2010, Việt Nam sẽ lo thảo luận biên giới biển
Cập nhật lúc 18:55, Thứ Tư, 30/12/2009 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/2010-Viet-Nam-se-lo-thao-luan-bien-gioi-bien-887020/
Gặp gỡ báo chí ngày 30/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho hay một trong các hoạt động ngoại giao Việt Nam triển khai năm 2010 là “đàm phán các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề phân giới trên biển với Trung Quốc”.
Đàm phán biên giới trên biển với Trung Quốc
Người đứng đầu ngành ngoại giao ghi nhận, năm 2009 đánh dấu mốc quan trọng trong việc tạo dựng đường biên giới hòa bình, ổn định trên bộ.
Chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc với Trung Quốc, kí xong 3 hiệp định quan trọng với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ: Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu.
Việt Nam cũng giữ vững biên giới với Lào; phối hợp quản lý biên giới, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới với Campuchia, chuẩn bị cho việc triển khai cắm mốc trên thực địa.
Về biên giới trên biển, bên cạnh việc triển khai hoạt động kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển.
Trong năm 2010, Phó Thủ tướng thông tin, Việt Nam sẽ "đẩy mạnh hợp tác biên giới với Lào và Campuchia, phấn đấu để hoàn thành phân giới cắm mộc với Campuchia vào năm 2012".
Việt Nam cũng đang tính tới việc phân định biên giới trên biển với Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei.
Với Trung Quốc, Việt Nam sẽ "tiếp tục hợp tác để đàm phán về tự do đi lại cho tàu thuyền ở cửa sông Bắc Luân, phối hợp khai thác du lịch ở khu vực thác Bản Giốc, tiếp tục đàm phán về biên giới trên biển với Trung Quốc", Phó Thủ tướng cho hay.
Giới quan sát đánh giá, vấn đề biên giới trên biển sẽ là trọng tâm của hợp tác Việt - Trung về biên giới lãnh thổ trong thời gian tới.
Trong cuộc gặp mới đây về vấn đề biên giới trên biển, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng xác định căn cứ để giải quyết vấn đề biên giới trên biển của hai nước là dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ. Hai nước cũng đang triển khai đàm phán phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hiện nay, dư luận đang băn khoăn về việc, liệu vấn đề Biển Đông có được đưa lên bàn thảo luận ASEAN - Trung Quốc vào năm 2010, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, đồng thời là nước điều phối ASEAN - Trung Quốc trong ba năm 2009 - 2012, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay hôm 29/12, tất cả các vấn đề liên quan và được các quốc gia ASEAN quan tâm sẽ được đưa lên bàn hội nghị. Đó là quyết định của các nước ASEAN, không phụ thuộc vào riêng nước Chủ tịch Việt Nam.
-------------------------------------------
Thúc đẩy quan hệ với nước lớn
Trong năm 2010, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao toàn diện, triển khai trên ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, với 4 trọng tâm: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
"Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn, không chỉ hội nhập kinh tế quốc tế", Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm nói.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng chỉ rõ, các ưu tiên trong năm 2010 của Việt Nam là: Tổ chức tốt các hội nghị của ASEAN, làm tốt các hội nghị Phật giáo, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Liên minh Nghị viện Đông Nam Á AIPA; Tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, các nước khu vực, làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trên mặt trận kinh tế, ngoài phương châm ngoại giao tạo đột phá, mở đường, song hành, kiểm tra đôn đốc, ngoại giao phải làm tốt công tác triển khai các cam kết của Việt Nam với thế giới.
Trong ngoại giao văn hóa, ngoại giao cùng với các ngành tập trung làm tốt kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giới thiệu quảng báo Việt Nam ra nước ngoài.
Riêng với các hoạt động của ASEAN, Việt Nam sẽ "tích cực chủ động trong ASEAN... Làm tốt vai trò chủ thể đoàn kết nội khối ASEAN, đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với bên ngoài".
Phương Loan
No comments:
Post a Comment