Thursday, December 31, 2009

HÀNG "SIDA" TỪ CAM BỐT VÀO VIỆT NAM

Săn hàng hiệu “sida”
Bài và ảnh: DUY NHÂN
Chủ nhật, 27/12/2009 00:00GMT+7
http://www.nld.com.vn/20091226105837301P1002C1005/san-hang-hieu-sida.htm
Theo chủ một cửa hàng thời trang, nếu kiên nhẫn và có thời gian, ai cũng có thể săn được những món hàng hiệu độc đáo tại chợ “sida” Châu Long, Châu Đốc - An Giang
Châu Long là ngôi chợ nằm ngay cửa ngõ thị xã Châu Đốc - An Giang, chuyên bán các loại hàng thời trang “sida” (đã qua sử dụng) thuộc loại lớn nhất nước. Chợ mở cửa từ khoảng 7 giờ và nghỉ bán khá sớm, trước 17 giờ. Tại đây, rất ít khi thấy cảnh kẻ bán người mua chen chúc nhộn nhịp mà ở đâu cũng đầy cứng hàng hóa. Đủ loại mặt hàng thời trang, từ quần áo, giày dép đến túi xách, bóp da, dây nịt... đã qua sử dụng chất thành đống cao ngất với kiểu dáng phong phú và giá cả thượng vàng hạ cám, từ vài ngàn đồng cho đến vài triệu đồng mỗi món.

Điểm tập kết hàng lậu
Tôi theo chân D., chủ một cửa hàng thời trang nổi tiếng ở TP Cà Mau, đi chợ “sida” săn hàng “độc” về chuẩn bị bán Tết. Gọi là săn hàng “độc” theo cách nói của D., thực chất anh ta chỉ đến đây lấy hàng “xôn” về rồi tuyển chọn ra những món hàng hiệu đã qua sử dụng. Sau đó, bằng “công nghệ mông má”, D. “ngụy trang” chúng thành hàng mới đưa ra shop bán với giá cao ngất ngưởng.
Theo D., hàng hóa ở chợ “sida” Châu Long có xuất xứ từ khắp các nước với đủ loại nhãn mác thời trang nổi tiếng trên thế giới. Trong đó, chiếm khá nhiều là loại hàng cứu trợ của các nước cho người dân nghèo Vương quốc Campuchia, được đóng sẵn thành từng kiện.
Vì An Giang là cửa ngõ trung tâm giao thương quan trọng với các huyện biên giới Campuchia nên nguồn hàng này được tuồn bằng đường tiểu ngạch sang nước ta rất lớn. Sau khi vào VN, mỗi kiện hàng này được bán lại với giá từ vài triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng, tùy theo loại hàng và trọng lượng.
D. cho biết người mở kiện đầu tiên chọn những loại hàng hiệu hay hàng còn mới gọi là “nước một”, thường là các chủ cửa hàng thời trang lớn ở TPHCM và các tỉnh, TP miền Tây Nam Bộ. Những mặt hàng còn lại sẽ được các chủ sạp nhỏ tại chợ “sida” Châu Long tuyển chọn một lần nữa.
Nếu còn sót lại, số hàng dạt này sẽ được nhiều người thu mua đổ ra đường hoặc các sạp nhỏ lẻ để bán với giá cực rẻ. D. khẳng định: “Nếu có thời gian và chút kiên nhẫn, mọi người đều có thể săn được những món hàng hiệu “độc” tại đây mà đi khắp cả nước cũng khó tìm ra cái thứ hai”.
Biết tôi có ý định mua hàng với số lượng lớn về mở shop bán, bà Ngọc, một trong những đầu nậu đồ “sida” lớn nhất chợ Châu Long, mời chào: “Hàng của chị được tuyển thẳng từ Phnom Penh, toàn hàng “độc”, có đủ cả các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới.
Vì D. là chỗ quen biết nên chị sẽ để giá mềm cho em, mỗi kiện quần jeans 200 kg là 3,5 triệu đồng, áo thun cũng giá tương tự. Em yên tâm, kiện hàng còn mới toanh, bảo đảm chưa khui. Em cần túi xách, bóp da, dây nịt, giày dép, thú nhồi bông..., chị đều có. Giá cả dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng mỗi món, số lượng bao nhiêu chị cũng đáp ứng nổi”.
Bà Ngọc cho biết hàng hóa của bà vốn là hàng cứu trợ của các tổ chức nhân đạo trên thế giới cho người nghèo Campuchia. Bà đặt hàng từ các đầu nậu lớn ở Phnom Penh. Sau đó, các đầu nậu này sẽ đưa hàng về gần khu vực bên kia biên giới.
Việc còn lại của những đầu nậu bên An Giang là cho xe tải sang chở về theo đường biên giới. Sau khi tập kết hàng về các kho bãi trong chợ Châu Long, theo nhu cầu của khách mua sỉ, hàng từ đây sẽ được chuyển thẳng lên TPHCM rồi đưa về các tỉnh, TP khác.

Công nghệ “luộc” hàng
Chợ “sida” Châu Đốc phân chia thành 3 khu vực bán hàng chuyên biệt: Một khu bán hàng thường với giá cả khá mềm, chỉ từ 2.000 đồng đến vài chục ngàn đồng một món, tất nhiên chất lượng thì tiền nào của nấy. Một khu chuyên bán hàng sỉ để bỏ mối cho các cửa hàng thời trang ở TPHCM và các tỉnh, TP miền Tây Nam Bộ. Khu còn lại chuyên bán hàng hiệu.
Tại khu hàng hiệu ở chợ Châu Long, khách có thể săn được những món hàng độc đáo với đủ nhãn mác thời trang nổi tiếng thế giới, như: Levi’s, Versace, Gucci, Armani, Prada, Louis Vuitton... Đây là loại hàng đã qua sử dụng, phần lớn ở các nước châu Âu, một số là hàng sale (giảm giá), hàng lỗi mốt, được hấp tẩy, đóng gói và đưa sang cứu trợ các nước nghèo.
D. tiết lộ tất cả những mặt hàng được đưa ra sạp đều phải trải qua nhiều công đoạn chỉnh sửa mà dân trong nghề gọi là “luộc” hàng. Sau khi xẻ kiện, các mặt hàng tuyển chọn sẽ được mang đi giặt, tẩy. Những món hàng nào đẹp, còn nguyên sẽ được ủi lại cho phẳng, xếp ngay ngắn rồi vô bao ni lông, sau đó “ngụy trang” bằng kim kẹp, khung nhựa... sao cho thật giống hàng mới rồi đưa ra sạp bán với giá đồ mới.
Hàng bị “tật” (sứt chỉ, dập lai, rách...) sẽ được thợ lên lai, sang sợi, nhuộm, đóng nút, gắn nhãn... Toàn bộ quy trình cho ra đời những chiếc quần áo cũ thành hàng mới được dân trong nghề gọi chung là “mông má”. Qua tay những thợ “mông má” chuyên nghiệp, những món hàng “sida” tuyển chọn từ “nước một” được lên đời và vào cả những shop thời trang danh giá, đánh lừa không ít người thích sưu tầm hàng hiệu.
“Những món hàng không thể khắc phục được hoàn chỉnh thì sẽ đưa ra sạp bán giá loại hai, hàng dạt còn lại sẽ bán với giá từ vài ngàn đồng cho đến vài chục ngàn đồng mỗi món” – D. cho biết.

Thật giả khó phân

Với kinh nghiệm hơn 10 năm giao dịch ở chợ “sida” Châu Long, D. mách bảo: “Phần lớn hàng hiệu ở chợ này đã được lựa kiện bán từ đầu lên TPHCM, còn lại chủ yếu là hàng nhái được chỉnh sửa lại rồi gắn mác thật lấy từ những món đã hư. Do đó, muốn mua được hàng hiệu thật phải có cò dẫn mối lúc bung kiện”.
D. cho biết chỉ việc chọn mua kiện hàng cũng lắm phức tạp. Nếu thiếu kinh nghiệm và không quen biết, người mua rất dễ bị hớ, mua nhầm những kiện đồ đã bị xẻ hoặc hàng hóa kém chất lượng. Người mua đi bán lại gặp phải trường hợp này coi như nắm chắc phần lỗ.
“Thường thì hàng mới về sẽ bị đầu nậu xẻ kiện lục xét trong túi tìm những món tiền, vàng, đồ giá trị còn sót và chọn lọc hàng hiệu, sau đó đóng lại giao cho những mối mua sỉ. Hồi tôi mới vào nghề, thỉnh thoảng rinh về những kiện hàng bên dưới độn toàn đồ rách. Bây giờ quen rồi, các đầu nậu không dám làm vậy. Tuy nhiên, chuyện đầu nậu rút ruột hàng hiệu rồi đóng kiện giao cho mình là thường xuyên” - D. bộc bạch.
Một đầu nậu tên Thuận ở chợ Châu Long khẳng định chính nơi đây là nguồn cung cấp hàng hiệu cho các cửa hàng thời trang cao cấp tại Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau..., thậm chí cả TPHCM. Sau khi đến chợ “sida” này mua hàng về, chủ các cửa hàng, shop thời trang lập tức chọn lựa và nâng cấp chúng thành hàng hiệu mới bán với giá từ vài triệu đồng đến cả ngàn USD mỗi món.
D. cũng không cần giấu giếm khi tiết lộ với tôi rằng sở dĩ shop thời trang của anh trở nên nổi tiếng và được nhiều người ưa thích ở TP Cà Mau là do có nhiều loại hàng hiệu danh giá và đặc biệt là không đụng hàng, dù giá cả cao hơn so với các shop khác.
Hôm đến shop của D., tôi gặp anh Huỳnh Hương, ngụ TP Cà Mau, khách hàng thường xuyên ở đây. Hương khoe: “Tôi mua cái quần jeans hiệu Esel ở shop D. mặc đi nhiều nơi mà không thấy ai có cái giống mình. Cả đôi giày Gucci V.W mua ở đây cũng chưa bị đụng hàng. Đó là lý do tôi vẫn thích mua sắm ở shop D”. Nhiều khách hàng như anh Hương làm sao ngờ nổi, những món đồ mà họ bỏ bạc triệu ra mua có nguồn gốc từ một ngôi chợ “sida” biên giới với giá trị thực chưa tới 100.000 đồng!

Mới tinh, tươm tất sau 2 giờ
Chị Trang, người có gần 10 năm làm nghề giặt đồ “sida” thuê cho các đầu nậu ở chợ Châu Long, cho biết nhiều kiện hàng “sida”, nhất là quần áo, chỉ có trên 20% hàng còn mới, còn lại đã bị nhàu nát và dính bẩn nên khâu “luộc” đồ để đưa lên sạp, shop rất quan trọng.
Nơi làm việc của chị Trang là khu nhà ổ chuột ven Quốc lộ 91 cách thị xã Châu Đốc khoảng 2 km. Đập vào mắt tôi là những núi quần áo, giày dép, túi xách nằm ngổn ngang trên nền đất.
Mùi hóa chất tẩy rửa, nhuộm đồ xộc lên nồng nặc. Chị Trang gom từng đống quần áo cần tẩy bẩn vào chung những thau ngâm hóa chất to đùng. Sau khoảng 2 giờ, chị vớt ra, vắt xả và tất cả trở thành mới tinh, tươm tất.
“Toàn chợ “sida” Châu Long có hàng chục người giặt đồ thuê như tôi. Nhờ công việc này mà gia đình 6 miệng ăn của tôi có được cuộc sống dễ chịu” – chị Trang khoe.



No comments: