Sunday, October 31, 2010

NGƯỜI TRÍ THỨC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ ? (Chu Việt)

Chu Việt
31/10/2010 | 9:34 sáng

Cách đây ít bữa, trên mạng talawas.org tôi có viết một bài (“Cù Huy Hà Vũ, ông là ai?”) để ca ngợi và khuyến dụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong nước nên dấn thân đấu tranh cho dân chủ tự do, vì thấy ông có viễn kiến chính trị và đảm lược.

Qua nhiều phản hồi, tôi được biết ông không hành nghề luật sư như vợ ông mà chỉ như con chim ngứa cố hót chơi như sử gia Trần Quốc Vượng. Ông sử dụng truyền thông (phỏng vấn) và luật pháp (học ở Sorbonne) để bầy tỏ vài chính kiến quan yếu nhưng phi chính thống. Vài vị blogger và tôi ngợi khen ông ở chỗ đó và vì thế ước mong Hà Vũ sẽ làm một chuyện gì lớn lao cho đất nước. Tôi dông dài trích dẫn tình cảm của nhà thơ Huy Cận đối với văn hào Nhất Linh, mong ông làm một cái gì “khác và hơn cha ông.
Người trí thức “quan văn” (lời nhà văn Phạm Thị Hoài) cũng có “tâm hồn” như những người trí thức đích thực. Cái khác biệt nơi người cộng sản là họ kiên định một niềm tin có tính tôn giáo vào chủ nghĩa duy vật biện chứng do Engels và Marx khởi xướng và truyền bá trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” năm 1848 với mục đích cải biến xã hội loài người. Tùy người và hoàn cảnh, niềm tin này có thể trụ vững suốt đời, hay có thể chưa hết đời đã tan biến.

Tôi vẫn cho rằng “trí thức cộng sản là một khái niệm tự thân mâu thuẫn và không tưởng. Người trí thức chân chính phải có những phẩm cách nào đó, đặc biệt là tư duy độc lập và sự can đảm dám phát biểu tư duy đó như ý kiến của nhà cổ văn học, GS Nguyễn Huệ Chi. Trong một chế độ như xã hội chủ nghĩa mà ai cũng nghĩ và phát biểu một chiều như nhau thì làm gì có trí thức? Đã là người cộng sản “chân chính” như thế thì làm sao có thể là trí thức? Không ít trí thức ngoài Bắc đã sa đà vào con đường xã hội chủ nghĩa sau khi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Đã trót thì phải trét, suốt đời miệng câm như hến, ngoại trừ Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh và những văn nghệ sĩ  tham gia Nhân văn – Giai phẩm một thời oanh liệt như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Phùng Quán… Tuy nhiên cũng có một số trước khi chết đã ngậm ngùi xét lại tư cách “quan văn” của mình qua những hồi ký hay thơ như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… hay ngay khi còn sống như nhạc sĩ Tô Hải. Ngoài ra cũng không thiếu những nhà trí thức và blogger can đảm phản kháng những hành vi sai trái, đàn áp dân oan như GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài, LM Nguyễn Văn Lý v.v…

Ở ngoài nước, vì có tự do phát biểu, đã có nhiều trí thức lên tiếng đả phá hay phê phán chế độ cộng sản độc tài đảng trị, thí dụ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, nhà báo Ngô Nhân Dụng, kinh tế gia Nguyễn Mạnh Hùng (nhà văn Nam Dao), nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc… Và còn nhiều website quy tụ trí thức viết những bài phản biện “lề phải” giá trị không kể xiết, như thongluan.org, damau.org, vietthuc.org… Thật là những công việc đáng trân quý.

Duy có điều đáng tiếc: trí thức không nhất thiết cũng là những nhà hành động. Khả năng lãnh đạo thì có thể có đấy, nhưng không có tư tưởng với dự án chính trị khả thi nhằm kết hợp người khác thành tổ chức tranh đấu, lại không có ý chí dấn thân tham gia để tự thử thách trong một tổ chức dân chủ đã có, sẽ không làm được gì nên chuyện. Còn nhớ nhà trí thức hoạt động dân chủ thực sự Nguyễn Gia Kiểng đã có lần mong ước: “chỉ cần một tố chức chặt chẽ và thống nhất khoảng 1000 người là có thể làm được chuyện lớn”[1]. Biết vậy, nhưng bản chất “nho sĩ tân học” có đủ tiêu chuẩn lãnh đạo và bảo đảm sự kiên trì dấn thân hành động cho đến thành công chăng?

Như vậy ta có thể đặt một câu hỏi nhức nhối: “Người trí thức có thể làm được gì?” Chẳng lẽ chỉ ngồi bên nhau, thù tạc, bàn suông, viết lách, đọc diễn văn, hay làm MC?[2] Đành rằng trong hoàn cảnh của chúng ta – những người Việt hải ngoại khắp nơi – đó là những việc tạm đủ xoa bóp tự ái tự mãn, nhưng chẳng lẽ cứ tiếp tục như vậy mãi? Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần hành động. Ở hải ngoại nếu ai chưa làm gì cụ thể được thì phải hết sức khích lệ và yểm trợ những trí thức chân chính hoạt động trong nước bằng mọi cách, mọi phương tiện. Một gương sáng là các tổ chức hải ngoại đã đề nghị giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhà đối kháng GS Lưu Hiểu Ba, làm cho nhà nước Trung Quốc mất mặt.

Tôi vốn tin tưởng rằng chỉ có người trong nước mới có đủ hiểu biết và điều kiện thực hiện những sự đổi thay cấu trúc chính trị, một cách tiệm tiến hay triệt để. Lý do chính yếu là Đảng Cộng sản đã ăn sâu bám rễ chằng chịt trong xã hội Việt Nam như một cây cổ thụ. Lực lượng nào có thể làm nổi công việc bứt rễ, chặt cây này, nếu không phải là những tổ chức nhân dân do trí thức vạch lối chỉ đường và lãnh đạo? Những cuộc cách mạng như thế đôi khi bắt đầu bằng một Hiến chương, một tổ chức dân sự hiền lành, bất bạo động.
Một ngày không xa, có thể hy vọng và mong đợi sự xuất hiện một Vaclav Havel, một Lech Walesa, hay một Mikhail Gorbachev? Tôi tin đó là một khả thi (probability) chứ không chỉ là một khả dĩ (possibility).

© 2010 Chu Việt
© 2010 talawas
-------------------------------------
[1] Tổ chức Dân Chủ Đa Nguyên của ông Nguyễn Gia Kiểng luôn luôn bị nhà nước cộng sản Việt Nam coi là “lực lượng thù địch”. Chủ trương “hòa giải” của ông không hiệu quả vì chính quyền Việt Nam chỉ muốn chiêu dụ.
[2] Tôi tuyệt đối không hề dám chỉ trích hay nói cạnh nói khóe ai, nhất là trường hợp bà Dương Nguyệt Ánh. Cá nhân tôi kính phục bà và tin tưởng bà có khả năng lãnh đạo xuất sắc. Nhưng tôi hơi buồn là bà xuất hiện hơi nhiều trong các show của Trung Tâm Asia thay vì có thể làm những việc khác có ích cho cộng đồng người Việt hải ngoại xứng với tài và tâm của bà hơn. Tôi thực bụng, không sợ làm mất lòng ai.
.
.
.
Phản hồi

Trương Nhân Tuấn nói:
Tôi chỉ nói riêng về trường hợp ông Nguyễn Gia Kiểng mà tác giả đã nhắc trong bài.

Tôi đồng ý với ông Kiểng ở nhiều chuyện nhưng cũng không đồng ý ở nhiều chuyện. Trong bài này đề cập hai chuyện (đều là chuyện mà tôi không đồng ý).

1/ Tác giả trích lời ông Kiểng: “chỉ cần một tổ chức chặt chẽ và thống nhất khoảng 1000 người là có thể làm được chuyện lớn”. Theo ý tứ thì tác giả đồng ý với ý kiến này.
Tôi biết ông Kiểng là người có lòng với đất nước, nhưng theo tôi, ý nguyện về một « tổ chức chặt chẽ và thống nhất khoảng 1000 người » của ông Kiểng sẽ không bao giờ thành công. Ý nguyện này của ông Kiểng đã có từ vài thập niên nay, từ khi ông thành lập nhóm Thông Luận. Nếu tính về thời gian, nhiều người có thể đã có kết luận vội vã : ông Kiểng bất tài vì không thực hiện được mục tiêu của mình. Nhưng nếu, giao cho người phê bình đó, vốn thời gian và phương tiện sẵn có, thì chắc chắn họ cũng không thể làm hơn được ông Kiểng. Nhiều tổ chức, nhiều đoàn thể đã và đang làm như vậy. Nhưng thành quả thì không ai đạt được hơn ai.
Nguyên nhân do đâu ?
Theo ông Kiểng (và tác giả) là do con người, do bản chất « nho sĩ tân học », như trong bài đã viết. Tôi thấy chỉ đúng một phần, vì dân tộc nào cũng có hiện tượng như vậy. Chúng ta thường hay lấy các tấm gương Do Thái hay Nhật để làm thí dụ về tính đoàn kết, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn về các dân tộc này thì sẽ thấy họ còn chia rẽ hơn cả dân VN. Nguyên nhân theo tôi, là do sự tấn công từ mọi phía của đảng CSVN. Đảng này, với quyền hành tuyệt đối trong tay, họ có thể làm bất cứ việc gì.
Nhưng đúng hay sai ở các nguyên nhân này đều không quan trọng.
Giả sử, nếu có một tổ chức (hơn cả 1000) người, gắn bó với nhau, thì liệu sẽ làm được gì để thay đổi VN? « Chuyện lớn » này là chuyện gì ?
Theo tôi, nếu tổ chức này ở nước ngoài thì sẽ chỉ làm việc reo hò, vỗ tay… tức sẽ làm công việc phụ trợ. Nếu tổ chức này ở trong nước, thì chỉ cần các thành viên của tổ chức vỗ tay thôi, chưa nói tới việc đòi làm « chính trị », cũng đủ để họ vào tù.
Như thế, nếu bỏ hết cả thời gian để « xây dựng tổ chức », thì sẽ là con dã tràng xe cát, mà không làm được gì, vì đảng CSVN có thể ví như các đợt sóng biển. Vấn đề, sai lầm của nhiều người, theo tôi là đặt mục tiêu « xây dựng tổ chức » lên trên mục tiêu chiến lược « dân chủ hóa đất nước ».
Sẽ có người hỏi lại tôi : không có tổ chức lớn thì làm thế nào để dân chủ hóa đất nước ?
Với cá nhân tôi, xem « dân chủ hóa đất nước » là cứu cánh, không phải là mục tiêu chính trị, thì sự việc sẽ dễ dàng. Nếu suy nghĩ ta sẽ thấy có trăm ngàn cách để làm việc này.
Nhưng đối với những nhà chính trị, cứu cánh của họ là nắm quyền, « dân chủ hóa đất nước » là mục tiêu giai đoạn, là phương tiện để đạt mục tiêu chính trị. Vì thế ta sẽ thông cảm với ý nghĩa đơn thuần của họ. Làm chính trị, nếu không có tổ chức lớn thì làm sao dành được quyền hành sau này ?
Nhưng mọi người đều sai ở chỗ : lúc mới đâu kháng chiến, đảng CSVN chỉ có một nhóm nhỏ vài người. Yếu tố số đông chưa chắc là yếu tố quyết định để chiến thắng. (Hiện nay, nhiều tổ chức khoe khoang có thành viên trong nước, nóng vội hái nho còn xanh, vỗ ngực xưng tên, khiến biết bao nhiêu người vô tội vào vòng lao lý. Đây là một việc làm phi đạo đức của các lãnh tụ các tổ chức chính trị. Nếu quí vị muốn sử dụng mọi phương tiện để đạt mục tiêu (ở đây là để nổi tiếng) thì quí vị sẽ không thể thắng CS. CSVN là bậc thầy của quí vị ở các hành động phi đạo đức. Nhưng họ hơn quí vị vì họ che lấp được các hành vi của họ, còn quí vị thì không. Mặt khác, thực lực của quí vị chưa ra gì, làm các việc vọng động như thế để suy giảm tiềm lực, dĩ nhiên là việc thiển cận, nếu không nói là ngu xuẩn.)
Tôi nghĩ, vấn đề dân chủ hóa đất nước sẽ giống như việc « mưa dầm thấm lâu ». Việc xây dựng « xã hội dân sự » là quan trọng đồng thời với việc xác định lại trách nhiệm của trí thức trong xã hội. Tôi đồng ý nhiều điểm với tác giả Hoàng Giang trong loạt bài mới đây, đề nghị những lãnh đạo CS về hưu cần tự vấn lương tâm, cần sử dụng uy tín, tiếng nói của mình để góp phần vào công việc dân chủ hóa đất nước (vì đó là con đường thoát duy nhất).
Không phải « xã hội dân sự » và phản biện của trí thức là mẹ đẻ của đối lập chính trị đó hay sao ? Các việc này được gọi qua một danh xưng khác, « phi chính trị », vô thuởng vô phạt. Phải chăng đây là phương pháp bảo toàn lực lượng hữu hiệu nhất ?

2/ Về ý kiến cho rằng : Tổ chức Dân Chủ Đa Nguyên của ông Nguyễn Gia Kiểng luôn luôn bị nhà nước cộng sản Việt Nam coi là “lực lượng thù địch”. Chủ trương “hòa giải” của ông không hiệu quả vì chính quyền Việt Nam chỉ muốn chiêu dụ.
Tôi nghĩ rằng chủ trương « hòa giải » của THDCDN không hiệu quả vì xưa nay mọi người hô hào chủ trương này như là một giải pháp chính trị chứ không hô hào nó như một thái độ, một hành động, hay nghiên cứu nó như một chính sách thuộc phạm trù đạo đức.
Nếu xem « hòa giải » như là một giải pháp chính trị thì đối tượng hòa giải sẽ là đảng CSVN. Dĩ nhiên họ sẽ không ngó ngàng gì đến. Mắc mớ gì họ phải hòa giải với mấy anh (kể cả khi mấy anh có 10.000 người) ?
Nếu xem « hòa giải » như là một chính sách thuộc phạm trù đạo đức thì đối tượng là người dân. Việc này thì có thể sẽ được dễ dàng tiếp nhận ở nhiều thành phần, nhất là giới trí thức trong nước.
Như thế tùy theo mục tiêu mà vấn đề « hòa giải » sẽ được hiểu khác nhau.
Đây là việc thứ hai mà tôi nghĩ « khác » ông Kiểng.
.
.
.

No comments: