi ngờ là không.
Mỹ thường xây dựng các chính sách ngoại giao của họ
trên hai nền tảng chính: nhân quyền và tinh thần thực tiễn luận (realism).
Trong các cuộc đối thoại với các nước khác, chính phủ
Mỹ vẫn thường xem việc tôn trọng nhân quyền như một trong những điều kiện đầu
tiên để nhận được viện trợ cũng như để trở thành đồng minh của Mỹ. Điều này có
ba lý do chính. Thứ nhất, người ta tin là để trở thành bạn, cả hai bên phải
chia sẻ với nhau một số bảng giá trị chung. Trong số các bảng giá trị ấy, nhân
quyền được xem là một giá trị có tính phổ quát nhất, được nhiều người tin tưởng
và ủng hộ nhất. Thứ hai, nền chính trị của quốc gia chỉ thực sự bền vững khi những
người cầm quyền biết tôn trọng nhân quyền, nghĩa là, với những mức độ khác
nhau, được dân chủ hoá. Và thứ ba, ở Mỹ, không ai có quyền tuyệt đối. Ngay cả tổng
thống Mỹ cũng chịu nhiều áp lực đến từ nhiều nguồn, trong đó, đáng kể nhất là
ngành lập pháp, đảng đối lập, giới truyền thông, và sau cả ba, là dân chúng. Mà
dân chúng Mỹ thì, theo truyền thống, vốn ưa chuộng tự do và đề cao tinh thần
dân chủ, ở đó, các quyền làm người phải được tôn trọng. Dưới các áp lực ấy, dù
muốn hay không, chính phủ Mỹ cũng xem nhân quyền là một trong những yếu tố quan
trọng nhất trong việc thiết lập các bang gia quốc tế.
Nhưng nền tảng thứ hai, tinh thần thực tiễn luận, lại
mâu thuẫn với nền tảng thứ nhất. Nói chung, các chính trị gia ở Mỹ hiếm khi là
những người sùng bái ý thức hệ (ideologist). Người Mỹ, bắt chước câu châm ngôn
của Lord Palmerston, một chính khách người Anh, thường nói: “Không có bạn vĩnh
viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu.” Nói
một cách vắn tắt: Họ chơi với bất cứ ai mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Vì những
lợi ích ấy, họ sẵn sàng nhân nhượng và hy sinh những đòi hỏi về nhân quyền và
dân chủ. Điều này giải thích lý do tại sao trong quá khứ cũng như trong hiện tại,
chính phủ Mỹ vẫn xem một số nhà độc tài là đồng minh thân cận. Trong quá khứ, họ
từng ủng hộ các chính quyền quân phiệt ở Guatemala, Brazil, Nicaragua, Chile
(thời Augusto Pinochet), Nam Triều Tiên (thời Park Chung-hee), Indonesia (thời
Suharto), Tây Ban Nha (thời Francisco Franco), v.v… cũng như các chế độ độc tài
ở Philippines (thời Ferdinand Marcos), Pakistan (thời Muhammad Zia-ul-Haq và
Pervez Musharraf), Ai Cập (thời Hosni Mubarak), Tunisia (thời Zine El Abidine
Ben Ali), v.v… Hiện nay, trong số các đồng minh gần gũi của Mỹ cũng không hiếm
quốc gia vẫn còn nằm dưới các chế độ chuyên chế hà khắc, trong đó, tiêu biểu nhất
là Saudi Arabia, Yemen, Oman, Equatorial Guinea và Turkmenistan.
Trong các quốc gia vừa nêu ở trên, có thể lấy Turkmenistan
là ví dụ. Tách ra khỏi khối Liên bang Xô Viết và trở thành một quốc gia độc lập
từ năm 1991, cho tới năm 2012, dưới thời tổng thống Saparmurat Niyazov và sau
đó, Gurbanguly Berdymuhamedov, Turkmenistan vẫn là một quốc gia độc tài độc đảng,
nơi mọi quyền tự do công dân đều bị hạn chế ngặt nghèo. Theo bảng xếp hạng về tự
do của tổ chức Phóng viên không biên giới năm 2014, Turkmenistan đứng hàng thứ
178 trong số 180 quốc gia, tức gần chót, về các quyền tự do ngôn luận. Nó được
xem là một trong 10 quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới. Hơn nữa,
chính phủ Turkmenistan còn có những chính sách kỳ thị chủng tộc đến độ các học
sinh có tên họ không phải người Turkmenistan đều bị gạch tên, không cho vào đại
học. Thế nhưng bất chấp sự độc tài và kỳ thị ấy, Mỹ vẫn xem Turkmenistan là một
đồng minh và vẫn viện trợ vũ khí cho Turkmenistan. Tại sao? Lý do chính là vì Mỹ
cần sự hợp tác của Turkmenistan để làm cầu nối từ đó, chuyên chở vũ khí và các
thiết bị quân sự phục vụ cho chiến trường ở Afghanistan.
Việt Nam có thể được xem là ngoại lệ trong bang giao
quốc tế của Mỹ như là Turkmenistan?
Có thể. Nếu Trung Quốc xem việc chiếm cứ Biển Đông
là một “lợi ích cốt lõi”, với Mỹ, Biển Đông cũng có một tầm quan trọng không
kém. Đó là một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất trên thế giới. Chiếm
trọn Biển Đông, Trung Quốc không những khống chế được Việt Nam mà còn khống chế
hầu hết các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á, trong đó, có nhiều nước là đồng
minh hoặc đối tác thương mại của Mỹ. Mất Biển Đông, vị thế siêu cường quốc của
Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, về phương diện quân sự, Mỹ cũng có nguy cơ bị
Trung Quốc uy hiếp. Bởi vậy, bằng mọi cách, chắc chắn Mỹ sẽ bảo vệ Biển Đông.
Nhưng việc bảo vệ ấy chỉ có hiệu quả với hai điều kiện: Một, Việt Nam phải
cương quyết chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc và hai, chính quyền Việt
Nam phải mạnh mẽ và sinh hoạt chính trị tại Việt Nam phải ổn định. Điều kiện thứ
hai này là một thuận lợi cho Việt Nam: Mỹ sẽ không mưu tính thay đổi chế độ tại
Việt Nam.
Dĩ nhiên, Mỹ cũng sẽ vẫn lên tiếng và gây sức ép để
Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Một mặt, đó là nguyên tắc ngoại giao họ thường
theo đuổi. Mặt khác, để đáp ứng các đòi hỏi của các tổ chức nhân quyền và đặc
biệt, của dân chúng Mỹ, trong đó, có nhiều người vẫn còn mang nặng những ký ức
cay đắng về cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng trước năm 1975. Những sức ép ấy, cuối
cùng, tuy không làm thay đổi thể chế chịnh trị tại Việt Nam, nhưng ít nhất,
chúng cũng làm cho Việt Nam được dân chủ hơn. Dù là thứ dân chủ có giới hạn.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ..
No comments:
Post a Comment