Wednesday, December 30, 2009
TỪ VIỆT NAM TỚI AFGHANISTAN
TỪ VIỆT NAM TỚI AFGHANISTAN
... CÁI "GIỐNG" VÀ... CÁI "KHÁC"
Sơn Tùng
12/28/2009 11:11:31 PM
http://www.take2tango.com/~/n3ws/tu-viet-nam-toi-afghanistanbr-cai-giong-va-cai-khac-9145.aspx
Chiến tranh tại Afghanistan kéo dài tới năm thứ tám và viễn ảnh của một cuộc “sa lầy” lại nhắc nước Mỹ tới cuộc chiến Việt Nam với những bài học của nó.
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975, đã có nhiều sách viết về những sai lầm chiến lược cũng như chiến thuật của người Mỹ đã đưa đến sự tháo chạy khỏi Việt Nam. Ngày nay, 34 năm sau, đã có nhiều bài học được nói đến, với những cái nhìn khác nhau, từ cực tả tới cực hữu.
Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh Quân đội Mỹ và đồng minh tại Afghanistan, mới đây hỏi Stanley Karnow: “Có điều gì chúng ta đã học tại Việt Nam có thể áp dụng cho Afghanistan?” Ông Karnow, một trong những người Mỹ được cho là rất am tường về cuộc chiến Việt Nam, trả lời gọn lỏn: “Điều chính yếu tôi đã học được là chúng ta chẳng bao giờ nên can dự vào nơi đó.”
Trước khi hỏi Karnow, Tướng McChrystal đã đọc cuốn “Vietnam: A History” của ông ta, và đọc cả cuốn “A Better War” của Lewis Sorley với bài học khác hẳn rằng Mỹ đã có thể thắng tại Việt Nam nếu Quốc Hội Hoa Kỳ đừng cắt viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam vào năm 1974.
Tổng thống Obama, khi loan báo tăng viện 30,000 quân cho chiến trường Afghanistan sau mấy tháng do dự thì cam kết rằng Afghanistan khác với Việt Nam vì Mỹ cùng tham chiến với khối NATO và quân đội của 43 quốc gia có chính nghiã rõ ràng, vì quân Mỹ và đồng minh không phải chống lại một cuộc nổi dậy được “đa số dân chúng ủng hộ” như ở Việt Nam, và vì nước Mỹ đã bị tấn công trước từ những kẻ cực đoan đặt căn cứ tại Afghanistan. Nhưng, có lẽ điều làm Afghanistan thật sự khác với Việt Nam qua cái nhìn của TT Obama là sách lược được ông ta công khai tuyên bố: Mỹ sẽ rút quân vào tháng 7 năm 2011 sau khi bàn giao trách nhiệm cho Afghanistan, tức là “A-phú-hãn hoá chiến tranh”.
Sách lược này đã bị nhiều người chỉ trích vì chẳng khác nào bảo kẻ thù hãy kiên nhẫn chờ cho đến sau tháng 7.2011, khi người Mỹ đã phủi tay ra đi… trong danh dự.
Nghe nói, cũng như Tướng McChrystal, các tướng Mỹ khác cũng đã đọc nhiều sách về Việt Nam để rút ra những bài học có thể áp dụng cho Afghanistan ngày nay.
Dưới đây là những bài học chính yếu mà người Mỹ đã học được ở Việt Nam.
Bài học đầu tiên liên quan đến quyết định của Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson trực tiếp nhúng tay vào cuộc tranh chấp tại Việt Nam vì đã nghe theo sự cố vấn sai lầm của các phụ tá không thông hiểu về tình hình Việt Nam. Bài học này được dẫn chứng trong cuốn “Lessons in Disaster” của Gordon Goldstein đưa đến kết luận rằng Việt Nam đã là một cuộc chiến tranh vô vọng và không thể thắng đối với người Mỹ.
Trong lúc đó có những người cho rằng Mỹ đã có thể thắng tại Việt Nam nếu đừng phạm những sai lầm chiến thuật, như năm 1965 thay vì bít chặt đường mòn Hồ Chí Minh không để cho CS Bắc Việt đưa quân lính và tiếp liệu vào miền Nam, người Mỹ lại áp dụng chiến thuật “lùng và diệt” (search and destroy) dùng chiến tranh quy ước chống lại chiến tranh không quy ước và đặt trọng tâm vào việc đếm xác chết (body counts) trong lúc Cộng sản BV sẵn sàng chấp nhận bất cứ tổn thất nào về nhân mạng và không ngừng xua quân xâm nhập từ Bắc vào Nam (sinh Bắc tử Nam).
Cho đến năm 1968, khi Tướng Creighton Abrams thay thế Tướng William Westmoreland trong chức tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, tình thế mới thay đổi với chiến thuật bình định nông thôn và bảo vệ dân chúng. Quân Mỹ không dành độc quyền chiến đấu nữa nhưng trao dần trách nhiệm cho Quân đội VNCH trong cái gọi là “Việt Nam hoá” chiến tranh và Quân đội VNCH, với sự yểm trợ trên không của Mỹ, đã tạo chiến tích lẫy lừng bằng cách đánh tan cuộc tấn công mùa hè năm 1972 của CSBV.
Lý do khiến Hà-nội mở cuộc trận đia chiến quy ước đầu tiên với xe tăng, đại pháo và quân số cấp sư đoàn vì tin rằng với việc quân Mỹ bắt đầu rút về nước và đứng ngoài chiến trường, CSBV sẽ đè bẹp “quân ngụy Sài-gòn”, phần khác vì lực lượng võ trang của Việt Cộng ở Miền Nam đã hoàn toàn bị tiêu diệt trong hai đợt “tổng công kích” Tết Mậu Thân 1968, không bao giờ phục hồi được. Hà-nội đã nhận lãnh bài học thất bại chua cay nữa với trận chiến quy ước đầu tiên năm 1972, vì, cũng như báo chí khuynh tả Mỹ, CSBV tin rằng binh lính VNCH thiếu tinh thần chiến đấu.
Tới đây thì “bài học Việt Nam” có phần khác nhau giũa người Mỹ và người Việt. Phiá người Mỹ, như lập luận của Sorley trong cuốn “A Better War”, khi ấy đã quá trễ để có thể thắng cuộc chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1972, công luận Mỹ đã không còn ủng hộ việc can thiệp vào Việt Nam, “phong trào phản chiến” lên cao tạo áp lực mạnh vào chính giới Hoa Kỳ. Năm 1973, chính quyền Nixon ép chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để cùng ký Hiệp định Paris trong đó cho phép 150,000 bộ đội CSBV ở lại Miền Nam trong cái gọi là “ngưng bắn tại chỗ” mà thực sự chỉ là để chờ lệnh tổng tấn công. Năm 1974, trái với lời cam kết của Tổng thống Nixon, Quốc hội Hoa Kỳ cắt viện trợ cho VNCH. Không có tiếp liệu quân trang, vũ khí, và thiếu sự yểm trợ của Không quân, Quân đội VNCH sụp đổ trong 55 ngày. Sorley trích thuật lời Tướng Bruce Palmer, một trong những người thân cận nhất với Tướng Abrams, nói rằng trước khi chết vì bệnh ung thư năm 1974, Ông Abrams đả cảm thấy Mỹ có thể thắng, nhưng rồi đã “bị lạc đường”. Cựu Đại sứ Ellsworth Bunker, người đã hợp tác cùng Tướng Abrams xoay ngược tình thế, thì chua chát kết luận: “Chúng ta đã tự đánh bại chúng ta.”
Còn về phiá người (miền Nam) Việt Nam thì “phong trào phản chiến” tại Mỹ chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ tháo chạy khỏi Việt Nam. Nguyên do chính là Mỹ đã “bắt tay” được với Trung Cộng để được bảo đảm làn sóng đỏ sẽ không tràn xuống các nước Đông Nam Á theo học thuyết Domino mà Hoa Kỳ đã đưa ra để can thiệp vào Việt Nam trước đây. Vào năm 1973, chiến tranh Việt Nam không còn cần cho quyền lợi của Mỹ nữa, và Mỹ rút bỏ. Chỉ có vậy. Người (miền Nam) Việt Nam tin vào “tình đồng minh” của người Mỹ không phải chỉ là nhận lãnh một bài học chua cay mà còn làm dân tộc Việt Nam mất cơ hội được sống trong tự do, phú cường, và hậu quả thảm khốc còn kéo dài cho đến ngày nay. Người Việt Nam đã nhận lãnh bài học muộn màng rằng không hề có tình đồng minh thuần túy trên mặt đất này. Tình đồng minh chỉ gắn bó khi đôi bên có cùng quyền lợi. Khi quyền lợi khác nhau thì “tình đồng minh” cũng hết.
Đối với nước Mỹ, hậu quả trước mắt của việc rút chạy khỏi Việt Nam chỉ là vài triệu đô-la để định cư người Việt tị nạn, nhưng hành động phản bội ấy đã làm uy tín nước Mỹ bị sút giảm rất nhiều đối với bạn hữu trên thế giới và khuyến khích những kẻ thù cuả Mỹ vì tuy là một anh khổng lồ, nhưng anh khổng lồ Mỹ cũng có “sợi gân Achilles” mà nếu đánh đúng thì sẽ thắng. Đó là sự thiếu kiên nhẫn của người Mỹ.
Nhưng, phải chăng thiếu kiên nhẫn là nhược điểm duy nhất của người Mỹ? Bất cứ trên đấu trường nào, khi lâm chiến mà không có ý chí quyết thắng thì không thể thắng. Về phương diện quân sự, với thời gian, chiến lược chiến thuật có thể thay đổi, vũ khí có thể thay đổi, nhưng định đề trên đây không bao giờ thay đổi. Trở lại với cuộc chiến Việt Nam trước đây, giới lãnh đạo nước Mỹ chưa bao giờ có ý chí quyết thắng khi tham chiến, trong khi đối phương CS Bắc Việt thì không ngớt bày tỏ ý chí quyết thắng, đánh tới cùng. Mỹ thất bại là lẽ đương nhiên.
Việc rút chạy khỏi Việt Nam đã làm người Mỹ bị ám ảnh mỗi khi can dự vào một cuộc tranh chấp bên ngoài. Cho đến sau chiến thắng vang dội của Mỹ đánh bại quân Iraq và giải phóng Kuwait năm 1991, có người cho rằng nước Mỹ đã ra khỏi “Hội chứng Việt Nam” (Vietnam Syndromes), nhưng ngày nay “bóng ma Việt Nam” đang ám ảnh người Mỹ hơn bao giờ với “bãi lầy” Afghanistan.
Ngày nay, Tướng McChrystal có vẻ cũng đang áp dụng một chiến thuật gần giống những gì Tướng Abrams đã làm tại Việt Nam trước đây, với chương trình “bình định nông thôn”, giảm bớt việc sử dụng hoả lực bừa bãi gây thương vong cho thường dân và cung cấp thêm tình nguyện quân cho cuộc “thánh chiến” của Hồi giáo cực đoan. Đồng thời, Lực lượng Đặc biệt Mỹ lấy tin tình báo từ dân chúng để hạ sát những thủ lãnh Taliban, không khác gì “Chiến dịch Phượng Hoàng” tại Việt Nam. McChrystal cũng chú trọng đến việc tuyển mộ và huấn luyện quân lính A-phú-hãn để chuyển giao dần trách nhiệm chiến đấu cho các lực lượng địa phương trong chương trình “A-phú-hãn hoá” chiến tranh.
Nhưng, liệu có đã quá trễ, giống như Việt Nam trước đây?
Tuy Tổng thống Obama cam kết Afghanistan “khác” Việt Nam, nhưng tài “hùng biện” của ông ta không còn “linh” như trong khi tranh cử. Sau một năm vào toà Bạch Ốc dưới chiêu bài phản chiến và được đề cử Giải Nobel Hoà Bình 12 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, Ông Obama đang say mê xã hội chủ nghĩa hoá nước Mỹ hơn là đối phó với kẻ thù Hồi Giáo cực đoan. Ông ta đã phải mất nhiều tháng suy nghĩ trước khi quyết định tăng quân theo đề nghị của Tướng McChrystal, viên tư lệnh chiến trường do chính ông ta bổ nhiệm.
Phe “phản chiến” Mỹ lại đang rục rịch chuẩn bị làm dữ để đòi rút khỏi Afghanistan. Báo chí tả phái Mỹ bắt đầu nói đến sự “thối nát” của chính quyền Karzai, và chê quân đội Afghanistan “không chịu chiến đấu”, trong khi Mỹ đổ vào đây hơn 40 tỉ Mỹ-kim mỗi năm và đem về hàng trăm, hay hàng ngàn xác chết của
thanh niên Mỹ, vân vân. Những khúc đàn dạo giống như 40 năm trước khi Mỹ rút chạy khỏi Việt Nam.
Chuyện gì sẽ xảy ra sau tháng 7- 2011, khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan? Không mấy người tin rằng với 30,000 quân tăng viện, Tướng McChrystal có thể giải quyết được chiến tranh Afghanistan trong vòng một năm rưỡi, điều mà các người tiền nhiệm của ông ta đã không làm được trong 8 năm. Mà nếu một cuộc rút chạy của người Mỹ khỏi Afghanistan cũng diễn ra giống như cuộc rút chạy khỏi Việt Nam 34 năm trước thì hậu quả không phải chỉ là vài triệu đô-la để định cư người tị nạn A-phú-hãn. Sự sụp đổ của Afghanistan chẳng những sẽ đe dọa trực tiếp nền an ninh nước Mỹ mà sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều nước Hồi Giáo trên thế giới với sự chế ngự của khuynh hướng cực đoan.
Phải chăng đó sẽ là lúc mở màn Trận Đại Chiến của Thế kỷ 21?
Sơn Tùng (28.12.2009)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment