Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 28 Tháng Mười 2010
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ năm ở Hà Nội ngày 30/10/2010, lần đầu tiên có mặt đại diện chính thức của Mỹ, với tư cách « khách mời ». Tuy nhiên, đây là một vị khách « nặng ký », đủ khả năng làm đối lực với Trung Quốc, thành viên hiện hữu vốn không ngần ngại lợi dụng uy thế của mình để lấn lướt các nước khác.
Từ khi được thành lập cách nay 5 năm, chưa bao giờ cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á East Asia Summit, gọi tắt là EAS, lại được quan tâm như nhân cuộc họp sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 30/10/2010 tới đây. Nguyên nhân là vì lần đầu tiên, đại diện Hoa Kỳ chính thức có mặt trong Hội nghị, với tư cách «khách mời », trong khi chờ đợi được công nhận quy chế thành viên chính thức kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, dù chỉ là khách mời, và tham dự Hội nghị Đông Á tại Hà Nội ở cấp ngoại trưởng mà thôi, nhưng Hoa Kỳ vẫn được cho là một vị khách đặc biệt nặng ký, từng được Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN, động lực khai sinh ra khối EAS, trân trọng mời đến để nâng cao thanh thế của mình.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, dù không nói ra, nhưng ASEAN cũng muốn kết nạp vào EAS một thành viên như Hoa Kỳ, đủ khả năng làm đối lực với thành viên hiện hữu là Trung Quốc, càng lúc càng biểu lộ thái độ lấn lướt các nước khác trong khu vực, đặc biệt đối với các quốc gia không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền bị cho là quá đáng của Bắc Kinh.
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hiện bao gồm 16 thành viên : 10 quốc gia ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với Ấn Độ, chàng khổng lồ vùng Nam Á, và Úc cũng như New Zealand, hai quốc gia tại châu Đại Dương. Kể từ năm 2011, Nga và Hoa Kỳ sẽ chính thức gia nhập.
Thông thường, Hội nghị Thượng đỉnh EAS chủ yếu bàn về hai lãnh vực thương mại và an ninh, và Hội nghị lần thứ 5 này ở Hà Nội cũng không ra ngoài thông lệ đó. Tuy nhiên, giữa các nước tham dự, ưu tiên có khác nhau.
Theo các nhà quan sát, các thành viên như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc hay New Zealand thì muốn nêu bật các hồ sơ kinh tế và thương mại, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nguy cơ vấp phải một cuộc chiến tranh tiền tệ. Quan điểm của Hàn Quốc đáng chú ý vì nước này sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng tới và muốn hội nghị này thành công. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Hà Nội là dịp tốt để Seoul thăm dò các thành viên G20 để tìm kiếm đồng thuận trước.
Trung Quốc cũng muốn ưu tiên cho chủ đề kinh tế để khỏi phải chống đỡ những lời chỉ trích về các hành động quyết đoán gần đây của họ tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngược lại, có thể nói là Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, cùng với một số nước Đông Nam Á khác lại quan tâm nhiều đến các hồ sơ an ninh và chính trị, nhất là sau một loạt sự cố liên quan đến Trung Quốc tại các vùng biển chung quanh nước này trong đó rõ ràng là Bắc Kinh có thái độ lấn lướt các láng giềng nhỏ hơn mình.
Một cách cụ thể, Việt Nam, Hoa Kỳ, ASEAN chắc chắn sẽ nhân hội nghị tại Hà Nội để nhắc lại hồ sơ Biển Đông, trong lúc Nhật Bản thì mong muốn giải quyết căng thẳng nẩy sinh từ tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Điều mà giới quan sát đang chờ đợi là xem Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tiếp tục ra sao về chiến lược an ninh khu vực của Hoa Kỳ mà chính bà đã nêu bật tại Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua, theo đó Hoa Kỳ chủ trương đàm phán đa phương để bảo đảm vấn đề an ninh hàng hải cho vùng Biển Đông. Và mọi người cũng chờ đợi xem phản ứng của Trung Quốc như thế nào ?
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5 khai mạc tại Hà Nội, RFI đã nhờ giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại học George Mason, tiểu bang Virginia Hoa Kỳ phân tích thêm về vai trò của Hoa Kỳ trong cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
NGHE : Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ)
.
.
.
No comments:
Post a Comment