Friday, June 26, 2015
Như tin mà nhóm Vì Một Hà Nội Xanh đã đưa,
vào chiều 23/6/2015, Phòng Tiếp Công dân UBDN TP Hà Nội đã mời hai đại diện của
nhóm đến làm việc – nguyên văn thư mời là “trao đổi về nội dung đơn của Ông, Bà
gửi UBND TP (ghi ngày 28/5/2015), liên quan đến việc chặt hạ, thay thế cây
xanh”.
Ngay từ đầu cuộc trao đổi kéo dài hơn một tiếng này,
phía các quan chức của UBND đã tỏ rõ tâm lý muốn lấn át, bắt nạt hai người dân
đại diện cho một nhóm dân sự đang bị coi là “phản động” hoặc “bị thế lực thù địch
giật dây”. Đó là khi ông Phó Chánh Văn phòng UBND TP Phạm Chí Công tung đòn phủ
đầu: “Theo Điều 6, Nghị định 90 (tức là Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013,
quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn được giao – NV), điều kiện để cơ quan nhà nước giải trình
là vấn đề phải trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có đề nghị. Cho nên với cái nội dung này, chúng tôi không giải
trình”.
Trong toàn bộ cuộc nói chuyện, ông cũng thường xuyên
lặp đi lặp lại ý đó với thái độ kẻ cả và miệt thị người đối thoại: “Anh chị
cùng một số người dân dùng từ này trên đơn là không đúng pháp luật”, “Anh chị đọc
Nghị định 90 mà anh chị không nắm đúng tinh thần nên chúng tôi giải thích cho
anh chị rõ”, “Đề nghị các anh chị nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để
có kiến nghị, phản ánh đúng quy định”, v.v.
Ở đây, tạm không bàn đến vấn đề thái độ của một quan
chức trong khi tiếp dân, thì vẫn phải nhận xét rằng ông Phạm Chí Công nói riêng
và các đại diện của chính quyền nói chung trong cuộc tiếp dân ngày 23/6 đã phạm
nhiều sơ hở và sai lầm nghiêm trọng trong lập luận, cho thấy hiểu biết còn hạn
chế của họ về pháp luật và hành chính công.
Hình : "Tiếp dân": Mời các anh chị đi ra!
Lập
luận 1: Về yêu cầu “phải liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp”
Điểm chính yếu mà UBND TP Hà Nội bám vào để bác bỏ
việc trả lời văn bản yêu cầu giải trình của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh là “Điều 6,
Nghị định 90/2013/NĐ-CP” về điều kiện tiếp nhận đơn, theo đó “nội dung yêu cầu
giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức,
cá nhân có yêu cầu giải trình”.
(Xin nhắc để Ban Tiếp Công dân sửa lại là Nghị định
này được ban hành ngày 8/8/2013 chứ không phải ngày 17/7/2013 như quý Ban đã
ghi sai trong biên bản làm việc).
Vậy, mấu chốt ở đây là phải làm rõ xem việc chặt hạ,
thay thế cây xanh có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các
cá nhân đứng tên yêu cầu giải trình hay không. Nói chung, không khó khăn gì lắm
để gần 70 người có tên trong văn bản yêu cầu giải trình chứng minh được sự tồn
tại của cây xanh Hà Nội có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của
họ, ví dụ họ có thể chỉ ra rằng họ sinh sống ở thủ đô, họ thường xuyên phải ra
ngoài đường, và cây xanh ít nhất thì cũng có tác dụng che mưa che nắng cho họ,
lớn hơn nữa thì mang lại bầu không khí trong lành cho đô thị, làm đẹp cảnh
quan, và họ cũng có quyền được hưởng những lợi ích đó. Chặt hạ cây tác động xấu
tới môi sinh; còn thay thế cây thì rõ ràng thay những cây bóng mát lâu năm bằng
những cây khẳng khiu trụi lá cũng tương đương một sự phá hoại. Điều đó ảnh hưởng
tới lợi ích của ít nhất 70 con người và là ảnh hưởng trực tiếp, vì mọi hoạt động
sinh sống, hít thở, đi lại… đều chịu tác động trực tiếp từ môi trường, từ không
khí mà cây xanh giúp lọc, không thông qua trung gian nào.
Vấn đề ở đây là, nếu 70 người đứng đơn nói rằng việc
chặt cây có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, còn UBND
– cơ quan hành pháp – bảo rằng không có liên quan gì cả, thì ai, cá nhân hay tổ
chức nào sẽ là nơi phân giải?
Ở một nhà nước pháp quyền, điều này được quyết định
bởi tòa án hay nói cách khác, quyền giải thích pháp luật thuộc về cơ quan tư
pháp. Và ta cũng có thể thấy ngay, là trong một xã hội văn minh thì nhận thức
thông thường, lẽ phải thông thường (common sense) sẽ đứng về phía người dân
trong trường hợp này mà thừa nhận rằng chặt hạ, thay thế cây xanh là gây thiệt
hại trực tiếp đến dân.
Ở Việt Nam thì không thế. Việc giải thích pháp luật
hiện nay thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là nhánh lập pháp chứ không phải
tư pháp. Đây là một bất cập, một khuyết tật của hệ thống, bởi cơ quan lập pháp
giữ quyền giải thích những văn bản do chính họ vẽ ra, cũng giống như vừa đá
bóng vừa thổi còi, hay một phóng viên vừa viết bài vừa tự đăng bài, không cần
biên tập viên vậy.
Trong vụ cây xanh, thực tế của cuộc gặp hôm 23/6 còn
tệ hơn thế nữa.
Hình : Nghị định 90/2013/NĐ-CP ra ngày 8/8/2013 chứ không phải 17/7/2013, thưa
các quan/công chức.
Lập
luận 2: Dân không có quyền chất vấn hay yêu cầu giải trình
Đây là một lập luận lố bịch khác của các quan chức
UBND TP. Họ dẫn và tự ý diễn giải Điều 6 Nghị định 90 đã là sai, và còn sai hơn
khi mà lẽ ra, họ phải dẫn Điều 3:
Điều 3. Giải thích từ ngữ. Trong Nghị định này, các
từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giải trình là việc cơ quan Nhà nước cung cấp, giải
thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách
nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.
2. Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá
nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội
dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Căn cứ Khoản 2, Điều 3, có thể khẳng định: Cá nhân
(tức công dân) có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình.
Vừa
làm sai thẩm quyền, vừa “cả vú lấp miệng dân”
Như đã nói ở trên, quyền diễn giải pháp luật, ở Việt
Nam, thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Thực ra điều này cũng không phải nhà
nước Việt Nam tự nghĩ ra, mà họ học từ mô hình của ông anh Trung Quốc, và có lẽ
đây cũng là đề tài tốt cho các nhà phân tích, nhưng nó nằm ngoài khuôn khổ bài
viết).
Khoản 2, Điều 74 Hiến pháp Việt Nam (2013) quy định Ủy
ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “(...) Ra pháp
lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”.
Hiến pháp và luật pháp Việt Nam không quy định ai là
người có quyền giải thích nghị định, thông tư, quyết định của các loại UBND cấp
huyện/xã. Do vậy, UBND TP Hà Nội cũng có thể lấy đó làm lý do để bảo rằng Ủy
ban Thường vụ Quốc hội không phải là cơ quan giải thích Nghị định 90.
Tuy nhiên, vấn đề là Nghị định 90 lại được xây dựng
căn cứ vào Luật số 27/2012/QH13 (là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng, Chống tham nhũng). Điều 6 của Nghị định 90 là sự hiện thực hóa, cụ thể
hóa Điều 32a của Luật số 27/2012/QH13 về trách nhiệm giải trình:
Điều 32a. Trách nhiệm giải trình
Khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải
giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác
động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó.
Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ
quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình.
Nói cách khác, Nghị định 90 là sự hiện thực hóa Luật
số 27/2012/QH13. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ thẩm quyền giải thích
Nghị định 90 và là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới là nơi tuyên bố việc
chặt hạ, thay thế cây xanh tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của
dân, chứ không phải cơ quan hành pháp (UBND, TTCP) của ông Phạm Chí Công hay
các ông bà có mặt trong cuộc gặp ngày 23/6.
Cho nên, cần phải khẳng định rằng việc các ông bà đại
diện cho UBND TP tự ý diễn giải Nghị định 90 để dùng nó bác bỏ văn bản yêu cầu
giải trình của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, là sai thẩm quyền, vượt thẩm quyền.
Ai cho phép họ làm điều đó?
Ngay trong nội bộ hệ thống hành pháp, UBND cũng
không có quyền giải thích luật, khi mà họ chỉ là đơn vị hành chính cấp dưới. Họ
không có quyền tự ý giải thích các quy định của cơ quan cấp trên – trong trường
hợp này là chính phủ, cơ quan làm ra Nghị định 90.
Nền luật pháp Việt Nam sẽ ra sao nếu mỗi UBND tỉnh
trên cả nước đều tự ý giải thích một nghị định theo hướng có lợi cho họ?
Đó là chưa kể, ngay cả chính phủ cũng không có quyền
giải thích luật do chính nó ban hành. Trong một nhà nước pháp quyền, đó là công
việc của tư pháp. Nếu Việt Nam tự nhận mình là nhà nước pháp quyền thì hãy để
tòa án có thêm vai trò và sự độc lập.
Hình : "Tiếp
dân".
Đối thoại với dân khó thế sao?
Trong vụ cây xanh, nếu vấp phải một văn bản yêu cầu
giải trình từ phía người dân, việc đúng mà UBND TP Hà Nội lẽ ra nên làm là gửi
văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và/hoặc cơ quan ban hành nghị định diễn
giải giúp nó xem trường hợp này là ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến quyền
và lợi ích hợp pháp của dân (và theo lẽ phải thông thường thì Ủy ban Thường vụ
Quốc hội sẽ phải trả lời một cách công bằng, là việc chặt cây gây ảnh hưởng trực
tiếp).
Còn những việc sai mà UBND TP Hà Nội đã làm, là:
- Tự ý diễn giải luật pháp, sai thẩm quyền, vượt thẩm quyền cho phép;
- Diễn giải sai luật;
- Tự ý bịa ra chuyện “dân chỉ có quyền đề nghị, kiến nghị, tố cáo, phản ánh; không có quyền chất vấn hay yêu cầu giải trình”;
- Tự ý bịa ra chuyện “người dân thực hiện quyền quản lý nhà nước của mình thông qua đại diện; thứ nhất là quốc hội, thứ hai là đơn thư phản ánh, kiến nghị, và việc trưng cầu ý dân”: Không biết lý thuyết này mọc ra từ đâu vậy, thưa các vị quan chức và công chức của UBND TP Hà Nội? Trưng cầu dân ý là “thông qua đại diện” ư?
- Cậy số đông và cậy quyền thế để “cả vú lấp miệng em”, bắt nạt dân thường.
Với từng ấy sai phạm và thiếu hiểu biết, có lẽ UBND TP cũng khó mà học được gì thêm trong chuyện thái độ và cung cách ứng xử với dân – vốn là việc đòi hỏi một sự tinh tế và trình độ nhất định.
Posted by Đoan Trang at 10:41 AM
No comments:
Post a Comment