Ngô Quốc Sĩ
30-10-2010
Thế giới hôm nay đang diễn ra những chuyển biến có vẻ bất ngờ, làm nhiều người nửa lo âu, nửa hy vọng về một trật tự thế giới mới, không biết có yên ổn hài hòa hơn không hay lại thêm sóng gió? Thật vậy, giữa lúc biển Đông đang nổi sóng, Trung Đông còn sôi sục thì nhiều nước đã yêu cầu Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận đối với Cuba, Triều Tiên đã có sự thay đổi lãnh đạo và đặc biệt, Trung Quốc mới gợn lên vài tia sáng dân chủ từ cửa miệng của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo..Trước những diễn biến có vẻ khác thường đó, nhiều người đang tự hỏi, liệu Việt Nam có nhúc nhích gì không?
Nhìn về Trung Quốc, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên, nếu không muốn nói là phấn khởi, trước những lời tuyên bố của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trên đài CNN ngày 29 tháng 8, năm 2010. Thủ Tướng họ Ôn, chính thức khẳng định một cách mạnh mẽ chưa từng thấy từ cửa miệng một nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, rằng “phải cách mạng thể chế, chứ không phải cải cách nữa.”. Lời tuyên bố của Thủ Tướng họ Ôn làm ta liên tưởng tới câu nói lịch sử của Tổng Thống Nga Yeltsin trước đây: “ Chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế, chứ không thể thay đổi.” Biết rằng kinh tế Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp, nhưng Ôn Gia Bảo đã sớm nhận thức được mối hiểm ngay và lên tiếng cảnh báo rằng, nền kinh tế Trung Quốc không vững, nếu không nói là khập khễnh Thật vậy, kinh tế thị trường phải đi đôi với thể chế chính trị dân chủ, nhưng Trung Quốc hiện nay vẫn còn duy trì hệ thống chính trị độc tài chuyên chế, nên theo Thủ Tướng họ Ôn, chẳng mấy chốc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái và đi đến chỗ sụp đổ. Ông khẳng quyết: “Phải cải cách chính trị, nếu không thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ.”.
Ngoài nhận định về tính cách bấp bênh của nền kinh tế, Ôn Gia Bảo còn bày tỏ một nhận thức chính trị rất thực tế, liên hệ tới sức mạnh quần chúng. Có thể bài học Đông Âu và Liên Sô cách đây 20 năm đã giúp cho Thủ Tướng họ Ôn nhận ra rằng, bạo lực cường quyền không thể thắng nổi sức mạnh quần chúng và ý chí dân tộc. Ông khẳng định: “Nguyện vọng và đòi hỏi của của dân chúng về dân chủ tự do là sức mạnh không thể kháng cự.”.
Điều đáng nói nhất là Ôn Gia Bảo đã dám đụng tới một điều cấm kỵ đối với cộng sản là chủ trương lãnh đạo độc tôn của cộng sản Trung Quốc. Cũng nên nhắc lại rằng, trước đây, Hiến Pháp Liên Sô đã áp đặt chủ trương này trong Điều 6, nay đã hủy bỏ. Còn cộng sản Việt Nam, cho đến nay, vẫn còn duy trì vị trí lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản qua Điều 4 Hiến Pháp, và đang tạo nên sự chống đối mạnh mẽ trong nước cũng như ngoài nước. Đối với Trung Quốc, chủ trương lãnh đạo độc tôn này này vẫn còn tiếp tục, đi ngược với trào lưu dân chủ toàn cầu, nên Ôn Gia Bảo mới phải lên tiếng cảnh giác: “Đảng cộng sản Trung Quốc phải hành động theo đúng Hiến Pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên Hiến Pháp và pháp luật như thời kỳ còn là một đảng cách mạng đấu tranh để dành chính quyền.”. Từ nhận thức vị trí của đảng cộng sản Trung Quốc đối với Hiến Pháp và pháp luật, Ôn Gia bảo đã khẳng định như một tuyên ngôn: “Phải cách mạng thể chế chính trị, chứ không phải là cải cách lẻ tẻ.”
Buớc qua Triều Tiên, sự thay chủ đổi ngôi theo thủ tục cha truyền con nối giữa Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân cũng làm gợn lên những tiếng xì xầm nhỏ to về tình hình chính trị Bắc Hàn. Tin tức lọt ra cho biết, đảng Lao Động Triều Tiên đã âm thầm thay đổi một điều khoản trong đảng quy, tương tự như Điều 6 Hiến Pháp Liên Sô trước kia và Điều 4 Hiến Pháp cộng sản Việt Nam hôm nay.Trước đây, đảng quy Triều Tiên quy định: “ Mục đích tối hậu của đảng Lao Động Triều Tiên là xây dựng xã hội theo Chủ Nghĩa Cộng Sản và tư tưởng chủ thể.”. Nay đảng quy vừa được tu chính, bỏ đi 4 chữ “chủ Nghĩa Cộng Sản”, và chỉ giữ lại “tư tưởng chủ thể” là tư tưởng của người sáng lập ra đảng Lao Động của Triều Tiên. Đó chính Kim Nhật Thành, cũng tương tự như đảng cộng sản Việt Nam hiện nay còn tôn vinh tư tưởng Hồ Chí Minh! Qua sự kiện bỏ đi 4 chữ “chủ nghĩa cộng sản”, người ta có thể suy diễn là Triều Tiên đang muốn theo bước Đông Âu và Liên Sô, lần lần dãn ra khỏi ý thức hệ cộng sản để hé mở cánh cửa dân chủ đó chăng?
Một sự kiện khác cũng làm dư luận chú ý bàn tán, là ông anh Kim Chính Nam hiện ngụ tại Trung Quốc, đã chính thức phản đối việc bổ nhiệm cậu em cùng cha khác mẹ là Kim Chính Ân lên làm Chủ Tịch kế vị Bắc Hàn! Nên nhớ là Kim Chính Nam đang được Trung Quốc hỗ trợ, thì hành động phản đối này chắc hẳn phải có sự đồng tình của Trung Quốc, và liệu mối giao hảo giữa Trung Quốc và Triều Tiên cò gì thay đổi không? Nhất là khi Trung Quốc đang có dấu hiệu chuyển biến chính trị qua tuyên ngôn của thủ tướng Ôn Gia Bảo như đã phân tích trên, liệu Triều Tiên có âm thầm nối gót Trung Quốc không?
Điểm qua tình hình Trung Quốc và Triều Tiên, nhiều người tự hỏi, sai Việt Nam chẳng thấy động tĩnh gì cả? Sự kiện cựu Phó Thủ Tướng Nguyễn Thị Bình lên tiếng kêu gọi ngừng khai thác Bauxit Tây Nguyên cũng chỉ là tiếng gió xuyên qua cành lá, tương tự như tiếng gió của Võ Nguyên Giáp hay Nguyễn Huệ Chi đó thôi! Tự bản chất, công sản Việt Nam vẫn ngoan cố bám vào chủ trương độc tài toàn trị, duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, như Nguyễn Minh Triết đã từng khẳng định, “huỷ bỏ Điều 4 Hiến Pháp chính là tự sát.”. Người ta còn nhớ trước đây, Trần Xuân Bách. chỉ hé lộ tư tưởng xét lại liền bị khai trừ khỏi đảng. Cũng thế, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, đã bị đảng loại bỏ thẳng tay chỉ vì manh nha tưởng xét lại thể chế chính trị chuyên chính độc tài hiện nay.
Thế đó! Trào lưu dân chủ đang bừng lên khắp nơi, nhưng tại Việt Nam, người ta chỉ thấy những đàn áp thô bạo tại Cồn Dầu, những tiếng kêu cô đơn của dân oan, những tiếng nói nghẹn ngào của các chiến sĩ dân chủ đang rũ liệt mòn mỏi trong lao tù..Bao giờ mới có một Gorbachev Việt Nam , một Yeltsin Việt Nam hay ít ra một Ôn Gia Bảo Việt Nam ?
Ngô Quốc Sĩ
.
.
.
No comments:
Post a Comment