Sunday, October 31, 2010

CÂU CHUYỆN LÃNH TỤ (Lê Phan)

Lê Phan
Saturday, October 30, 2010

Hồi còn sống ở Sài Gòn sau năm 1975, một trong những điều đám “trí thức chế độ cũ” thường bảo nhau là hiện tượng tại sao các lãnh tụ của chế độ cũ sau khi mất chức vụ là trở thành “dissident.”

Xin đơn cử một vài thí dụ. Mới hôm 27 vừa qua, website Bauxite Việt Nam đã cho công bố danh sách những vị đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu chính quyền hủy chương trình khai thác bauxite ở vùng cao nguyên Trung Phần. Trong danh sách 2,273 người ký tên, Bauxite Việt Nam đặc biệt nêu danh nguyên Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình. Vâng, đây chính là bà Nguyễn Thị Bình đã từng là tiếng nói của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, và trong nhiều năm sau năm 1975, chỉ vì danh vọng, đã bỏ quên những “đồng chí” ở miền Nam. Trong giai đoạn chính quyền đàn áp câu lạc bộ những người cựu kháng chiến không thấy bà lên tiếng. Hẳn là để thưởng cho “một đệ tử trung thành,” bà đã được hai lần đưa ra làm phó chủ tịch nước. Nhưng nay mất chức rồi, bà đã trở thành một nhân vật chống đối.

Tuy không “nổi” bằng bà Nguyễn Thị Bình, bà Phạm Chi Lan, cựu chủ tịch Phòng Thương Mại và là chuyên gia kinh tế hàng đầu của chế độ, không những ký tên mà còn có bài viết ghi rõ sự “hoài nghi hiệu quả kinh tế của dự án bauxite.” Thời còn nắm quyền, bà đã từng nhiều lần biện bạch cho chế độ, nay luận điệu “chống” của bà cũng rất đanh thép. Bà đã kết luận bài tham luận như sau “Bộ Công Thương và Tập Ðoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) khẳng định dự án có hiệu quả cao, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Hãy nhìn lại mà xem, có dự án nào khi đề xuất xin làm, chủ đầu tư không nói đến ‘hiệu quả cao,’ nhất là các dự án của tập đoàn, tổng công ty nhà nước? Phải chăng chúng ta chưa thuộc lòng bài học khai thác tài nguyên từ dầu mỏ, khí đốt đến than và một số khoáng sản khác?”

Nhưng so với thái độ “chống đối” dè dặt của bà Nguyễn Thị Bình hay bà Phạm Chi Lan, thì thái độ của Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt có vẻ bạo dạn hơn. Một lần vào cuối đời, khi trả lời báo quốc tế của Bộ Ngoại Giao của chính quyền, ông Kiệt đã nói: “Sau 30 năm, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Ðó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu. Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn huống chi là người nước mình.” Lời nói thật chí tình, tiếc là khi đang làm thủ tướng không thấy ông có lời nói tương tự. Vả lại nói thì dễ nhưng làm thì khó, giá mà khi còn làm thủ tướng ông có những hành động cụ thể để giúp “xóa bỏ hận thù” thì hay biết mấy.

Nhưng so với các vị trên thì nghĩ mà thương cho ông Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Theo một số nhà bình luận, ông Ôn, vốn sắp mất chức, đã muốn để lại một di sản chính trị tốt đẹp hơn. Bởi thế hồi tháng 9 năm nay, trong một bài phỏng vấn với đài CNN, ông đã nói đến “ước muốn của nhân dân cho và nhu cầu của họ đối với dân chủ và tự do là không cưỡng lại được.” Ông còn lý luận là tiến bộ kinh tế của Trung Quốc sẽ bị khựng lại nếu không có cải tổ có hệ thống, kể cả việc tạo dựng một nền tư pháp độc lập, thêm các định chế kiểm soát chính quyền, và cải thiện các cuộc bầu cử hiện rất giới hạn tại Trung Quốc. Lời tuyên bố của ông, đưa ra ngay trước việc nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, đã làm cho phe bảo thủ trong đảng tức giận. Một thông cáo đề ngày 19 tháng 10 của Ban Tư Tưởng Trung Ương đã ra lệnh cho các địa chỉ Internet, các cơ quan thông tin đại chúng, phải xóa bỏ mọi nhắc nhở gì đến cuộc phòng vấn của ông Ôn với đài CNN.

Chưa hết, tuần này, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản, đã cho đăng một bài bình luận gay gắt chỉ trích luận điệu mà nghe ra không khác gì luận điệu của ông thủ tướng. Bài bình luận, mà tên tuổi có vẻ là một bút hiệu, dài đến 1,800 chữ, đã đặt ra những vấn đề hiếm thấy được nhắc nhở đến trên báo chí của nhà nước. Bài bình luận đã nhắc lại nhiều lần luận điệu thường được tuyên ngôn là mọi thay đổi theo đường lối các khuôn mẫu Hoa Kỳ và Âu Châu là “không thích hợp” cho Trung Quốc. Bài báo cũng có vẻ trực tiếp bác bỏ khuyến cáo của ông Ôn là phát triển kinh tế và cải tổ chính trị có liên hệ tròng tréo không thể tách rời ra được. Bài báo còn nhắc thêm là: “Trong việc thúc đẩy cải tổ chính trị, chúng ta không nên bắt chước các khuôn mẫu chính trị Tây Phương; không nên tham gia vào một chính quyền đa đảng hay việc phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Chúng ta phải tiếp tục theo con đường riêng của chúng ta.”

Có điều kể cũng phải nói thêm cho ông thủ tướng là đây không phải lần đầu ông đưa ra những lời tuyên bố “thiếu lập trường” như vậy. Năm 2007, sau khi ông Ôn công khai chấp thuận những “giá trị phổ cập” như nhân quyền, báo chí nhà nước lồng lộn lên những lời chỉ trích, và từ đó không ai dám nói đến “giá trị phổ cập” nữa.
Một số những người ủng hộ ông Ôn đã nhắc đến việc ông đã từng là một phụ tá của ông Triệu Tử Dương, lãnh tụ có chủ trương dân chủ nhất trong hàng lãnh đạo ở Bắc Kinh. Nghe đâu, khi ông Triệu ra gặp sinh viên, thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn, ông Ôn đã là một trong những người tháp tùng. Họ còn nói đến ảnh hưởng của kinh nghiệm đó đối với ông Ôn.

Nhưng, như Giáo Sư Russel Leigh Moses, một chuyên gia về hàng lãnh đạo đảng giải thích: “Có lẽ một số báo chí cấp tiến, một số nhà trí thức, một lần nữa muốn tạo sinh lực cho những lời tuyên bố gần đây của ông Ôn. Nhưng thực tế mà nói, ngay cả ông thật sự muốn cải tổ, điều ông làm sẽ chẳng đạt được gì ngoài việc giúp ông để lại một cái gì tốt đẹp hơn một khi ông mất chức.”

Thế ra lãnh tụ cũng bị chế độ khuất phục. Làm lãnh tụ trong một chế độ như vậy nhiều lúc quả có vẻ hết sức bù nhìn. Mà có lẽ vì vậy khi hết làm lãnh tụ họ muốn trở thành “dissident.” Ít nhất khi rời khỏi chức vụ họ có thể nói lên điều muốn nói mà trước kia guồng máy quyền hành cấm cản không cho nói.
Nếu điều đó là đúng thì thật là mỉa mai lắm thay.
.
.
.

No comments: