Mon, 06/29/2015 - 23:19 — nguyenthituhuy
Hôm nay tình cờ đọc được văn bản tuyên bố ra khỏi Hội
Nhà văn Việt Nam (HNVVN) của Ý Nhi, tự nhiên muốn viết truyện ngắn.
Vậy là có truyện này mua vui cho độc giả. Chắc cũng
mua vui được vài phút.
Một truyện ngắn, như các « nhà nghiên cứu hàn
lâm » ở Việt Nam thường nói, phá vỡ ranh giới thể loại : pha trộn hư
cấu, huyễn tưởng, và nghị luận, đồng thời mang màu sắc hiện thực huyền ảo trần
trụi.
Cái đơn của Ý Nhi thật tuyệt. Trong số gần cả ngàn hội
viên của HNVVN, cũng có vài nhà văn.
Hãy đọc lý do ra khỏi Hội của Ý Nhi :
Kính gửi Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam
Thưa quý ban,
Tôi tên là Hoàng Thị Ý Nhi, cán bộ Nhà xuất bản Hội
Nhà văn, hội viên Hội Nhà văn, kính trình bày quý ban việc sau : Tôi đề
nghị được ra khỏi Hội Nhà văn vì không tín nhiệm Tổng Thư ký. Một nhà thơ ở Hà
Nội nói với tôi : Hữu Thỉnh là một con Biến hình trùng. Tôi thấy
nhận xét này rất thâm thúy, vừa chính xác vừa có tính gây cười. Tôi không thể ở
trong một tổ chức có lãnh đạo như vậy.
Nhà văn là như vậy đấy.
Ý Nhi là nhà văn.
Ý Nhi ra khỏi Hội từ năm 2002, từ đó đến nay đã mấy
mùa đại hội, Hữu Thỉnh không thể không biết, đặc biệt với một cái đơn như vậy,
Hữu Thỉnh không thể không nhớ.
Vậy tại sao Hữu Thỉnh cho tên Ý Nhi vào danh sách những
người bị gạch tên ?
Tại sao ư ?
Lãnh đạo HNVVN đã muốn « tuyệt
đối cấm chỉ sự suy diễn » thì một người làm văn chương lại càng cần phải
thực hiện cái công việc diễn giải ấy mà Hội muốn cấm chỉ tuyệt đối.
Tôi chẳng phải là hội viên của HNVVN nên Hội có muốn
cấm cũng không được.
Tôi đưa ra ở đây một lý giải mang tính văn học, và
hơn cả văn học. Dù sao tôi cũng đã báo trước cho độc giả rằng có thể đọc bài
này như một truyện ngắn.
Hữu Thỉnh đưa tên Ý Nhi vào danh sách để thông qua
bàn tay các hội viên mà hạ bệ Ý Nhi. Để có được cái cảm giác thỏa mãn nhìn tên
Ý Nhi bị gạch.
Như đã nói, Hữu Thỉnh có thể chỉ đạo loại bỏ chín
nhà văn đó ra khỏi danh sách bầu. Nhưng Hữu Thỉnh cần nhìn thấy một cách rõ
ràng mấy cái tên ấy bị gạch bỏ, để cảm nhận quyền lực của mình, và để thỏa mãn
khao khát trả thù tên tuổi của họ. Và để cảm nhận được lòng trung thành vô bờ bến
của đám hội viên cấp dưới. Quyền lực của ông ta được thiết lập nhờ sự phục tùng
ấy. Đó là nguyên tắc chung của quyền lực trong hệ thống toàn trị. Hữu Thỉnh là
một bộ phận của hệ thống ấy, Hữu Thỉnh tạo thành hệ thống ấy. Qua trường hợp Hữu
Thỉnh ta có thể thấy hệ thống toàn trị vận hành như thế nào, và có thể thấy được
nguyên lý thực thi của quyền lực toàn trị.
Sau khi bị phản ứng mạnh mẽ của một số nhà văn và
công luận vì vụ chỉ đạo gạch tên tại Tp HCM, Hữu Thỉnh quay ra chỉ đạo
« khoanh tên » ở đại
hội Nhà văn Khu vực cơ quan Trung ương Hội tại Hà Nội, và các đại
hội sau đó. Dĩ nhiên, dù gạch hay khoanh thì cũng phải theo chỉ đạo của Hữu Thỉnh.Và
việc đưa tên Nguyên Ngọc vào danh sách « khoanh » có cùng một logic với
việc đưa tên Ý Nhi vào danh sách « gạch ».
Nguyên Ngọc đã công khai tuyên bố ra khỏi HNVVN, cả
nước biết (hơn thế, cả thế giới biết) ; dư luận viên đã kịp chào đón nồng
nhiệt bằng những chỉ trích đặc thù, đặc thù đến mức người ta không thể không nhận
thấy rằng chỉ trích kiểu đó thì chỉ có thể thuộc về thẩm quyền của dư luận viên
mà thôi.
Một người có lòng tự trọng tối thiếu thì hẳn đã phải
bỏ tên Nguyên Ngọc ra ngoài. Nhưng Hữu Thỉnh vẫn đưa Nguyên Ngọc vào danh sách
« khoanh ».
Vì sao ? Bằng việc thông qua bàn tay hội viên, bắt hội viên
« khoanh » tên Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh muốn tuyên bố rằng :
« Ông muốn ra ư ? Tôi không cho ông ra. Tôi bắt ông phải ở trong cái
sọt của tôi đấy. Tôi cho quân của tôi khoanh ông lại đấy ». Nhưng cái
"tuyên bố" ngầm ấy nó thảm hại tột đỉnh, bởi nó chẳng tác động gì tới
Nguyên Ngọc hay bất kỳ ai.
Ông ta mượn bàn tay của hội viên để đánh những người
dám tham gia Văn đoàn độc lập. Hội viên của ông ta mới ngoan ngoãn làm sao, mới
tận tụy với ông ta làm sao.Trong khi, nếu không tuân lệnh họ cũng chẳng mất gì.
Bằng chứng là ở Tp HCM các hội viên phải gạch tên những người tham gia Văn đoàn
Độc lập, nhưng ở Hà Nội, các hội viên lại phải khoanh tên người sáng lập Văn
đoàn Độc lập. Chẳng có logic nào, hoàn toàn tùy tiện, đúng như bản chất tùy tiện
của chế độ. Và cũng chẳng có nguy hiểm nào nếu không gạch, hoặc không khoanh.
Vậy, vì sao hội
viên phải phục tùng Hữu Thỉnh ? Thế thì mức độ thê
thảm nó mới thật là ghê gớm thay. Những hội viên thuộc diện « bảo gạch thì
gạch mà bảo khoanh thì khoanh » ấy, trên thực tế, đã đánh mất khả năng suy
nghĩ, khả năng phân định, khả năng phán xét và khả năng tự quyết định, đánh mất
lương tâm và trách nhiệm. Hoàn toàn đúng như nhận định của Václav Havel :
«Giá phải trả là từ bỏ tư duy duy lí, từ bỏ lương tâm và trách nhiệm,
[…] giao phó toàn bộ suy nghĩ và lương tâm cho cấp trên »
(Trích « Quyền lực của kẻ không quyền lực », bản dịch của Phạm
Nguyên Trường).
Chao ôi, nhà văn Việt Nam đấy ! Nhà văn mà như
vậy thì hỏi làm sao mà đạo đức xã hội không suy đồi, văn hóa không suy
vong ??? Đi tìm căn nguyên ở đâu xa xôi làm chi cho mệt !
Đấy là lý do vì sao tôi hãi hùng khi nghĩ rằng có thể
vài người viết mà tôi quen đã làm cái thao tác gạch tên ấy. Đấy là lý do vì sao
đối với tôi họ không phải là nhà văn.
Có ai trong số các dũng sĩ gạch tên ấy, vào cái giây
phút đối diện với tờ danh sách, nẩy sinh trong đầu câu hỏi « gạch hay
không gạch ? ».
Tôi cho rằng cái câu hỏi « gạch hay không gạch ? »
ấy, nó cũng tương đương với câu hỏi « To be or not to be » của Hamlet
cơ đấy. Không đùa đâu. Đại hội các cấp nghiêm túc như vậy, hoành tráng như vậy,
ý nghĩa như vậy, tốn kém như vậy, tôi nào đâu dám đùa. Lẽ nào ý thức nhà văn, ý
thức làm người đã bị triệt tiêu đến mức một câu hỏi như thế không thể nào được
đặt ra trong đầu các công cụ của Hữu Thỉnh ?
Tôi chờ đợi đại hội khóa IX với một sự tò mò kinh khủng.
Dĩ nhiên, nếu theo những gì đã thành quy luật, chẳng
khó để hình dung rằng, như mọi đại hội ở Việt Nam, đại hội khóa IX này sẽ thành
công rực rỡ trên các mặt báo chính thống, ít nhất là các báo của Hội.
Dĩ nhiên, cũng theo quy luật, Hữu Thỉnh sẽ chọn người
kế nhiệm xứng đáng với ông ta, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của bộ máy công cụ khổng lồ
của ông ta. Nhưng không chừng cái con Biến hình trùng ấy sẽ lại tiếp tục được đặt
lên ghế chủ tịch, nhờ có đảng kéo từ bên trên và hội viên đẩy từ bên dưới.
Trừ phi, đến một ngày, người ta không muốn hạ mình
xuống hàng công cụ nữa.
Trừ phi, đến một ngày, đột nhiên ý thức lương tâm tỉnh
khỏi giấc hôn mê sâu của nó… và hội viên HNVVN cảm thấy hãi hùng cho cái vị thế
thê thảm của mình.
Chỉ cần có tí chút lương tâm thì sẽ thấy, chẳng có
lý do nào cho HNVVN tồn tại. Chẳng hề có lý do nào để tiêu tiền thuế của nhân
dân cho các hoạt động không những vô bổ mà còn có hại của Hội.
Có bao giờ hội viên HNVVN đặt ra câu hỏi này :
lý do nào cho phép sử dụng tiền thuế của người dân cho các đại hội được tổ chức
khắp nơi của HNVVN ? Lý do nào cho phép sử dụng tiền thuế của người dân để
trả tiền vé máy bay cho chủ tịch Hội và các hội viên bay ra bay vào, để trả tiền
khách sạn và tiệc tùng các kiểu cho chủ tịch Hội, cho bộ máy của Hội và các hội
viên ?
Nếu tự đặt ra câu hỏi ấy thì chắc chắn câu trả lời sẽ
là : không có lý do nào cả.
Nhưng chính phủ thì có lý do để chi tiền thuế của
người dân cho bộ máy cồng kềnh và tốn kém của HNVVN. Lý do đó là : sử dụng
các nhà văn như công cụ để bảo vệ chế độ, hoặc nếu không thì ít nhất cũng để quản
lý, tức là kiểm soát nhà văn.
Vì thế mà sau khi Liên Xô tan rã, Hội nhà văn Nga trở
thành một Hội phi chính phủ, và dĩ nhiên không còn hoạt động bằng ngân sách của
nhà nước nữa.
HNVVN lẽ ra phải là một hội độc lập, hoạt động bằng
kinh phí do Hội tạo ra, và phải làm nhiệm vụ của một Hội trí thức : chống
quyền lực.
HNVVN hiện nay không hề thực hiện nhiệm vụ chống quyền
lực. Trái lại, nó đã và đang là công cụ đắc lực phục vụ cho quyền lực chính trị
thống trị tại Việt Nam, bằng cách đàn áp tự do sáng tạo, tự do học thuật, đàn
áp nhân dân.
Bằng chứng ư ? Khỏi cần nhắc lại vụ Nhân
văn Giai phẩm. Khỏi cần nhắc lại những câu thơ rợn người của Tố Hữu :
« Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ ».
Chỉ cần nhìn vào hiện tại thôi cũng đã có thể thấy
rõ HNVVN đang phục vụ quyền lực ra sao. Trong vụ Nhã Thuyên, HNVVN đã trở thành
công cụ đắc lực cho Phan Trọng Thưởng và Ban Tuyên giáo. Chưa ai quên Phan Trọng
Thưởng, trong vai đao phủ, đã triệt hạ tự do học thuật, tự do sáng tạo như thế
nào. Các cơ quan ngôn luận của HNVVN (báo Văn nghệ, Văn nghệ Tp HCM, tạp chí
online của HNV…), trong vai trò nô dịch của mình, đã tổ chức đánh Nhã Thuyên và
không hề cho phép những người bênh vực Nhã Thuyên được công bố. HNVVN, qua vụ
việc Nhã Thuyên, đã bộc lộ đầy đủ thân phận bảo kê cho quyền lực, sát hại nhà
văn, sát hại văn học và nghiên cứu văn học. Tiền thuế của nhân dân không thể được
dùng để nuôi bộ máy đao phủ ấy. Dĩ nhiên, thành viên của một cái hội như thế
không thể nào được gọi là nhà văn, theo định nghĩa riêng của tôi.
Hy vọng vào ý thức lương tâm của hội viên HNVVN lẽ
nào là một hy vọng viển vông ?
Thử hỏi làm sao mà văn hóa không suy, đạo đức không
tàn, khi nhà văn, vốn là tiếng nói lương tâm của xã hội, giờ đây đã thành ra
như vậy ?
Xin kết thúc bài này bằng một đoạn trích của một nhà
văn Nga, Alexander Solzhenitsyn (trích « Sống không dối trá »,
bản dịch của Phạm Nguyên Trường) :
« Chúng ta đã bị mất nhân tính đến mức chỉ
vì một bữa ăn đạm bạc của ngày hôm nay mà chúng ta vất bỏ tất cả các nguyên tắc
của mình, vất bỏ tâm hồn của mình, vất bỏ tất cả những cố gắng của tiền nhân và
những cơ hội dành cho hậu thế ».
Paris, 29/6/2015
Nguyễn
Thị Từ Huy
No comments:
Post a Comment