Ngô Nhân Dụng
Tuesday, October 26, 2010
Năm 1848 Karl Marx sống ở London in tập sách mỏng Tuyên Ngôn Cộng Sản, mở đầu một phong trào làm đảo lộn thế giới trong thế kỷ sau. Tuy chủ nghĩa cộng sản của ông đã cáo chung khắp Âu Châu từ năm 1990, đến bây giờ vẫn còn chính quyền nhiều nước tự nhận họ theo chủ thuyết của ông. Trong đó có Trung Quốc.
Gần đây, trong một hội nghị của nhiều nhà trí thức ở Bắc Kinh, ông Tân Tử Linh (Xin Ziling) đã đặt một câu hỏi thú vị. Ông hỏi: Nếu nước Anh thời Karl Marx sống cũng giống như Trung Quốc ngày hôm nay thì liệu ông ta có thể ấn hành cuốn Tuyên Ngôn Cộng Sản hay không, khi mà nhà nước cấm đoán các quyền tự do dân sự? Chắc chắn là không, vì sẽ không được cấp giấy phép. Nhà cầm quyền Anh vào thế kỷ thứ 19 sẽ hỏi Marx: Anh dám tiên đoán rằng hệ thống kinh tế tư bản sẽ biến mất hả? Anh không được phép nói như vậy!
Tân Tử Linh nêu câu hỏi đó để bênh vực một ký giả Trung Hoa, Tạ Triều Bình (Xie Chaoping) bị bắt sau khi cho xuất bản một cuốn sách, không lớn tiếng như bản tuyên ngôn của Marx, nhưng chỉ tường thuật những hoạn nạn của hàng triệu nông dân Trung Hoa trong thập niên 1950, khi Mao Trạch Ðông ra lệnh xây Ðập Tam Môn, ngang sông Hoàng Hà trong tỉnh Thiểm Tây. Cuốn sách được in như phụ bản của một tờ tạp chí, nên không cần xin phép. Nhưng cảnh sát Bắc Kinh vẫn bắt ông về tội “kinh doanh bất hợp pháp” (coi việc in sách là một vụ kinh doanh). Sau cuộc họp mặt trên, giới trí thức ở thủ đô Trung Quốc đã ký chung một lá thư gửi Quốc Hội để yêu cầu nhà nước thi hành các quyền tự do ghi trong Hiến Pháp. Ông Tạ Triều Bình đã được tự do sau khi đóng tiền thế chân, nhưng cảnh sát tỉnh Thiểm Tây đang chuẩn bị hồ sơ đưa ông ra tòa, vẫn về tội “in sách không xin phép.”
Câu chuyện trên đây cho thấy giới trí thức Trung Hoa trong lục địa hiện nay có rất nhiều người can đảm đang lên tiếng đòi cho người dân được hưởng những quyền tự do dân chủ căn bản. Trong lá thư gửi Quốc Hội, họ dám nói thẳng rằng chế độ hiện tại là “Dân Chủ giả,” gọi đó là một vết nhơ trong lịch sử thể chế dân chủ trên thế giới! Các người ký tên cũng lên án việc báo chí của nhà nước cộng sản đã kiểm duyệt không đăng những lời của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo gần đây, khi ông nói nhiều lần rằng Trung Quốc cần phải cải tổ chính trị thì mới bảo vệ được các thành quả do cải cách kinh tế đem lại.
Cuộc họp mặt viết thư trên xảy ra trong tuần lễ Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc họp bí mật nâng ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) lên một chức vụ mới, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Hành động này chuẩn bị cho ông Tập lên thay Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch đảng Cộng Sản vào năm 2012, và làm chủ tịch nước vào năm sau. Ông Tập Cận Bình có hai năm để chuẩn bị đóng vai hoàng đế nước Trung Hoa cộng sản; nhưng ai cũng thấy ông sẽ phải đối diện với một nước Trung Hoa đang thay đổi. Giới trí thức Trung Hoa không còn ngoan ngoãn theo lệnh đảng cộng sản nữa. Ông Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù và được trao giải Nobel Hòa Bình, biến cố đó càng khích lệ những người thiết tha đến quyền tự do dân chủ thiết yếu của người dân Trung Hoa.
Một điều ông Tập Cận Bình chắc không lấy làm hãnh diện là ông được tấn phong cùng một thời gian với Kim Chính Ân (Kim Jong Un)! Cậu con út nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Nhật cũng được một đại hội đảng nâng lên làm phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, để xác định vị trí sẽ lên ngôi thay ông bố đang bệnh nặng. Hai chế độ cộng sản cùng họp trong vòng bí mật như nhau, cùng công bố tên vị “đông cung thái tử” qua địa vị số 2 trong quân ủy.
Nhưng hai cuộc tấn phong thái tử chỉ giống nhau tới đó thôi, ngoài ra có rất nhiều điều khác biệt. Vì Trung Quốc không còn là một nhà tù kín bưng như Bắc Hàn nữa. Sau hơn 30 năm cải cách kinh tế từ thời Ðặng Tiểu Bình, ngày nay một tầng lớp trung lưu đã thành hình đang biểu lộ nhu cầu cải tổ chính trị. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã phải nới lỏng vòng kiềm tỏa.
Chúng ta không biết chắc việc cải tổ chính trị có thể diễn ra trong 5 năm mà ông Tập Cận Bình đóng vai hoàng đế hay không, nhưng có thể biết chắc là người dân Trung Hoa sẽ thúc đẩy đảng cộng sản phải cải tổ chính trị, không thay đổi cũng không được. Bình luận về việc giải Nobel được trao cho Lưu Hiểu Ba gần đây, nhà tranh đấu dân chủ Ngụy Kinh Sinh nhận xét rằng giới tranh đấu ở Trung Quốc hiện nay khác với thế hệ ông trước đây 20 năm. Ngày xưa, Ngụy Kinh Sinh, Phương Lệ Chi, và các nhà dân chủ khác thường đấu tranh đòi phải thay đổi chế độ cộng sản, và thay đổi ngay lập tức, để thiết lập thể chế tự do dân chủ. Ngày nay, hầu hết các nhà trí thức dân chủ trong lục địa không theo lối đó. Họ tranh đấu trong vòng giới hạn của chế độ, họ chỉ lên tiếng yêu cầu chính quyền cộng sản thi hành bản Hiến Pháp mà chính họ vẽ ra, từng quyền tự do cụ thể một như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do cư trú (bãi bỏ chế độ hộ khẩu), tự do di chuyển, vân vân. Lưu Hiểu Ba, khi viết Hiến Chương 08 đã theo lối đó. Phương pháp tranh đấu của giới trí thức Trung Quốc ngày nay cũng dùng các phương tiện mới mà thế hệ Ngụy Kinh Sinh chưa có, đó là Internet. Nhờ thế, ảnh hưởng của các nhà tranh đấu trên giới trẻ cũng mạnh hơn, khiến đảng cộng sản phải tôn trọng những ý kiến mà họ nêu lên hơn.
Do đó, chúng ta hiểu được tại sao ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng chính quyền cộng sản, đã nói đến nhu cầu cải tổ chính trị từ Tháng Tám vừa qua. Ông nhắc lại nhiều lần ý kiến đó, tuy nhiên không đưa ra một biện pháp cụ thể nào cả. Có thể nói Ôn Gia Bảo muốn được ghi tên trong lịch sử như một nhà lãnh đạo có ý hướng dân chủ hóa, trong hai năm sau cùng mà ông còn ngồi trên ghế “tổng lý quốc vụ viện.” Hoặc, ông ta muốn mở hé cánh cửa cho thế hệ sau đứng ra làm công việc dân chủ hóa.
Sau 60 năm thiết lập chế độ cộng sản, Tập Cận Bình sẽ là thế hệ lãnh đạo thứ năm; kế thừa Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Ðào. Trong 60 năm vừa qua, việc tấn phong một người lên ngôi cửu ngũ ở Bắc Kinh chỉ có một lần diễn ra trong hòa bình, có trật tự. Ðó là khi Hồ Cẩm Ðào lên thay Giang Trạch Dân năm 2002. Trước đó, những cuộc đổi ngôi đều tiếp theo sau các cuộc thanh trừng nội bộ hoặc đàn áp đẫm máu, như biến cố Thiên An Môn mở đường cho Giang Trạch Dân được đưa từ Thượng Hải về nhậm chức tổng bí thư. Nhưng việc lên ngôi của Tập Cận Bình sắp tới cũng khác với Hồ Cẩm Ðào trước đây. Vì không phải Giang Trạch Dân đã chọn Hồ Cẩm Ðào làm người kế vị, mà chính Ðặng Tiểu Bình, trong lúc còn sống là người đã chỉ định Hồ Cẩm Ðào lên ngôi sau Giang. Họ Ðặng qua đời năm 1997, năm 2002 Hồ Cẩm Ðào mới nhậm chức, cho thấy quyền uy của vị “thái thượng hoàng” này lớn mạnh như thế nào, cả sau khi đã chết.
Năm nay, việc tấn phong Tập Cận Bình khác hẳn lần trước. Vì được Ðặng Tiểu Bình chỉ định nên Hồ Cẩm Ðào đã được vào Thường Vụ Bộ Chính Trị từ 1992, 10 năm trước khi lên ngôi chủ tịch. Năm 1999, Hồ Cẩm Ðào được phong phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, 3 năm trước khi lên ngôi. Lần này, Tập Cận Bình bị chậm trễ trong cả hai vụ. Ông ta chỉ được vào Thường Vụ 5 năm trước khi lên làm chủ tịch đảng, (nếu ông sẽ lên chức đó năm 2012). Năm ngoái, đến kỳ hạn 3 năm trước năm 2012, nhiều quan sát viên đã chờ coi Tập Cận Bình được phong chức trong Quân Ủy; nhưng việc đó không xảy ra. Khi đó, nhiều người đã nghi ngờ có một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Cộng Sản Trung Hoa. Năm nay, Tập Cận Bình được tấn phong, chậm hơn Hồ Cẩm Ðào một năm, cho thấy địa vị của ông ta không chắc đã vững, như họ Hồ trước đây!
Cuộc đấu tranh quyền lực có thật. Trong nội bộ Cộng Sản Trung Quốc có ít nhất hai phe. Năm 2007, Hồ Cẩm Ðào đã chọn hai người trẻ trong lứa tuổi 50 vào cho đủ 9 người trong Thường Vụ Bộ Chính Trị: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (Li Keqiang) chuẩn bị cho họ lên thay Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo. Họ Tập và họ Lý thuộc hai nhóm khác nhau trong Bộ Chính Trị Cộng Sản Trung Quốc. Tình trạng phân chia hai khối này được báo Thanh Niên của cộng sản Trung Quốc gọi là “Chính địch đoàn đội,” nghĩa là chia hai đội đối địch với nhau về chính sách.
Nhóm thứ nhất, do Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo cầm đầu, đa số là những người đã cộng tác với Hồ Cẩm Ðào trong Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản; họ được gọi là “Ðoàn phái,” tức là phe trong Ðoàn Thanh Niên. Hiện nay phái này chiếm 23% các ghế trong Trung ương Ðảng và 32% Bộ Chính Trị. Lý Khắc Cường thuộc nhóm này.
Nhóm thứ hai gồm những đảng viên già như Giả Khánh Linh, Ngô Bang Quốc, và những người trẻ thuộc thế hệ thứ năm như Bạc Hy Lai (bí thư thành ủy Trùng Khánh), Vương Kỳ Sơn, phó thủ tướng. Khác với “Ðoàn phái,” những người thuộc nhóm thứ hai này liên hệ với nhau qua mạng lưới “con ông cháu cha” vì là con cái những người lãnh đạo cộng sản lớp trước. Tập Cận Bình, con trai của Tập Trọng Huân, một thành viên Bộ Chính trị, đã giữ chức phó thủ tướng thời Ðặng Tiểu Bình, thuộc nhóm “Vương tôn” này. Nhóm Vương Tôn chiếm 28% ghế trong Bộ Chính Trị.
Hai nhóm “Chính địch” trên đây có những khả năng và ưu tiên khác nhau. Nhóm Ðoàn Phái có kinh nghiệm nhiều về tổ chức đảng, tuyên truyền vận động trong quá trình sinh hoạt, cho nên được coi là có khả năng để đối phó với những bất ổn xã hội khi người dân oán hận các chính sách cướp đất của đảng. Nhóm Vương Tôn ngược lại, thường xuất thân từ các tỉnh trù phú ven biển, nơi việc cải cách kinh tế tạo nên cảnh phồn thịnh ngoạn mục, họ có kinh nghiệm trong các lãnh vực tài chánh, thương mại quốc tế, ngoại giao và kỹ thuật.
Về chính sách đối nội, nhóm Vương Tôn chủ trương tiếp tục cải tổ kinh tế và cho giới kinh doanh tư được phát triển thêm; giữ chỉ tiêu phải phát triển kinh tế với tốc độ cao như cũ. Ngược lại, nhóm Ðoàn Phái quan tâm đến những hậu quả xã hội và chính trị của việc phát triển kinh tế; đặc biệt là tình trạng chênh lệch giầu nghèo giữa thành phố và thôn quê, giữa miền ven biển và vùng sâu trong lục địa. Họ chủ trương việc phát triển hệ thống an sinh xã hội và giảm bớt bất công quan trọng hơn việc giữ tỷ lệ phát triển cao.
Việc tấn phong Tập Cận Bình có thể cho thấy phe Vương Tôn đã thắng một hiệp trong cuộc đấu quyền lực. Ðó cũng có thể là một bước đi ngược với 8 năm của Hồ Cẩm Ðào, khi nhóm Ðoàn Phái chiếm ưu thế. Nhưng khi nhóm Vương Tôn nắm hết quyền hành thì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chú trọng đến kinh tế nhiều hơn các vấn đề chính trị, xã hội, do đó khó nói chuyện cải tổ chính trị như ông Ôn Gia Bảo đang cổ võ. Trừ khi khát vọng tự do dân chủ của giới trung lưu đang thành hình sẽ lên cao, trở thành một phong trào không thể cưỡng lại được. Khi đó, đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải nhờ đến nhóm Ðoàn phái đứng ra đảm nhiệm việc “trị an!”
Vì vậy, hai, ba năm nữa khi Tập Cận Bình lên ngôi chủ tịch đảng và nhà nước, Lý Khắc Cường sẽ được chuẩn bị đóng vai thủ tướng. Sau bốn thế hệ Mao, Ðặng, Giang và Hồ, thế hệ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chia nhau những kinh nghiệm gian khổ thời niên thiếu, họ đều là nạn nhân của cuộc cách mạng văn hóa thời 1970. Hy vọng là nhờ kinh nghiệm đó họ sẽ ý thức được rằng quyền hành sinh ra nhũng lạm, quyền hành càng lớn thì nhũng lạm càng lớn. Hơn nữa, trong một chế độ độc tài, không có gì chắc chắn là những tài sản và địa vị mà họ đạt được hôm nay sẽ được pháp luật bảo vệ. Ðó là lý do phải xây dựng một chế độ tự do dân chủ.
Biết như vậy thì nhà nước cộng sản Trung Quốc nên cho phép ấn hành Hiến Chương 08, cho phép phổ biến rộng rãi; và hãy trả tự do cho tác giả chính là ông Lưu Hiểu Ba. Hiến Chương 08 sẽ ảnh hưởng đến lịch sử Trung Hoa trong thế kỷ 21 này và sau nữa, không khác gì bản Tuyên Ngôn Cộng Sản của Karl Marx ảnh hưởng trên thế kỷ 19, 20.
.
.
.
No comments:
Post a Comment