Tuesday, October 21, 2014

Bấp bênh làng nổi (Bennett Murray & Vandy Muong - The Phnom Penh Post)





Bennett Murray & Vandy Muong    -   The Phnom Penh Post
Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Ba, 21/10/2014

Một phụ nữ chèo thuyền trên làng Kandal ở Kampong Chhnang, nơi đa phần người Việt sinh sống Ảnh Eli Meixler

Trong khi những người biểu tình chống Việt Nam tuần hành và đốt cờ trên đường phố Phnom Penh hôm thứ Ba, ngôi làng Kandal ở Kampong Chhnang vẫn tĩnh lặng. Hầu hết dân làng là người Việt vô tổ quốc sinh ra ở Cambodia, họ sống trên những chiếc bè dọc theo bờ Tonle Sap bên kia núi Phnom Kongrei.

Giữa làng là một ngôi chùa nổi của Phật giáo Đại thừa được trang hoàng bằng những thư pháp chữ Hoa và hình chữ Vạn, và một dàn loa phát ra bản nhạc rock Việt với âm thanh méo mó. Có khoảng 1.000 gia đình người Việt sinh sống ở khu vực giữa Kandal và ngôi làng Chong Koh bên cạnh. Đa số vẫn được xem là những người nhập cư hợp pháp mặc dù họ sinh ra trong Vương quốc và có gốc gác ở đây từ mấy đời.

Những người dân trong ngôi làng nổi này vẫn không bị ảnh hưởng bởi lời lẽ kỳ thị sắc tộc hừng hực ở thủ đô. Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ đang lo ngại cho sự an toàn của họ trước tình trạng bạo lực bài bác người Việt xảy ra đầu năm nay. Cuộc thăm dò dân số trên toàn quốc nhằm loại bỏ toàn bộ dân ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp đã trục xuất ít nhất là 329 người nước ngoài, đa số là người Việt ra khỏi nước. Trong khi hai sự việc trên vẫn chưa gây ảnh hưởng đến những người dân làng nổi ở Kampong Chhnang, tuần lễ vừa qua là một lời nhắc nhở đầy đau xót đến tình trạng công dân hạng hai của họ trên Vương quốc này.

“Nếu họ không muốn người Việt sinh sống tại Cambodia và muốn trục xuất chúng tôi về Việt Nam, tôi sẽ phải ra đi … vì tôi không có quyền sinh sống hợp pháp ở đây,” ngư dân Nguyên Young Thong 53 tuổi ở làng Kandal nói. Với giọng nói nặng âm hưởng tiếng Việt, ông nói rằng ông sinh ra và đã sống cả đời mình ở Cambodia, ngoại trừ 13 năm ông phải tị nạn ở Việt Nam để tránh chính quyền Khmer Đỏ.

Mặc dù ông có thẻ di trú cũng như sổ hộ khẩu, hoàn cảnh nhập cư của ông đang trong trình trạng bấp bênh vì ông đã từ chối trả 250.000 riel (khoảng $60) tiền lệ phí mà cơ quan di trú địa phương đòi hỏi. “Nhà tôi đã sống trên vùng nước này nhiều đời nay, vậy mà tôi vẫn luôn phải trả tiền để có được những giấy tờ này,” ông nói một cách cay đắng.

Pham Min Hong, một người thu mua phế liệu 58 tuổi trong làng nói rằng tình trạng di trú của ông hiện tại vẫn hợp pháp nhưng ông lo rằng thái độ bài người Việt sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ông nếu khách hàng Khmer không mua bán với ông nữa.

“Tôi thấy sợ mỗi khi người Khmer Krom biểu bình, nhưng tôi cho rằng chính quyền sẽ giải quyết vấn đề này,” ông nói.

Làn sóng những cuộc biểu tình bài Việt khởi đầu từ tháng Sáu khi phát ngôn viên Đại sứ Quán Việt Nam Trần Văn Thông công khai phản đối quan điểm chung của người Cambodia rằng miền nam Việt Nam, còn gọi là Kampuchea Krom, từng bị thực dân Pháp tách khỏi Cambodia và giao cho Việt Nam vào năm 1949.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy hoặc biết đến Kampuchea Krom,” ông Nguyen Young Thong trả lời khi được hỏi đến quan điểm của ông về những cuộc biểu tình xảy ra cách đấy 100 ki lô mét. “Thậm chí khi tôi thấy truyền hình chiếu cảnh biểu tình, tôi cũng không biết họ là ai.”

Pham Min Hong có cha là dân Khmer Krom nói rằng ông đồng ý với quan điểm của những người biểu tình. Nhưng thái độ bài ngoại của họ đối với những người Việt bình thường làm ông quan ngại. “Họ gọi tôi là Duồn cũng được,” ông nói, ám chỉ thuật ngữ Khmer được xem là mang tính miệt thị người Việt, “nhưng đừng nên đổ lên tôi những gì tổ tiên tôi từng làm.”

