Trọng Thành - RFI
Thứ sáu 29 Tháng Mười 2010
Hôm nay (29/10), đúng vào lúc ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Hà Nội, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), có trụ sở tại Paris, đã gửi một bức thư ngỏ yêu cầu Hoa Kỳ đề cập với chính quyền Việt Nam về việc trả tự do cho các nhà báo và nhà ly khai sử dụng mạng internet để bày tỏ chính kiến, đặc biệt ba trường hợp được RSF nêu đích danh là các ông : Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định.
RSF trương biểu ngữ trước Đại sứ quan Việt Nam tại Paris đòi trả tự do cho các nhà báo và blogger hồi cuối năm 2009
Trong bức thư này, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã nhắc lại tuyên bố của bà Hillary Clinton tháng giêng năm 2010, theo đó, Hoa Kỳ khẳng định có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet như một « công cụ phát triển kinh tế và xã hội ». Tổ chức Phóng viên không biên giới đã yêu cầu ngoại trưởng Mỹ có hành động cụ thể để thực thi các cam kết này trong trường hợp Việt Nam, là nơi có ít nhất 16 nhà bất đồng chính kiến mạng và 3 nhà báo hiện đang bị giam giữ.
Về 3 trường hợp được nêu đích danh trong bức thư ngỏ, tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết : ông Lê Công Định, luật sư có tiếng và là một nhà bất đồng chính kiến mạng, đã bị kết án 5 năm tù giam vào đầu năm nay. Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động dân chủ, bị kết án 7 năm tù trong cùng một phiên xử. Thêm vào đó, cả hai người đều phải nhận thêm án 3 năm quản chế tại gia sau khi mãn hạn tù. Cả hai ông đều bị kết tội « xâm hại an ninh quốc gia », qua việc « tổ chức các hoạt động với sự hỗ trợ của các tổ chức phản động ở nước ngoài », có mục tiêu « lật đổ chế độ thông qua việc sử dụng internet ».
Còn ông Phạm Minh Hoàng, giáo sư toán học và một nhà sử dụng mạng mang hai quốc tịch Pháp Việt, sau một tháng rưỡi biệt giam, vào cuối tháng 9 vừa qua cũng bị buộc tội đã « tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền».
Trong bối cảnh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng trở nên xấu hơn khi gần tới ngày đại hội đảng Cộng sản, dự kiến sẽ khai mạc vào đầu năm 2011, Tổ chức Phóng viên không biên giới nhắc lại rằng : vào thời điểm năm 2006, khi chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đã cam kết sẽ gắn liền sự phát triển kinh tế với việc tôn trọng các quyền tự do căn bản của các công dân. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, chính quyền đã tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông và Internet. Đã xảy ra nhiều vụ tấn công tin học nhắm vào các trang mạng có thái độ chỉ trích đối với nhà cầm quyền.
Bên cạnh tổ chức Phóng viên không biên giới, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, một số dân biểu và đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lên tiếng chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian gần đây, từ Hà Nội, thông tín viên RFI Lucie Moulin cho biết thêm chi tiết :
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, Việt Nam đã bắt giữ hoặc kết án ít nhất 12 người. Một số trong đó là tín đồ Công giáo, đã xô xát với công an, một số người khác là các thành viên nghiệp đoàn không được phép hoạt động, những người viết blog, hay các nhà đấu tranh dân chủ.
Điểm chung của những người bị bắt là tất cả đều tham gia vào các tổ chức. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Quang A, nguyên giám đốc một Viện nghiên cứu tự nhân, tự giải thể hồi cuối năm ngoái, và hiện tại đang tham gia vào cuộc phản đối dự án khai thác bô xít của chính phủ.
Theo ông Nguyễn Quang A, chính phủ Việt Nam và đảng Cộng sản rất cảnh giác với việc các cá nhân tập hợp trong các tổ chức độc lập. Nếu như một người tham gia vào một đảng phái chính trị hay một phong trào xã hội, chắc chắn người đó sẽ gặp phiền hà. Vẫn theo ông Nguyễn Quang A, giới lãnh đạo sẽ không bao giờ quan tâm đến các ý kiến của một nhà nghiên cứu hay một công dân bình thường, bất kể mức độ phê phán trong các ý kiến này.
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch và nhiều nghị sĩ Hoa Kỳ đã kêu gọi bà Hillary Clinton đưa ra quan điểm về vấn đề này. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có ý kiến, nhưng quan điểm của ngoại trưởng Mỹ chắc chắn sẽ có trọng lượng hơn. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã xảy ra, vì Hoa Kỳ lo ngại sẽ làm mếch lòng Hà Nội, kể từ giờ được coi như là một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. »
.
.
.
No comments:
Post a Comment