Monday, June 29, 2015

Chế độ bảo hiểm sức khỏe cho toàn dân tại Hoa Kỳ sắp hoàn thành! (Trần Bình Nam)





Trần Bình Nam
Posted on 28/06/2015 by Doi Thoai

  Ngày 25/6, sau 3 tháng cân nhắc vụ kiện King vs. Burwell (công dân David King kiện bà Sylvia  Burwell, bộ trưởng bộ Y tế và An sinh Xã hội Hoa kỳ), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phán quyết bộ Y tế thắng với đa số 6 phiếu chống 3. Phán quyết này cho phép Bộ Y tế tiếp tục trợ cấp cho những người lương thấp mua bảo hiểm tại chợ bán bảo hiểm (health exchanges) do Chính phủ Liên bang thiết lập tại các tiểu bang không chịu thiết lập chợ bán bảo hiểm theo tinh thần của luật bảo hiểm sức khỏe toàn dân (Affordable Cate Act – ACA) ban hành ngày 23/3 năm 2010 (1)

          Vụ kiện này có tính kỹ thuật dựa vào một câu văn (đúng ra là mấy chữ) trong bộ luật ACA do quốc hội biểu quyết và Tổng thống Obama ký ban hành. Bộ luật nhắm mục đích chính là tạo điều kiện và nếu cần thì bó buộc mọi người dân phải mua bảo hiểm sức khỏe. Hoa Kỳ là nước tiến tiến duy nhất trên thế giới không có bảo hiểm y tế toàn dân. Con số không có bảo hiểm vào đầu năm 2010 lên đến 32 triệu người .

          Bộ luật ACA dày 955 trang có nhiều điều khoản nhưng quan trọng nhất là hai điểm gây tranh cãi và những người bảo thủ, đa số thuộc đảng Cộng Hòa nắm lấy đưa ra tòa kiện nhắm mục đích hủy bỏ luật ACA. Điểm thứ nhất quy định ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Điểm thứ hai là các tiểu bang tùy nghi thành lập chợ bảo hiểm (health exchanges) để bán bảo hiểm cho những người dân buộc phải mua bảo hiểm. Ai có lợi tức thấp sẽ được Chính phủ Liên bang trợ cấp. Và luật ghi: số tiền trợ cấp thay đổi tùy giá bảo hiểm “thành lập bởi các tiểu bang” (established by the states).  Mấy chữ “thành lập bởi các tiểu bang” đặt thành một vấn đề. Những người chống luật ACA lập luận rằng, như vậy ở các tiểu bang không chịu thiết lập chợ bán bảo hiểm và chính phủ liên bang phải lập chợ thì những ai mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm liên bang sẽ không được trợ cấp theo văn từ của luật.

          Trở lại một chút lịch sử của vấn đề bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ.  Như đã nói, ngày 23 tháng 3 năm 2010 Tổng thống Obama ký ban hành luật ACA nhắm cung cấp bảo hiểm cho mọi người dân, một chương trình bảo hiểm được gọi một cách bình dân là Obamacare . Mặc dù nguyên tắc bảo hiểm sức khỏe cho mọi người  được áp dụng tại hầu hết các quốc gia tiên tiến Tây Phương, tại Hoa Kỳ thành phần bảo thủ vẫn chống nguyên tắc bảo hiểm sức khỏe cho mọi người  vì quan niệm rằng sẽ sinh ra tệ trạng lười biếng không chịu làm việc.

          Cách chống luật ACA đơn giản nhất là thông qua một luật minh thị bãi bỏ luật ACA. Nhưng đảng Cộng Hòa biết rằng dù có đa số tại cả hai viện Quốc hội và biểu quyết bãi bỏ luật ACA cũng không được vì Tổng thống Obama sẽ phủ quyết vả đảng Cộng Hòa sẽ không đủ phiếu (2/3 tại mỗi Viện) để vô hiệu hóa phủ quyết của tổng thống.

          Cho nên đảng Cộng Hòa vin vào Hiến pháp và ngôn từ trong bộ luật ACA đệ đơn ra tòa liên bang kiện tính vi hiến để vô hiệu hóa bộ luật ACA. Hơn 30 vị thống đốc Cộng Hòa đứng đơn kiện rằng: “Luật ACA quy định phạt công dân không mua bảo hiểm vi phạm quyền tự do mua gì hay không mua gì của người dân quy định trong Hiến pháp.” Đảng Cộng Hòa biết vụ kiện quan trọng này sẽ tới Tối cao Pháp viện. Và họ hy vọng 5 quan tòa có khuynh hướng bảo thủ trong 9 quan tòa hiện nay sẽ phán quyết nghiêng về phe bảo thủ.

          Nhưng ngày 28/6/2012 Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phán quyết tối hậu về tính cách hợp hiến hay vi hiến của ACA cho rằng tiền phạt nếu không mua bảo hiểm qua các chợ bảo hiểm (exchanges) là tiền thuế. Và chính phủ không vi phạm Hiến pháp khi buộc dân đóng thuế. Phán quyết này duy trì tính hợp hiến của luật ACA (2).

          Điểm tranh cãi thứ hai như đã nói, Tối cao Pháp viện giải quyết ngày 25/6 khi phán quyết rằng tuy câu văn không rõ nhưng trong khi thảo luận quốc hội không minh thị rằng sự trợ cấp này chỉ dành cho những ai mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm của tiểu bang thôi và qua ý của toàn bộ luật là tạo điều kiện cho mọi người  mua bảo hiểm. Cho nên tòa phán quyết ai cũng được trợ cấp cả dù mua bảo hiểm qua chợ bảo hiểm thiết lập bởi tiểu bang hay liên bang. Nếu Tối cao Pháp viện phán quyết ngược lại thì khoảng 6 triệu người sống tại các tiểu bang không thiết lập chợ bảo hiểm (và đã mua bảo hiểm qua các chợ bảo hiểm liên bang và đang được trợ cấp) sẽ mất trợ cấp. Kết quả, đa số trong số 6 triệu người này không đủ sức mua bảo hiểm đành chịu đóng thuế phạt. Chợ bảo hiểm ít khách buộc phải tăng tiền mua bảo hiểm và tạo ra một xáo trộn lớn cho thị trường bán bảo hiểm sức khỏe.

          Phán quyết 6-3 ngày 25/6 vừa qua tuy không có tính sinh tử đối với bộ luật ACA như phán quyết ngày 28/6/2012, nhưng có một tác dụng tâm lý quan trọng (ngoài ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia do xáo trộn thị trường bảo hiểm) là thêm một rào cản chống lại mọi nỗ lực dẹp bỏ luật ACA của đảng Cộng Hòa.

          Trong không khí phe phái mà nặng nề nhất là quốc hội, các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện đã làm thiên chức trọng tài của mình không để ảnh hưởng áp lực của phe phái sai khiến, và đã hai lần biểu quyết cứu đạo luật ACA, mang lại một bộ mặt nhân bản cho nước Mỹ vốn được thế giới xem là ít nhạy cảm đối với người yếu kém trong xã hội.

          Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Roberts nổi bật trong cả hai phán quyết. Phiếu của ông ngày 28/6/2012 giúp đưa đến phán quyết 5-4 ban hành tính hợp hiến cho luật ACA. Phiếu của ông trong phán quyết 6-3 ngày 25/6/2015 vừa qua tuy không phải là phiếu sinh tử, nhưng ông đã lãnh nhiệm vụ viết lý giải cho phe đa số. Lý giải của ông vững vàng giúp đánh tan mọi tranh luận về vấn đề này (3).

          Chủ tịch John Roberts là một quan tòa bảo thủ do Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm năm 2005 và đảng Cộng Hòa đặt nhiều hy vọng vào ông để đẩy mạnh hoặc duy trì các chương trình bảo thủ của đảng. Nhưng ông đặt thiên chức trọng tài và quyền lợi quốc gia lên trên tinh thần phe phái. Qua vai trò quan trọng của ông trong hai phán quyết liên quan đến luật ACA, đảng Cộng Hòa đã không tiếc lời chỉ trích ông. Một luật sư của Viện Cato (một “think tank” chuyên suy nghĩ về vấn đề tự do cá nhân) châm biếm rằng luật ACA phải được gọi là “Robertscare”. Có thể trong nhiều thập niên nữa danh từ “Robertscare” trở  thành một danh từ trân quý như  những người bảo thủ đã châm biếm luật ACA là Obamacare, không ngờ rằng chỉ trong thoáng chốc danh từ Obamacare trở thành một danh từ bình dân dễ hiểu sẽ đi vào lịch sử với Tổng thống Obama .

          Những người bảo thủ sẽ chưa bỏ cuộc. Còn nhiều điều trong bộ luật ACA chưa hoàn chỉnh sẽ là đề tài tranh kiện. Nhưng xu thế thời đại đang thắng thế và những mối đe dọa sống chết của bộ luật đã qua. Một số thống đốc Cộng Hòa đã mệt mỏi không muốn tham gia tranh kiện nữa.  Sau biểu quyết 6 chống 3 hôm 25/6 không thấy ông chủ tịch Hạ nghị viện John Boehner  đề ra chương trình cụ thể nào để hủy bỏ luật ACA. Và các ứng cử viên Cộng Hòa ghi danh tranh cử Tổng thống cho năm 2016 tuy còn chống ACA để giữ phiếu của thành phần cực hữu có thể lần lần cũng tìm cách lảng tránh.

          Đảng Cộng Hòa còn một hy vọng. Cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016 sẽ giúp đảng Cộng Hòa nắm đa số tại hai viện quốc hội và nắm luôn tòa Bạch cung.

          Nhưng lúc đó ván đã đóng thuyền, lịch sử đã sang trang. Luật ACA đã trở thành một điều không thể thiếu của xã hội Hoa Kỳ.

Trần Bình Nam
June 28, 2015

Ghi chú:
 Tài liệu số 345 Mục Bình Luận, www.tranbinhnam.com
Tài liệu số 432 Mục Bình Luận, www.tranbinhnam.com
  • (3) Xem “Why Roberts got it right”, by Nicolas Bayley, Los Angeles Timesngày 26/6/2015







No comments: