Sunday, October 31, 2010

VĂN HÓA XẤU HỖ và NỖI LO VỀ "HỌA BAUXITE" (Song Chi)

Song Chi
Saturday, October 30, 2010

Việt Nam Ngày Nay
Khi lòng xấu hổ đi vắng

Từ lâu rồi trong xã hội Việt Nam, những người có lương tri, có lòng với đất nước, dân tộc, đã phải đau lòng chứng kiến những cái xấu, cái ác, sự không tử tế, thói vô văn hóa, phi văn hóa... ngày càng phát triển tràn lan, bào mòn và hủy hoại những truyền thống đạo đức, những phẩm chất tốt đẹp có từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.

Một trong những bằng chứng của sự hủy hoại đó là lòng xấu hổ, sự tự trọng dường như cũng ngày càng trở thành xa xỉ. Chúng ta vẫn đọc, vẫn xem trên báo, TV hoặc nhìn thấy ở nơi này nơi kia, vô vàn ví dụ về “lòng xấu hổ đi vắng.” Từ thói làm ăn vô trách nhiệm, nạn hối lộ, chạy chức, mua bằng, xài bằng giả bằng dỏm, nạn đạo văn, ăn cắp hoặc “xào nấu” ý tưởng, tác phẩm, công trình khoa học... của người khác, v.v...
Trong những ngày gần đây, lại có thêm những câu chuyện tương tự. Một bộ phim khi vừa chiếu ra mắt, nhận được rất nhiều lời khen của báo chí, người xem, rằng “đã đem lại hơi thở mới,” “đã làm thay đổi diện mạo của phim Việt.” Sau đó dư luận bỗng phát hiện ra bộ phim này rất giống với một bộ phim đã ra đời từ rất lâu trước đó. Ðó là trường hợp bộ phim “Giao Lộ Ðịnh Mệnh” của đạo diễn Victo Vũ và bộ phim “Shattered” của Hollywood sản xuất năm 1991. Theo nhiều ý kiến nhận xét, “Giao Lộ Ðịnh Mệnh” không chỉ giống “Shattered” về nội dung cốt truyện, mà các nhân vật phụ, nhiều chi tiết nhỏ, một số hình ảnh, góc quay, ánh sáng... cũng tương tự nhau. Lúc đầu “Trả lời Thanh Niên, đạo diễn Victor Vũ nói tỉnh rụi: ‘Chưa nghe ai nói về sự giống nhau của 2 phim, nhưng tôi thấy rất thú vị nếu có sự giống nhau đó.’ Victor Vũ nói không biết phim Shattered ra sao nên phải cần thời gian xem rồi mới có kết luận, song ‘nếu bạn xem rồi và thấy giống đến như vậy thì thật là một sự trùng hợp rất lớn.’” (Báo Thanh Niên ngày 17 tháng 10)
Khi phải chính thức lên tiếng sau đó, đạo diễn này thừa nhận hai bộ phim giống nhau đến “bất ngờ” nhưng vẫn tiếp tục lý giải sự giống nhau đó là do phát triển từ những khuôn mẫu, mô típ, công thức... làm phim có sẵn của Hollywood, chứ bản thân mình không hề biết trước và cũng không có ý định sao chép một bộ phim khác! Khán giả thì thất vọng, bực bội, một số ý kiến thẳng thắn cho rằng “nếu là đạo diễn ‘Giao Lộ Ðịnh Mệnh’ tôi sẽ xin lỗi khán giả.”

Nhưng xem chừng cất lên một lời xin lỗi cũng là... quá khó khăn.
Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17-21 tháng 10, 2010 với sự có mặt của khá nhiều nhà điện ảnh tầm cỡ thế giới như đạo diễn Phillip Noyce, đạo diễn Marco Muller, Francois Catonne, Johany,... các nhân vật nổi tiếng như giám đốc của Cannes, Venice, Pusan, Berlin,... các nhà điện ảnh Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau, và hàng trăm nhà báo trong nước và nước ngoài. Một sự kiện như vậy là một cơ hội rất tốt để giao lưu học hỏi các nước đồng thời giới thiệu, quảng bá điện ảnh Việt Nam với thế giới, và lẽ ra phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp để tạo uy tín với bè bạn bên ngoài. Nhưng ngay sau khi liên hoan kết thúc, hàng loạt bài báo đã lên tiếng về sự luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp và rất nhiều sơ suất không đáng có đã diễn ra: “Liên hoan phim quốc tế Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp” (Báo CAND ngày 19 tháng 10), “Chuyện tiếu lâm chỉ có ở Liên hoan phim quốc tế VN” (Megafun.vn ngày 22 tháng 10), “Nhìn lại LHP quốc tế VN: quá nhiều bài học” (Báo Ðất Việt ngày 24 tháng 10), “Liên hoan phim: Khi văn hóa không đạt tầm văn hóa” (Tuần Việt Nam ngày 24 tháng 10)...
Ðiều đáng nói nhất, theo một số bài báo đã vạch ra, không chỉ ở sự nghiệp dư trong khâu tổ chức, mà trong nhiều tình huống, từ những người tổ chức cho đến người dẫn chương trình, người tham dự... đã để lộ một văn hóa giao tiếp-ngoại giao rất kém, một sự thiếu tôn trọng những vị khách nước ngoài. Một trong những ví dụ như vậy là sự cố MC nổi tiếng Lại Văn Sâm không biết tiếng Anh nhưng đã dịch bịa ra những lời phát biểu của diễn viên Mỹ gốc Hoa Ngô Ngạn Tổ, khiến cho những lời nói khiêm tốn, rất có văn hóa của người diễn viên nổi tiếng này biến thành huênh hoang và... tầm phào! Tác giả Lê Bá Thiện Cơ trong bài “Nguy cơ văn hóa suy đồi ở Việt Nam” đã phải kêu lên: “Có thể những con người ấy không hề biết xấu hổ, nhưng trước con mắt của thế giới, thì cả đất nước phải chuốc lấy sự xấu hổ.” Còn tác giả Trần Thị Kim Lệ trong bài “Nhân vụ Lại Văn Sâm, nhìn lại vấn nạn về đạo đức văn hóa hôm nay” thì đề nghị: “Ông Lại Văn Sâm phải công khai xin lỗi diễn viên Ngô Ngạn Tổ và toàn thể khán giả bốn phương về hành vi của mình.” Tuy nhiên, tác giả này cũng nói ngay: “Chỉ e rằng văn hóa Việt Nam hôm nay không còn biết xin lỗi là gì nữa.”
Và đúng là như vậy, bởi vì cho đến hôm nay ông Lại Văn Sâm vẫn “im lặng là vàng,” ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Ðiện Ảnh - đại diện BTC liên hoan phim quốc tế VN lần 1 còn bào chữa: “Tôi nghĩ ứng xử của anh Sâm hôm đó về cơ bản là cũng được, đặc biệt là với khán giả xem truyền hình, những người am hiểu tiếng Anh sâu. Tình huống ấy, người MC nhanh nhạy bắt buộc phải ứng xử như vậy... Anh Sâm can thiệp và nói cũng đúng đến 80, 90%. Tôi nghĩ cũng không cần ầm ĩ quá sự cố này.” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 28 tháng 10).
Từ việc chưa có thói quen xin lỗi, không đủ dũng cảm nhận trách nhiệm khi làm sai trong những chuyện dẫu sao cũng chưa khiến ai phải chết (ngoại trừ... nhân vật chính “chết” cái tên) như vậy, đến gây chết người như hố sụp trên đường, các công trình vừa xây xong đã sập, lún... hoặc gây hậu quả nặng nề cho cả đất nước, dân tộc... như vụ vỡ nợ Vinashin vừa qua, là một bức tranh tổng thể về sự xuống cấp toàn diện về văn hóa đạo đức trong xã hội. Và để xây dựng lại điều này sẽ phải mất một thời gian rất dài, dài hơn nhiều so với khoảng cách để bắt kịp về mặt kinh tế giữa một quốc gia này với một quốc gia khác!

Vụ bauxite Tây Nguyên - tiếp tục “nóng”!
Cho đến ngày 29 tháng 10, 2010, tức là chỉ 20 ngày sau khi bản kiến nghị yêu cầu ngừng ngay các dự án khai thác bauxite đang triển khai ở Tây Nguyên do Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi và một nhóm trí thức khởi thảo ngày 9 tháng 10, 2010, đã có 2,408 người ký tên và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.Trong danh sách, người ta đọc thấy những nhân vật có tên tuổi từ bà Nguyễn Thị Bình nguyên phó chủ tịch nước, hàng loạt tướng lãnh, các đảng viên năm sáu chục năm tuổi đảng, các giáo sư, viện sĩ, nhà khoa học, các nhà văn nhà báo họa sĩ nhạc sĩ cho đến những người lao động bình thường, công nhân viên, học sinh... trong và ngoài nước. Một danh sách phải nói là rất phong phú, thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, và gốc gác, quan điểm chính trị xã hội chắc chắn cũng rất khác nhau. Nhưng tất cả đã đồng thuận với nhau gửi đến những người lãnh đạo cao nhất và những cơ quan có quyền lực lớn nhất của nhà nước Việt Nam lời yêu cầu khẩn thiết về việc ngừng dự án bauxite sau tấm gương về thảm họa bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary.
Bên cạnh đó, người ta cũng chứng kiến hàng loạt bài viết xung quanh vấn đề này từ các trang báo của nhà nước, báo chí của người Việt ở hải ngoại cho đến các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân. Số lượng bài viết đã nhiều, mà người viết cũng đa dạng chẳng khác gì danh sách ký tên vào bản kiến nghị. Về phía những người phản đối dự án, có các nhà khoa học, nhà chuyên môn, chuyên gia về kinh tế... như Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, PGS. TS. Nguyễn Ðình Hòe, TS. Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban dự án Nhôm, tổng công ty Khoáng Sản, TS. Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Quy Hoạch Thủy Lợi Miền Nam,... các đại biểu Quốc Hội như ông như ông Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Thuyết, GS. Nguyễn Lân Dũng, ông Lê Quang Bình,... cựu cán bộ chính phủ như GS. Chu Hảo, GS. Ðặng Hùng Võ... các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Nguyễn Duy, và rất nhiều nhà báo, blogger... Về phía những người vẫn kiên quyết ủng hộ dự án, số lượng ít hơn nhiều.
Và nếu như trong những tiếng nói phản biện, có nhiều ý kiến rất thuyết phục về mặt lập luận, dẫn chứng logic, khoa học, đồng thời thể hiện một tấm lòng tha thiết vì lợi ích của đất nước, vì môi trường sống chung của dân tộc và tương lai của các thế hệ con cháu thì ngược lại, những ý kiến bênh vực dự án lại không thuyết phục được người nghe bởi những lời cam kết hứa hẹn chung chung không có cơ sở hoặc nói lấy được. Chẳng hạn như ông Nguyễn Thanh Liêm, trưởng ban nhôm-bô xít, tập đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) khẳng định: “Chỉ động đất mới vỡ được hồ bùn đỏ Tây Nguyên” (báo VnExpress ngày 21 tháng 10), ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc tập đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV), chiều 20 tháng 10, tại cuộc họp báo của TKV còn nói mạnh hơn: “Hồ chứa bùn đỏ Tây Nguyên chịu được động đất cấp 7,” ông Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Phạm Khôi Nguyên: “Bộ TNMT khẳng định, hai khu xử lý bùn đỏ này là an toàn. Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên chúng tôi mới khẳng định sự an toàn trên lý thuyết và chạy mô hình.” (!)(báo Lao Ðộng ngày 23 tháng 10); còn ông TS. Nghiêm Vũ Khải, phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường của Quốc Hội thì cho rằng không thể tùy tiện đình chỉ dự án bauxite: “Nếu dự án đó chưa vận hành, phải yêu cầu xây bể chứa bùn đỏ xong mới được vận hành, nếu cố tình vi phạm thì mới đình chỉ.” Thậm chí, theo ông “không cần thiết phải đưa vấn đề này thành một danh mục trong chương trình nghị sự” của Quốc Hội, vì “QH rất nhiều vấn đề quan trọng phải bàn thảo, nhưng thời gian lại có hạn”... Và “nếu xét từng công trình một, vốn theo quyết định mới đây nhất là phải từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, dự án này cũng chưa chạm, nên không đạt công trình trọng điểm quốc gia được.” (Bee.net.vn ngày 28 tháng 10)...
Báo chí nhà nước, sau một thời gian dài yên lặng hoặc chỉ đề cập đến một cách có mức độ về vấn đề bauxite, nay đã nhập cuộc rất tích cực cùng với báo chí “lề trái.” Báo VietnamNet còn tổ chức một buổi tranh luận trực tiếp về chủ đề “Nên hay không nên tiếp tục dự án bauxite Tây Nguyên” giữa những người chủ trương tiếp tục dự án và những người chủ trương không nên tiếp tục để người dân có thể tự mình suy xét, đánh giá vấn đề. Báo Dân Trí và Diễn Ðàn Kinh Tế Việt Nam (VNR500) thì tổ chức thăm dò ý kiến bạn đọc, kết quả trên cả hai báo, hầu hết ý kiến, chiếm đến hơn 90% đều đồng tình với việc dừng dự án bô-xit.
Lòng dân như vậy là quá rõ. Dự án cũng đã được mổ xẻ trên mọi khía cạnh, mọi góc nhìn. Cái lợi cái hại trong việc khai thác bauxite, qua bao nhiêu lời phân tích thấu tình đạt lý của các nhà khoa học, giới chuyên môn, giới trí thức... tưởng không cần phải nhắc lại nữa. Một dự án mà về kinh tế rất rủi ro, nguy cơ thua lỗ, nợ nần có thể còn lớn hơn cả vụ Vinashin, và tác hại vô kể về mặt môi trường, an ninh quốc phòng cho đến vấn đề văn hóa, dân tộc, đời sống của đồng bào ở Tây Nguyên... nói như nhà văn Nguyên Ngọc khi trả lời đài BBC ngày 28 tháng 10, “môi trường Tây Nguyên vốn đã bị tàn phá nặng nề trong 30 năm qua, nay các dự án khai thác bauxite sẽ là 'cú đánh cuối cùng làm tan tành Tây Nguyên,’ thì còn lý do gì mà vẫn cứ lao vào?”

Người dân đang chờ xem nhà nước Việt Nam sẽ làm gì?
Thật ra đối với những người lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam, tai họa bùn đỏ ở Hungary và sự phản đối mạnh mẽ của người dân vô hình trung là cái cớ để họ có thể rút lui mà không sợ mất lòng các công ty của Trung Quốc và cả nhà nước Trung Quốc, lại còn được lòng dân.
Còn nếu họ cứ cố làm, sự thật cũng sẽ bày ra trước mắt người dân, kể cả những ai vẫn còn cố tin và bênh vực Ðảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, rằng những người có trách nhiệm cao nhất ở đất nước này đang vì quyền lợi của ai, họ đang bảo vệ cái gì. Nếu không vì lợi ích của đất nước, không vì sinh mệnh sống còn của nhân dân, họ có còn xứng đáng ngồi ở những chỗ họ đang ngồi nữa không?
Vụ bauxite Tây Nguyên, suy cho cùng cũng là phép thử cho sự tồn vong của chế độ.
.
.
.

No comments: