HỒ ÐINH
Cuối tháng Mười 2010
Cái chết khiến cho nhân loại hãi sợ vì đó chính là hình ảnh của mình sau này. Do trên, một số phong tục lễ hội đã được phát sinh, với tâm nguyện giúp cho người quá cố vươt qua được đoạn đường cuốÔi đời, để bước vào thế giới hư không an lạc.
Lễ Cô Hồn Tây hay là Halloween có nhiều nét tương đồng với Ngày Tết Trung Nguyên Rằm Tháng Bảy của VN, Trung Hoa và các nước theo Phật Giáo. Chỉ khác một điều là Lễ Cô Hồn Tây được tổ chức vào đêm 31-10 dương lịch hằng năm tại các nước Âu Mỹ, trước lễ các Thánh ngày 1-11.
Theo các nguồn sử liệu, thì lễ hội Halloween bắt nguồn từ sự mê tín dị đoan của người Druid, một bộ tộc thuộc giống dân Celts cổ đã định cư lâu đời tại nước Anh, Ái Nhĩ Lan và xứ Gaul. Giống như quan niệm của Ðông phương, người Druid tin rằng đêm cuối tháng mười là thời điểm để linh hồn của người chết, từ địa ngục thoát lên trần thế, vất vưởng phá phách. Ðể xua đuổi đám âm hồn này, thời đó người ta đốt lửa trong đêm Halloween.
Rồi đế quốc La Mã xâm chiếm quần đảo Anh-Ái, họ lại thêm vào lễ hội trên những tập tục và truyền thống mừng ngày mùa (Harvest Festival). Do ý nghĩa trên, ngày nay ta thấy trong đêm Halloween, mang đầy ảnh hưởng của cây trái. Khắp nơi, chỗ nào cũng có lồng đèn ma chơi (Jack-O-Lantern), làm bằng trái bí ngô rỗng, gọi là Hollowed-out-pumkin, phía trong có chỗ để cắm đèn cầy trắng, còn bên ngoài thì khắc những khuông mặt ma quỷ kỳ quái, ghê rợn, tạo thêm không khí ảm đạm, khiến cho mọi người có cảm tưởng đang sống trong cõi âm ty địa ngục, loạn thế trong thế giới của Sa Tăng.
Trong khi đó ngày 1-11 hằng năm lại là quốc lễ của Mễ Tây Cơ, mang ý nghĩa giống như ngày hội Thanh Minh vào tháng ba âm lịch của ta. Tại đây, người sống đón linh hồn của người chết đang trở về dương thế, bằng cách đốt lửa hay thắp nến dẫn đường. Trong khắp mọi nhà, bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân quyến.. được trần thiết một cách trang trọng với đầy lễ vật và hương hoa đủ loại tinh khiết thơm ngát. Sau đó vào ngày 2-11, mọi người mang tất cả những đồ ăn thức uống, dùng cúng người chết trong đêm qua, đến nghĩa trang để cả gia đình cùng ăn uống ngay nơi phần mộ của thân nhân mình. Cũng trong dịp quốc lễ trên, tại thủ đô Mexico cũng như tất cả các thành phố lớn nhỏ trong nước bán đầy cúc vạn thọ, là loại hoa mà người Mễ tin rằng có mùi hương đặc biệt, có thể quyến rũ được những hồn ma đang lạc lỏng, tìm lối về với gia đình. Ngoài ra còn có bán đầu lâu chứa đường và những bộ xương người. Tất cả các thứ trên đều làm bằng giấy bồi. Lại có bán loại bánh mì đặc biệt, gọi là Pan De Muerto, trông giống như các khúc xương người.
Khắp Hoa Kỳ, đêm Halloween đúng ra chỉ là một lễ hội của trẻ con. Bởi vậy khi mặt trời vừa bắt đầu đi ngủ, nhường chỗ cho bóng đêm, cũng là lúc bọn nhóc Mỹ hoá trang thành đủ loại ma quỷ, từ ma Cà Rồng Dracula, quỷ Nhập Tràng.. cho tới phù thủy hay các hồn ma chơi, chết oan uổng, nên đã sống vất vưỡng khắp nơi. Tất cả bọn chúng được mở xích, sổ tù, nhởn nhơ đi lại khắp nơi, vai vác chổi phép, tay xách đèn lồng bí, ăn mặc rất kỳ dị, tụ tập thành nhóm, kéo tới từng nhà, đập cửa, đòi lễ vật. Bởi vậy trong đêm này, hầu như nhà nào cũng có chuẩn bị bánh kẹo, để phân phát cho các em vui chơi. Có nhiều thành phố trên nước Mỹ, đã đứng ra tổ chức đêm lễ hội, mục đích ngăn ngừa sự phá phách quá trớn cuả bọn ‘ nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò ‘ Dịp này, cơ quan bảo trợ nhi đồng quốc tế của Liên Hiệp Quốc, tổ chức quyên góp, để gây quỹ, bảo trợ cho các trẻ em nghèo trên thế giới,
Ngày nay, lễ hội Halloween đã vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia nói tiếng Anh, xâm nhập vào nhiều quốc gia khác đặc biệt là Pháp, một dân tộc luôn tự tôn tự đại, đối với các nước Mỹ, Anh, Ðức, Nga.. về nền văn hiến truyền thống lâu đời của mình. Theo tin của AP, năm 1997 công ty điện thoại Telecom đã đứng ra, tổ chức và bảo trợ đêm lễ hội Halloween 31-10, tại kinh đô ánh sáng Ba Lê của nước Pháp. Công ty này đã cho trưng bày khắp nơi, dọc theo phường phố, trong khu vực Trocadrro gần chân tháp Eiffel với 8000 quả bí đỏ khổng lồ. Sự trưng bày trên, ngoài ý nghĩa quảng cáo phô trương thanh thế của hãng điện thoại, còn được một số đông người Pháp đồng tình cho rằng, đây là sự trở về nguồn cội của Âu Châu. Do trên, ta cũng đừng ngạc nhiên, vì sao Hoa Kỳ hằng năm đều tổ chức rất trọng thể đêm 31-10 Halloween, vì tổ tiên của Hiệp Chủng Quốc đã từ Âu Châu di cư lập nghiệp tại Tân Thế Giới.
Trước đây đêm Cô Hồn Tây không được tổ chức trọng thể như bây giờ nhưng theo sử liệu, vào thời điểm đó trong đêm lễ, các cửa hiệu đều có trang hoàng những quả bí đỏ và những mặt na cũng như quần áo, mũ hia của ma quỷ.Tại các quán rượu, quang cảnh lại càng ghê rợn với vũ hội hóa trang, dành cho khách hàng đến vui chơi suốt đêm, qua y phục, mũ nón kỳ quái và những chiếc mặt nạ quái đản .
Thật ra con người, ai cũng đều hãi sợ cái chết, dù biết trước đây chỉ là một bước chuyển kiếp từ thế giới này sang thế giới khác. Cho nên đó không phải là chuyện của riêng ai, kẻ chết hay người sống. Ðây là một tập tục của cá nhân, gia đình, xã hội và các tôn giáo, nhằm giúp người chết vượt tới cõi hư vô hoàn toàn, trong đó có việc làm cho người chết được mồ yên mã đẹp. Quan trọng nhất là từ năm 1963 tới nay, Giáo Hoàng Paul IV của Tòa Thánh La Mã, đã cho phép giáo dân được hỏa táng và tuyên bố việc này không làm hại tới đời sống tâm linh của những người theo đạo Thiên Chúa.
Tóm lại như Albert Camus viết :’ Chỉ có một vấn đề triết học nghiêm chỉnh . Ðó là sự chết của con người, một câu chuyện dài chưa kết thúc ‘.Tuy nhiên nói gì thì nói, chuyện lễ táng trên thế giới xưa nay, cũng vẫn là một trong tất cả các nền văn minh của nhân loại, được lưu truyền qua các thời đại. Nói chung, việc người sống chăm lo cho người chết, tức là tự chuẩn bị cho mình một cuộc sống ngày mai, nơi thế giới bên kia.
Ngày nay con người đang điên đầu vì nạn khan hiếm và cạn dần các nguồn lương thực, dành cho sự sống. Nhưng đói thì đói, khắp nơi thiên hạ vẫn cứ hoang phí , thậm chí phải khánh kiệt vì người chết, qua việc ma chay, mồ mả và lo thêm hành trang để cho ma, có phương tiện lập nghiệp ở bên kia thế giới.
Ðây là một quan niệm bất khả thi của con người không bao giờ ngưng ám ảnh, trước những bi kịch đời do sinh, tử, bệnh, lão gây nên. Thời tiền sử dù chịu cảnh ăn lông ở lỗ, tổ tiên ta cũng đã phải dành một phần lương thực để dâng cúng thần linh vô hình. Bây giờ nhiều người đã phải bóp bụng, chịu cảnh nghèo cực, để lo cho thần linh, người chết mà điển hình nhất là người Miên và Trung Hoa, qua sự cúng tế linh đình, đốt vàng bạc, đồ mã, số tiền tiêu phí hàng năm, không bút mực nào tính hết.
Trên miền thượng du Miến Ðiện có bộ tộc Chiov, sống đói rách triền miên, vì gần hết lương thực và gia tài kiếm được, đều dành cho người khuất mặt. Tại Bengale, người sống cúng người chết hằng ngày, bằng những thứ kiếm được, kể cả cái chổi quét nhà.
Tại Phi Châu, quan niệm chết trước để được hưởng nhiều lễ tết, là một trong những mốt thời thượng. Ðã vậy nhiều nơi ở Phi Châu xích đạo như bộ lạc Ponéo,Pahouins, Fans.. còn chơi sang, đem tiêu hủy tất cả những thứ mà người sống đã dùng qua, kể cả nhà cửa, cây cối , bàn ghế. Những thứ này được đem chôn với xác người chết. Nhiều nơi đám tang kéo dài rất nhiều ngày và có nhiều người Phi Châu, đã tự tử chết, để không mất phần hưởng cúng lễ. Trong một đám tang ở Angola, khổ chủ ngoài việc giết nhiều bò cái, còn hạ luôn 50 con cừu dê và vô số gà vịt.. Cũng ở Phi Châu, ma chay lớn nhỏ đều tuỳ thuộc vào thu hoạch mùa màng. Vì vậy nhiều nơi, người ta phải ưóp xác để quàng lại, có khi kéo dài đôi ba năm, để đợi tới khi đủ lễ vật. Ðồ cúng được ưa thích vẫn là súc vật. Người Madagascar giết hằng vạn bò trong dịp Tết Fandorana cũng như người Lobis trong ngày lễ Dono. Tại La Mecque, Népal, Bénares.. trong các ngày lễ, các chủ trại chăn nuôi phải đem giấu bớt súc vật, vì người ta tha hồ, giết chúng một cách vô tội vạ. Nhiều nơi không đủ súc vật hay các tín đồ theo Phật Giáo, thì lễ vật là ngũ cốc và hoa quả.
Có nhiều nơi, người ta bỏ bạc vàng vào miệng người chết, làm lộ phí để hồn ma có tiền hối lộ các vị thần, trên đường tới thế giới cực lạc. Ở Nga, nhiều vùng còn có phong tục quang tiền vào mộ người chết. Noí chung, tiền ma chay trên khắp thế giới, nếu gộp lại, có thể làm nghiêng lệch cán cân kinh tế hiện tại.
Nghĩa tử là nghĩa tận, câu nói thông thường nhưng đầy triết lý của người Trung Hoa xưa, đã cho thấy một cách đầy đủ nhất, tấm lòng thành kính của người sống đối với kẻ khuất mặt.. Vì thế khắp nơi trên thế giới, bất kỳ là dân tộc nào, cũng đều tổ chức tang lễ hết sức trang trọng, để tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng.
Do phong tục tập quán khác nhau, nên cũng có hơn 1001 tập tục kỳ lạ về tang chế. Tuy nhiên dã man nhất vẫn là tục bắt buộc thiêu sống người vợ của kẽ quá cố tại Ấn Ðộ. Tục này dù bị cấm hẳn từ năm 1829 nhưng tới nay vẫn bị phát hiện, có nhiều trường hợp đã xảy ra tại Rajasthan. Nói chung các truyền thống tang lễ nhất là tại Châu Phi, làm thiên hạ không biết đâu mà mò. Tại BomBay -Ấn Ðộ và Tây Tạng, thi thể của người chết bị vứt ra đồng hay tại tháp vĩnh hằng, cho kên kên, diều hâu tùng xẽo. Còn người Hindu thì lại hỏa táng tử thi, trước khi tắm rửa sạch sẽ để tẩy uế bụi trần. Trong lúc đó những người chết vì bệnh truyền nhiễm, phong dịch, lại bị quăng xuống sông, vì không ai muốn nhìn họ. Riêng những gia đình nghèo, mới đem chôn thân nhân mình. Có điều la, là những người sống hay hành hương dọc theo hai bờ sông Hằng tại Ấn Ðộ, đã không thắc mắc gì, về những xác chết thối rữa, cứ ngày qua tháng lại trôi lềnh bềnh trên mắt nước, làm ô uế và gây dịch bệnh cho người sống quanh vùng.
Tại Bắc Mỹ, từ năm 1880 các xác chết đã được ướp bằng cách tiêm chất hormone vào những động mạch của tử thi, để giữ được lâu ngày. Cũng ở Âu Mỹ, hiện có phong trào mua sẵn đất để dành chôn cất. Tập tục này làm phát sinh nhiều dịch vụ béo bở , trong đó có những cửa hiệu bán hoa nhân tạo, dành phúng điếu người chết. Tại Paris đã có hẳn một khu vực dành cho tang lễ, gọi là trung tâm hội chợ thương mại quốc tế, của người chết. Dân Nhật ở thành phố Osaka, ngoài việc tổ chức tang lễ rùm beng tốn kém, còn chơi ngông khi đưa quan tài, bằng những tập tục khác lạ, như đặt quan tài trên một đường trượt như kiểu ném bóng bowling. Ngoài ra còn có kiểu vệ tinh, mà chi phí một giờ lên tới 70.000 đô la.
Về các nghĩa trang thì vui nhộn nhất là Sapinta của Lỗ Mã Ni. Nghĩa trang Brookwood ở Anh Quốc rất thơ mộng, được xây dựng từ năm 1852, rộng 170 ha, có đường xe lửa riêng, tới nay vẫn là nơi yên nghỉ lý tưởng của 231.. 360 người. Nhật Bản và Hy Lạp, đất hẹp người đông, nên muốn có một nơi yên giấc nghìn thu, người ta phải chi phí một khoảng đầu tiên về đất là 25.000 đô la. Riêng nghĩa trang kỳ lạ nhất, vẫn là tại VN xã nghĩa, có mộ nhưng không có xác người, tại các nghĩa địa bộ đội, đã chết trong các cuộc chiến vừa qua.
Thành phố Alexandrie của Ai Cập, trong lúc công nhân đang xây cất chiếc cầu nôi liền xa lộ với thủ đô Le Caire, thì phát hiện được địa điểm Necropolis, mà theo Jean Yves Empereur, một nhà khảo cổ người Pháp, thì đây là một thành phố của người chết, đã có từ hơn 2000 năm trước tây lịch. Tại hiện trường, đã tìm ra một nghĩa trang rộng lớn, gồm 150 đơn vị ‘ Loculi’, là những hộc vuông bằng đất, được đào sâu trong vách thành, làm nơi bảo quản các xác chết. Ngoài ra còn có nhiều hộc nhỏ chứa tro cốt hỏa táng. Ðặc biệt các nhà mồ trong nghĩa trang này, đều được phủ các bức tranh vẽ có chú thích bằng chữ Hy Lạp. Có tất cả 7 tầng, chồng chất lên nhau, chứa đầy xương người và các vật dụng hằng ngày. Theo sử liệu và bút ký của nhà văn Strabon sống vào cuối thế kỷ I trước tây lịch, thì thành phố nghĩa trang này, được xây dựng vào khoảng thế kỷ III-II trước TL, thời kỳ vua Ptolémé của Hy Lạp, thống trị Cổ Ai Cập.. Tất cả di tích coi như còn nguyên vẹn.
Viện bảo tàng kinh dị nhất thế giới tại Paris , cũng vừa được mở cửa. Dây là nơi trưng bày những xác người và thú vật chết, bị lột da một cách gớm ghiếc, Bảo tàng do Fragonard, một thú y sĩ kiêm nghệ sĩ, thực hiên từ năm 1799. Ðể giữ nguyên vẹn thi hài người và thú vật sau khi bị lột da, Fragonard đã tiêm vào vào đó nhiều loại thuốc và hóa chất kỳ lạ tự chế, mà đến nay vẫn còn là điều bí mật, vì ông ta đã mang xuống mồ.
Ðời người dù sang hèn thì rốt cục ai cũng phải chết và trong mọi nghi thức nghi lễ liên quan tới cõi nhân sinh thì việc đưa tiển người chết về với cát bụi là quan trọng nhất. Nhưng để cho không khí trong gia đình người quá cố bớt tang tóc ảm đạm, nhiều dân tộc trên thế giới đã có những nghi thức thật vui vẽ ..
Bộ tộc Merina sống tại đảo quốc Madagasca trong Ấn Ðộ Dương thuộc miền Nam Châu Phi, hằng năm từ tháng 6 tới 9 đã cử hành nghi thức gọi là ‘ sự trở về của người chết ‘ để hội ngộ tổ tiên. Trong ngày đó, người chết được đưa từ nhà mồ về nhà để thay đổi đồ tẩm liệm mới. Rồi tổ chức tiệc tùng ăn uống tại nhà rất vui vẽ. Theo quan niệm của địa phương, thì đây là dịp để người chết tham gia vào lễ hội của làng. Do đó tất cả mọi sự trao đổi mua bán, hôn sự đều được quyết định trong ngày này trước xác chết. Sau đó người chết được đưa trở lại nhà mồ.
Mỗi năm đúng vào ngày thứ 9 của tháng 9 âm lịch, dân chúng Hồng Kông theo Phật và Lão giáo đều tổ chức một ngày cắm trại tại mồ mã ông bà cha mẹ tại nghĩa trang. Dịp này các ngôi mộ được lau chùi dọn dẹp sạch sẽ và là nơi tổ chức ăn uống cho cả gia đình người chết lẫn sống. Dân tộc Ga sống tại thủ đô Accra nước Ghana (Phi Châu) mai táng người thân trong gia đình bằng những chiếc quan tài bằng gổ quí tạc đủ mọi hình tượng từ chiếc máy bay, con cua cho tới chiếc điện thoại cầm tay.
Bộ tộc Toradja sống trên đảo Sula west thuộc quần đảo Nam Dương, có tục khắc tượng người quá cố của mình bằng gổ trên vách núi, trong lúc thân xác của họ được chôn trong hốc đá kế cận, với nhiệm vụ theo dõi giám sát hành động của con cháu trong gia đình. Ðây là một nghi lễ vô cùng tốn kém vì phải giết trâu bò heo dê lam tiệc đãi cả làng. Người Thụy Sĩ dùng tro cốt của người chết đun nóng ở nhiệt độ 2000 để làm thành chiếc nhẫn kim cương vĩnh cửu tuy thực chất chỉ là chất carbon.
Tóm lại đời người ai cũng phải một lần kết thúc trong chiếc quan tài, ngoại trừ những quân công cán cảnh và người dân xấu số miền Nam VN sau ngày 30-4-1975 đi tù hay bị đày ải lên vùng kinh tế mới chết bệnh được đảng CSVN vùi chôn bằng sáu miếng tre bó chiếu rách. Thật ra cái chết theo quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới, thì đó chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình liên tục để linh hồn lên trời. Người Anh cũng có ngạn ngữ ‘ go to work on an egg ‘ để nói về khởi nguồn của sự sống. Ðó cũng là lý do giới quý tộc người Anh dùng những chiếc quan tài hay lọ hũ hình quả trứng để ướp xác hay đựng tro cốt, với quan niệm là linh hồn mình sớm được sang thế giới bên kia để quay về điểm xuất phát ban đầu. Từ đó linh hồn con người sẽ không bao giờ tan biến theo cát bụi mà chỉ ‘ hoán kiếp ‘ ở một thế hiới khác.
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Cuối tháng Mười 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment