Đăng bởi anhbasam on 30/10/2010
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Bảy, ngày 30/10/2010
TRUNG QUỐC: MỘT CÁI NHÌN TỪ BÊN TRONG
TTXVN (Luân Đôn 28/10)
Với tiêu đề trên, chuyên mục phân tích của tờ “Thời báo Tài chính” (Anh) số ra mới đây đăng bài viết của tác giả Geoff Dyer, Trưởng đại diện của báo tại Bắc Kinh, nhận định về những thách thức đối nội và đối ngoại mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt và cách nhìn nhận của Trung Quốc về những thách thức này. Dưới đây là nội dung bài viết:
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể được thứ lỗi cho cảm giác hơi hiếu chiến vào thời điểm này. Họ đang phải quay cuồng từ việc trao Giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến đang bị tù đày Lưu Hiểu Ba. Chính sách tỷ giá của họ đang bị các quốc gia giàu có hơn công kích, mà mới đây nhất là Nhật Bản. Và Bắc Kinh cũng đang tự cảm thấy chịu thêm những sức ép mới về tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vốn đã tạo ra những bất ổn tại một số láng giềng châu Á của mình.
Thực tế, cùng một lúc, Trung Quốc đang bị thách thức trong các lĩnh vực trọng tâm của chính sách đối ngoại, chiến lược kinh tế và hệ thống chính trị nội bộ của mình. Điều này xảy ra trong bối cảnh các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung tại kỳ họp hàng năm mà tại đó họ phải thông qua các đường lối trong kế hoạch 5 năm tới và giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan tới việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo kế cận trong hai năm tới. Sự phổ biến của các xung đột khó có khả năng dẫn tới thất bại trong các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, nó cho thấy uy lực của Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây ấn tượng sâu sắc tới mức mà các chính phủ trên khắp thế giới, và kể cả bản thân Bắc Kinh, đang phải nỗ lực điều chỉnh.
Đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh, căng thẳng đôi khi có vẻ như bắt nguồn từ sự không hài lòng của thế giới phát triển đang bị thoái chí bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Vì thế, tại nhiều nước khác nhau, tình hình cũng có vẻ khác nhau – giống như một sự tập hợp của việc cẩn trọng trong nước với sự quá tự tin về ngoại giao đã mang lại những toan tính sai lầm về Bắc Kinh. David Shambaugh, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) nhận định: “Mẫu số chung trong tất cả những tranh cãi mà Trung Quốc đang có với phần còn lại của thế giới chính là chủ nghĩa quốc gia của Trung Quốc kết hợp với cảm giác bất an của Đảng Cộng sản. Hiện cũng có một sự quyết đoán ngày càng gia tăng xuất phát từ cảm giác mạnh mẽ hơn, quyền lực hơn của Trung Quốc”.
Xét trường hợp Giải Nobel Hòa bình của ông Lưu Hiểu Ba. Khi nhà chỉ trích này cùng một nhóm bạn chuẩn bị xuất bản Hiến chương 08 – một tuyên bố ủng hộ dân chủ – cách đây 2 năm, họ cho rằng sẽ phải nhận những hậu quả từ nhà cầm quyền nhưng đã không có gì giống như vậy diễn ra. Chỉ cho tới khi ông Lưu bị bắt vài ngày trước khi công bố bản Hiến chương thì khi đó người ta mới vỡ lẽ ra ông Lưu bị tuyên án tù tới 11 năm vì tội cố gắng lật đổ nhà nước. Thậm chí, một số quan chức chính phủ còn ngạc nhiên vì độ dài thời gian của hình phạt đối với ông Lưu. Ông Lưu thuộc về thế hệ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã từng liên quan tới các vụ biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh đã làm lu mờ những bất đồng chính trị, các nhà hoạt động này những năm gần đây đã không thể có được sự ủng hộ rộng khắp của công chúng với những quan điểm của mình.
Tuy nhiên, chính vì việc giam giữ ông Lưu khá dài nên các nhà cầm quyền Trung Quốc đã tạo ra một nguy cơ là ông Lưu sẽ trở thành một biểu tượng cho những người ủng hộ dân chủ, đặc biệt khi giờ đây Giải Nobel Hòa bình đã tạo ra một sự tò mò rất lớn đối với giới trẻ, giới học thức Trung Quốc về Hiến chương 08. Chuyên gia Bo Zhiyue thuộc Đại học Quốc gia Xinhgapo cho rằng với việc Đảng Cộng sản vẫn đang nắm quyền lực thì phản ứng của Bắc Kinh đối với việc đưa ra tuyên ngôn dân chủ là hơi thái quá. Ông Bo Zhiyue nói: “Họ lo sợ rằng Lưu Hiểu Ba sẽ tập hợp một lực lượng quần chúng đông đảo phái sau Hiến chương 08. Vì thế, nếu Lưu Hiểu Ba bị giam giữ càng lâu thì vốn chính trị ông ta tích lũy sẽ được càng lớn và ông ta sẽ có cơ hội lớn hơn để trở thành một biểu tượng của dân chủ”.
Tương tự như vậy, những căng thẳng ngoại giao mới đây tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc xét ở một góc độ nào đó cũng chính là do nước này tự gây ra. Vấn đề này trở nên nóng hổi khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu trong chuyến công du tới Việt Nam rằng Oasinhtơn có lợi ích mạnh mẽ trong vấn đề an ninh hàng hải tại châu Á. Ông Robert Gates cũng hoàn toàn phản đối quan điểm của Trung Quốc rằng việc các tranh chấp lãnh thổ trong 2 năm qua cần phải được giải quyết thông qua đối thoại song phương với các nước láng giềng. Giới lãnh đạo Trung Quốc hết sức giận dữ trước sự can thiệp của Oasinhtơn vào khu vực mà Trung Quốc coi là sân sau của mình nhưng trên thực tế các hành động của Trung Quốc đã giúp cho Mỹ dễ dàng hơn trong việc can dự vào khu vực này.
Hiện nay, nhiều chính phủ tại khu vực Đông Nam Á đã được cảnh báo về cái mà họ cho là cách theo đuổi hiếu chiến của Trung Quốc đối với tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo ở Biển Đông. Nhật Bản hiện vẫn đang “chóng mặt” với xung đột mới đây liên quan tới việc bắt giữ các ngư dân của Trung Quốc ở gần khu vực quần đảo tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Giáo sư Shambaugh nhận định: “Trong vòng 12 tháng qua, Trung Quốc đã hủy hoại tất cả những gì mà họ đã đạt được trong 12 năm xung quanh khi vực ngoại giao biên của mình khi xét về các mối quan hệ ngoại giao”. Các quốc gia như Việt Nam và Xinhgapo đã và đang vận động để có sự can dự lớn hơn về hải quân của Mỹ tại khu vực, trong khi sự ủng hộ tại Tôkyô đối với quan điểm liên minh gần gũi hơn với Bắc Kinh – vấn đề nổi lên sau sự thay đổi trong chính phủ năm ngoái – cũng đã lụi tàn.
Vấn đề cũng tương tự trong lĩnh vực tiền tệ và một số người cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc lẽ ra đã có thể giải quyết vấn đề một cách tốt hơn. Dưới sức ép từ Oasinhtơn, nước đang lo ngại về sự thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Bắc Kinh đã từ bỏ việc ghìm giá đồng nhân dân tệ (NDT) của mình hồi tháng 6 – nhưng chỉ cho phép đồng NDT tăng giá 0,5% so với đồng USD trong 2 tháng sau đó. Một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh nhận định: “Họ rất chậm chạp trong việc nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này trong nền chính trị Mỹ. Nếu như họ để cho đồng NDT tăng giá khoảng 2-3% trong tháng đầu tiên thì các nhà xuất khẩu cũng không bị ảnh hưởng nhiều và cuộc tranh cãi cũng không diễn ra một cách gay gắt như hiện nay”. Sau những áp lực liên tục từ phía Oasinhtơn, đồng NDT đã tăng giá tổng thế là 2,5% kể từ tháng 6/2010.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ Trung Quốc, một loạt những tranh cãi gần đây với các nước có một đặc điểm hoàn toàn khác. Đó không chỉ là việc phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước đưa tin rằng Giải Nobel chỉ là một hành động cố ý “làm bẽ mặt” Trung Quốc có tính toán từ trước. Một số người dân thường cảm thấy rằng những thành tựu gần đây của đất nước đã không được nước ngoài thừa nhận một cách đầy đủ, và rằng một số chính phủ nước ngoài sẽ vui mừng khi làm chậm quá trình nổi lên của Trung Quốc. Đối với đồng NDT, nhiều khi nhà kinh tế và các quan chức Trung Quốc tin rằng việc nâng giá đồng NDT một cách từ từ nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng là một lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, cũng tồn tại một quan điểm phổ biến là các nhà chỉ trích chính sách tiền tệ tại Quốc hội Mỹ không sẵn lòng giải quyết vấn đề mà Bắc Kinh coi là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính và bất cân bằng toàn cầu – đó là việc quản lý yếu kém trong ngành tài chính và nền kinh tế Mỹ.
Về chính sách đối ngoại, các quan chức Trung Quốc cho rằng chính Oasinhtơn chứ không phải Bắc Kinh là nước gây hấn ở Biển Đông. Tướng Quan Hữu Phi trong một cuộc trả lời phỏng vấn nói: “Tình hình an ninh tại Biển Đông rất ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng có một số quốc gia không tuyên bố chủ quyền đang cố gắng đóng một vai trò lớn hơn tại đây. Tại sao lại vậy? Chúng tôi không thể hiểu nổi!”. Nhìn một cách bao quát hơn, một số chuyên gia chính sách đối ngoại tin rằng vòng va chạm mới được bắt nguồn từ sự miễn cưỡng của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chuyên gia Jin Canrong tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói: “Nếu Mỹ đối xử với Trung Quốc một cách công bằng thì Mỹ sẽ có thể giao thiệp với một nước Trung Quốc đang lên và đối xử như một đối tác. Nếu không, Mỹ sẽ phải giao thiệp với một Trung Quốc giận dữ hơn, và điều này không có lợi cho Mỹ”.
Một điều tình cờ là các kế hoạch cải cách của Trung Quốc có thể sẽ giúp giải quyết những căng thẳng vốn nằm ở tận gốc rễ trong một só xung đột này. Kế hoạch 5 năm tới, dự kiến công bố đầu năm 2011, được hy vọng là sẽ đem lại một bước thúc đẩy mới đối với việc tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc – chuyển từ kinh tế nội địa sang các khu vực duyên hải giàu có, giảm hố ngăn cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn. Một chiến lược như vậy sẽ giúp tăng cường nhu cầu của người tiêu dùng và giảm một số nguyên nhân về mặt cấu trúc của thặng dư thương mại lớn trong những năm qua. Đồng thời, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã tuyên bố gần đây rằng đã đến lúc cần thiết phải thúc đẩy cải tổ chính trị. Ông Ôn Gia Bảo phát biểu với CNN rằng “khao khát dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại được”. Giải Nobel Hòa bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba cũng là nhằm gây áp lực để Bắc Kinh thúc đẩy các công cuộc cải tổ như vậy. Một nhóm các quan chức cao cấp đã nghỉ hưu cũng gia tăng thêm áp lực khi công bố một lá thư kêu gọi chấm dứt việc kiểm duyệt truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó thành công tới đâu vẫn là điều chưa rõ ràng. Thậm chí nếu như ông Ôn Gia Bảo thực sự đặt toàn bộ sức lực của mình vào công cuộc cải tổ chính trị – vốn đang gây ra những xung đột – thì ông sẽ phải đối mặt với một sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo cao cấp khác. Trong khi đó, nhiều ưu tiên khác trong kế hoạch 5 năm tới, chẳng hạn như cải cách hệ thống đăng ký lưu trú cho công nhân tại vùng ngoại ô, dù đã được thúc đẩy rộng khắp trong những năm gần đây nhưng tới nay vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Các ý tưởng thường được thảo luận rộng rãi nhưng ý chí chính trị để thúc đẩy nó thì lại không đủ. Khi cuộc chạy đua cho việc chuyển giao lãnh đạo vào năm 2012-2013 ngày càng tăng tốc, sự cám dỗ sẽ dành cho những nhà lãnh đạo biết hoãn lại những cải cách khó khăn và xuất hiện một cách cứng rắn trước sức ép từ bên ngoài. Nếu điều này xảy ra, làn sóng những tranh chấp quốc tế giống như trong thời gian vừa qua sẽ không phải là làn sóng cuối cùng./.
.
.
.
No comments:
Post a Comment