Người dịch: Trần Văn Minh
Tôi vừa xem qua những bài viết gần đây của ông Greg
Austin trên tờ The Diplomat về những diễn biến gần đây ở Biển Đông với đôi mắt
đầy ngạc nhiên. Trong bài đầu, ông Austin bàn luận sơ qua về tình hình Biển Đông và trích dẫn sai một
nguồn tin bên ngoài để ám chỉ rằng Việt Nam là kẻ xâm lấn lớn nhất trong khu vực
này. Trong bài thứ hai, ông đã cố gắng làm mờ nhạt vấn đề bằng cách biện giải rằng câu hỏi ai
đúng ai sai ở Biển Đông không quan trọng bằng việc tìm kiếm một giải pháp chính
trị để giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Theo sự hiểu biết chung trong quan hệ quốc tế, cụm từ
‘kẻ xâm lấn’ được sử dụng để mô tả một kẻ tấn công hay cưỡng ép người khác để đạt
được các mục tiêu chính trị. Vì vậy, bằng cách gọi một nước là kẻ xâm lấn thì
điều quan trọng là phải đi tìm nạn nhân của hắn. Việt Nam chưa bao giờ bị bất kỳ
một nước ASEAN nào có yêu sách chủ quyền quy lỗi do hoạt động phòng thủ ở Biển
Đông. Trong những năm gần đây, quân đội Việt Nam và Philippines đồn trú ở quần
đảo Trường Sa thậm chí đã tổ chức các trận tranh tài thể thao thường xuyên và
chia sẻ thức uống qua lại, một hành động chỉ có thể có giữa những người bạn thực
sự, không phải giữa một kẻ xâm lấn với nạn nhân của hắn.
Gọi Trung Quốc là nạn nhân của Việt Nam ở Biển Đông
là người không có đầu óc. Trung Quốc có thể có lý để tự cho mình là một nạn
nhân của các nước phương Tây trong thời kỳ thuộc địa (và Việt Nam “xứng tên”
hơn Trung Quốc rất nhiều trong ý nghĩa đó), nhưng thật vô lý khi cho rằng Trung
Quốc là nạn nhân của sự xâm lấn của Việt Nam ở Biển Đông. Bắc Kinh đã xem Biển
Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của họ. Dựa vào khả năng đầy đủ và áp đảo,
Bắc Kinh đã, một cách nhanh chóng và lấn át, mở rộng sự hiện diện thực sự và
quyền kiểm soát trong khu vực. Trong những năm qua, Bắc Kinh thiết lập các đơn
vị hành chánh mới trong khu vực, sử dụng tàu thuyền của nhà chức trách để xua
đuổi tàu đánh cá của ngư dân Đông Nam Á khỏi ngư trường truyền thống của họ ở
Biển Đông, và gây áp lực lên các công ty dầu khí nước ngoài, buộc họ phải rút
lui khỏi hợp đồng với các đối tác Đông Nam Á ở Biển Đông.
Về mặt địa lý, Bắc Kinh bằng một cách mơ hồ nhưng mạnh
mẽ, đã tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông kể từ khi họ đệ trình tuyên bố đường
lưỡi bò [lên Liên Hiệp Quốc] vào năm 2009. Họ mở rộng kiểm soát về phía đông của
Biển Đông bằng cách chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012. Trong phần
phía tây của Biển Đông, Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí của Việt
Nam năm 2011, và với sự bảo vệ của một hạm đội tàu gồm trên 100 chiếc, bao gồm
một số tàu chiến vào năm 2014, đã lắp đặt giàn khoan dầu khổng lồ CNOOC-981 sâu
bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Từ năm 2014, Trung
Quốc đã nhanh chóng mở rộng về phía nam bằng cách cải tạo đất với quy mô lớn
trên bảy cấu trúc do họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, tạo ra những hòn đảo
nhân tạo khổng lồ có khả năng lưu trữ vũ khí hạng nặng, như chiến đấu cơ lớn và
tàu chiến hạng nặng.
Hành động của Trung Quốc đã bị các nước Đông Nam Á
phản đối mạnh mẽ. Khi các cuộc đối thoại chính trị thất bại, Philippines đã phải
sử dụng giải pháp hòa bình cuối cùng là đệ trình vấn đề tranh chấp với Trung Quốc
lên tòa án quốc tế. Những chứng cứ này giúp cho việc đánh giá ai thực sự là kẻ
xâm lấn ở Biển Đông.
Về mặt kỹ thuật, ông Austin đánh lạc hướng độc giả bằng
cách viết rằng Việt Nam đã mở rộng kiểm soát ở quần đảo Trường Sa từ 24 thực thể
trong 1996 lên tới 48 thực thể trong năm 2015. Viết cho chính xác là “Việt Nam
có 48 tiền đồn” trong khu vực này. Số lượng các thực thể do Việt Nam chiếm đóng
vẫn như cũ, là 21, và Việt Nam chỉ dựng lên vài tiền đồn mới và rất nhỏ trên
các thực thể đã do Việt Nam kiểm soát để giám sát khu vực tốt hơn. So sánh các
cấu trúc nhỏ xíu như vậy với việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo lớn như các thị
trấn nhỏ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển ở Biển Đông, thì rõ
ràng là không công bằng.
Sau cùng, ông Austin đã đúng khi nói rằng điều quan
trọng là tìm kiếm một giải pháp để giải quyết các tranh chấp hòa bình. Nhưng
nói ra ai đúng ai sai cũng không kém phần quan trọng, vì điều này sẽ cho chúng
ta thấy những gì cần được khuyến khích và những gì cần phải loại bỏ ngay lập tức.
Và đối với một giải pháp chính trị mang tính chất bao quát về các tranh chấp ở
Biển Đông – như ông đề nghị – để được vững bền, tất cả các bên liên quan, gồm cả
các quốc gia không có yêu sách, phải tham gia. Trong ý nghĩa đó, Mỹ và Nhật Bản
trong vai trò cung cấp thông tin, tạo điều kiện để xây dựng lòng tin, và các nước
quan tâm nên được hoan nghênh.
* Tuấn Hà (PhD) là một nhà nghiên cứu tại Học
viện Ngoại giao Việt Nam. Chủ đề nghiên cứu của ông là quan hệ quốc tế của khu
vực châu Á-Thái Bình Dương. Luận án tiến sĩ của ông Tuấn là về chính sách Biển
Đông của Trung Quốc.
-----------------------------
24 tháng 6 2015
.
By Nguyen Hong Thao
June 24, 2015
.
By Tuan Ha
June
23, 2015
.
Right
and Wrong on the South China Sea
By Greg Austin
June 22, 2015
.
Who
Is the Biggest Aggressor in the South China Sea?
By Greg Austin
June 18, 2015
No comments:
Post a Comment