Ryszard Kapuscinski
Trần Quốc Việt dịch
31/10/2010 | 1:18 chiều
Tốc độ và của cải đi chung với nhau. Điều này thật tai hại vì sự song hành này có nghĩa là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, mà vào giữa thế kỷ chúng ta tưởng sẽ giảm đi, nào ngờ đang ngày càng trở nên vĩnh viễn – và càng lớn hơn. Tất cả các lý thuyết tăng trưởng kinh tế từ thập niên 1950 bàn về thế giới đang phát triến “cất cánh” và đuổi kịp rốt cuộc chẳng có ý nghĩa gì, ít nhất bên ngoài châu Á phi thường.
Hoá ra sự thật chính trong thời đại ngày nay không phải là vũ khí hạt nhân hay sự xung đột giữa các nền văn minh. Sự thật ấy chính là sự bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu. Kỳ lạ thay, ngược lại với các giả thuyết Mác-xít cũ kỹ, đây là sự bất bình đẳng không tạo ra cuộc nổi dậy quyết liệt tại những nơi chúng ta quen gọi “Thế giới thứ Ba”. Đây là sự bất bình đẳng đa số bây giờ mặc nhiên chấp nhận như là một phần của thực tại.
Vào thập niên 1950 và 1960 trong men say của phong trào giải phóng thuộc địa, các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba và những người đi theo họ tưởng mình có thể dẹp tan bao ngăn cách giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa Bắc và Nam, trong cuộc đồng khởi khá lớn chống đế quốc. Khoảng ba mươi năm sau kinh nghiệm cay đắng đã dạy cho nhân dân biết rằng đây là ngõ cụt. Những nhà lãnh đạo giờ tan thanh danh còn nhân dân thì tan ảo mộng.
Vì thế, người dân đã xoay sang cách hội nhập từ từ qua di dân. Từng người một, từng gia đình một, họ tìm được chốn nhỏ nương thân trong thế giới đã phát triển. Họ đi lau chùi nhà cửa và hái dâu ở California , họ rao bán những đồ trang sức rẻ tiền trước đền Pantheon ở La Mã hay trước Tháp Nghiêng Pisa.
Những hành động hội nhập cá nhân nhỏ nhoi cộng lại thành cuộc di dân tập thể này không phải là vấn đề ý thức hệ mà là vấn đề bản năng sinh tồn.
Rồi khi những người này đến được thế giới đã phát triển, họ sống khép mình lại với nhau. Họ không tự tổ chức để mưu cầu quyền lực trong xã hội cưu mang họ. Dù là người Ba Lan ở Canada , người Thổ ở Đức hay người Đại Hàn ở Mỹ, họ đều chỉ biết trông coi cửa hàng của mình hay đi làm. Họ sống phục tùng, sống điềm tĩnh và lặng lẽ, an vui với cuộc đời bé nhỏ còn lại nơi xứ lạ.
Sự hội nhập này đang thay đổi bộ mặt của châu Âu tựa như ở Mỹ. Vào một đêm hè oi bức ở Paris , từ phi trường tôi đáp xe buýt đi vào thành phố. Khi đi ngang qua khu vực người châu Phi ở Paris , tôi ngỡ mình đang ở Lagos . Năm 1996 tôi có mặt ở nhà ga Rotterdam vào độ 10 giờ tối. Lúc đó chỉ có hai người da trắng, người thâu ngân đổi tiền và tôi. Còn lại tất cả mọi người đều là da đen. Tưởng chừng như ta đang ở nhà ga nào đấy ở Nairobi .
Hiện tượng này sẽ đánh dấu tương lai của chúng ta. Người ta sẽ ở lại. Họ sẽ có con, và con họ sẽ đến trường rồi đi làm. Sự hội nhập của họ sẽ thành vĩnh viễn và tạo ra xã hội pha trộn nhiều nền văn minh.
Riêng đối với đa phần thế giới, tương lai thật sự không tồn tại. Tuyệt vọng là người bạn đường đồng hành của sự cách biệt rất lớn này giữa giàu và nghèo trên hành tinh.
Tưởng như rằng chúng ta chẳng còn sót lại trí tưởng tượng nào để giải quyết vấn đề bần hàn này của đa số. Chắc chắn nhờ cứu trợ nhân đạo khẩn cấp nạn đói có thể bị dập tắt ở nơi này hay nơi khác.
Nhưng tất cả các máy tính trên thế giới, với tất cả các dữ liệu chứa trong chúng, chẳng góp phần gì vào việc xoá bỏ cảnh bần hàn tập thể ấy. Tự nhiên ta dễ đi đến kết luận rằng trí tưởng tượng của con người có giới hạn. Một thời trí tưởng tượng này đã dựng lên những thánh đường nguy nga. Nhưng giờ đây trí tượng tượng ấy đã cạn kiệt khi đối diện với vấn đề này.
Nếu có bất kỳ bài học nào rút ra từ tất cả các cuộc cách mạng bị thất bại trong thế kỷ hai mươi, từ chủ nghĩa cộng sản, đến chủ nghĩa xã hội Liên Phi hay Liên Ả Rập, bài học đó là không có con đường tắt nào đến tương lai. Con đường ý thức hệ đưa đến thiên đường ảo ảnh là con đường lừa dối. Con đường ấy không khả thi, không thực tế.
Cho nên lịch sử đã đến Thời điểm Thực tế của mình. Nhân dân cố gắng làm những cái gì có kết quả. Họ thấy cái gì được thì làm.
Thiếu đi những tư tưởng chỉ đạo này có thể nguy hiểm vì lấp đầy vào đấy có thể là lòng thù hận và nghi ngờ. Nhưng thế giới nói chung, từ nước giàu nhất đến nước nghèo nhất, đã vượt xa ý thức hệ. Trong tâm trạng tan vỡ ảo mộng của chúng ta dường như chẳng thể nào tập hợp được bất kỳ tập thể dân chúng nào dưới một ngọn cờ tư tưởng. Điều đó hoá ra lại hay. Như thế nhân dân chắc chắn tiếp tục theo con đường trung đạo, tức con đường thực tế tiến lên dò dẫm từng bước nhỏ tuỳ thuộc vào những điều làm được và những điều không làm được. Thời đại của những bước nhảy vọt vĩ đại và giấc mơ hoang tưởng đã qua.
Như vậy trí thức sẽ trở nên như thế nào trong các xã hội thực tế? Trí thức là những người tạo ra văn hoá. Và giữa tất cả những tan vỡ ảo vọng trong thế kỷ hai mươi, văn hoá của một dân tộc nào đấy là những gì trường tồn như những trụ cột còn sót lại quanh cảnh đổ nát hoang tàn của các nhà nước và ý thức hệ.
Vai trò của trí thức cũng sẽ phải đặc biệt quan trọng với tư cách là những người canh chừng sự vận dụng truyền thông bất chính, canh chừng sự chọn lọc và uốn nắn thông tin. Vai trò chủ yếu của họ là sẽ phải nói lên những gì không được nói, vạch ra những gì không được vạch ra, bàn luận về phần của hiện thực mà có thể không đi vào được cuốn phim ăn khách hay không thể chen chân lên được màn ảnh truyền hình.
Bất kỳ sự chọn lọc thông tin nào cũng là sự kiểm duyệt. Sự kiểm duyệt có thể là độc đoán hay hành chánh, như kiểm duyệt dưới thời Xô viết cũ hay như kiểm duyệt hiện nay ở Trung Quốc. Hay kiểm duyệt có thể xuất hiện do sự chọn lựa của người tiêu thụ và của nhà sản xuất chiều theo thị hiếu tập thể tầm thường để đảm bảo kết quả bội thu ở phòng bán vé.
Cả hai hình thức chọn lọc đều xoá sạch đi sự thật về hiện thực. Vai trò của trí thức là phải đâm thủng cả hai bức màn kiểm duyệt này.
Nguồn: Nguyên tác tiếng Anh “Some Last Thoughts”, tạp chí NPQ số mùa xuân 2007. Tựa đề của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment