Saturday, March 13, 2010

MỘT SẢN PHẨM của GIÁO DỤC MÔN TIẾNG VIỆT HÔM NAY

Chứng từ : Một sản phẩm của giáo dục môn Tiếng Việt hôm nay

Văn Sách
Đăng ngày 13/03/2010 lúc 05:34:04 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4657

Thật là vinh hạnh khi được tận mắt nhìn thấy thành quả to lớn của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa “ta”.

Bài văn dưới đây được chấm là bài văn có điểm cao của một học sinh Lớp 10 tại trường Marie Curie (Sài Gòn). Thành phố lớn như Sài Gòn thường vẫn là nơi tụ họp của những thầy cô giáo và học sinh có năng lực cao, khả dĩ tiêu biểu cho phẩm chất giáo dục một thời.

Ta biết được gì?

Bài tập làm văn dài bốn trang của em học trò Bùi Minh Thu phản ảnh sinh hoạt của tuổi trẻ bây giờ: sinh hoạt câu lạc bộ, hội hè, sử dụng điện thoại di động, học nói và viết tiếng Anh. Tuổi trẻ cũng được biết nhiều về nếp ăn chơi Sài thành như cờ bạc, gái gọi, ôsin, ông ăn chả bà ăn nem... Sinh hoạt xã hội hôm nay được chắp cánh và hoá thân trong một câu chuyện truyền kì cũ kĩ là Trọng Thuỷ - Mị Châu để trở thành một chuyện “cổ tích” thời mới mang màu sắc thời hiện đại. Có lẽ vì thế mà cô giáo đã phê là bài văn “sử dụng nhiều từ ngữ chuyên môn (!) hiện đại”.

Nói riêng về trình độ môn Tiếng Việt thôi, chúng ta có thể thấy tình trạng tiếng Việt bị thả lỏng đến mức đáng lo ngại. Bài văn bốn trang dưới đây phản ảnh khá trung thực tình hình tiếng Việt trong nhà trường hiện nay.

Trước hết, lối sử dụng tiếng Việt trong nhà trường, bao gồm cả văn nói lẫn văn viết, chứng tỏ sự cẩu thả đến mức báo động đỏ. Học trò không hề cảm thấy ngại ngần khi viết tắt trong bài tập làm văn nộp cho thầy cô giáo chấm điểm. Trong bài tập làm văn dưới đây, chúng ta thấy cơ man là những chữ không được biết trơ trụi là ko, chữ những chỉ viết gọn là ñ, chữ được chỉ còn là đc. Từ bao giờ nhà trường dạy học sinh chấp nhận lối sử dụng tiếng Việt tốc kí trong bài văn nhà trường?

Một điểm khác về sự cẩu thả trong việc dạy và học tiếng Việt trong nhà trường thể hiện trong cách viết nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh tràn lan trong bài tập làm văn tiếng Việt mà không hề thấy cô giáo “khuyên son” hay nhắc nhở. Ta gặp trong bài tập làm văn này những chữ vs (viết tắt của chữ versus trong tiếng Anh) để thay cho chữ với, chữ pm (viết tắt của từ tiếng Anh permit) thay cho chữ cho phép, chữ “room of Mị Châu” chứ không thèm dùng chữ tiếng Việt đã có sẵn: “phòng của Mị Châu”. Từ bao giờ người ta dạy trẻ Việt Nam sẵn sàng biến tiếng Việt thành thứ tiếng nói hổ lốn như thế này?

Về mặt chính tả, các bậc cha mẹ và những người quan tâm đến giáo dục không khỏi bàng hoàng trước tình trạng thoái bộ của tiếng Việt trong một bài văn nhà trường như thế này: các chữ rồi trong tiếng Việt phổ thông bị biến thành ồy, chữ biến thành , quản trị biến thành wản trị, chữ phải, phong phú biến thành fải, fong fú, chữ nhỉ nhất loạt trở thành nhở theo một kiểu phát âm địa phương.

Trong bài cũng có một cấu trúc câu sai rất điển hình của thời nay: bạ đâu cũng có thể dùng từ với ở đầu câu. Hãy đọc câu này nhặt ra từ bài tập làm văn điển hình: “Vs (=với) ngày lễ là anh fải cho em trăm ba (=130 ngàn VNĐ) mới được”. Tại sao lại với? Người Việt có cần phải nói như tây thế này? Sao không có thể nói dung dị hơn mà đúng với tiếng Việt?

Học trò cẩu thả thì đã đành, vì chẳng qua chỉ là sản phẩm của những kĩ sư tâm hồn mà thôi. Những ai quan tâm đến tiền đồ giáo dục tiếng Việt nước nhà có thể yên tâm khi nhìn những chữ vàng ngọc của cô giáo trong bài tập làm văn chín điểm trên mười như thế này? Khi phê học trò rằng “Cô không hiểu”, nhà giáo nhân dân "ta" đã ngang nhiên viết rằng: “Cô 0 hưởu (sic)”! Cô khen học trò rằng “chữ sạck (sic) đẹp,... tưởng tượng fong fú” thì không trách được là học trò viết tiếng Việt như ta thấy trong bài văn thuộc hàng khá tại thành phố Sài Gòn ngày nay!

Lâu nay, các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tha hồ kêu gọi công chúng hãy “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Báo Đất Việt từng có bài nhan đề là
Không thể chấp nhận tiếng Việt lai căng'
. Nhà báo trích lời phát biểu của một đại biểu quốc hội và cũng là nhà giáo bậc đại học và nhà soạn sách giáo khoa Ngữ Văn cho nhà trường. Dưới đây là nguyên văn lời giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được nhà báo ghi lại:

"Hiện sự lai căng của tiếng Việt không chỉ phổ biến trên internet, sách, báo mà đã xuất hiện trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Nếu không được ngăn chặn, đến một lúc, tiếng Việt sẽ không còn chỗ đứng trong lịch sử.

Là người đã dạy Tiếng Việt nhiều năm cho sinh viên nước ngoài và dịch văn học nước ngoài, tôi nhận thấy, điều rất đáng báo động là hiện nay, Tiếng Việt trên sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng rất lộn xộn. Báo chí, truyền hình hiện nay có nhiều lỗi in ấn, dùng từ, đặt câu thiếu chính xác, lạm dụng từ địa phương, từ vay mượn, sáng tạo từ mới một cách bừa bãi, không có cơ sở.

Trước hết, cần nói tới hiện tượng từ vay mượn, lai căng. Theo tôi, ở đây có hai mặt tích cực và tiêu cực. Vay mượn từ, thậm chí vay mượn cả cách đặt câu, vay mượn các thành ngữ, tục ngữ của các ngôn ngữ khác (thông qua việc dịch nói, dịch viết…) để làm phong phú cho Tiếng Việt là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ vay mượn từ nào, kiểu câu nào, có được quần chúng đông đảo chấp nhận hay không. Không vay mượn bừa bãi, tùy tiện, nhưng cũng đừng quá khắt khe, bảo thủ. Rất nhiều lần, tôi đọc thấy trên sách báo các ý kiến bài xích lối nói: chiều cao "khiêm tốn", sắc đẹp "khiêm tốn"… Thực ra, đây là cách mở rộng nghĩa của từ, có thể chấp nhận được.

Một ví dụ nhỏ nữa là hai từ "đúng" và "chính xác" thường được dùng thiếu chuẩn xác trên các chương trình trò chơi trên ti vi. Từ trái nghĩa của "đúng" là "không đúng", từ trái nghĩa của "chính xác" là "không chính xác". Vì thế, không thể nói: Câu trả lời "đúng"câu trả lời "không chính xác".

Vấn đề dấu chấm câu cũng cần chú ý, nếu không, sẽ làm tiếng Việt thiếu trong sáng. Chẳng hạn, trong chương trình trò chơi có tên Hãy chọn giá đúng!, tốt hơn, theo tôi, nên đổi là Chọn giá đúng. Ngay cả tên chương trình trò chơi Ai là triệu phú? cũng không ổn. Theo tôi, cái tên này không thích hợp với nội dung của trò chơi. Từ lâu, người ta đã không đồng tình với chương trình có tên Đường lên đỉnh Olympia. Rõ ràng là sai mà người ta vẫn không sửa".

Cùng tâm trạng quan ngại về sự xuống dốc của tiếng Việt thời nay, một người khác cũng từng ở cương vị quản lí-lãnh đạo về giáo dục, ông Phạm Minh Hạc còn tiến xa hơn. Ông đề nghị Quốc hội soạn thảo và ban hành “Luật bảo vệ tiếng Việt”.

Bài phỏng vấn
“Tiếng Việt cần được bảo vệ như… thực phẩm”
đăng trên báo Đất Việt đặt câu hỏi: “vì sao vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại khiến ông quan tâm đến mức phải gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội?”, ông Phạm Minh Hạc cho rằng: “Trước hết, vì tôi là người Việt và từng là thầy giáo. Hằng ngày đọc báo, nghe đài, tiếp xúc với những người xung quanh, tôi không khỏi cảm thấy buồn vì tiếng Việt của chúng ta đã lai căng quá mức. Thí dụ, các phương tiện thông tin truyền thông bây giờ rất hay dùng từ “em- xi” (MC). Tại sao không gọi là “người dẫn chương trình”, mà cứ phải là “em-xi”? Một ngày, xem truyền hình, tôi bắt gặp cách dùng từ nửa tây nửa ta như thế hàng chục lần. Người dân còn không chấp nhận, nói gì đến giới trí thức”.

Một nỗ lực khác của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ làm việc tại Viện Ngôn Ngữ bấy lâu nay thấy hoàn toàn vắng mặt trên “mặt trận” bảo vệ tiếng Việt, nay cũng đang muốn
làm một cái gì
cho xã hội!

Ông viện trưởng viện này cho rằng “việc ban hành Luật Ngôn ngữ đối với một quốc gia đang phát triển như chúng ta là hết sức cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã có luật này. Hiện, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã giao cho Viện Ngôn ngữ học thực hiện chương trình khoa học cấp Bộ "Những vấn đề cơ bản về chính sách ngôn ngữ của Việt Nam từ nay đến năm 2020". Chúng tôi đang triển khai và mục tiêu cuối cùng là đi đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ - điều mà chắc sẽ nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp trong xã hội. Tôi tin, đây cũng là nguyện vọng của rất nhiều người, nhất là giới trí thức, những người cầm bút.

Muốn biết tương lai tiếng Việt ngày mai ra sao thì cứ nhìn vào những gì đang diễn ra ngày hôm nay. Có lẽ các giới quan tâm trong xã hội đều đồng ý về những việc cần làm để cứu vãn một tình cảnh thê thảm không thể chấp nhận được. Vấn đề chỉ còn là hành động cụ thể và cấp bách.

Văn Sách

© Thông Luận 2010

Phụ đính:

Một bài tập làm văn điển hình của thế hệ hôm nay

http://i35.photobucket.com/albums/d193/miloc44/BMThu-1.jpg

http://i35.photobucket.com/albums/d193/miloc44/BMThu-2.jpg

http://i35.photobucket.com/albums/d193/miloc44/BMThu-3.jpg

http://i35.photobucket.com/albums/d193/miloc44/BMThu-4.jpg

.

.

.

No comments: