Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 29 tháng 10 2010
Từ đầu thập niên 1950, khi Mao Trạch Đông đã chiếm Trung Hoa lục địa, quan niệm về lòng yêu nước của đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi một cách triệt để. Câu khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” có lẽ chỉ xuất hiện sau này, ít nhất là sau năm 1954, nhưng việc đồng nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội thì hẳn đã manh nha từ những năm 1949, 1950, khi chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao bắt đầu tràn vào Việt Nam .
Thật ra, việc đồng nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Cái gọi là nước hay quốc gia vốn là một ý niệm rất mơ hồ. Xưa, nó được đồng nhất với chủng tộc; sau, với triều đại; sau nữa, vào đầu thế kỷ 20, với lịch sử và văn hóa, gắn liền với chủ nghĩa khu vực, đặc biệt trong quan hệ đồng chủng và đồng văn với người Nhật. Bây giờ, người ta thay thế các yếu tố bằng yếu tố chủ nghĩa xã hội thì, thật ra, cũng chẳng sao cả.
Có điều đó là một sự thay đổi khá triệt để và toàn diện. Nó làm thay đổi hẳn những nội dung căn bản của ý niệm quốc gia và lòng yêu nước. Từ bản chất, nước hay quốc gia bao giờ cũng gắn liền với những biên giới nhất định, nay, trong cái gọi là yêu nước xã hội chủ nghĩa, những biên giới ấy bị xóa mờ đi: nó mang tính quốc tế. Mở rộng như thế, nước không còn nguyên vẹn là nước nữa. Nếu còn, nó chỉ còn một cách tạm thời. Nền tảng của nó thay đổi: trước, nó dựa trên các yếu tố truyền thống như dòng máu hay văn hóa, bây giờ nó dựa trên quan hệ giai cấp. Trước, lúc nào người ta cũng đề cao tổ tiên như một yếu tố để nối kết mọi người lại với nhau; nay, trên bàn thờ tổ tiên, xuất hiện những nhân vật hoàn toàn mới lạ: “bác” Mao và “cha” hay “Ông” Stalin (Chế Lan Viên, trong bài “Stalin không chết”, có mấy câu: “Stalin mất rồi / Đồng chí Stalin đã mất! / Thế giới không cha nặng tiếng thở dài.”). Cái “Ông” hay “Cha” mới ấy lấn át hẳn mọi người cha hay ông ruột thịt có thực ở Việt Nam như Tố Hữu từng tuyên bố trong mấy câu thơ tai tiếng: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông thương mười!”.
Khi bàn thờ tổ tiên thay đổi, quan hệ giữa con người với nhau cũng thay đổi. Trước, đó là tình đồng bào; sau, là tình đồng chí. Từ cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950, hai chữ “đồng chí” trở thành một trong những nội dung tuyên truyền chính của đảng Cộng sản. Rất nhiều bài thơ về tình đồng chí ra đời, trong đó, tiêu biểu và được biết đến nhiều nhất là bài “Đồng chí” bắt đầu bằng mấy câu “Quê hương anh nước mặn đồng chua / Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” của Chính Hữu.
Xin lưu ý là chữ “đồng chí” vốn không phải là sự sáng tạo của đảng Cộng sản. Chữ “đồng chí” ấy đã được sử dụng khá phổ biến trong các bài viết của các nhà nho cách mạng trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Phan Bội Châu có bài thơ nhan đề “Đông du ký chư đồng chí” (Gửi các đồng chí khi Đông du), sáng tác năm 1905, trong đó có hai câu thơ được nhiều người nhắc: “Giang sơn tử hĩ sinh như nhuế / Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si” (Chương Thâu dịch: “Non sông lỡ chết, sống vô ích / Hiền thánh vời xa, đọc uổng hơi!”). Trong cuốn Việt Nam Quang phục quân phương lược, Phan Bội Châu cũng lặp đi lặp lại nhiều lần chữ “đồng chí”, hơn nữa, còn dành hẳn một mục nhan đề “Cùng anh em đồng chí tổ chức ra đội sĩ tử Cần Vương”. Thật ra, cách dùng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng không phải Trung Quốc - Cộng sản mà là Trung Quốc - Quốc Dân đảng mà người chủ xướng chính là Tôn Dật Tiên, người thường xuyên sử dụng nó trong các bài diễn văn của mình (1).
Nhưng cách dùng chữ “đồng chí” của những người cộng sản và các bậc tiền bối có hai điểm khác biệt quan trọng: một, trước, chữ “đồng chí” được sử dụng chủ yếu như một danh từ; sau, dưới chế độ cộng sản, nó được sử dụng như một đại từ nhân xưng; và hai, trước, nó chỉ xuất hiện một cách chừng mực; sau, thành đại trà, ngay trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày.
Có điều, ngay từ đầu, cách dùng chữ “đồng chí” của những người cộng sản đã có những dấu hiệu bất thường. Thứ nhất, trên nguyên tắc, mọi đảng viên đều là đồng chí của nhau; nhưng trên thực tế, với tư cách đại từ nhân xưng, chữ “đồng chí” thường chỉ được cấp trên gọi cấp dưới. Với cấp trên, đặc biệt với hàng ngũ lãnh đạo tối cao trong hệ thống đảng, người ta xây dựng một thứ quan hệ khác: quan hệ gia đình. Theo đó, các “đồng chí” lãnh đạo được gọi là “bác” (bác Hồ, bác Tôn), là anh Ba, anh Năm, anh Sáu, anh Bảy, anh Mười, anh Tô, anh Văn, anh Lành, v.v... Như vậy, chữ “đồng chí” mặc nhiên có ý nghĩa: đó là thuộc cấp, những người chia sẻ, hay đúng hơn, tuân phục lý tưởng của lãnh đạo. Thứ hai, người ta sử dụng cách xưng hô “đồng chí” một cách chọn lọc: nó được dùng, phần lớn, trong hai trường hợp: hoặc rất nghi thức (formal) hoặc khi phê phán người khác. Bạn bè trong đảng, khi thân tình thì gọi nhau bằng anh, em, cô, chú... tuỳ tuổi tác; khi đánh nhau, ở các buổi kiểm thảo, thì người ta nghiêm mặt gọi nhau là “đồng chí”.
Bởi vậy, ý đồ sử dụng chữ “đồng chí” để thay thế chữ “đồng bào” như một yếu tố nối kết trong cái gọi là tình yêu nước xã hội chủ nghĩa đã thất bại thảm hại. Nó không những không nối kết được gì mà còn gây nên cảm giác nghi kỵ, sợ hãi. Nó có âm hưởng của một thứ khủng bố. Hiện tượng ấy không những xảy ra ở Việt Nam mà còn ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Nga và các nước Đông Âu, cách xưng hô ấy biến mất từ ngày chế độ cộng sản sụp đổ. Ở Trung Quốc, từ nhiều năm nay, chữ “đồng chí” mang một ý nghĩa khác hẳn, chủ yếu xuất phát từ Hong Kong và Đài Loan: cách xưng hô của những người đồng tính luyến ái. Từ đầu năm nay, chính phủ khuyên là chỉ nên sử dụng một cách hạn chế: trên các phương tiện giao thông công cộng, tài xế được chỉ dẫn là nên chào hành khách là “ông/bà” hay “quý khách” thay vì là “đồng chí” như trước (2). Ở Việt Nam, không có ai chính thức khai tử chữ “đồng chí”, nhưng việc sử dụng nó thì càng ngày càng trở nên hoạ hoằn, cực kỳ hoạ hoằn, hầu như chỉ còn một ngoại lệ duy nhất: trong các hội nghị!
Một trong hai nền tảng nòng cốt của lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, tình đồng chí, như vậy, đã bị phá sản. Nòng cốt thứ hai là chủ nghĩa xã hội cũng bị phá sản nốt. Ngày nay, hầu như không ai còn tin vào chủ nghĩa xã hội nữa. Nó đã chết và đã được lịch sử chôn cất từ cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Bản thân những người cộng sản Việt Nam, trên lý thuyết, chưa chịu nhìn nhận thực tế ấy, vẫn còn tiếp tục sử dụng danh từ chủ nghĩa xã hội trên các văn bản chính thức, nhưng trên thực tế, tôi tin họ đã thấm thía điều đó, ít nhất, ngay từ sau năm 1975, trong hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc, ở đó, rõ ràng chủ nghĩa quốc gia có tầm quan trọng cao hơn hẳn tinh thần quốc tế; quan hệ chủng tộc có ý nghĩa hơn hẳn quan hệ giai cấp; quyền lợi của cộng đồng dân tộc được ưu tiên hơn hẳn tình hữu ái trong cái gọi là cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa.
Tình yêu nước xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản. Tôi cho một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất của đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam hiện nay, nếu họ muốn huy động lòng yêu nước của dân chúng cho các mục tiêu chính trị, là phải xây dựng lại, từ đầu, ý niệm yêu nước, và cùng với nó, chủ nghĩa quốc gia.
Nhưng liệu họ có làm được?
Chú thích:
2. Xem bản tin trên http://www.straitstimes.com/BreakingNews/Asia/Story/STIStory_533468.html
-----------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
-------------------------------------
Loạt bài “Thế nào là yêu nước?” được đăng nhiều kỳ trên blog này. Có thể đọc các bài cũ trên:
.
.
.
No comments:
Post a Comment