Ang Chanrith, giám đốc Tổ chức Quyền Người Thiểu số (Minority Rights Organisation - MIRO) nói rằng ông lo ngại cho sự an toàn của cộng đồng người Việt nếu các cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực. Bạo lực bài Việt đã xảy ra hai lần tại Phnom Penh trong năm 2014 với một người Việt đi xe máy bị đám đông giết chết tại quận Meanchey hôm tháng Hai và một quán cà phê người Việt bị đập phá hôm tháng Giêng. “Tôi hi vọng rằng chính quyền Cambodia sẽ cho phép người biểu tình tuần hành, nếu không chính quyền sẽ bị người dân cho là con rối của Việt Nam,” ông nói thêm rằng những cuộc đàn áp bằng vũ lực đối với những người biểu tình chống người Việt chắc chắn sẽ dẫn đến việc họ sẽ trút cơn giận lên những người dân gốc Việt.

Chanrith nói rằng ông đồng ý trên nguyên tắc về việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, ông cho rằng chính quyền nên cấp quyền công dân chính thức thể theo luật pháp của Vương quốc. Ông nói: “Chúng tôi luôn đòi hỏi Bộ Di trú không nên xem những người Việt sinh ra ở Cambodia là dân nhập cư - đây là một bất công đối với họ. Nếu chúng ta xem lại luật quốc tịch thì một số trong họ có thể được quyền nhập quốc tịch Khmer.”

Khó để có được quốc tịch Cambodia, ngay cả đối với những người Việt thiểu số với gốc gác gia đình lâu đời tại Vương quốc. Người thu mua phế liệu Pham Minh Hong nói tiếng Khmer nhuần nhuyễn với giọng Cambodia rõ rệt nói rằng ông sống cả đời tại Kampong Chhnang. Nhưng mặc dù sinh ra tại Vương quốc và lấy vợ người Khmer, Pham Min Hong vẫn không phải là công dân Cambodia hoặc công dân Việt Nam.

Là một người vô quốc gia, cứ hai năm một lần ông phải đáo hạn thẻ di trú và hộ khẩu của mình để được sống hợp pháp trong Vương quốc. Mặc dù ông nói rằng cha mẹ ông đều sinh ra tại Cambodia - một yêu cầu về quyền thừa hưởng công dân cho những ai có cha mẹ người nước ngoài là ông phải cung cấp giấy khai sinh của cha mẹ mình để phù hợp với luật pháp. “Tôi thấy ganh tị đối với những người có quốc tịch, vì dù gia đình tôi đã ở đây mấy đời những tôi vẫn không được đi bầu và sinh sống một cách ổn định,” ông nói.

Chanrith nói rằng rất hiếm khi các gia đình Cambodia gốc Việt còn giữ giấy tờ pháp lý trước thời Khmer Đỏ vì chính sách đàn áp sắc tộc của họ đối với cộng đồng người Việt. “Một số người Việt cả đời không biết đến sổ gia đình, giấy khai sinh hoặc căn cước,” ông nói, cần có ba loại giấy này để được cấp quyền công dân Cambodia.

Chanrith nói ông tin rằng đảng đối lập có cơ sở khi tố cáo Đảng Nhân dân Cambodia cầm quyền đã cho phép những người Việt không đăng ký đi bầu bất hợp pháp để tăng ủng hộ cho mình, mặc dù ông cũng cáo giác Đảng Cứu quốc Cambodia lợi dụng thái độ bài Việt để kêu gọi cử tri. Cả hai đảng liên tục bác bỏ những cáo buộc này.

Tại làng Kandal ở Kampong Chhnang, nơi Chanrith ước đoán có ít hơn 10 phần trăm người dân có quốc tịch Cambodia, việc bầu bán là quá xa lạ đối với người dân địa phương. Do Young Oun, một ngư dân địa phương và chức sắc kỳ cựu của ngôi chùa Phật giáo nói rằng ông đã bị từ chối khi tìm cách chuyển tình trạng nhập cư sang nhập tịch.

“Khi tôi đến làm đơn, họ nói rằng tôi không đạt tiêu chuẩn để được nhập quốc tịch Cambodia,” ông bổ sung rằng nguồn gốc tổ tiên ông ở Cambodia từ thời Vua Norodom Sihanouk, vốn bắt đầu từ năm 1941.

Do Young Oun, 50 tuổi và cháu Ảnh Eli Meixler

Tuy nhiên, hiện tại thì vấn đề trục xuất dường như còn quá xa vời đối với những người dân của ngôi làng nổi ở Kampong Chhnang. Với những người Việt từng ở đây lâu đời, khi tiếp xúc với mục Cuối tuần của tờ Phnom Penh Post, nói rằng họ không nhớ có hàng xóm nào từng bị trục xuất vì di trú bất hợp pháp.

Dù vậy, Do Young Oun và những dân làng khác nói rằng họ chấp nhận tình cảnh bất lực và sẽ không phản đối nếu bị bắt phải ra đi. “Nếu họ muốn trục xuất chúng tôi khỏi nơi đây, tôi sẽ đi, vì mọi người đi hết thì tôi cũng phải đi với họ thôi. Tuy nhiên, tôi rất sợ phải rời khỏi đất nước mà chúng tôi được sinh ra,” ông nói.

Tướng Sok Phal, giám đốc Sở Di trú thuộc Bộ Nội vụ đã từ chối cho ý kiến trong khi cuộc điều tra dân số vẫn đang tiếp diễn.



No comments: