Saturday, October 30, 2010

TƯ DUY PHÁP LÝ và HÀNH SỬ CÔNG LỰC (Về vụ bắt Hương Trà) - Trần Đình Hoành

Trần Đình HoànhLuật sư, Tiến sĩ luật
Washington DC
Posted on by Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Bây giờ thì chúng ta đã có thêm giải thích từ lãnh đạo công an về việc bắt Hương Trà. Nhân dịp này chúng ta nên phân tích các khía cạnh pháp lý của vụ này, để nắm vững thêm các nguyên tắc pháp lý tân tiến ngày nay. Vụ này vượt xa hẳn cá nhân của Hương Trà cũng như gia đình lãnh đạo có tên trong bài viết của cô. Vụ này cho ta thấy tư duy pháp lý của chúng ta đi sau thế giới khá xa, vì thế mà cả
Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội cũng lên tiếng. Vậy chúng ta hãy dùng vụ Hương Trà này như là một case study, một trường hợp học hỏi, để nghiên cứu một vấn đề pháp lý quan trọng cho quốc gia.

• Trước hết hãy nhìn toàn cảnh vấn đề. Các bạn có thấy là thế giới, nhất là Mỹ, đang cổ vũ Việt Nam nhiệt liệt không? Thế giới muốn Việt Nam mạnh và nắm vai trò lãnh đạo, ít nhất là trong vùng Đông Nam Á. Các bạn có thấy trong vòng hơn 3 tháng nay, lãnh đạo thế giới ra vô Việt Nam gần như cơm bữa và vấn đề an ninh Biển Đông và Thái Bình Dương được đưa lên hàng quan trọng của thế giới, bắt đầu từ Hà Nội không?
Trong khi thế giới muốn ta tiến bộ và đóng vai lãnh đạo thì chúng ta tự phá hoại vai trò của mình bằng những hành động làm thế giới giật mình, không biết là Việt Nam có đủ năng lực trí tuệ để làm việc lãnh đạo đó không. Việc lên tiếng của Tòa Đại Sứ Mỹ hoặc của Hillary Clinton về các sự kiện đang xảy ra tại Việt Nam không nên nhìn như là một loại chính trị rẻ tiền (dù rằng có đôi người muốn dùng chúng như chính trị rẻ tiền), mà là một cố gắng để giúp Việt Nam tiến mạnh đủ để giữ vai trò chính trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.

• Đi vào vụ Hương Trà, bản tin BBC lấy nguồn từ Tuổi Trẻ, dẫn lời Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, rằng:
1. “Việc bắt giữ bà Lê Nguyễn Hương Trà là khách quan, đúng trình tự pháp luật, có chứng cứ cụ thể”.
2. Lý do mà cơ quan công an yêu cầu xử lý là vì entry trên blog Cô gái Đồ Long đã không chỉ “gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của vợ con và bản thân vị cán bộ cao cấp”, mà còn “xúc phạm đến cả tập thể, tổ chức của cán bộ này”.
Tờ báo của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở TP HCM còn trích một “nguồn tin riêng” nói việc blogger Cô gái Đồ Long bị bắt là “xuất phát từ ý kiến chính thức của lãnh đạo Bộ Công an chứ không phải từ cá nhân vị cán bộ lãnh đạo có liên quan đến bài viết trên blog”.
Chúng ta hãy chấp nhận là những điều này đều đúng sự thật, cho mục đích nghiên cứu.
Và nếu ta đọc Hương Trà thì có thể thấy ngay cách viết xóc óc, tiêu cực, thích kích động và thích tấn công của cô, thực ra rất đáng bực mình và cũng không nên được khuyến khích.

• Các điều trên rất dễ để chúng ta cùng đồng ý. Tuy nhiên, điểm chúng ta (và thế giới) đang quan tâm là: “Hệ thống công lực Việt Nam—mà phần chính là công an—có áp dụng các quy tắc pháp lý căn bản của thế giới hay không?”
Tại sao ta lại nói “các quy tắc pháp lý căn bản của thế giới” trong khi đây là một vấn đề nội bộ của Việt Nam, theo luật Việt Nam?
Thưa, vì ngày nay thế giới chỉ là một Làng Thế Giới. Nếu một người trong làng dạy con cái theo kiểu đánh đập dã man mà đa số người trong làng không đồng ý, thì dù ông ta có nói “tôi dạy con tôi trong nhà tôi theo cách của gia đình tôi” người trong làng cũng sẽ có hai thái độ rõ rệt:
1. Nếu ông ta dã man quá, cả làng có thể xúm vào can thiệp và yêu cầu ông ta phải ngưng, hoặc
2. Chưa đến lúc phải can thiệp, thì có lẽ sẽ có vài người vai vế trong làng nói nhỏ nhẹ với ông ta và cả làng thì lánh xa ông ta nếu ông ta cứ tiếp tục kiểu đó.
Thế giới ta đang sống như thế. Nếu các bạn nhìn cách đối xử của thế giới với các quốc gia điên như Iran, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Sudan… thì sẽ thấy.
Vì thế hành xử việc nội bộ với tác phong được quốc tế ủng hộ và khâm phục là việc rất quan trọng để thắng được tim óc của thế giới, để ta có thể có nhiều liên hệ tốt về kinh tế và chính trị với các nước, để ta có thể vươn lên đến vị thế lãnh đạo, ít nhất là lãnh đạo trong vùng Đông Nam Á.
Trong các vấn đề nhân quyền và dân quyền của nước ta mà thế giới thường quan tâm, các chiến sĩ công an đóng một vai trò rất quan trọng. Đại đại đa số các vấn đề liên hệ đến nhân quyền và dân quyền là do người chiến sĩ công an—thường thì, khi công an làm việc với tác phong được thế giới khâm phục thì đó là tôn trọng nhân quyền, làm việc với tác phong làm thế giới giật mình thì đó là vi phạm nhân quyền.
Và trong những trường hợp vi phạm nhân quyền, có thể là lực lượng công an cũng thắc mắc là tại sao lại bảo là chúng tôi vi phạm nhân quyền trong khi chúng tôi làm đúng luật nước rõ ràng.
Vấn đề là, luật chỉ là một mớ từ in trên giấy. Hành xử luật đó cách nào trong tình huống nào là tùy theo “tư duy pháp lý” của ta, để cho luật đó một ý nghĩa rõ ràng trong tình huống đó. Sự thật là tư duy pháp lý của Việt Nam có nhiều chỗ đi sau tư duy pháp lý của thế giới khá xa. Và đây là vấn đề chúng ta cần học hỏi, đặc biệt là cho các lực lượng công lực nhà nước.
90% các vi phạm nhân quyền tại các quốc gia đang mở mang là từ hệ thống công an hành xử luật quốc gia, trong tinh thần phản lại, hoặc đi quá xa sau, tư duy quốc tế, dù là rất nhiều khi người công an chỉ làm theo luật nước của họ và không có ý làm gì xấu.

• Trung tướng Phạm Quý Ngọ nói: Entry trên blog Cô gái Đồ Long đã không chỉ “gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của vợ con và bản thân vị cán bộ cao cấp”, mà còn “xúc phạm đến cả tập thể, tổ chức của cán bộ này”.
Nếu đây là lý do chính, thì đó chưa đủ để hình sự hóa một vụ thuộc loại vu khống dân sự.
Ở đây không chỉ liên hệ đến vấn đề cá nhân của gia đình vị cán bộ cao cấp, nhưng xúc phạm đến cả tập thể, điều này thì rất rõ ràng, chúng ta đều có thể đồng ý với trung tướng Phạm Quý Ngọ. Nhưng, bất cứ điều gì gọi là vu khống đến bất kì quan chức nhà nước nào cũng đương nhiên “xúc phạm đến cả tập thể, tổ chức của cán bộ này”. Viết báo tố cáo thứ trưởng nào đó tham nhũng—dù tố cáo đúng hay sai—cũng đương nhiên là xúc phạm uy tín và ảnh hưởng của cả bộ đó. Vậy thì làm sao ai có thể viết điều gì để hạch hỏi tác phong của các lãnh đạo, nếu mới viết ra là đã bị “bắt khẩn cấp”?
Dĩ nhiên “xúc phạm đến tổ chức” là vấn đề tổ chức nào cũng quan tâm, và mọi chúng ta đều nên quan tâm khi một tổ chức của nhà nước, như là công an, bị xúc phạm. Nhưng đó không phải là lý do chính đáng để bắt người, nhất là bắt khẩn cấp. Nếu “xúc phạm đến tổ chức” là lý do để bắt người, thì nhà nước sẽ tự tạo cho mình một thành trì bất khả xâm phạm—ai phê phán quan chức là bị bắt.

• Hơn nữa, trong vụ này không phải là Hương Trà nói không có căn cứ. Cô ấy “đăng tải nội dung một bức thư được nói là của một cán bộ A17, tức Cục Bảo vệ An ninh Kinh tế thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Bức thư được gửi đi từ trước Đại hội Đảng X năm 2006 tố cáo ông Toàn đã đưa con trai là Nguyễn Khánh Trọng vào làm việc trong ngành và bao che cho con gây nhiều sai phạm.”
Nếu bức thư này có thật, không phải Hương Trà tạo thư giả để lừa bịp thiên hạ, thì bức thư đó là một căn bản để cô ấy có thể tin vào. Nói thế không có nghĩa là cô ấy cứ đăng lá thơ khơi khơi mà không cần điều tra đúng sai, nhưng cũng không có nghĩa là cô ấy hoàn toàn bịa chuyện. Cho nên không thể hình sự hóa và bắt cô ấy được.

• Lại nữa, câu chuyện liên hệ đến một lãnh đạo trong nhà nước. Truyền thống lãnh đạo dân chủ ngày nay trên thế giới đòi hỏi người lãnh đạo và gia đình của họ phải bị dân chúng xoi mói hơn người bình thường một chút. Đó là lý thuyết public figure (tạm dịch, nhân vật công). Lãnh đạo là nhân vật công nên luôn luôn là được/bị dân chúng nói đến thường xuyên. Cho nên nếu cho rằng một người dân nói sai về nhân vật công thì thủ tục để nhân vật công giải quyết là:
1. Yêu cầu người viết đính chính cùng cách với cách viết đầu tiên (tức là nếu bài “vu khống” đăng trang nhất thì đính chính trên trang nhất), và xin lỗi.
2. Nếu người viết không bằng lòng làm thế thì ra tòa dân sự.
3. Tại tòa, nhân vật công phải chứng minh là không những người ấy viết sai, mà còn “cố tình có ý đồ xấu” (intentional malice) để làm hại, chứ không phải chỉ là vô tình dùng tài liệu không chính xác.
Đây là thủ tục thông thường trên thế giới để giải quyết các vụ vu khống. Người thường thì chỉ có hai bước 1 và 2 bên trên. Nhân vật công thì thêm bước 3.
Hình sự hóa vu khống thường đòi hỏi các điều kiện cực kỳ khó khăn: Liên hệ đến an ninh quốc phòng, liên hệ trực tiếp đến trật tự xã hội, người viết rõ ràng là dối trá và có ý đồ xấu… Cho nên hình sự hóa vu khống thường chỉ thấy trong luật nhưng bên ngoài hầu như chẳng bao giờ xảy ra. Và khó mà tưởng tượng được hình sự hoá vu khống lãnh đạo. Thường thì lãnh đạo chỉ cười xí xóa, “Ôi, hơi đâu mà để ý đến mấy chuyện điên đó.”

• Vấn đề quan trọng cho chúng ta là chúng ta cần có một tác phong để thế giới yêu mến và khâm phục, nhất là khi lãnh đạo bị “xúc phạm”. Tại các nước, xúc phạm lãnh đạo dễ hơn xúc phạm người hàng xóm. Vì cùng một câu ta “vu khống”, ông hàng xóm có thể thắng ta trước tòa, nhưng lãnh đạo thì không thắng ta được vì luật khắt khe hơn với nhân vật công. Và lãnh đạo càng vĩ đại thì lại càng phe lờ các “vu khống” về mình. Tìm trên Internet ta có thể thấy ngay đủ mọi loại vu khống dân Mỹ đổ lên đầu Obama, ông ta chẳng hề nói đến một câu, đừng nói là kiện cáo hay bảo FBI đi bắt người.
Tác phong lãnh đạo của chúng ta rất rất rất quan trọng đối với thế giới, vì thế giới nhìn vào tác phong lãnh đạo của ta để biết được nước ta có tác phong thế nào với thế giới. Lãnh đạo mà hay tự ái vặt, dễ bị đụng chạm làm cho nổi nóng, thì thế giới rất sợ, vì như thế thì thế giới dễ xảy ra đụng chạm và chiến tranh. Lãnh đạo có tầm mức quốc tế nhất định phải thoải mái với các vu khống và chỉ trích đổ trên đầu mình. Đó là loại lãnh đạo mà các chính phủ trên thế giới ủng hộ và nâng đở để họ giúp phần vào việc hỗ trợ hòa bình và an ninh thế giới. Tác phong lãnh đạo của các cấp lãnh đạo của chúng ta trực tiếp tác động tăng hay giảm đến ảnh hưởng của nước ta trên chính trường thế giới.

• Tóm lại, khi nhiều người quan tâm đến một vấn đề, như vụ Hương Trà này và một số vụ khác có liên hệ đến hệ thống công lực của ta, thay vì phản ứng bực bội là “chúng hắn người ngoài biết gì mà nói” thì ta nên thấy sự thật là thế giới là bạn của ta, đang muốn cho ta mạnh, đang muốn ta được mến chuộng, đang muốn đẩy ta lên vai trò lãnh đạo, và đang nhắc nhẹ ta để ý đến tác phong lãnh đạo của ta.
Các bạn, sự thật của cuộc đời là chỉ những người bạn lo cho ta nhất mới bỏ thời gian chỉ cho ta điểm yếu của ta. Chúng ta có biết sự thật rất căn bản này không?
Chúc các bạn một ngày vui,
Trần Đình Hoành
Luật sư, Tiến sĩ luật
Washington DC
------------------
.
.
.
talawas blog
27/10/2010 | 6:21 sáng | 10 phản hồi

Theo VnExpress Thể thao & Văn hóa, vào ngày 23/10/2010, cơ quan cảnh sát  đã tiến hành bắt khẩn cấp Lê Nguyễn Hương Trà, chủ nhân của blog “Cô gái Đồ Long”, cho mục đích điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Bài báo cho biết cơ quan chức năng đã xác định toàn bộ nội dung sự việc mà Lê Nguyễn Hương Trà viết trong blog của mình là sai sự thật, gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín, danh dự của những người liên quan.
Theo BBC tiếng Việt, việc bắt khẩn cấp blogger này có thể liên quan tới bài viết “Các người đẹp lấy chồng” được đăng vào ngày 14/10/2010 trên blog Cô gái Đồ Long với nội dung có liên quan tới con trai của một quan chức công an cao cấp. Bài viết này sau đó đã được xóa, song độc giả có thể đọc bài viết này trên Diễn đàn forum.
Bình luận về sự thật đằng sau vụ bắt này có thể là gì, blogger Đông A đề cập tới hai khả năng, đó là Việt Nam đang ở trong thời kỳ nhạy cảm chính trị với việc Đại hội Đảng đang gần kề, cho nên việc bắt blogger Cô gái Đồ Long có thể có mục đích chính trị qua việc tạo dư luận cho bài viết được đề cập ở trên, hay đơn giản hơn là việc cơ quan chức năng đang làm đúng chức trách của mình, giữ một blogosphere lành mạnh và văn hóa, không có tin đồn, vu khống phương hại tới cá nhân khác.
.
.
.

No comments: