Friday, October 29, 2010

ÔN GIA BẢO : LỜI PHÁN QUYẾT CỦA LỊCH SỬ

Lý Đại Đồng
Nguồn: Open Democracy , chuyển ngữ sang tiếng Anh: Oliver Lough

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
21.10.2010

Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, là một loại chính trị gia khác của Trung Quốc. Hầu hết các đồng nghiệp ông trong thế hệ hiện tại của các nhà lãnh đạo cộng sản cùng chia sẻ một phong cách hành chính hết sức thiếu cá tính và sự tinh tế đến nỗi họ xuất hiện gần như một loại nhân bản vô tính từ phòng thí nghiệm. Kết quả là công chúng, nói chung có xu hướng không thèm để ý đến họ nữa. Nói cho cùng, thật khó để ghi nhận một quan chức gần như vô danh, một người dường như không có khả năng hiển thị được một phân tử nào về tính cách chân chính cho những người ủ nhiệm mình. Tối thiểu là từ năm 2007, Ôn Gia Bảo, đã khởi đi từ hình thái này và từ đó bắt đầu tự cách biệt mình ra.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên là thủ tướng của ông, Ôn là một mẫu nhà kỹ trị thận trọng, cần mẫn và không có dấu vết gì của một tính cách thực. Nhưng ở khởi điểm của nhiệm kỳ thứ hai, cung cách nói chuyện trước công chúng của ông - và, thậm chí quan trọng hơn, nội dung của các thông điệp ông từng tìm cách truyền đạt - đã trải qua một sự thay đổi tinh tế nhưng đáng chú ý.
Sự thay đổi này đã được báo trước tại một cuộc họp báo vào tháng Ba năm 2007, khi ông Ôn tuyên bố rằng "khoa học, dân chủ, pháp quyền, tự do và nhân quyền không phải là các lãnh vực độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Thay vào đó, chúng là các giá trị chung được nhân loại theo đuổi trong quá trình dài của lịch sử, chúng là các sản phẩm của một nền văn minh chung". Một tuyên bố như thế, khi thốt ra từ nhân vật lãnh đạo thứ nhì của Trung Quốc, là vô cùng quan trọng. Ý nghĩa chính trị dài hạn của nó giải thích tại sao, và có thể chỉ rõ hơn nữa, cho thấy những dự phóng cá nhân của Ôn Gia Bảo là gì.

Con đường từ chủ nghĩa thực dụng
Chính Đặng Tiểu Bình là người kiến trúc sư ba thập kỷ cải cách của Trung Quốc sau năm 1979, người thực sư chịu trách nhiệm quyết định đến tính cách chính trị và tư tưởng của nền kinh tế thị trường ông từng trông nom. Câu trả lời của Đặng Tiểu Bình là thị trường không phải là "tư bản" hay "xã hội chủ nghĩa", nhưng là một hiện tượng phổ quát vượt khỏi các chia cách về tư tưởng - và vì vậy là một công cụ có sẵn cho bất kỳ nước nào, bất chấp đến niềm tin về chính trị của nó.
Phán đoán này đã ít dựa vào nguyên tắc lý thuyết hơn là chủ nghĩa thực dụng đặc trưng của Đặng Tiểu Bình. Nhân vật này, sau cùng, chính là người đã có một nhận xét nổi tiếng: "mèo đen, mèo trắng, tôi không quan tâm đến màu sắc, miễn là nó bắt được chuột".
Nhưng ngay cả đối với Đặng - một thành viên của thế hệ thành lập nên Đảng Cộng sản Trung Quốc - chủ nghĩa thực dụng vẫn có giới hạn của nó. Ông đã để lại một mối ngờ vực sâu sắc về các hệ thống dân chủ, và thường nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một phân rẽ quyền lực kiểu phương Tây.
Thực tế của việc nhà chỉ huy cải cách Đặng Tiểu Bình, bất chấp sự táo bạo của ông trong việc khởi đi một cuộc cách mạng về kinh tế, từng duy trì một sự đối lập kiên định với bất kỳ sự mở cửa dân chủ nào đã giúp minh họa được những ngôn từ của Ôn Gia Bảo từ tháng 3 năm 2007 sáng tạo đến mức nào. Trong việc bao gồm "dân chủ" vào trong danh sách "các giá trị chung" của mình, ông Ôn như đang phải từ bỏ một chức vụ vốn từ lâu đã được phê chuẩn từ các cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc. Trong con mắt của trí thức tự do Trung Quốc, lời nói của ông đã được tuyên đọc như sự lật đổ một nền chính trị chính thống sâu sắc.
Đồng thời, kiến thức truyền thống về các công việc nội bộ của hệ thống chính trị Trung Quốc là bất kỳ biểu hiện quan điểm nào có vẻ khác với dòng chính thì hoặc phải là một loại đặc quyền duy nhất hoặc phải bị chủ tịch xử phạt. Khi một trong các đồng nghiệp cấp cao của ông thốt ra một ý kiến "khác biệt", giả định sẽ là hoặc người cán bộ cấp dưới đang khai triển quyết định của cấp lãnh đạo. Trong tiếng huyên náo ồn ào sau cuộc họp báo của ông Ôn, có giả thuyết cho rằng có bóng dáng của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở phía sau.
Nhưng sự việc đã trở nên rõ ràng là Ôn Gia Bảo đã không "cùng mạch" với Hồ Cẩm Đào. Có thể vị chủ tịch nước từng thực hiện một số tham khảo đáng ghi nhận với các giá trị của "dân chủ", nhưng ông cũng như các thành viên ưu tú khác của Bộ chính trị không hề phụ họa các ẩn ý của ông Ôn. Trong thực tế, ít nhất là đã có đến hai lần rõ ràng tái khẳng định sự cự tuyệt của Trung Quốc với bất kỳ phân chia quyền lực nào giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ôn Gia Bảo không hề nản lòng, và đã tiếp tục đẩy đến tận các giới hạn của cuộc tranh luận chính thức - chẳng hạn như khi ông tuyên bố rằng "người dân phải được quyền sống có nhân phẩm", mà ông định nghĩa như sau:
"Trước tiên, mọi công dân phải được hưởng các quyền và tự do mà hiến pháp mang lại. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Kế tiếp, mục tiêu duy nhất và cuối cùng là phải phát triển một đất nước nhằm đáp ứng được các nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng tăng của người dân. Thứ ba, phát triển của xã hội phải có sự phát triển của cá nhân như một điều kiện tiên quyết. Chúng ta phải giúp người dân phát triển tự do và đầy đủ, cho phép tài năng và khả năng của họ được cạnh tranh và phát triển".
Ông Ôn cũng nhấn mạnh rằng việc hạn chế quyền lực của nhà nước là chìa khóa để cải cách chính trị, rằng Trung Quốc phải xây dựng một xã hội chân chính và công bằng; và rằng các nguyên tắc pháp luật phải vượt qua quyền lực chính trị. Trong năm 2009, vào đêm trước ngày kỷ niệm Thâm Quyến là một "khu kinh tế đặc biệt" lần thứ ba mươi, ông đã mô tả những cải cách chính trị là quan trọng nếu Trung Quốc muốn tránh được một "ngõ cụt" về phát triển. Trong năm 2010, ông đã viết một bài điếu văn cho nhà cải cách Hồ Diệu Bang - nhân vật mà cái chết của ông vào tháng 4 năm 1989 đã giúp xúc tác nên cuộc biểu tình ở Thiên An Môn - và đã xuất bản bài viết ấy bằng tên của chính mình. Nói một cách vắn tắt, ông Ôn đã trở thành một nhân vật ngày càng cá biệt và bất đồng trong sự kiến lập chính trị của Trung Quốc.

Vị Thủ tướng tam phân
Những can thiệp của Ôn, đã khiến ông trở thành trọng tâm của những cuộc thảo luận mạnh mẽ của công chúng. Tác phẩm của nhà văn Yu Lie, "Ôn Gia Bảo: Người diễn viên vĩ đại nhất của Trung Quốc" từng miêu tả Ôn không khác gì một tay chơi tuyệt vọng (a hollow dealer) của một "cơn lốc xoáy" chính trị. Ngược lại với điều này, những người cánh tả truyền thống cáo buộc ông là con người của giai cấp tư sản trong tổ chức của đảng, một loại hóa thân thời hiện đại của Triệu Tử Dương (người đã bị lật đổ sau vai trò của ông trong các sự kiện của vụ quảng trường Thiên An Môn), một nhà cải cách chính trị trong những năm 1980. Nhưng ông Ôn cũng có được những chia sẻ công bằng từ những người bênh vực ông.
Vào lúc này, thật cũng đáng để ghi nhận một quan điểm khác biệt ở Trung Quốc về ý nghĩa của sự "cải cách chính trị". Các nhà chức trách Trung Quốc có xu hướng hiểu điều này theo một cách rất hạn hẹp - trong các ý nghĩa về những biện pháp hành chính để cải thiện "sức sống" của ĐCSTQ và tạo điều kiện cho đảng "tự cải thiện". Bất kỳ "cải cách" nào nhằm đến các mục đích khác hơn việc tăng cường sức mạnh của đảng tạo nên sự "phá hoại quyền lực của nhà nước" phải bị đàn áp tàn nhẫn.
Nhưng đối với giới trí thức Trung Quốc, cải cách chính trị đòi hỏi đảng phải trả lại quyền lực cho xã hội - cho người dân, cho một nền tư pháp độc lập, cho quyền tự do ngôn luận. Nếu điều này dẫn đến sự sụp đổ của đảng, thì cũng phải để cho xụp đổ - vì đó sẽ là một hệ quả tự nhiên của quá trình dân chủ chứ không phải là ngày tận cùng của thế gian.
Trong quan điểm này, Ôn Gia Bảo đã từng bị "tam phân" từ năm 2007 giữa các quan điểm đối lập - mặc dù với một sự thiên vị rõ ràng đối với quan điểm sau. Nhưng tại sao ông chọn đi vào tuyến đường này? Và làm sao mà ông đã có thể có thể thoát khỏi hiểm nguy ?

Yếu tố di sản
Để trả lời câu hỏi thứ hai trước, tôi tin rằng sự tự tin của Ôn ở vị trí riêng của mình là điều quan trọng. Quá trình lựa chọn chính trị của Trung Quốc đã đi qua một chặng đường dài từ khi những đảng viên lớn tuổi chỉ đơn giản lựa chọn những người thay thế mình, thường là trên cơ sở của các mối ưa chuộng và các kết nối chính trị. Bây giờ, tính hợp pháp chính trị của Bộ chính trị xuất phát từ cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức bởi nghị trường Trung Quốc, Quốc hội Nhân dân Nhà Nước (NPC). Từ các phương cách tương tự, các thành viên bị loại khỏi vòng ưa chuộng trong nội bộ sẽ có một số bảo đảm để chống lại sự sa thải đột ngột.
Trung Ương ĐCSTQ họp vào tháng 10 năm 2010 đã tiến cử Tập Cận Bình trở thành một trong những phó chủ tịch của ủy ban quân ủy trung ương Trung Quốc và do đó có khả năng sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào, phản ánh thực tế rằng các quá trình chính trị quyết định tại Trung Quốc vẫn còn là trong nội bộ của đảng . Tuy nhiên, hiện nay mức độ tranh dành và trách nhiệm giải thích dù sao vẫn đại diện cho một bước tiến quan trọng, tối thiểu là đã mang lại với họ những gợi ý xa xôi của một nền dân chủ chân chính.
Để trả lời câu hỏi đầu tiên, ông Ôn đã chọn đào phá ra con đường này đặc biệt bởi vì ông đã từ bỏ niềm hy vọng nhìn thấy được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào về cải cách chính trị trong thời gian tại chức còn lại của mình và kết quả là, ông quan tâm đến việc tập trung năng lực của mình vào một phong cách từng được lập lại bởi nhiều vị vua và các quan lại đi trước mình: kiến tạo một phán quyết của hậu thế.
Ôn đúng là người hiểu biết và có học nhất trong chín ủy viên thường trực bộ chính trị của Trung Quốc. Các hành động và lời tuyên bố của ông cho thấy rằng ông đã đến lúc thấy mình như một chính khách cao tuổi, tin tưởng vào các giá trị phổ quát. Nhưng ông cũng là một chính trị gia Trung Quốc tìm cách đoán trước được ngọn bút của các sử gia. Tưởng Giới Thạch từng giữ một cuốn nhật ký gần suốt cuộc đời mình để đảm bảo rằng lịch sử sẽ ghi lại các thành tích của mình, Mao Trạch Đông đã từ chối không cho phép các ghi chép lại bài phát biểu hoặc các cuộc hội thoại của mình vì sợ rằng chúng sẽ được sử dụng để chống lại ông. Ngược lại, những lời nói thấm đẫm nước mắt của Triệu Tử Dương đến các sinh viên tuyệt thực ở Thiên An Môn là một sự lựa chọn cuối cùng để đứng được bên lề của lịch sử, và để cho người khác bàn bạc. "Chúng ta lỗi thời rồi", ông đã tuyên bố. "Những điều này vượt khỏi tầm tay của chúng ta".
Bây giờ đến lượt Ôn Gia Bảo. Mặc dù ông vẫn tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp cải cách chính trị trước cuộc họp Ủy ban trung ương ở Bắc Kinh, tiềm năng đạt được sự thay đổi đáng kể trong hai năm còn lại trong chức vụ của mình là ít ỏi. Hy vọng thực sự của Ôn là các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến ông như một chính trị gia của sự toàn vẹn, chứ không phải là một người nào đó buộc phải che giấu ngụy trang. Điều này có nghĩa là ông sẽ có thể còn thẳng thắn hơn trước khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Tham vọng của Trung Quốc không còn phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo chính trị duy nhất - dù là Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình. Để đảm bảo tiến độ, giới cầm quyền của đất nước phải đi đến kết luận chung rằng con đường họ từng đi qua hiện đang bị khóa chặn, và sự thay đổi hướng đi là điều cần thiết. Sự chuyển đổi cải cách chính trị này sẽ yêu cầu đến cả hai nguyên tắc hướng dẫn, một tích lũy lớn của vốn xã hội và chắc chắn sẽ là lâu dài và khó khăn. Một ngày nào đó Ôn Gia Bảo có thể được ghi công như là một nhà tiên phong trong việc di chuyển Trung Quốc đến các thay đổi. Nhưng điều đó để cho lịch sử phán xét.
.
.
.

No comments: