Friday, October 29, 2010

CẢ NƯỚC CHỐNG BAUXITE CÒN NHÀ NƯỚC THÌ CỨ Ì RA (Phạm Trần)

Phạm Trần
(10/2010)

Lần đầu tiên trong lịch sử  đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ có sự kiện tòan dân đã đòan kết chống lại một kế họach Kinh tế quốc gia  quan trọng như đã xẩy ra đối với Dự án khai thác Bauxite ở Tây nguyên, sau khi các viên chức Bộ Công thương và Chủ đầu tư  là Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản VN  (TKV) chưa  dám cam kết  các hồ chứa Bùn đỏ sẽ không vỡ  ra như đã xẩy ra ở Hung Gia Lợi ngày 4/10/2010.

Biến cố vỡ tường ngăn Bùn đỏ của Nhà máy Bauxit tại vùng Ajka nước Hung  được Chính phủ nước này coi đây là thảm họa hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử  của quốc gia này.
Theo báo cáo sơ khởi thì khoảng 1,1 triệu mét khối  nước thải bùn đỏ đã đổ xuống các vùng thấp chung quanh rộng gần 40 cây số và một số con sông gần đó.  Tai nạn  này đã làm 122 người bị thương do các hóa chất độc hại có chất ăn mòn cao trong bùn gây ra, 6 người mất tích, 5 người chết, lối  270 căn nhà bị cuốn trôi và  phá hủy nhiều cầu đường và tài sản của dân.
Chính phủ Hung Gia Lợi đã ban bố tình trạng khẩn trương và cảnh giác vùng bị nhiễm độc không còn sinh sống được nữa. Các Nhà Khoa học Châu Âu  đang lo ngại chất độc Bùn đỏ sẽ chảy xuống sông nổi tiếng Thế giới Danube làm ô nhiễm nước uống cho hàng chục triệu dân của 12 Quốc gia lân bang.

Biến cố này đã tạo sức ép cho các Nhà Trí thức, Khoa học gia, Văn nghệ Sỹ, Cựu Lãnh đoạo, Cựu đảng viên và Sỹ quan cao cấp trong Quân đội và các Trí thức người Việt Nam ở nước ngòai lên tiếng trong một Kiến nghị yêu cầu Nhà nước Việt Nam tạm dừng hai Dự án khai thác Bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) để nghiên cứu lại tòan diện hiệu qủa kinh tế và ảnh hưởng môi sinh.
Trong số gần 3,000  người ký tên  (cho đến ngày 27-10-010) có Bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch Nước và Giám mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Phản ứng trong dân chúng rất sôi nổi và tích cực. Các cuộc tham dò ý kiến của hai Báo Điện tử Dân Trí và ViệtNamNet cho thấy có đến 96 phần trăm chống tiếp tục làm 2 Dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Trong khi đó về phía Chính phủ cũng chỉ có 2 người là Bộ trường Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên và  Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Dương Quang bênh vực cho việc tiếp tục làm Bauxite.
Quan điểm của Nhà nước là địa hình Việt Nam khác với Hung Gia Lợi vì khi các hồ chứ Bùn đỏ của Hung xây trên mặt đất phẳng thì các hồ chứa của VN được chia ra từng ngăn nhỏ và ở trong lòng Thung lũng, xung quanh có đồi cao bao bọc.

Ông Phạm Khôi Nguyên xác quyết rằng các hồ chứa của Việt Nam được xây kiến cố chống được mức động đất từ 7 đến 9 chấm. Tuy nhiên, các viên chức Nhà nước lại không tham khảo các chuyên viên về địa chất của Việt Nam hay của bất cứ quốc gia nào mà dám nói các bức tường của hồ có thể chịu được sức ép động đất ở cấp 9,một dự đoán rất khó xẩy ra trong điều kiện của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên viên độc lập như Tiến sỹ  Nguyễn Thành Sơn thì đã khẳng định với Báo chí trong nước rằng : “ Chọn thung lũng làm nơi chứa chất thải bùn đỏ là cách tính toán rất dở về an toàn môi trường. Nó chỉ hay nếu nhìn ở khía cạnh tiết kiệm.”
Ông nói: “Trong xây dựng, người ta kiêng kỵ đặt công trình, kể cả bãi chứa chất thải, ở những nơi tụ thủy. Chọn thung lũng làm hồ chứa bùn thải đã vi phạm vào điều cấm kỵ đó. Vì khi có mưa bão, đây sẽ là nơi hứng nước từ trên triền đồi, núi đổ xuống, gây ra nguy cơ phát tán chất thải rất lớn. Dù rằng dưới góc độ hiệu quả kinh tế của dự án, thì đây là sáng kiến hay vì chỉ cần xây một đập chắn ở hạ lưu là đã có được một hồ chứa”. (Báo Thời báo Kinh tế)
Tiến Sỹ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thì nói rằng : “ Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài" .

Tại Quốc hội, các Đại biểu đang dự Khó họp 8 tỏ ra rất hoang mang và lo ngại cho sự an tòan và khả năng kinh tế của Dự án Bauxite. Nhiều Đại biều như ông Dương Trung Quốc (đơn vị Đồng Nai), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) đòi phải thảo luận công khai  và chất vấn các Bộ trưởng liên quan để Quốc hội ra một quyết nghị về vấn đề Bauxite.
Nguyên Thứ tưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ  phát biểu : “ Tôi cho rằng, trước hết cần đặt ra câu hỏi, không khai thác bô xít ở Tây Nguyên, Việt Nam có chết không? Câu trả lời là không. Việt Nam chưa giàu về kinh tế nhưng cũng không nghèo đến mức phải bán vội bán vàng mọi thứ tài nguyên mới sống được. Khi còn là một quốc gia nghèo, việc khai thác khoáng sản thô để bán cứu đói cho người dân thì không có gì đáng trách. Nay chúng ta đã là một nước có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có vốn, tài chính quốc gia không quá hạn hẹp đến mức phải cư xử với bô xít như vậy.
Thêm vào đó, vấn đề môi trường là một thách thức lớn. Khi khai thác cần có một không gian rất rộng, chúng ta phải bỏ đi hệ sinh thái ở Tây Nguyên để chứa bùn đỏ. Với một khối lượng bùn đỏ nằm chênh vênh ở trên Tây Nguyên là quá nguy hiểm. Nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ sẽ dẫn đến việc rò rỉ hoặc thấm vào nước ngầm gây ra thảm họa môi trường rất lớn.” (ViệtNam Express)

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn: “Có nhiều lý do. Theo tôi, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến kinh tế, mà quan trọng không kém là vấn đề môi trường, xã hội, văn hóa và cả chính trị trong đó nữa.
Trước đây, tôi cũng có ý kiến là chưa nên làm dự án này, các đồng chí trong Chính phủ cũng có bảo tiếp thu nghiên cứu, tuy nhiên vẫn chưa có gì thay đổi. Vì vậy mà xảy ra hiểm họa Hungary đã làm chúng ta đặt lại vấn đề.
Quan điểm về vấn đề này thì tôi thấy, chúng ta hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về khai thác bô-xít, cộng với địa hình Tây Nguyên của chúng ta có khác rất nhiều với các nước và thậm chí phức tạp hơn về nhiều mặt.
Đặc biệt, sự kiện bùn đỏ của Hungary và lũ lụt ở miền Trung vừa qua làm chúng ta phải suy nghĩ, nhất là khi biến đổi khí hậu của nước ta đang đứng trước tình cảnh báo động.
Vì vậy, tôi thấy dự án bô-xít Tây Nguyên lại càng không nên vội vàng, chưa nên đặt vấn đề khai thác và thậm chí nếu thấy chưa chắc chắn thì nên dừng.”  (Nhóm VNR500, Báo Tuần Việt Nam)

Bà Phạm Chi Lan,  chuyên gia kinh tế nổi tiếng trong nước nói với  Báo Dân Trí ngày 27-10 (2010) : “Nhiều người thừa nhận, vào khoảng năm 1976, 1977, sau giải phóng miền Nam, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và muốn tận dụng mọi nguồn vốn có thể để vực dậy nền kinh tế.
Lúc đó, Liên xô cũ và Hungary cũng đã được chúng ta mời vào xem xét khả năng khai thác bô xít Tây Nguyên. Đây là hai nước có nền công nghiệp nhôm phát triển rất mạnh trên thế giới.
Sau khi thăm dò cẩn thận, họ đều đưa ra lời khuyên là không nên khai thác với lý do chính là hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng môi trường, trong đó họ có tính đến giá điện. Vì Việt nam không có điện giá thấp như Liên xô dùng thủy điện nên rất khó có thể chế biến được nhôm vì chi phí rất đắt.
Đáng chú ý, họ cũng đã cảnh báo, Tây Nguyên ở vùng cao, nếu bùn đỏ tràn xuống thì không những Tây Nguyên mà hàng loạt khu vực ở vùng trũng thấp bị ảnh hưởng. Bởi vậy, dù kinh tế rất khó khăn nhưng lúc đó ta cũng đã nghe theo họ.
Chính vì thế, tôi cảm thấy tiếc là lúc chúng ta đang cần tiền nhất mà cũng không chấp nhận trả giá cho môi trường, vậy mà khi thuận lợi như hiện nay thì lại “gật đầu”.”

Cái “gật đầu” nguy  hiểm này do ai và ai bảo làm ?
Nhưng khi nói đến các chuyên viên của Liên Xô cũ và Hung Gia Lợi thì nên nhắc lại quan  điểm “nói dối một nửa” của  Bộ Công Thương đưa ra năm 2009 khi họ trả lời  các Trí thức chống khai thác Bauxite.  Họ nói:“ Các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đã được nghiên cứu từ rất lâu, trong giai đọan hợp tác với các nước SEV  (dịch qua tiếng Anh là Council  for Mutual Economic Assistance,  hay Hội đồng Kinh tế khối Đông Âu, thời Liên Bang Sô Viết).
Nửa phần kết luận sau của SEV đã khuyên Việt Nam, theo lời Bà Lan, là “không nên khai thác với lý do chính là hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng môi trường”  thì Bộ Công thương lại giấu  nhẹm đi (?)
Vậy khi nhắc đến khối SEV thì không thể  không nói  lại  Bài viết  về Bauxite của Cụ Giáo sư, Nhà Giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, người được mọi người ở trong nước ca tụng là “Người anh cả của khoa học địa chất Việt Nam”,  và là “Người làm tươi thêm hồng phúc của dân tộc”.
Cụ Giáo sư 90 tuổi viết trên Tạp chí Tia Sáng ngày 03-11-2008 : “Dự án khai thác quặng bauxit ở Tây Nguyên là một việc không quan tâm đến các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời ở đây là điều kiện khách quan không thuận lợi. Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cơn khủng hoảng tài chính thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đang phải hứng chịu lạm phát phi mã, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Việc triển khai dự án này không phải là giải pháp lợi ích kinh tế hiệu quả bởi: bauxit không phải là quý hiếm do vậy nếu chúng ta khai thác sẽ rất khó bán. Hiện nay chỉ có Trung Quốc, quốc gia đứng thứ hai thế giới trong khai thác và chế biến bauxit, mới có thể đứng ra “bao tiêu” được với giá rất rẻ.
Trong quá khứ, chúng ta đã đặt vấn đề với khối SEV, trong đó có cả Liên Xô, trong việc hợp tác khai thác bauxit ở Tây Nguyên nhưng chính các chuyên gia SEV đã cảnh báo về những bất lợi sẽ xảy ra tiến thành khai thác sẽ không có lợi, đồng thời họ cũng khuyến cáo chúng ta nên trồng những cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su…với hiệu quả kinh tế cao hơn.”

Rất tiếc cho vận nước, những người có chức có quyền ở Việt Nam, những kẻ hậu sinh chỉ đáng xách dép cho cụ Chiển  đã không biết học làm người mà chỉ thích làm nô lệ nên Cụ đành phải theo mệnh Trời  mà quy tiên ngày 25 tháng 07 năm 2009 để lại không biết bao nhiêu nỗi thương tiếc cho giới Khoa học và mọi người.

AI BẢO MÀ GẬT ĐẦU ?
Nhưng khi nói đến hai chữ “gật đầu” của Bà Phạm Chi Lan thì  cũng nên lật lại hồ sơ cũ để  thấy  trong Kiến Nghị gửi Nhà nước và Chính phủ ngày 17-4 (2009), các Nhà trí thức đã cáo giác những việc làm giấu dân của Chính phủ như thế này: “ Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội.”

Và trong một Bài viết gửi ra nước ngòai năm 2009, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã  thống trách Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng đã tự ý thỏa thuận  để cho Tầu vào khai thác Bauxite ở Đắk  Nông (trong 2 chuyến thăm Tầu năm 2001 và 2008).
Ông Giang hỏi : “Sao ông Nông Đức Mạnh lại làm như vây!
Trước khi quyết định mời Trung Quốc vào làm bôxit ĐakNông ông đã bàn kỹ ở Trung ương chưa ? Đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học chưa ? Đã thông qua Quốc hội chưa?...”
 “…Có ai đó đặt câu hỏi: ông Mạnh đã bị lừa, hay đã bị mua? hay là cả hai ? Không bị lừa thì không thể nào lại dại dột như thế! Bị mua thì có thể bằng cả hai giá. Cái giá chính trị: lời hứa bảo vệ ngai vàng. Và cái giá tài chính không biết là bao nhiêu! (Dân gian truyền tụng: “Theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất Đảng”. Khẩu lệnh “thiên đình”: “Trung với Đảng” ( chứ không phải “Trung với Nước” như lời Hồ chủ tịch). Có nghĩa là thà mất Nước chứ quyết không để mất Đảng! Mất Tổng Bí thư tức là mất Đảng chăng?).”

Trong Quyết định ngày 16-4-2009, Bộ Chính trị  trả lời những người chống khai thác Bauxite bằng giọng điệu “làm bố thiên hạ” như thế này : “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói riêng.”

Nhưng theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang (năm 2009)  thì : “ Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX còn ghi đó: “Khai thác chế biến các loại khoáng sản: phát triển công nghiệp khai thác bôxit, luyện alumin và chế biến nhôm theo một trong hai phương án: sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn sau nâng lên 3 triệu tấn. Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai thác inmênit, đá quý, vàng, đất hiếm; xây nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai”.
“Không hề nói khai thác bôxit ở Tây Nguyên, càng không hề nói phải đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên.”

Các Trí thức  còn viết trong phản kháng khai thác Bauxite của họ năm 2009: “ Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích.”

Về phương diện Quốc phòng, Kiến Nghị báo động: “ Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).” 

Kết luận, những người ký tên  trong Kiến nghị lần thứ nhất đã yêu cầu 3 điểm:
1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định.
 2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp.
  3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi. 

Tiếc thay, những ý kiến của lớp người khoa bảng đã không chọi lại được những anh lực điền vai u thịt bắp nhưng không  có óc trong đầu nên Kiến nghị một đã rơi vào quên lãng.
“Cũng may” mà có sự cố vỡ hồ Bùn đỏ ở Hung (4-10-010) nên vấn đề Bauxite của Việt Nam mới được “sống lại” mạnh mẽ, cương quyết và ào ạt hơn bao giờ hết.
Lần này, trong Kiến nghị tháng 10/2020, các  Trí thức và chuyên gia đã yêu cầu :
1) Ngừng ngay việc xây nhà máy chế biến Alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng) để nghiên cứu lại.
2) Tạm huỷ dự an đang đàm phán với nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Đắk Nông. (Chú thích: nước ngòai ở đây chính là Trung Quốc)
3) Tạm thời đình chỉ tòan diện dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại.
4) Lập nhóm nghiên cức độc lập để nghiên cứu tòan bộ kế họach khai thác Bauxite rồi trình cho Quốc hội và đem ra lấy ý kiến nhân dân.

LÝ DO KHÔNG ĐƯA RA QUỐC HỘI
Hồ sơ cũ cũng cho biết chính Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội cho biết vì kinh phí  khai thác Bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông)  mới ở  mức 600 triệu dollars nên chưa đạt đến số kinh phí  quy định bởi Quốc Hội đối một dự án kinh tế phải đem ra thảo luận.
Trọng không cho biết phải mất bao nhiêu tiền cho một dự án thì Quốc Hội mới được phép  nhúng ta vào. Tuy nhiên, Hòang Trung Hải, Phó Thủ tướng đã cho biết trong Cuộc Hội thảo về Bauxite ngày 09-4 (2009) rằng khi nào mức sản xuất từ 1 đến 2 triệu tấn thì mới phải trình Quốc Hội xem xét.
Cả hai nhà máy hiện nay chỉ dự trù sản xuất mỗi năm 600 ngàn tấn.

Trong cuộc nói chuyện với Cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 4/5 (2009), nhiều người dân Hà thành đã yêu cầu Quốc Hội “giám sát việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên ngay tại kỳ họp này".  Hoặc có   người “đề nghị Quốc hội phải lắng nghe góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về hiệu quả từ dự án này.”
Nhưng theo báo điện tử ViệtNamNet, Nguyễn Phú Trọng đã giải thích :  "Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla".
Trọng cũng cho biết: “ Trong báo cáo về kinh tế - xã hội đưa ra trước Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ dành một phần để đánh giá về dự án khai thác bô-xít.”
"Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu", Trọng phân bua và nói thêm, “không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên. Nhưng đây là chủ trương lớn đã được thống nhất cao sau khi tính đến hiệu quả kinh tế, an ninh.”
"Đây là chính sách với dân tộc, vùng nghèo. Nếu lỗ thì không ai làm. Lao động nước ngoài cũng không chỉ có Trung Quốc mà rất nhiều nước khác và đều được quản lý theo Luật Lao động".

Trong kỳ họp Quốc hội này (2009), cũng chỉ có khỏang 10 Đại biểu lên tiếng chất vấn nhưng vì Chương trình nghị sự không ghi có thảo luận nên mọi chuyện lại gấp lại.
Bằng chứng thứ hai là chuyện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã “tự nuốt lời” với tướng Võ Nguyên Giáp và không coi người dân ra gì trong khuyến cáo khai thác Bauxite.
Theo tường thuật của báo ViệtNamnNet, khi Dũng đến nhà thăm ông Giáp ngày 7-5 (2009), nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp đã nói với Dũng : “Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà cả với Đông Dương".
Nhưng chỉ  24 giờ đồng hồ sau khi Dũng khẳng định: "Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng" thì đương sự đã nuốt lời để huyênh hoang lên giọng với các cử tri tại Thành phố Hải Phòng (9-5 (2009) : “ Việc khai thác sẽ được chỉ đạo nghiêm túc và có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo bền vững về môi trường; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên". (Thông tin Chính phủ CSVN)

Nhưng cho đến tháng 10/2010 thì Nhà máy Tân Rai chỉ được dự kiến đưa vào hoạt động năm 2011, chậm mất một năm và đường vận chuyển quặng về Biên Hoà hay Bình Thuận vẫn chưa được quyết định, trong khi việc xây dựng Cảng Kê Gà và đường sắt chênh vênh xuyên qua núi đồi, sông lạch nối  liền Tây Nguyên về cảng này theo dự kiến ban đầu vẫn còn mờ mịt.

Để phục vụ nhu cầu cấp thời vận chuyểnsản phẩm Bauxite, Báo điện tử Chính phủ cho hay : Sau khi trực tiếp thị sát tuyến giao thông vận tải sản phẩm alumin Lâm Đồng hồi tháng 7/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, trong giai đoạn chưa có cảng Kê Gà (phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 trước năm 2013), sản phẩm của Tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng có thể xem xét, triển khai vận chuyển theo 2 tuyến. Tuyến thứ nhất đi từ Tỉnh lộ 725-QL 20-QL27-QL1-cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tổng chiều dài 220 km. Tuyến số 2 từ Tỉnh lộ 725-QL20-Tỉnh lộ 769-QL51-cảng Gò Dầu (Đồng Nai).” (Dân Trí, 13/10/2010)

Mới đây, vẫn  theo Dân Trí thì Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ  cũng “vừa đồng ý về nguyên tắc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc để phát triển kinh tế xã hội, phục vụ khai thác và vận chuyển bô xít từ mỏ Tân Rai - Bảo Lâm ra quốc lộ 20.”
Như vậy, khi chi phí cứ đội lên mãi như thế này thì cuối cùng giá thành của 1 tấn Alumina trước khi thanh lọc thành Aluminum (chất Nhôm) là bao nhiêu, lời hay lỗ là vấn đề chưa có ông nhà nước nào tính ra được thì làm sao yên lòng người dân đóng thuế thấp cổ bé miệng ?
Trong khi ấy thì nhà máy Nhân Cơ  hãy còn đất ủi ngổn ngang chưa ra ngô ra khoai gì cả.
Nhìn tổng thể thì cả hai Dự án đều đình trệ và còn rất nhiều vướng mắc chưa giải quyết xong giữa Nhà đầu tư Tập đòan Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đòan Chilaco của Trung Quốc nên giá thành sản xuất Alumina của Việt Nam còn treo trên sợi tóc, chưa biết lời lỗ ra sao !

CỨ Ì RA MUA THỜI GIAN ?
Trước áp lực của dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói với Báo chí ở Hà Nội ngày 25/10 (2010) : “ Chính phủ đang tập hợp tất cả ý kiến để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội (QH). Quan điểm của Chính phủ là phải lắng nghe tất cả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức để cùng thảo luận, bàn bạc dân chủ nhằm đi đến quyết định cuối cùng để đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường…. Lo ngại đó là cần thiết và chúng ta phải lắng nghe nhưng kết luận cuối cùng thì cần phải có thời gian vì đây là chủ trương đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, QH chỉ đạo.”
Khi phóng viên hỏi : “ Thưa ông, thời gian cụ thể để đưa ra quyết định cuối cùng là khi nào?” thì Phúc trả lời ỡm ờ kiểu câu giờ : “ Hiện chưa thể đưa ra mốc thời gian quyết định một việc lớn như vậy, tạm thời vẫn đang là quá trình thảo luận. Vấn đề an toàn, bùn đỏ trong khai thác đã được thảo luận nhiều lần rồi ở nhiều cấp khác nhau, trong cả giới khoa học. Nhưng từ vụ tràn bùn đỏ ở Hungary thì vấn đề này lại được đem ra thảo luận thêm và vì thế phải tiếp tục lắng nghe.”
Hỏi:” Vậy ông có thể cho biết khi nào Chính phủ sẽ có buổi làm việc cụ thể với các bên liên quan để lắng nghe nhân sĩ, trí thức góp ý?”
Đáp: “ Chúng tôi sẽ tập hợp hết ý kiến và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.”

Cái mốc của “thời gian tới” có thể sắp xẩy ra và cũng có thể chẳng bao giờ đến như đã chứng minh trong thái độ của Đảng và Nhà nước đối với đợt Kiến nghị đầu tiên của Trí thức năm 2009.
Bởi vì kinh nghiệm “nói và làm” của những người có trách nhiệm ở Việt Nam thì đã nổi tiếng “đánh trống bỏ dùi” hay “nói không đi đôi với làm” từ nhiều năm rồi nên người dân cũng quen tai  bảo nhau :“Họ nói sao mình biết vậy, ăn bánh vẽ nhiều chướng  bụng rồi, thắc mắc làm gì cho tổn thọ” ?

Cũng chính vì Nhà nước ngu ngơ và TKV  khờ khạo nên khỏang 500 triệu Mỹ kim trong qũy Bauxite đã tiêu tan rồi. Nhưng  thà  mất tiền mà cứu  được  mạng sống con người  vẫn còn đáng làm hơn  chuyện  Nhà nước  cam tâm đổ lên đầu cả nước  nỗi lo âu, phiền muộn thì chỉ có những con người mắc bệnh thần kinh hết thuốc chữa mới hành động như thế. -/-

Phạm Trần
(10/010)
.
.
.

No comments: