Monday, December 28, 2009

TIẾN TRÌNH CHUYỂN HOÁ DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM

Tiến Trình Chuyển Hóa Dân Chủ Tại Việt Nam và Giai Đoạn Hiện Nay
GS Đoàn Viết Hoạt
Dec 26th, 2009
http://nguoivietboston.com/?p=19561
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị-xã hội chuyên nghiệp, theo dõi các biến đổi xã hội từ độc tài sang dân chủ tại nhiều quốc gia kể từ cuộc cách mạng kỹ nghệ lần 1 đến nay, đã cho rằng có ba trào lưu hay đợt sóng dân chủ hoá đã xảy ra trên thế giới. Đợt thứ 1 từ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ 1 (khởi đi bằng trào lưu Ánh Sáng ở châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng), tác động đến các nước kỹ nghệ Âu-Mỹ. Đợt sóng dân chủ hóa thứ 2 xảy ra ngay sau đệ nhị thế chiến với sự sụp đổ của chế độ phát xít Đức-Nhật-Ý, và phong trào giải thực. Và từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước đến nay là đợt dân chủ hóa thứ 3, trước và ngay sau sự sụp đổ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản.
Từ đó đến nay, đầu thế kỷ 21, một đợt sóng dân chủ hóa mới đã bắt đầu, cùng với trào lưu toàn cầu hóa – toàn cầu hóa từ lãnh vực kinh tế thương mại sang các lãnh vực văn hóa, xã hội (global village) và chính trị. Dân chủ hoá cũng trở thành trào lưu toàn cầu: từ dân chủ hóa tại mỗi xã hội, mỗi quốc gia, sang dân chủ hóa sinh hoạt quốc tế, trong mọi lãnh vực xã hội, từ lãnh vực kinh tế, thương mại, tài chánh, đến văn hóa, chính trị-xã hội. Một xã hội dân sự quốc tế đã hình thành, với tác động và uy tín quốc tế của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, và của các nhân sĩ quốc tế (Havel, Dalai Latma, Mandela…). Quan hệ quốc gia và quốc tế ngày càng trở thành quan hệ mở, thông lưu hai chiều, qua hình thái biên cương mở (open frontier), và trong nhiều lãnh vực, không biên cương (non-frontier), nhất là trong bối cảnh sinh hoạt mạng điện tử toàn cầu. Chuyển hóa tại các khu vực và trên toàn thế giới tác động đến tiến trình chuyển hóa tại mỗi quốc gia, và ngược lại.
Nếu trong ba đợt sóng thay đổi xã hội trong nội tại mỗi quốc gia trước đây sự di động xã hội (”social mobility”) là yếu tố thúc đẩy sự chuyển hóa từ một xã hội “đóng kín”, độc đoán, bảo thủ, sang một xã hội tự do, cởi mở hơn, “cosmopolitan” hơn, thì vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, hiện tượng toàn cầu hóa tạo ra một tình trạng “di động toàn cầu” (global mobility) thúc đẩy sự thay đổi trên toàn thế giới, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ vùng này sang vùng khác. Đáng chú ý là sự thay đổi không chỉ xẩy ra một chiều, không phải chỉ từ Âu-Mỹ (văn minh da trắng) sang Á-Phi (da vàng, da đen), từ văn minh Thiên Chúa giáo sang văn minh Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo, như trong thế kỷ 19, 20. Hiện nay đang xẩy ra một cuộc giao thoa tự do, hoàn toàn mở – nhiều chiều, đa quốc gia, đa vùng, đa cực (multi-polar), đa văn hóa – giữa Âu-Mỹ da trắng Thiên Chúa giáo, với Á-Phi da mầu, phi Thiên Chúa giáo. Với sự xuất hiện của Internet, vừa toàn cầu không biên giới về không gian, vừa điện tử về tốc độ, và sức chứa thông tin (nano), tiến trình thay đổi trên toàn thế giới cũng như tại mỗi nước có thêm một nhân tố hết sức đặc biệt, khác hẳn những thời kỳ trước đây. Nó mang đến nhiều hiệu quả. Một mặt thì nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, cũng như chính trị trở thành quốc tế, tài sản chung của mọi quốc gia, dân tộc, dù xuất phát từ đâu. Mặt khác, đặc trưng văn hóa, xã hội của mỗi dân tộc, mỗi khu vực, vẫn được tôn trọng và phát huy. Tính lưỡng diện này cũng là đặc tính của tiến trình chuyển hoá xã hội tại mỗi nước. Nếu các nước Âu-Mỹ da trắng đang phải đối diện với sự tràn ngập của con người và lối sống da mầu phi Thiên Chúa giáo, thì tại các nước đang phát triển Á-Phi lối sống Âu-Mỹ đang trở thành một thách thức nghiêm trọng cho nếp sống cổ truyền dân tộc.
Hai hiện tượng này có chung một bản chất: đang xuất lộ một cộng đồng nhân loại toàn cầu với thách đố chung cho mọi quốc gia dân tộc – xây dựng được một xã hội vừa nhất nguyên vừa đa nguyên. Nhất nguyên trong từng xã hội để toàn xã hội được hài hòa, không xung khắc chia rẽ dù khác biệt thế nào. Nhất nguyên trên toàn thế giới vì dù khác biệt về chủng tộc, mầu da, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng đều là con người, là loài người, chia sẻ những tiêu chuẩn giá trị và nếp sống chung, khác với loài vật. Đa nguyên trong mỗi xã hội, mỗi dân tộc vì các khác biệt địa phương, chính kiến, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xã hội phải được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Đa nguyên trên toàn thế giới vì mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, nếp sống, cần được phát huy đề đời sống và văn minh của loài người được phong phú, đa dạng. Con người trong bối cảnh toàn cầu toàn nhân loại, và trong các điều kiện di động điện tử nhanh và rộng khắp đang có cơ hội phát huy đường sống đúng và phù hợp với con người, vừa nhất nguyên vừa đa nguyên. Nhất nguyên vì đều là người. Đa nguyên vì con người luôn khác nhau và luôn có khả năng thích nghi với các điều kiện và môi trường sống đa dạng và phong phú. Nhân loại là một nhưng dân tộc thì nhiều.
Trong tiến trình chuyển hóa đời sống toàn nhân lọai và mỗi dân tộc, dân chủ hóa cũng đang được thực hiện như một phần chuyễn hóa trong sự chuyển hóa tòan diên của xạ hộu, và như là một nhu cầu tất yếu trong tiến trình chuyển hóa tòan diện đó. Nhưng tiến trình chuyển hóa dân chủ đối với các nước hậu Đệ tam Quốc tế Cộng sản như Việt Nam và Trung Quốc có những nét đặc thù của các nước cộng sản trong thời kỳ hậu Đệ tam Quốc tế, khác với những quốc gia độc tài không cộng sản. Tiến trình chuyển hóa tại những nước này có những bước chuyển từ cộng sản kiểu Leninist, Maoist, sang cộng sản kiểu mói (“đối mới”), và hiện đang chuyển từ đổi mới về kinh tế (đổi mới I), sang đổi mới về văn hóa-thông tin-giáo dục và chính trị-xã hội (đổi mới II – điều mà TNS McCain cũng đã nói đến tại Hà Nội). Tiến trình chuyển hoá này mang tính khách quan, hiện đang được nhiều nhà nghiên cứu theo dõi, mô tả, rút ra các qui tắc, và từ đó đưa ra những đề nghị cho các nhà làm chính sách, nhằm thúc đẩy tiến trình này xảy ra nhanh hơn, đúng hơn, nhưng không đi ngược lại tiến trình và các qui luật khách quan.[1]
Những người Việt Nam nào muốn tác động có hiệu quả được vào tiến trình chuyển hóa khách quan này, trước hết cần tìm hiểu về tiến trình chuyển hoá dân chủ nói chung, và tiến trình chuyển hóa dân chủ đặc thù tại Việt Nam và Trung Quốc – đặc thù vì vừa mang tính chất và qui luật chuyển hóa chung của các xã hội chậm tiến trong bối cảnh toàn cầu hóa đầu thế kỷ 21, lại vừa mang tính chất riêng của một chế độ cộng sản trong thời kỳ Hậu Quốc tế Cộng sản. Riêng với Việt Nam tính đặc thù trong tiến trình chuyển hóa này lại còn khác với Trung Quốc, dù vẫn chung chế độ cộng sản, vì dân tộc Việt và xã hội Việt tất nhiên khác với Tầu. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều yếu tố khác như Việt Nam là thành viên khối ASEAN, quan hệ với Trung Quốc không “bình thường” – vừa thuận, vừa nghịch – và quan hệ với Mỹ và thế giới đã thay đổi… Việt Nam còn khác Trung Quốc vì có một cộng đồng hải ngoại toàn cầu khá rõ ràng về lập trường chính trị đối với Hà Nội, khác với cộng đồng hải ngoại Trung Hoa và Đài Loan trong quan hệ với Bắc Kinh. Theo tôi, tiên trình chuyển hóa dân chủ tại việt Nam sẽ là một cuộc cách mạng mầu kiểu Việt Nam, theo lộ trình chuyễn hóa dân chủ tòan diện.

Tiến Trình Chuyển Hóa Dân Chủ Tại Việt Nam

Tiến trình dân chủ là xu thế tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể đi ngược lại xu thế này, dù có đảng CS. Tuy nhiên tiến trình này xẩy ra nhanh hay chậm tùy thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan là tiến triển của xã hội và quần chúng, và tác động của quốc tế. Yếu tố chủ quan là những vận động của chính người Việt Nam ở cả hai phía, cộng sản và dân chủ.

1. Về phía ban lãnh đạo CSVN, họ có lộ trình của họ (Cương Lĩnh 2020…). Lộ trình của họ nhằm 2 mục tiêu:
a. làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa (để kịp điều chỉnh có lợi cho họ);
b. giới hạn sự thay đổi trong các lãnh vực kinh tế, thương mại, cho đến khi “không thể không” thay đổi trong các lãnh vực văn hóa và chính trị. Tạo được tình trạng “không thể không” cho phe cộng sản phải là mục tiêu chiến lược của phe dân chủ.

2. Về phía dân chủ Việt lộ trình của chúng ta nhằm tác động vào tiến trình chuyển hóa dân chủ với 2 mục tiêu:
(1) đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa để CSVN không chủ động được tiến trình này, tức là dành lại quyền chủ động;
(2) chuyển hóa toàn diện xã hội không giới hạn, nghĩa là thúc đẩy tự do hóa xã hội trong mọi lãnh vực hoạt động của xã hội và của người dân. Tạo ra sức ép “nội tại” tòan diện, từ mọi thành phần quần chúng lên và từ trong nội bộ đảng CS ra, khiến chính quyền CS không thể ngăn chặn và giới hạn những thay đổi xã hội theo ý họ để cuối cùng hoặc phải chấp nhận dân chủ (như Đài Loan), hoặc tan vỡ do đột biến chính trị-xã hội (như các cuộc cách mạng mầu).
(3) Kết quả là tạo được tình trạng chiến lược có lợi cho dân chủ: CSVN “không thể không” thay đổi về văn hóa và chính trị. Nếu đảng và chính quyền cộng sản vẫn cưỡng lại việc dân chủ hóa thì đòi hỏi của quần chúng và xã hội tạo ra sức ép và đẩy tới đột biến chính trị.
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên đây, chúng tôi đề nghị Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện

Tổng Quan Về Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện

1. Hai mục tiêu
(1) Tạo môi trường và điều kiện xã hội chín muồi cho việc ra đời xã hội dân sự ngay trong lòng xã hội hiện nay ở trong nước và vượt khỏi sự ngăn chặn của giới cầm quyền.
(2) Hai là đẩy mạnh cuộc vận động đòi dân chủ hóa chính quyền, nương vào sức mạnh của xã hội dân sự, vào tình trạng “không thể không” do sức ép nội tại tạo ra.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, việc xây dựng một xã hội trong đó người dân chủ động cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của họ là điều vừa cần thiết, vừa khả thi. Cần thiết vì mức sống người dân quá thấp, họ cần có cơ hội để thăng tiến đời sống càng nhanh càng tốt. Khả thi vì chính nhu cầu tồn tại của mọi tầng lớp xã hội và mọi thành phần dân tộc, dù khác biệt về chính kiến, địa phương, tôn giáo, nghề nghiệp, đòi hỏi và cho phép thay đổi mọi mặt sinh hoạt hàng ngày của xã hội. Hơn thế nữa, từ 1990 đến nay Mỹ và quốc tế đã và đang thúc đẩy thay đổi xã hội toàn diện và ổn định ở Việt Nam vì điều này có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới, cũng như phù hợp với lợi ích riêng và chiến lược toàn cầu chung của họ.
Về phần dân chúng, nhờ được cải thiện đời sống vật chất, người dân sẽ nẩy sinh thêm nhu cầu cải tiến đời sống tinh thần. Từ đó có thể tạo điều kiện để phát triển các hoạt động dân sự (của dân và do dân), làm cho người dân ngày càng có cơ hội phát huy tiềm năng một cách chủ động và tự lập hơn nhờ đó toàn thể xã hội ngày một tăng trưởng và tiến bô. Điều này lại tạo thêm áp lực thúc đẩy xã hội và người cầm quyền phải thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Các vấn đề dân sinh và dân quyền là mục tiêu đồng thời là động cơ thúc đẩy mọi tiến bộ xã hội. Dân chủ là hiệu quả của những tiến bộ xã hội đồng thời tạo môi trường và điều kiện để bảo đảm cho những tiến bộ đó được công bằng và bền vững. Đây là tiến trình thay đổi xã hội một cách hoà bình ổn định, tránh mọi rối loạn xã hội. Tiến trình này có lợi cho mọi thành phần dân tộc và mọi tầng lớp dân chúng. Đây cũng là tiến trình gia tăng sức mạnh toàn diện của người dân để họ trở thành một thế mạnh xã hội kiềm tỏa dần sức mạnh của người cầm quyền, để tiến đến lấy lại quyền chính trị, tự do quyết định chọn lựa người cầm quyền. Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện được đưa ra nhằm thúc đẩy tiến trình này.

2. Trong sáng và toàn diện:
a. Trong việc thực hiện Lộ Trình Dân Chủ chúng ta sẽ tập trung vào trong nước, vận dụng mọi hướng có thể vận dụng đuơc (nhà nước, tư nhân, quốc tế, hải ngoại, trong ngoài đảng cộng sản) nhưng không đảng hóa cuộc vận động, ngay cả trong giai đoạn 3 khi vận động cho việc dân chủ hóa chính quyền. Không đảng hóa vì không nhằm vận động riêng cho một cá nhân, đảng phái hay nhóm chính trị nào, mà cho môi trường và cơ chế dân chủ chung cho mọi đoàn thể chính trị. Lộ Trình trung thành với đường hướng chính trị là vận động dân chủ cho mọi người, mọi khuynh hướng và đoàn thể chính trị khác nhau, không có đặc quyền và biệt lệ cho một cá nhân hay đoàn thể nào. Trong tinh thần đó, Lộ Trình sẽ được vận động rộng rãi, trong sáng, với sự tham gia của mọi cá nhân, mọi chính đảng dân chủ, mọi tổ chức thuộc mọi lãnh vực hoạt động xã hội, trong ngoài nước và với quốc tế. Khẩu hiệu của cuộc vận động rộng lớn này là: “Dân chủ ngay bây giờ, ở đây và cho mọi người Việt”.
b. Trong bối cảnh chính trị độc đảng, độc quyền CS hiện nay ở trong nước cuộc vận động dân chủ và những người tham gia cuộc vận động không nhằm mục đích tranh thủ ưu thắng cho riêng một cá nhân và đoàn thể chính trị sẽ có được những lợi thế sau đây:
(1) đối với cộng sản: Tranh quyền và giữ quyền là “nghề” của họ; “sân chơi và luật chơi” của họ. Tạo “sân chơi và luật chơi dân chủ” chung cho mọi người, mọi đoàn thể có nhiều khả năng làm suy yếu và vô hiệu hóa sức mạnh “chuyên nghiệp” của họ.
(2) đối với nhân dân: dễ thuyết phục họ ủng hộ và tham gia nếu họ thấy rằng đây không phải là cuộc “tranh quyền” mà là cuộc vận đông nhằm cải thiện và bảo vệ đời sống và quyền lợi toàn diện của họ, từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và chính trị.
(3) dễ thuyết phục được quốc tế ủng hộ vỉ thực chất đây là cuộc vận động cho các quyền căn bản và toàn diện của người dân, và không phải là cuộc “tranh quyền” chính trị.
c. Cần minh xác rằng một nước Việt tự do dân chủ cần có những chính đảng và những nhà chính trị tài giỏi mang vóc dáng thời đại và với tầm cỡ quốc tế. Cuộc vận động của chúng ta hiện nay chính là nhằm tạo môi trường và điều kiện để những chính đảng và chính trị gia như thế tự đào luyện và xuất hiện được, vì qua cuộc vận động chỉ vì quyền lợi của dân chúng và của dân tộc này mà quần chúng (trong nước) sẽ biết đến những chính đảng và chính trị gia đó. Đồng thời chính trong môi trường và điều kiện tự do dân chủ chân chính mà những chính đảng và chính trị gia mới phát huy và chứng tỏ được khả năng lãnh đạo đất nước để dân chúng chọn lựa.

3. Đối tượng vận động:
Có ba khu vực và ba đối tượng vận động trong Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện. Ba khu vực là trong nước, hải ngoại và quốc tế. Ba đối tượng là quần chúng, những tác nhân thay đổi (change agents), và nhóm quyết định chính sách (policy makers). Tại mỗi khu vực đều có ba đối tượng nhưng tính chất, thành phần, mục tiêu và phương thức vận động cụ thể có thể khác nhau. Ở đây chỉ phân tích tổng quát về ba đối tượng trong cả ba khu vực.

a. Quần chúng: Mục tiêu chung của cuộc vận động đối với quần chúng trong-ngoài nước là tạo tâm thức mới (”cùng sống giúp tiến”, cùng tồn tại) và tầm nhìn mới (tầm nhìn của một nước Việt Nam trong thế kỷ XXI) làm chất keo gắn bó mọi thành phần dân tộc và mọi tầng lớp dân chúng, nhất là thành phần trẻ (hiện là đa số ở trong nước).
· Với trong nước, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để mọi tầng lớp dân chúng phát huy tiềm năng và chủ động được cuộc sống của họ, độc lập, và khi cần, đối lập với chính quyền cộng sản.
· Với cộng đồng người Việt hải ngoại, vận dụng được vị thế công dân tại mỗi quốc gia định cư để trực tiếp vận động quốc tế hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự và chính quyền dân chủ, tiến đến phát triển một nước Việt văn minh và hưng thịnh trong thế kỷ XXI.
· Đặc biệt chú trọng đến giới trung niên (30-50) và giới trẻ (trên duới 20) ở cả trong và ngoài nước.

b. Tác nhân thay đổi (change agents) là những cá nhân, nhóm, đoàn thể tác động vào sự thay đổi của xã hội và chính quyền ở trong nước, trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Thành phần này bao gồm các chuyên viên thuộc mọi ngành chuyên môn. Đa số ở lứa tuổi trung niên. Đặc biệt chú trọng thành phần này trong các hội đoàn xã hội, nhất là trong chính quyền và đảng cộng sản ở trong nước. Mục tiêu là giúp họ tăng cường hiểu biết về mọi lãnh vực (chú trọng các ngành nhân văn và xã hội), tiếp cận thế giới. Tạo cơ hội cho giới này ở hải ngoại và trong nước gặp gỡ và cùng làm việc với nhau. Đây là lực chuyển đổi chính của xã hội ở trong nước cũng như hải ngoại, hiện nay và trong tương lai gần. Nhóm quyết định chính sách cần đến nhóm tác nhân thay đổi trong cả hai công việc soạn thảo và thi hành chính sách. Do đó nhóm tác nhân thay đổi có thể tác động vào cả thượng tầng chính quyền và hạ tầng xã hội. Chúng ta cần tạo quan hệ làm việc tốt, tin cậy với những nhóm tác nhân thay đổi trong ngoài nước, nhất là trong nước. Đối với quốc tế, vận động thành phần này trong các chính phủ, các hội đoàn xã hội (NGO) và đoàn thể áp lực, các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, tạo sự đồng tình và ủng hộ đối với cuôc vận động của những người dân chủ VN.

c. Nhóm quyết định chính sách: Trong các hội đoàn văn hóa xã hội và đoàn thể chính trị thuộc mọi khuynh hướng chính trị, tư tưởng, trong ngoài nước và quốc tế, trong và ngoài chính phủ nhưng đặc biệt chú trọng thành phần cấp tiến của nhóm này ở trong đảng cộng sản và chính quyền CSVN hiện nay. Ba mục tiêu chính trong cuộc vận động nhóm cấp tiến này ở Việt Nam là (1) đồng tình với cách giải quyết vấn đề Việt Nam của chúng ta; (2) cảm thấy vừa cấp bách, vừa yên tâm và an toàn khi thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị; (3) và cuối cùng, chấp nhận dân chủ hóa chính quyền.

Ba Giai Đoạn của Lộ Trình:

Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện bao gồm 3 công việc: (1) thiết lập hệ thống và cơ cấu kinh tế thị trường; (2) tạo môi trường và điều kiện cho việc hình thành xã hội dân sự và tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của người dân; (3) và cuối cùng là dân chủ hóa chính quyền. Ba công việc này được tiến hành trong ba giai đoạn đan xen nhau, nghĩa là giai đoạn sau khởi động ngay khi giai đoạn truớc đã tương đối phát triển, dù chưa hoàn tất.

1. Giai Đoạn 1 (GĐ 1): Thiết lập hệ thống kinh tế thị trường. Hội nhập kinh tế VN vào nền kinh tế thương mại khu vực và thế giới.
a. Ưu tiên phát triển khu vực tư nhân. Giải tư xí nghiệp quốc doanh. Phát triển nhanh các doanh nghiệp tư nhân trên mọi lãnh vực.
b. Xây dựng hệ thống pháp trị trong kinh tế thương mại: Hiện nay luật pháp tại Việt Nam còn dành nhiều ưu đãi cho quốc doanh. Luật pháp liên quan đến kinh tế thương mại cần được sửa đổi để bảo đảm cạnh tranh được thật sự tự do, có trách nhiệm và công bằng xã hội, giữa tư doanh, quốc doanh và quốc tế trong mọi lãnh vực nhất là trong các lãnh vực như ngân hàng, thuế, đầu tư, lao động, truyền thông, xuất bản phát hành…
c. Hội nhập thị trường quốc tế, khu vực và thế giới.
Từ 1990 đến nay VN đã và đang thực hiện giai đoạn 1 này với sự hỗ trợ tích cực của quốc tế. Sau khi Việt Nam thực hiện nhiều cải tổ về luật pháp, được gia nhập WTO, GĐ 1 về căn bản coi như đã tạm ổn vì kinh tế thị trường đã được thiết lập dù quốc tế vẫn tiếp tục đòi hỏi Hà Nội phải củng cố và hoàn thiện hệ thống kinh tế tài chánh và luật pháp trước khi Việt Nam chính thức được các cường quốc kinh tế công nhận là đã thật sự có nền kinh tế thị trường.

2. Giai Đoạn 2 (GĐ 2):

Phát triển các hoạt động dân sự. Người dân ngày càng có điều kiện để chủ động cuộc sống, và độc lập hơn với nhà nước. Nhà nước nới lỏng dần sự kiểm soát trong các lãnh vực ngoài lãnh vực kinh tế thương mại, nhưng chưa sang lãnh vực chính trị. Hiện nay xã hội dân sự đang hình thành dần, vừa do tự phát, vừa do nhà nước “buông lỏng” hoặc không quản lý nổi (vì nhiều lý do khác nhau, kể cả ảnh hưởng hội nhập quốc tế). Cần tác động để đẩy nhanh hơn tiến trình này, đặc biệt hỗ trợ các hoạt động tư nhân trong mọi lãnh vực và giúp hình thành các tổ chức phi chính phủ ở trong nước, dưới nhiều hình thức và giai đoạn phát triển khác nhau tùy hoàn cảnh và điều kiện thực tế (thí dụ: từ bán chính phủ sang phi chính phủ, từ hoạt động nhỏ hẹp không chính thức, sang rộng lớn có tổ chức chính thức, từ hải ngoại đưa vào trong nước tiến đến hoàn toàn do trong nước…).
Ba nỗ lực chính ở trong nước cần được hải ngoại và quốc tế tích cực hỗ trợ: các giáo hội độc lập; các hoạt động giáo dục, văn hóa tư tưởng thông tin độc lập của tư nhân; và các hội đoàn dân sự tư nhân (NGO) của mọi thành phần, mọi giới, từ trí thức chuyên gia đến nông dân, công nhân (công đoàn, nông đoàn độc lập)
a. Giáo dục: đã bắt đầu được cởi mở từ cuối 1980’s. Đã có trường tư cả đại học, nay mở rộng cho đại học thế giới tham gia phát triển, cả trong nghiên cứu học thuật (phi ý thức hệ); du học ngày càng mở rộng. Đây là lãnh vực có thể và cần được đẩy nhanh hơn nữa, và sẽ tác động sâu rộng đến các lãnh vực khác của xã hội. Chú trọng giao lưu giữa sinh viên và chuyên gia trong ngoài nước và với quốc tế. Hỗ trợ cho đòi hỏi “tự trị” đại học. Hải ngọai cần có chính sách tốt, mở ra và tiếp cận được với giới du sinh, khuyến khích và hỗ trợ con em sinh viên giao lưu thân tình với du sinh vì đây là cánh cửa “nhập nội” hữu hiệu để góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa tòan diện ở trong nước.
b. Văn hóa: xuất bản phát hành tư nhân (hiện chưa có, nhưng có tư nhân hợp tác hoặc “núp bóng” quốc doanh); báo chí độc lập (hiện chưa có, nhưng “lách” nhiều hơn, tinh vi hơn, tương đối tự do hơn trừ đụng chạm HCM, lãnh đạo, đảng, ý thức hệ); văn học nghệ thuật (sáng tác khá tự do), phim ảnh. Cần hỗ trợ các nỗ lực và sáng kiến tự lập và dân lập, dù chưa thật sự độc lập. Đây là lãnh vực quan trọng trong quá trình tự do hóa xã hội và phát triển xã hội dân sự. Hải ngoại nên chủ động hỗ trợ và thực hiện giao lưu 2 chiều giữa giới văn nghệ sĩ, trí thức trong-ngoài nước và đòi hỏi lưu thông các hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật, văn hóa phẩm 2 chiều trong-ngoài nước (với tư cách công dân Mỹ gốc Việt).
c. Xã hội: Các hoạt động trong lãnh vực cứu tế xã hội hiện đang được mở rộng hơn trước. Đã có nhiều hội đoàn quốc tế và hải ngoại đã và đang thực hiện các hoạt động về cứu trợ, y tế, cứu tế xã hội, các loại học bổng, các hình thức tương trợ gia đình, làng xóm không chính thức hoặc chính thức. Hướng đạo, các đoàn thể tín hữu như gia đình phật tử đã được mặc nhiên cho hoạt động lại. Đây là lãnh vực có thể đẩy nhanh và rộng khắp.
d. Tôn giáo: Các hoạt động tôn giáo độc lập cần được phục hồi và trở thành đương nhiên và chính thức trong thời gian tới đây. Đây là lãnh vực được quốc tế hỗ trợ mạnh nhất sau tự do thương mại. Tích cực hỗ trợ các hoạt động văn hoá, giáo dục, xã hội do các giáo hội và tín hữu thực hiện một cách độc lập với nhà nước.
e. Tăng cường tiếng nói và quyền lực của quần chúng: công nhân (tổ chức lao động), nông dân, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, chuyên gia. Hỗ trợ các hoạt động độc lập với nhà nước trong mọi lãnh vực, đặc biệt là trong lãnh vực văn hóa giáo dục và truyền thông. Ủng hộ việc tăng cường quyền lực của các cơ quan dân cử, nhất là Quốc hội, dù các cơ quan này chưa độc lạp với đảng CS.

3. Giai Đoạn 3 (GĐ 3): Dân chủ hóa chính quyền. Đây là giai đoạn vận động để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị. Các mục tiêu vận động cụ thể:
a. Cải tổ hành chánh công quyền: qui chế hóa và chuyên nghiệp hóa công chức. Vận động tách nhà nước ra khỏi đảng về mặt chuyên nghiệp hành chánh, tài chánh (ngân hàng, thuế, ngân sách), pháp chế. Quốc tế đang áp lực Hà Nội thực hiện một số cải cách này.
b. Tăng cường quyền lực chính trị của các cơ quan dân cử đối với chính phủ và chính quyền các cấp. Tách Quốc Hội ra khỏi đảng, khỏi chính phủ, có thực quyền cao hơn chính phủ.
c. Đòi quyền tự do ứng cử và bầu cử (không qua Mặt Trận Tổ Quốc) giữa người của đảng và người ngoài đảng cộng sản (dù chưa có đa đảng).
d. Báo chí độc lập. Tự do lập hội đoàn độc lập phi chính phủ. Ủng hộ việc ban hành một qui chế hội đoàn trong đó tách các các tổ chức phi chính trị (tôn giáo, nghề nghệp, sinh họat xã hôi (Hướng đạo, võ thuật, từ thiện…) ra khỏi sự chi phối của các tổ chức chính trị của đảng CS (Mặt Trận Tổ Quốc, Đòan Thanh Niên CS, Công đoàn….
e. Cuối cùng là đòi hỏi sửa đổi Hiến Pháp, chấp nhận có các đảng phái ngoài đảng cộng sản và bầu cử tự do đa đảng có quốc tế giám sát.

Giai Đoạn Hiện Nay và Những Năm Tới

Hiện nay đang là giai đoạn nào? Những gì đang diễn ra ờ trong nước vài năm gần đây cho thấy cuộc vận động dân chủ đang bước vào cuối GĐ 2 và đầu GĐ 3 trong tiến trình chuyễn hóa dân chủ. Kết quả này đạt đuợc một phần nhờ xã hội và dân chúng đã có được những điều kiện tinh thần và vật chất tương đối thuận lợi về mặt tự do hóa xã hội để từ đó phía dân chủ trong ngoài nước có thể đẩy mạnh hơn, công khai hơn đòi hỏi dân chủ hóa chính quyền. Trong GĐ 1 hoạt động kinh tế tư nhân tương đối được tự do hơn, nhờ đó đời sống của dân chúng được cải thiện nhiều. GĐ 2 đã được khởi động bằng các cuộc biểu tình, đình công của nông dân, công nhân đòi công bằng xã hội, cải thiện dân sinh, chống cường hào áp bức; của sinh viên thanh niên chống Trung Quốc; bằng các cuộc vận động công khai của trí thức, nhà giáo đòi cải thiện giáo dục, đòi quyền phản biện lại chính quyền; của các nhà báo và các bloggers thực hiện quyền tự do tư tưởng. Dù bị đàn áp, những cuộc đấu tranh lien tục này cho thấy hầu hết các thành phần dân chúng đều đã lên tiếng và tham gia vào cuộc vận động đòi tự do trong các lãnh vực ngoài kinh tế –văn hóa, thông tin, giáo dục, xã hội.
Chính sự phát triển của kinh tế đã tạo điều kiện cho sự tham gia này. Tự do kinh doanh và tư do cạnh tranh ngày càng được củng cố. Người dân dành lại được nhiều quyền chủ động trong kinh tế thương mại. Đồng thời tuy đời sống vật chất tăng tiến hơn nhưng khó ngăn chặn được khủng hoảng vì những thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị không đồng nhất và đồng nhịp với những thay đổi trong kinh tế thương mại. Tốc độ và mức độ thay đổi kinh tế vừa tạo điều kiện, vừa thôi thúc sự thay đổi về chính trị và văn hóa tư tưởng cho phù hợp, trong khi đó ban lãnh đạo cộng sản không có quyết tâm, tầm nhìn và bản lãnh để thực hiện tự do hóa kịp thời và đồng nhịp trong hai lãnh vực quan trọng này. Người dân, nhất là giới trẻ thành thị, đòi được tự do hơn. Từ đó đang dẫn tới bế tắc và khủng hoảng trong lãnh vực văn hóa và chính trị-xã hội.
1. Giáo dục không đáp ứng nhu cầu phát triển, cũng không tác động được vào tiến trình phát triển. Chế độ ngăn chặn việc hình thành một tầng lớp trí thức và thức giả độc lập, sáng tạo, đạt trình độ và phẩm chất tri thức quốc tế và thời đại.
2. Trí thức, nhà văn, nhà báo hiện nay tuy được tự do hơn trước, nhưng chỉ trong giới hạn của kiến thức chuyên môn và nghệ thuật thuần túy. Khi bước sang các lãnh vực tư tưởng, xã hội và chính trị, họ đụng phải bức tường thành chính trị và văn hóa tư tưởng một chiều bóp nghẹt sang kiến, tranh luận, phản biện và tiến bộ. Không có tự do tư tưởng, tự do trao đổi thông tin, tự do báo chí và tự do xuất bản, phát hành thì bản thân nền kinh tế bị đứng lại, và toàn xã hội không thể tiến hơn được nữa.
3. Tôn giáo bị coi như mối đe dọa cho quyền uy của đảng chứ không được tôn trọng như một nhu cầu đạo đức và tâm linh tự nhiên của con người. Các lễ hội dân gian được cho phép nhưng do dân chúng tự động phục hồi, chính quyền địa phương thường thương mại hóa, nhắm khai thác tài chánh và thu hút du khách. Cộng với đó là nếp sống và môi trường văn hóa tinh thần đóng cõi, độc đoán, ô nhiễm. Hậu quả là đạo đức bị băng hoại, đồng thời những vấn đề văn hóa tinh thần nghiêm trọng của dân tộc không được giải quyết: đó là vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong tiến trình hội nhập trào lưu văn hóa khu vực và toàn cầu.
Tình trạng suy đồi về văn hóa giáo dục hiện nay gây hậu quả tai hại lâu dài đến yếu tố quyết định mọi phát triển, tiến bộï và văn minh của mọi xã hội: đó là Con Người. Người Việt hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, không có được môi trường và điều kiện chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu xây dựng một nước Việt tự do, tiến bộ, công bằng và ổn định. Nếu không nhanh chóng thay đổi môi trường văn hóa giáo dục và chính trị-xã hội hiện nay thì vài thập niên nữa người dân Việt cũng không đáp ứng được nhu cầu đó. Đây là nguy cơ lớn nhất cho tiền đồ dân tộc. Thể chế văn hóa, xã hội và chính trị độc đoán và độc quyền hiện nay không tạo môi trường và điều kiện để đối phó với nguy cơ này.

Tóm lại Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng mới: xu thế phát triển nền kinh tế thị trường tạo áp lực mạnh mẽ lên giáo dục, và thông tin. Thanh thiếu niên cần nhiều cơ hội học tập tự do, tiến bộ hơn, cả phổ thông lẫn chuyên nghiệp. Sinh viên học sinh cần tự do học tập và trao đổi tri thức, giáo sư cần tự do nghiên cứu và giảng dạy. Thanh niên cần thêm việc làm. Cả xã hội cần thông tin và tri thức, ngày càng nhiều hơn và nhanh hơn, để tận dụng được cơ hội mới do kinh tế thi trường tự do và mở cửa với quốc tế đang tạo ra. Những trí thức trẻ và du học sinh từ hải ngoại trở về sẽ tác động ngày càng sâu rộng hơn vào biến đổi xã hội, văn hóa giáo dục, thông tin, văn học nghệ thuật ở trong nước. Mọi cố gắng kiểm soát và độc quyền không những không thể thi hành được, mà còn tạo căng thẳng xã hội, cản trở phát triển kinh tế và thương mại.
Hội nhập thế giới về kinh tế thương mại mâu thuẫn với chính sách ngăn cản hội nhập thế giới về thông tin, văn hóa, giáo dục. Hoặc là ban lãnh đạo đảng cộng sản phải mở thêm cánh cửa tự do văn hóa, thông tin và giáo dục, chấp nhận hội nhập trào lưu tư do của thế giới, chấp nhận tư nhân hóa, xã hội hóa các lãnh vực này mạnh và nhanh thêm nữa, và do đó đẩy nhanh tiến trình tự do hóa xã hội. Hoặc là duy trì độc quyền văn hóa thông tin giáo dục, hay tự do hóa quá chậm và từ đó lại đẩy xã hội vào bế tắc mới. Và đây sẽ là bế tắc cuối cùng, vì nền kinh tế thị trường đã được thiết lập và tự thân nó đòi hỏi phải được hoàn tất. Hậu quả sẽ là hỗn loạn xã hội để bung phá bế tắc, mở đường cho dân chúng được thật sự tự do làm ăn sinh sống và học hành, hòa nhập dòng tiến hóa chung của nhân loại.
Kinh tế thị trường và thương mại tự do đòi hỏi văn hóa, thông tin và giáo dục tự do. Chính trị dân chủ phải đến sau, nhưng sẽ đến rất nhanh, hoặc bằng thay đổi hòa bình, hoặc bằng đột biến chính trị-xã hội.

LỜI KẾT

Những gì đã và đang xẩy ra ở trong nước cho thấy tiến trình chuyển hóa dân chủ ở Việt Nam đã vào khá sâu trong GĐ 2 và đang chuyển sang GĐ 3. Điều này xẩy ra được một phần nhờ sự phát triển của kinh tế-xã hội, một phần nhờ sự đấu tranh kiên cường, dũng cảm của những thành phần dân tộc-dân chủ-tiến bộ ở trong nước, nhờ sự hỗ trợ bền bỉ của hải ngoại, và một phần nhờ chính sách vừa giúp đỡ vừa áp lực của quốc tế đối với chính quyền Hà Nội. Dù gần đây Hà Nội lại phải thực hiện một chiến dịch đàn áp mạnh mẽ nhưng cuộc khủng hoảng đã lan đến lãnh vực văn hóa-tư tưởng và chính trị, đe dọa chính sự tồn vong của chế độ. Càng đàn áp càng bùng lên, đó là qui luật vận động của xã hội. Như lò xo càng ép mạnh càng bật lên dữ dội. Như ung thư không chữa được tận gốc thì càng cắt đi càng lan rộng và nhanh hơn. Trong thời gian không xa nữa, ban lãnh đạo CSVN sẽ bị đặt vào tình trạng “không thể không” mới: đó là hoặc chấp nhận chuyển sang chế độ dân chủ, hoặc bị xụp đổ trong một đột biến chính trị-xã hội.
Tuy nhiên, nếu ban lãnh đạo CS đang phải đối phó với tình trạng tiến thoái lưỡng nan như thế, thì chúng ta –phe dân tộc-dân chủ-tiến bộ– cũng đang đứng trước một thách đố nghiêm trọng. Liệu chúng ta có chuẩn bị kịp để đáp ứng với tình thế mới, tận dụng được các cơ hội sắp đến, khai thác được các nhược điểm của đối phương, phát huy đuợc tinh thần yêu nước và khát vọng tự do dân chủ của mọi tầng lớp dân chúng? Hay quần chúng sẽ vẫn phải tự tìm lấy con đường vùng dậy nhiều tự phát của họ? Và ban lãnh đạo CSVN vẫn có thể có đủ thì giờ tiếp tục tìm cách xoay xở và điều chỉnh sách lược “vửa cải tổ vừa củng cố quyền lực” cho phù hợp hơn với tình thế mới trong tiến trình chuyển hóa xã hội khách quan đang xẩy ra tại Việt Nam? Vượt lên được tình trạng phản ứng, khắc phục được hai vấn nạn nói trên, để ngày càng dành lại quyền chủ động đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa dân chủ, đây là thách đố lớn nhất của chúng ta trong thời gian tới.
Chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề Trung Quốc và biển Đông, một vấn đề khá phức tạp vì liên quan đến an ninh toàn khu vực, đến nhiều quốc gia. Nó đang tạo ra một lợi thế cho chúng ta vì đặt ban lãnh đạo CSVN vào thế khó xử. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành bất lợi, làm chậm lại tiến trình chuyển hóa dân chủ, vì Hà Nội có thể tạo ra những động thái “nguy cơ giả”, “yêu nước giả” để làm chệch hướng đấu tranh và giảm bớt áp lực đòi công lý, công bằng xã hội, đòi tự do dân chủ của quần chúng. Đấy là chưa kể đến một nguy cơ có thật: Trung cộng có thể can thiệp trực tiếp và nhanh chóng vào tình hình Việt Nam nếu ở Việt Nam xẩy ra bất ổn định chính trị có nguy cơ làm tan rã chế độ cộng sản. Phe dân tộc-dân chủ-tiến bộ chưa nghĩ đến và chua có những phương án khả thi để đối phó với những tình huống mới như thế.
Chúng ta đang đứng truớc giai đọan cuối cùng của cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam. Để rút ngắn được giai đọan này và chủ động tác động được vào tiến trình chuyển hóa, chúng ta có rất nhiều công việc phải làm và làm trong một thời gian rất ngắn, trước khi sự biến chuyển của tình hình vuột khỏi tầm tay của chúng ta, và có thể của chính ban lãnh đạo CS. Tình hình đất nước chúng ta trong 5-10 năm tới như thế nào, trên tổng thể chúng ta có thể dự kiến được nhưng diễn biến thực tế cụ thể thì đến nay vẫn còn nằm ngoài khả năng dự liệu và tầm tay chủ động của chúng ta. Quốc tế sẽ tiếp tục chính sách thân thiện và hỗ trợ đường lối “đổi mới” kiều Hả Nội, còn quốc dân sẽ tiếp tục bất mãn và hành động tự phát như hiện nay cho đến khi nào chúng ta, nhất là các chính đảng dân chủ trong ngoài nước, chứng tỏ được thực lực và tạo được niềm tin cho họ. Và chuyển hóa dân chủ vẫn sẽ xẩy ra nhưng chậm hơn và tự phát hơn, ban lãnh đạo CSVN vẫn chủ động được tình hình. Chúng ta đang đứng trước một cuộc chạy đua tiếp sức về đích dân chủ, trong đó nhóm vận động viên nào chạy đúng kỹ thuật sẽ chạy nhanh hơn và về đích trước.
Việt Nam phải và sẽ tiến vào thời kỳ phục hưng mới trong thiên niên kỷ thứ ba, như thời kỳ Đại Việt Lý Trần 1000 năm trước. Đây là khát vọng và xu thế tất yếu của dân tộc và của lịch sử Việt. Đây cũng là nìềm tin vững chắc để chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục mạnh tiến trên con đường đấu tranh hiện nay và những năm tới. Chiều hướng phát triển lâu dài của đất nước và dân tộc chắc chắn thuận lợi cho chúng ta. Diễn biến ngắn hạn trong những năm tới cũng sẽ thuận lợi nếu chúng ta nhanh chóng điều chỉnh lại sách lược, củng cố và sắp xếp lại lực lượng cho phù hợp và hữu hiệu hơn, đáp ứng được sự trông đợi của quần chúng trong nước và hoàn thành đuơc nhiệm vụ lịch sủ và thời đại.

Đoàn Viết Hoạt
(Thuyết trình tại Hội Thảo do Liên Minh Dân Chủ Việt Nam tổ chức tại Washington DC ngày 21 tháng 11 năm 2009)

(Bài viết trên đây tổng hợp và cập nhật những quan điểm vể chuyển hóa dân chủ và về lộ trình dân chủ mà tác giả đã đưa ra từ những năm 2000, 2003 đến nay trên các diễn đàn quốc tế và hải ngoại, và phổ biến trên website cá nhân (www.doanviethoat.org) và trong cuốn sách đã xuất bản (Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa, 2005).



No comments: