Saturday, October 30, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (18)

Lề Trái
30/10/2010 | 8:57 sáng

Where is the “good” in goodbye?
(Anonymous)

Lần đầu tiên đọc thông báo về talawas sắp ngừng hoạt động, tôi dụi mắt mấy lần vì không thật sự tin những gì mình đọc. Lại nhớ mang máng lần cuối cảm xúc mạnh thế này là lúc báo Việt ra mắt. Lúc đó nhìn ra ngoài cửa sổ nhủ thầm “Cuối cùng cũng có cái đáng đọc”. Bây giờ cũng nhìn ra cửa sổ nhủ thầm “Một phần những gì đáng đọc đang biến mất”.
Không, đây không phải là cuộc chơi, cũng không phải là bữa tiệc để có thể và có lúc tàn. Đây là những nỗ lực, những cố gắng phi thường từ những con người “bất” bình thường. Đầu tiên, talawas tạo được một nơi để những tiếng nói “khác” được lên tiếng, và các tiếng nói “khác” đã tạo ra một tiếng nói chung rất đáng kể. Nếu có thể định nghĩa trí thức đúng như nó là – tức không “phò chính thống”, talawas, trong suốt 9 năm qua, đã là cái bàn tròn mà qua đó giới trí thức hiện đại Việt tìm lại và định hình được chính mình. Kế đến, đúng như tiêu chỉ của mình, talawas là nơi cọ xát của những tư tưởng khác nhau mặc dù vẫn còn nằm trong giới hạn văn hóa tạo ra bởi những người tham gia, nhưng tính đa dạng của vấn đề đã bảo đảm cho nó một thẩm quyền nhất định đối với những vấn đề còn tồn đọng trong văn hóa Việt nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Vì vậy, đôi lúc talawas trở thành một nơi lịch sử gần như diễn ra hàng ngày ở tất cả các cấp độ. Lấy ví dụ cuộc thảo luận về Marxism ở bộ cũ, có lẽ chưa ở đâu và lúc nào trong không gian tiếng Việt lại có một cuộc thảo luận thẳng thắn về một đề tài (cấm kỵ trong nước) như vậy. Cuộc thảo luận đã làm sáng tỏ một loạt những vấn đề tạo tiền đề cho rất nhiều điều ảnh hưởng tới hiện tại và cả tương lai. Cũng vì vậy, talawas trở thành một tiếng nói đối lập có ảnh hưởng nhất về hầu hết mọi vấn đề, nhất là vấn đề tự do tư tưởng. talawas là một bằng chứng rõ rệt nhất về lợi ích tối hậu của tự do tư tưởng, tất nhiên không phải tự do tư tưởng kiểu Trường Chinh. Chính vì vậy, talawas xứng đáng trở thành mục tiêu đầu tiên của những kẻ quan niệm về tự do tư tưởng kiểu Trường Chinh. Họ có thể xem tuyên cáo dừng hoạt động của talawas là một thành công, một thắng lợi, là huy chương, là cơ hội thăng tiến. Ôi những kẻ đòi hỏi dân chủ ở các diễn đàn hải ngoại nhưng lại cổ vũ cho việc đánh sập những nơi duy nhất họ có thể đòi hỏi thứ dân chủ “xịn”, không phải loại dân chủ “triệu lần hơn” mà họ đang hưởng!
Đối mặt với những kẻ như vậy, tôi biết quá rõ lòng nhiệt tình và trí tuệ hoàn toàn không đủ, và với những nỗ lực manh mún từ hai phần tử vốn bản chất là manh mún – trí thức và lưu vong – tuyên cáo sắp ngừng hoạt động của talawas chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy vậy, cũng như câu giả định về việc cầm quyền trong 24 tiếng, tôi vẫn mong một phép lạ mầu nhiệm xảy ra, rằng cái đúng bao giờ cũng thắng cái tồi tệ, và talawas sẽ kéo dài mãi cho tới lúc Việt Nam thay đổi để talawas và ban chủ nhiệm được vinh danh xứng đáng với những nỗ lực phi thường suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng có lẽ Unamuno đúng khi nhận định “Các người sẽ thắng vì các người có đủ bạo lực”. Tôi thêm, có nhiều tiền hơn, vì vậy, có thể mua được lòng trung thành của những Tôn Ngộ Không dù thiên biến vạn hóa nhưng vẫn không thoát được bản chất thú vật của mình. Có thể xem tuyên cáo ngừng hoạt động của talawas là một sự thất bại chăng. Một phần đúng, một phần không.
Đúng vì dù muốn dù không, talawas đã trở thành một thứ đầu tàu, một định hướng đúng và thành công cho những diễn đàn tương tự sau này. Đúng vì tiêu chí tự do tư tưởng của talawas đã tự động đặt mình vào vị trí đối lập đối với đường lối “chính thống” trong nước. Việc talawas ngừng hoạt động, tương tự như mất một đầu tàu, sẽ dẫn tới, có thể, một khủng hoảng phương hướng cho các diễn đàn theo sau, mất đi một năng lực tập trung, tiếng nói độc lập, có uy tín và chất lượng trong việc cổ động tự do tư tưởng ở trong nước. Liệu những toa tàu còn lại có theo quán tính do talawas tạo ra để đi tới đích hay không, chắc sẽ phải mất ít nhất một thời gian.
Không, vì talawas là một thử nghiệm thành công của tự do tư tưởng. Không phải thử nghiệm mà là sự chứng thực rằng nếu có tự do tư tưởng, kết quả sẽ phải là những gì tương tự như talawas. Trong một chừng mực nào đó, talawas mở cánh cửa để mọi người có thể hình dung một viễn tượng về dân chủ, và cũng là một chứng thực rằng dân chủ không chỉ là lời nói suông, mà là thành quả từ những cố gắng phi thường của những người (bất) bình thường.
Cái còn lại là tiếc. Tiếc nhiều và đủ thứ. Tiếc vì phép lạ ít khi nào xảy ra – nếu xảy ra thường xuyên thì nó đã không “lạ”. Có lẽ tiếc nhất là một khoảng trống sẽ được tạo ra, nhưng thay vì có sức hút mãnh liệt như các lỗ đen (black holes), nó lại tĩnh lặng như một thư viện. Ngày xưa, tất cả bi hài của một dân tộc hiện ra từng ngày theo lượng bài vở, bây giờ cuốn sách chỉ còn vài tờ lưa thưa và cũng sắp đến ngày trả sách. Cuối cùng cũng đến lúc đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ở đây, trời sắp vào đông.

*

Về câu hỏi đầu của talawas, tôi nghĩ vấn đề mấu chốt, là causa finalis của mọi vấn đề đang hiện diện ở Việt Nam hiện nay, là sự độc quyền của một chủ thuyết đưa đến độc quyền chính trị của duy nhất một đảng đang bám chắc lấy chủ thuyết. Gỡ được vấn đề này có thể giải quyết tới 60% những bài toán của Việt Nam, 40% còn lại là di chứng cần thời gian để giải quyết.
Trước khi trả lời câu hỏi 2, tôi muốn nêu trước, tự xét mình không có tư chất lãnh đạo, vì vậy 24 tiếng có lẽ là thời gian hoàn hảo nhất mình có thể đóng góp một cái gì đó. Lâu hơn, chắc tôi kiếm đường “tẩu vi thượng sách”. Đặt ra hai trường hợp: 1- Sự thay đổi chưa diễn ra và mình là một thứ bản lề, hay đúng hơn, thảm chùi chân. Đề nghị đầu tiên của tôi là tuyệt đối từ bỏ các hình thức độc tài về tư tưởng và chính trị. Mọi lý thuyết đều phải trở về đúng vị trí của chúng tức là trên bàn thảo luận, không phải trên bàn thờ. Việc thứ nhì là nhìn nhận thế giới luôn luôn thay đổi, từ đó dẫn tới việc lập ra những thể chế để khuyến khích thay đổi và để đổi thay diễn ra có trật tự và không đổ máu. Việc cuối cùng là lập ra một ủy ban bầu cử để chọn người lãnh đạo xứng đáng hơn tôi. Chắc nội bao nhiêu đó cũng hết ngày hết giờ. Trường hợp 2 là sự thay đổi đã diễn ra. Lúc đó chắc tôi hoàn toàn vô tích sự. Chỉ mong hết ngày hết giờ và ráng đừng để xảy ra chuyện gì trong 24 tiếng là đã mừng lắm rồi.
Về tương lai của Việt Nam, từ giờ đến cuối năm chắc “vũ như cẩn”. Tuy vậy tôi không mong 10-15 năm nữa sẽ “nguyễn y vân”, vì hiểm họa phương Bắc là có thật. Nếu không có sự thay đổi nào đáng kể, tôi sẽ phải mua sách học tiếng Trung. Điểm nổ sẽ là nợ quốc gia của Việt Nam. Cho tới bây giờ tôi hoàn toàn chưa thấy Việt Nam có một chiến lược nào để giải quyết các món nợ của mình. Nhưng nếu tham chiếu qua lý tưởng, có lẽ đang có người hí ha hí hửng vì nghĩ đang lấy tiền chùa của tư bản, tức đang làm hắn yếu đi, và tư bản sẽ mau chết hơn. Điều này cũng có thể lý giải cách xài tiền kiểu chơi ngông của chính phủ. Cùng lắm ta lại “đằng sau, quay”, “trở về mái nhà xưa” với 10 điều răn của bản Tuyên ngôn Cộng sản. Khi “bốn phương vô sản đều là anh em”, các nước nhỏ hơn sẽ hòa tan vào nước lớn và mang căn cước của họ chứ không phải ngược lại. Vì vậy, về mặt biện chứng, tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác không gì khác hơn là chủ nghĩa thực dân mới, được ngụy trang tinh vi gấp ngàn lần thực dân nguyên thủy (có lẽ vì vậy mà Marx nhìn không ra). Đó là một trong những khả thể. OK, bí mật đã bật mí. Sẽ tiếp nếu có dịp. Còn nếu đã xảy ra thay đổi có lẽ tôi cũng mua sách học tiếng Trung, nhưng không phải điều kiện bắt buộc. Chuyện tiên đoán có xảy ra thay đổi hay không, thường thì dữ liệu tự hiển hiện. Tôi chưa có đủ dữ liệu. Ở Việt Nam phép mầu không xảy ra.

Tôi muốn đặt một câu hỏi với tất cả mọi người, đảng viên hay không đảng viên, đang ủng hộ chính quyền đương nhiệm tại Việt Nam. Nếu phải chọn lựa một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam và một bên là đất nước và con người Việt Nam, quý vị sẽ chọn bên nào?

© 2010 Lề Trái
© 2010 talawas
.
.
.
Trịnh Hữu Tuệ
30/10/2010 | 4:46 chiều

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Trịnh Hữu Tuệ

1. Tiền viện trợ (làm người Việt Nam mất độc lập), khách du lịch (làm người Việt Nam mất nhân phẩm), xe máy (làm người Việt Nam mất không khí để thở), mì chính (làm người Việt Nam mất lý trí), nhan sắc các lãnh đạo (làm người Việt Nam mất tự tin).
2. Câu hỏi này làm tôi nghĩ ngay đến Klemperer, và Hồ Thu Hồng… Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn một việc có ý nghĩa hơn: hợp pháp hóa mại dâm. Mục đích của tôi là (i) đưa những phụ nữ lao động chân chính vào vòng pháp luật, và (ii) làm tình dục ngoài hôn nhân trở nên nhàm chán.
3. Với mức độ uống bia, hát karaoke, đi xe máy và bấm còi như hiện nay, tôi tin rằng cho đến năm 2030, đàn ông Việt Nam sẽ bụng to, chân nhỏ, giọng sang sảng và tai nghễnh ngãng. Việt Nam sẽ có chế độ đa phu, vì đàn bà sẽ đi lấy Tây hết. Ngoài ra, chúng ta sẽ có đa đảng, với một Đảng Phật giáo. Một cuộc chiến dữ dội tranh giành vị trí lãnh đạo đảng này sẽ nổ ra giữa Nguyễn Hữu Liêm và một bức tượng ngọc của Thích Nhất Hạnh.

© 2010 Trịnh Hữu Tuệ
© 2010 talawas
.
.
.
Trần Hà Tiệp
31/10/2010 | 12:54 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo chị, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chị sẽ làm gì?
3. Hình dung của chị về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
_______

Trần Hà Tiệp

1. Việt Nam có rất nhiều vấn đề hệ trọng nhưng nhìn chung lại những vấn đề lớn nhất đều xuất phát từ sự độc quyền của quyền lực. Sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam không giúp giải quyết mà còn làm cho vấn đề lớn lên. Từ tham nhũng cho đến xuống cấp của giáo dục, rồi những scandal như Vinashin… đều không thể giải quyết nếu không có đối trọng của quyền lực. Vấn nạn của nhiều vấn nạn là Đảng Cộng sản tự cho mình là cha thiên hạ, thích làm gì là làm, bất chấp nhân dân.

2. Tôi đọc bài của nhà thơ Hoàng Hưng, tù Hỏa Lò người Việt nhốt người Việt còn tệ hơn người Pháp nhốt người Việt. Hơn 60 năm qua, người Việt đối xử với người Việt quá tàn nhẫn nhân danh đấu tranh giai cấp. Người khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc!”, nhưng con tư sản hoặc Ngụy thì không được đi học đại học trong quá khứ (một thí dụ trong muôn vàn thí dụ bất công trên đất nước này do người Việt gây ra cho người Việt). Cho nên nếu có quyền, tôi muốn gởi đến thông điệp rằng: đất nước này là của tất cả mọi người Việt, ai cũng phải có trách nhiệm và ai cũng có quyền nói lên tiếng nói của mình.

3. 2010 thì ai cũng thấy rồi. 10, 20 năm nữa Việt Nam có thể tụt hậu hơn với các nước xung quanh. Tôi thấy trong 200 năm cuối, trong những mốc lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn xui xẻo bởi những người lãnh đạo tồi.
-  Đầu thế kỷ 19, các vua nhà Nguyễn từ chối canh tân đất nước.
-  Năm 1945, Đảng Cộng sản làm thịt hết các đảng phái khác, đưa đất nước vào quỹ đạo cộng sản quốc tế.
-  Năm 1954, lại nội chiến tàn khốc, huynh đệ tương tàn.
-  Năm 1975, kẻ chiến thắng chà đạp kẻ chiến bại không thương tiếc dù là người Việt Nam với nhau.
-  Năm 1990, đổi mới kinh tế nhưng sự độc quyền chính trị dẫn tới những vấn nạn như ngày nay.
Có lẽ 10, 20 năm nữa, nếu người trong nước không thấy nhu cầu cần thay đổi, thì có lẽ chúng ta sẽ cũng như bây giờ, nổi tiếng với những người cần cù, thông minh (như được Nobel hay giải thưởng Fields, hay con cái thành đạt ở Mỹ), những người đi buôn lậu, trồng (bán) cần sa, ở đợ và bán sức khắp thế giới, những người lưu manh và khôn lỏi. Những người sẵn sàng giúp người và những người sẵn sàng giết người. Cái gì tốt xấu chúng ta cũng có và chỉ có ở Việt Nam.

© 2010 Trần Hà Tiệp
© 2010 talawas

----------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (17) -  Trương Nhân Tuấn – Cổ Ngư – Lê Tuấn Huy
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (16) – Phạm Đình Trọng – Nguyễn Trọng Tạo – Lê Diễn Đức
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) -  Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)  -  Tống Văn Công – Nguyên Trường – Trần Thị Trường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện

.
.
.

No comments: