Wednesday, December 30, 2009

TRUNG QUỐC BẰNG MỌI CÁCH MỞ RỘNG QUYỀN LỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc bằng mọi cách mở rộng quyền lực trên Biển Đông
13h:31' - 28/12/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Trung-Quoc-Bang-Moi-Cach-Mo-Rong-Quyen-Luc-Tren-Bien-Dong.html
(Toquoc)- 2009 chứng kiến một năm đầy sóng gió với việc Trung Quốc tăng cường thực lực, bằng mọi cách mở rộng quyền lực thực tế trên Biển Đông.

Ngày 26/12, binh sĩ Israel đã bắn chết 6 người Palestine trong hai vụ việc riêng rẽ ở khu Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza. Đây là một trong những vụ bùng phát đẫm máu mới nhất kể từ các vụ bạo lực kéo dài ba tuần ở Dải Gaza khiến 1.400 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng và làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong bối cảnh các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bị đình trệ nhiều năm qua. Đồng thời, chính quyền Israel áp dụng chiến lược mới đẩy mạnh lấn chiếm đất đai của người Palestine tại Dải Gaza thông qua việc ủng hộ dân Do Thái tiếp tục xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Dư luận thế giới lên án mạnh mẽ hành động bất hợp pháp này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cách đây không lâu cũng lên tiếng phản đối chính sách Israel xây dựng các khu định cư như vậy.
Trong khi đó, tại Đông Á, Biển Đông đã chứng kiến một năm đầy sóng gió. Những tranh chấp lịch sử có xu hướng gia tăng. Đồng thời năm 2009 chứng kiến việc Trung Quốc đẩy mạnh chính sách vũ lực và củng cố vị thế quyền lực thực tế của mình trên biển Đông.

Ngày 8/3/2009, các tàu thuyền Trung Quốc đã gây va chạm với tàu “nghiên cứu hải dương” của Mỹ Impeccable. Tháng 3, sau khi Tổng thống Philippines ký Luật Đường cơ sở khẳng định chủ quyền ở một phần quần đảo Trường Sa cùng bãi đá ngầm Scarborough và tháng 5/2009, khi Việt Nam và Malaysia đăng ký chung thềm lục địa mở rộng, Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng phản đối và lần đầu tiên công bố yêu sách “Đường lưỡi bò” đòi 80% chủ quyền đối với Biển Đông.
Đài RFI, RFA (11/6): Trung Quốc đã chính thức ban hành lệnh cấm đánh cá trên một khu vực rộng đến 128.000km2 tại vùng Biển Đông. Thời hạn cấm bắt đầu từ ngày 16/5-1/8. Bắc Kinh đồng thời phái 8 chiếc tàu tuần tra đến khu vực để bảo đảm việc thực thi lệnh cấm này.
Theo Giáo sư Ramses Amer, thuộc trường Đại học Stockholm (Thụy Điển), chuyên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ nêu lên, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh áp dụng năm nay diễn ra trong thời gian trước ngày 13/5, tức là thời hạn chót để các nước thuộc Công ước Liên hợp quốc về luật biển nộp bản đăng kí về đường ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình.
RFI, BBC, VOA đưa thông cáo ngày 26/6 của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 21/6, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Báo Tiền Phong đưa tin, hai tàu cá cùng 12 ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tạm giữ tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) được yêu cầu nộp phạt 210.000 nhân dân tệ (540 triệu đồng VN).
Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 28/6/2009 cho rằng việc bảo vệ chủ quyền đối với Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc đã vượt qua giới hạn chỉ đơn thuần tuyên bố bằng miệng và văn bản mà khả năng áp dụng hành động thực tế đã ngày càng lớn hơn. Những Diễn đàn về quân sự trên nhiều trang mạng của Trung Quốc cũng đã đưa lại những tin của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ việc 5/2009 hải quân Trung Quốc đã tổ chức đội tàu chiến lớn, hiện đại tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại Nam Hải (Biển Đông). Cuộc diễn tập đã huy động gần 30 tầu chiến, trong đó có 12 tầu ngầm hiện đại và 3.500 lính hải quân lục chiến cùng diễn tập nội dung tác chiến đổ bộ lên đảo.

Trong thời gian đó, Mạng Tân hoa xã đưa tin cho biết Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đang xem xét ban hành bộ luật chuyên về bảo vệ hải đảo.
Mạng Chinanews (29/6) trích Thời báo Trung Quốc (Đài Loan) nhận xét, để “bảo vệ chủ quyền Nam Hải, Đại lục từ thủ chuyển sang công”.
Đài BBC (Đêm 1/7): Mạng China Daily của Trung Quốc đưa tin nước này sẽ tăng cường tuần tra Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Trong lúc 7 tàu của Trung Quốc, trong đó có tàu tuần tra ngư nghiệp lớn nhất là Ngư chính 311, đang thao diễn ở đảo Hải Nam, một số tàu khác của Quảng Đông và Quảng Tây cũng đang diễn tập nói là để kỷ niệm 5 năm Hiệp định Phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ mà Trung Quốc và Việt Nam ký kết.

Ngày 15/7, một tàu cá của Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm. Trong mấy ngày giữa tháng 7 liên tục có các vụ tàu đánh cá của ngư dân miền Trung bị "tàu lạ" tông chìm khi đang hoạt động trong hải phận của Việt Nam. Theo RFI (20/7), từ tháng ba năm nay, Trung Quốc đã thành lập một đội tàu đi tuần tra ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Những tàu gọi là tuần tra đánh cá đó chỉ chạm vào các thuyền đánh cá vài trăm mã lực của Việt Nam, các thuyền này tan vỡ ngay. Phía Trung Quốc, không rõ cơ quan nào, thường xuyên gọi điện thoại, thông qua phiên dịch, đến nhà của một số ngư dân hiện vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc và giục phải nộp tiền phạt mới thả.

Mạng Tân Hoa, Nhân Dân, Đại Công Báo (Hongkong) đưa tin ngày 19/7, tại Diễn đàn Hải Dương Trung Quốc đầu tiên đã khai mạc tại Châu Hải, Quảng Đông, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) Chu Thủ Duy cho biết dự kiến đến năm 2020, tổng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc khoảng 450 triệu tấn, sẽ thiếu hụt khoảng 250-270 triệu tấn, và thiếu hụt khoảng 80 tỷ m3 khí đốt. Từ nay đến năm 2020, ba công ty dầu khí của Trung Quốc có kế hoạch triển khai 3 dự án lớn trên biển có quy mô tương đương với 3 mỏ dầu Đại Khánh: một là xây dựng cơ sở sản xuất dầu thô 50 triệu tấn tại Vịnh Bột Hải; hai là xây dựng cơ sở sản xuất khí đốt quy mô 40-50 tỷ m3 tại biển nước sâu Nam Hải (Biển Đông); ba là xây dựng trạm tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) quy mô 50 triệu tấn ở vùng duyên hải. Tổng Công tỳ Dầu khí hải dương đang dự kiến xây dựng một “trạm không gian” ở khu vực biển nước sâu; hệ thống vệ tinh phục vụ khai thác và quản lý biển đã đi vào vận hành chuẩn hóa, trong đó hệ thống thông tin môi trường ngư trường và tình hình ngư trường đã được phê chuẩn. Điều này sẽ giúp nâng cao sản lượng và hiệu quả nghề cá viễn dương, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế viễn dương.

Nhật báo Nhân dân số ra ngày 29/7/2009 đăng ảnh lớn và tin về cuộc diễn tập tiếp dầu trên không cho máy bay chiến đấu của không quân Quảng Châu (5/7), lực lượng đảm trách nhiệm vụ tác chiến vùng trời Nam Hải, trong đó nhấn mạnh tiếp dầu trên không sẽ giải quyết vấn đề bay không xa, dầu không đủ, đảm bảo nâng cao khả năng tác chiến ở vùng biển xa.
Quốc tế Tiên khu đạo báo (3/8) bình luận về việc máy bay chiến đấu Tiêm - 10 tiếp dầu thành công trên không trung, báo giới nước ngoài cho rằng đây là hình thức phát đi tín hiệu uy hiếp của Trung Quốc đối với các nước liên quan đến tranh chấp biển, đồng thời thể hiện sự chuyển biến tư duy về mặt chiến lược quân sự của Trung Quốc.
Được biết Tiêm - 10 là loại máy bay tiên tiến nhất hiện nay do Trung Quốc tự nghiên cứu và sản xuất, tính năng tác chiến được so sánh với F16-C/D của Mỹ, đồng thời khắc phục điểm yếu của loại chiến đấu cơ mang tên Báo bay cũng do Trung Quốc sản xuất, bởi dòng máy bay này sẽ gặp bất lợi nếu phải đối đầu với Su-27 và Su-30, chủng loại máy bay mà những nước liên quan tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang có.
Trong trường hợp không tiếp dầu và bay bình thường, máy bay chỉ đi được quãng đường cả đi cả về là 3.400 km. Nhưng nếu bay thấp để tránh rađa thì điểm tác chiến xa nhất cũng chẳng quá được 700 km.
Trong khi đó các đảo bãi trong vùng biển Nam Hải đều cách xa sân bay tới vài nghìn km, do đó diễn tập thành công việc tiếp dầu trên không đã giải quyết được vấn đề bay ngắn của Tiêm - 10.
VOA dẫn bình luận của chuyên gia cho rằng lần thực hiện thành công diễn tập tiếp - nhận dầu trên không của Tiêm -10 này là một chuyển biến bước đầu của việc không quân Trung Quốc bước ra ngoài quốc môn, từ phòng không trong phạm vi lãnh thổ sang tác chiến cự ly xa.
Đồng thời có ý kiến cho rằng việc tiếp - nhận dầu trên không là nhằm vào Biển Đông. VOA đưa tin, việc không quân TQ đột phá “chuỗi đảo thứ nhất” không có vấn đề gì, Biển Đông sẽ bị bao phủ toàn bộ.

Mạng Phương Đông dẫn tin của báo Earthtimes ngày 7/8 cho biết, Hải quân Trung Quốc sẽ dành khoản tiền 315 triệu USD để mua 4 tàu đệm không khí quân dụng lớp ZUBR của Ucraina, nhằm phục vụ tác chiến ở Biển Đông. 2 chiếc đầu tiên sẽ đóng ở Ucraina; 2 chiếc còn lại sẽ chế tạo tại Trung Quốc với sự giám sát của nhân viên kỹ thuật Ucraina. Tàu đệm không khí lớp ZUBR có thể chở 3 xe tăng, 10 xe thiết giáp chở quân, hoặc có thể chở 500 quân với vận tốc 63 hải lý/giờ. So với tàu đệm không khí cỡ nhỏ, tàu loại này có thể vận hành tốt hơn trong môi trường hải dương khắc nghiệt. Một khi Trung Quốc trang bị loại tàu đệm không khí này thì tất sẽ làm phức tạp hoá kế hoạch phòng ngự của các nước Biển Đông.

Mạng Phượng Hoàng (HK), Tinh đảo Hoàn cầu (22/6) đăng bài phỏng vấn Trương Triệu Trung, Thiếu tướng Hải quân, Chủ nhiệm Phòng đào tạo và nghiên cứu về khoa học công nghệ, trang bị quân sự Đại học Quốc phòng Trung Quốc, với nhan đề “phải dựa vào vũ lực để giải quyết vấn đề Nam Sa” (Trường Sa).
Mạng Nhân Dân dẫn tin của Mạng Quốc tế Online (20/6) cho rằng Mỹ mượn diễn tập quân sự (Carat-15) để kéo các nước Đông Nam Á hòng can thiệp chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Hải (Biển Đông).
Mạng Phượng Hoàng (HK), Nam Phương nhật báo (16/6) đưa tin “Tổng đội Giám sát biển Nam Hải (Biển Đông) sẽ tăng thêm các tầu tuần tra lớn. Tổng đội Giám sát hiện chỉ có 11 tầu thăm dò, giám sát và 3 tầu chở trực thăng nên lực lượng vẫn chưa đủ, chỉ có thể tiến hành giám sát bình thường tại khu vực biển phía Bắc Nam Hải, khó có thể tiến hành tuần tra bao phủ cả vùng biển Trung và Nam của Nam Hải. Hiện đang thực hiện kế hoạch đóng tầu lần thứ hai, gồm các loại tầu chấp pháp 4000 tấn, 1500 tấn và 1000 tấn, đồng thời cũng đang xây dựng kế hoạch mua, trang bị các loại máy bay lớn.
Đồng thời, tiến hành thu thập các mẫu dầu tại các giàn khoan, góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu dầu mỏ, cũng như việc giám định, xác định nguồn gốc các vết dầu nổi trên biển.

Bạch Đằng (Theo báo Trung Quốc và nước ngoài)



Kỳ II:Trung Quốc mở rộng quyền lực trên Biển Đông
7h:33' - 30/12/2009
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Ky-Iitrung-Quoc-Mo-Rong-Quyen-Luc-Tren-Bien-Dong.html
(Toquoc)- 2009 chứng kiến một năm đầy sóng gió với việc Trung Quốc tăng cường thực lực, bằng mọi biện pháp mở rộng quyền lực trên Biển Đông.

Sau vụ Inpeccable (tháng 3/2009), Trung Quốc có điều chỉnh cách chơi. Tránh gây gổ trực tiếp với Mỹ, nhưng tăng cường vũ khí hiện đại để củng cố quyền lực trên thực tế. Mỹ đã hết sức lo ngại việc những vũ khi mới của Trung Quốc có khả năng tấn công các căn cứ quân sự trong vùng cũng như các tàu chiến Mỹ trên mọi vùng biển gần, biển xa. Với các nước liên quan trong Biển Đông, các biện pháp đối phó cũng khẩn trương hơn:

Thời báo Hoàn Cầu
đưa tin, VOA ngày 6/8 đưa tin rằng, nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đang gấp rút mở rộng xây dựng các công trình hải quân ở Biển Đông. Theo VOA, ngoài việc xây dựng căn cứ hải quân tổng hợp có thể tiếp nhận tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân trú đậu, Trung Quốc còn đã xây dựng trạm giám thính rất lớn, đặt mọi hoạt động của không quân và hải quân các nước xung quanh vào phạm vi theo dõi giám sát, có thể theo dõi, nắm bắt thông tin trao đổi của khu vực xung quanh bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng xây dựng quy mô lớn căn cứ đảo Vĩnh Hưng ở quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), kéo dài đường băng máy bay.
Trong nội bộ quân đội Trung Quốc hiện có hai lý luận lớn, quan trọng: Thứ nhất, “thuyết biên cương lợi ích”, chủ đề là “lợi ích quốc gia của Trung Quốc đến đâu thì hải quân Trung Quốc cần đến đó”. Thứ hai, “an ninh khu vực lớn xung quanh” (đại chu biên an toàn), chủ ý là “an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đưa đến việc Trung Quốc cần phải mở rộng phạm vi phòng vệ đối với an ninh khu vực xung quanh”.

Mạng Tân Hoa, Hoàn Cầu, Phượng Hoàng (HK) ngày 20/8 đưa tin và ảnh về Đội tầu hộ tống thứ hai của Hải quân Trung Quốc đã đến và tiến hành diễn tập tại Nam Hải (Biển Đông) và trên Quẩn đảo Nam Sa (Trường Sa); trên đường quay trở về sẽ kiên trì tiến hành rộng rãi các cuộc diễn tập và nghiên cứu đấu pháp quân sự, tập trung thử nghiệm và nâng cao năng lực về chỉ huy tác chiến, khoảng cách bảo đảm, phòng vệ cơ động, v.v... Đội tầu này gồm hơn 100 sỹ quan và binh lính đã cập Bãi Vĩnh Thử (Bãi Đá chữ thập) tại Nam Sa (Trường Sa) tiến hành tiếp tế rau quả, thăm quan cơ sở công tác và sinh sống của binh lính trên đảo, đồng thời cử 2 tầu chở trực thăng “Thâm Quyến” và “Hoàng Sơn” cập đảo, tiến hành diễn tập cho trực thăng lên xuống và đặc công từ trên máy bay tụt xuống.
Chuyên mục ý kiến của tờ Thời báo Hoàn Cầu (17/9) nêu ý kiến, Trung Quốc hiện nay nên làm là xem xét thành lập điểm quan sát có lực lượng đồn trú trên các đảo, bãi không người quanh Nam Hải (Biển Đông). Kiến nghị này xuất phát từ những yếu tố như: triển khai hành động thực tế sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tiếng nói, chuyển hóa thực lực thành sức mạnh tranh đoạt không mang tính cực đoan. Cách làm tốt nhất hiện nay là nhanh chóng xây dựng giàn giáo có thể đóng quân trên đảo không người; về mặt kỹ thuật, năng lực của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn có thể xây dựng các công trình trên biển kiểu này, cũng nên đầu tư lớn vào nguyên vật liệu xây dựng do tính đến yếu tố có thể xảy ra chiến tranh. Đối tượng bị nhắm vào đầu tiên là Philippines và Malaysia, sau mở rộng ra tới Việt Nam và Brunei. Dự tính các nước hữu quan sẽ có phản ứng trước hành động này của Trung Quốc bằng cách đưa ra kháng nghị, bắt chước xây dựng hoặc thậm chí xảy ra xung đột, vì vậy chính phủ Trung Quốc cần chế định ra các phương án đối ứng.

Mạng Thương mại Dầu khí đưa tin: Ngày 17/9, người phụ trách việc xin phép thăm dò các lô dầu khí của Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Ngạn cho biết, CNOOC và các đối tác có kế hoạch trong năm 2010 sẽ tiến hành khoan thăm dò 7-12 giếng dầu nước sâu ở Nam Hải (Biển Đông). Kế hoạch này cho thấy, trong một vài năm tới CNOOC sẽ đưa Nam Hải (Biển Đông) thành một cơ sở sản xuất quan trọng.
Cùng ngày, Kỹ sư công trình Viện nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật Công ty Dầu khí khí đốt Trung Quốc (CNPC) Điền Hồng Lượng phát biểu tại Hội nghị Dầu khí châu Á-TBD lần thứ hai cho biết: CNPC đang đẩy nhanh việc tham gia thăm dò dầu khí ở biển sâu. Dự kiến từ năm 2015, CNPC sẽ bắt đầu tham gia thăm dò, khai thác tại các giếng dầu nước sâu liên quan. Điền Hồng Lượng khẳng định, Nam Hải (Biển Đông) sẽ là khu tác nghiệp trong kế hoạch phát triển của CNPC. CNPC đã hoàn thành một số công tác bước đầu về đo lường địa chất phục vụ cho việc thăm dò khai thác ở Nam Hải (Biển Đông).

Theo mạng Tài nguyên, Công ty hoá dầu Trung Quốc (SINOPEC) cũng có kế hoạch trong năm 2010 sẽ tiến hành khoan thăm dò nước sâu đầu tiên ở Nam Hải (Biển Đông). Hiện SINOPEC đã thu thập số liệu địa chất 3D tại khu vực rộng 1250 Km2 ở bồn địa Đông Nam đảo Hải Nam, và tiếp đó sẽ tiến hành khoan thăm dò điểm được đánh giá có trữ lượng khí lớn nhất.

Nhật báo Nhân Dân
cho hay ngày 28/9, “Tuần biển 11”, tàu tuần tra do Trung Quốc tự chế tạo với những trang thiết bị tiên tiến nhất đã tiếp bước “Tuần biển 21” và “Tuần biển 31” trở thành lực lượng chấp pháp quan trọng cho công tác tuần tra giám sát biển thể hiện việc Trung Quốc có đủ năng lực quản lý giám sát có hiệu quả vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế. Người phụ trách Cục Sự vụ biển Trung Quốc nhận xét, việc “Tuần biển 11” gia nhập biên đội tàu Cục Sự vụ biển sẽ giúp mở rộng phạm vi, kéo dài thời gian và gia tăng tần số tuần tra, đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, bảo vệ môi trường và có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Mạng tin Thị trường mua bán (10/10) trích dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã cho biết: Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) cho biết sẽ thu được nguồn lợi lớn do dự trữ dầu và khí lớn tại Biển Đông (tổng cộng vào khoảng 40 tỷ thùng dầu). CNOOC đang chuẩn bị khoan 7 giếng tại Biển Đông và công ty Sanford Bernstein dự đoán rằng 7 giếng này nếu tìm thấy dầu và khí, sẽ có giá trị 20 tỷ đô la Mỹ. Theo báo cáo tài chính của CNOOC trong năm 2008, tính đến cuối năm 2008 công ty này có lượng dự trữ là 2,52 tỷ thùng dầu, trong đó có 960 triệu thùng tại Biển Đông. Công ty Stanford Bernstein dự đoán rằng đến năm 2015, 20% sản lượng khai thác của CNOOC sẽ là từ khu vực biển sâu tại Biển Đông. Trước đó, CNOOC tiết lộ là công ty này sẽ đầu tư 200 tỷ NDT vào việc phát triển các công trình tại Biển Đông và sẽ xây cơ sở sản xuất dầu và khí với sản lượng hàng năm là 50 tỷ tấn tại khu vực này.

Mạng Thời báo hoàn cầu, Phượng hoàng (Trung Quốc), đăng lại bình luận của Thời báo châu Á (HK) về “Trung Quốc tăng cường khống chế Nam Hải”: Tháng 11, cử tầu “Ngư chính 311”, tàu lớn nhất của Trung Quốc, đến đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở Hoàng Sa tiến hành đợt tuần tra mới ở Biển Đông. Xây dựng đường bay trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), xây dựng các kiến trúc ở Đảo Mỹ Tế (Đảo Đá Vành Khăn), để làm nơi sắp đặt lực lượng trên biển.

Mạng Phương Đông đưa tin ngày 13/11, tàu y tế “Hòa bình Phương châu” đã rời một quân cảng ở Trạm Giang hành trình đi Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ khám chữa bệnh. Như vậy, hoạt động “hành trình vạn lý hải dương khám chữa bệnh của tàu Hoà bình Phương châu” đã chính thức bắt đầu. Tàu y tế này xuất phát từ Thượng Hải ngày 20/10 và hành trình kéo dài 32 ngày. Đối tượng khám điều trị không chỉ là cán bộ chiến sĩ bộ đội hải, lục, không quân, công an biên phòng đóng trên các đảo mà còn bao gồm cả nhân viên trực ban ngư chính, ngư dân và nhân dân trên các đảo.

Nguyệt san Quảng giác kính (HK)
cuối tháng 11/2009, dẫn tin từ Đài Bắc cho biết Quân đội Trung Quốc (PLA) đang tiến hành mở rộng sân bay tại quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông, nhằm đảm bảo cho máy bay cảnh báo sớm có thể cất hạ cánh.

Mạng Phượng Hoàng đưa tin, ngày 1/12, Trung Quốc tổ chức đường bay dân sự đầu tiên đến Hoàng Sa .
Mạng Phượng Hoàng (2 và 3/12) đưa các tin bài của nhóm phóng viên của đài này đang hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền địa phương sau 3 năm trù tính, tháng 11/2009, đã chính thức thành lập Ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng trong. Trung Quốc thành lập Ủy ban thôn đảo Vĩnh Hưng. Ngoài lực lượng quân đội đóng giữ trên quần đảo, hiện trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) còn có khoảng vài trăm dân, trong đó có hơn 100 ngư dân sinh sống và hàng ngày hoạt động đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Tây Sa. Đa số các ngư dân ở đây đến từ đảo Hải Nam.

Mạng Hoàn cầu (9/12) đưa tin quân đội Trung Quốc lần đầu tiên công bố việc tầu chiến “Diêm Hồ” mang tên lửa đạn đạo kiểu mới do Trung Quốc thiết kế thuộc Hạm đội Bắc Hải tiến hành trực ban sẵn sàng chiến đấu tại Trường Sa. Tầu “Diêm Hồ” chi đội tầu khu trục, hạm đội Bắc Hải đã hoàn thành nhiệm vụ trực ban hơn 70 ngày tại Trường Sa.

Mạng Thương vụ dầu mỏ, Kinh tế Trung Quốc, Thời báo hoàn cầu (9/12) đưa lại tin của Tân Hoa Xã cho biết Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đạt được đột phá lớn trong thăm dò biển nước sâu ở Biển Đông. Ngày 8/12, Công ty Husky Oil China Ltd (Công ty liên doanh giữa CNOOC với Tập đoàn năng lượng Husky Energy của Canada do tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành nắm giữ đa số cổ phần) tuyên bố đã khoan thăm dò phát hiện một giếng khí đốt mới, mang số hiệu Lưu Hoa (LH 34-2-1), thuộc lô 29/26 bồn địa cửa sông Chu Giang, nằm phía Đông Bắc giếng Liwan 3-1 khoảng 23km, cách Hồng Kông 250 km về phía Nam; độ sâu giếng khoan 3449m, ở mực nước sâu 1145m. Dự tính sản lượng thực tế khoảng 42,67 triệu m3/ngày. Hai giếng Liwan 3-1 và LH34-2-1có vị trí gần nhau tiện chia sẻ thiết bị và khai thác. Kế hoạch thương mại hoá giếng dầu này cần được CNOOC và các cơ quan chủ quản của Trung Quốc phê chuẩn.

Đài Phượng hoàng (9/12) phát chương trình bình luận về tình hình ở Nam Hải, cho biết: Tây Sa (Hoàng Sa) có sân bay, máy bay vận tải, chiến đấu, tiếp dầu có thể hạ, cất cánh tại đây, hệ thống ra đa tiên tiến, là một căn cứ quân sự lớn, cộng thêm khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm, thì toàn bộ khu vực Nam Hải sẽ nằm trong sự khống chế của hải quân và không quân Trung Quốc. Nhưng hiện nay khi chưa có hàng không mẫu hạm thì có thể điều hạm tàu lớn của hạm đội Bắc Hải xuống tăng cường cho hạm đội Nam Hải và hạm đội Nam Hải cũng có thể bổ sung cho hạm đội Bắc Hải.

Theo BBC, RFA, ngày 7-8/12, ba tàu cá gồm tàu QNg 96004 của ông Lê Tân, QNg 96199 của ông Lê Văn Lộc và QNg 66398 của ông Dương Lúa, cùng 43 ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã bị tuần ngư của Trung Quốc bắt khi đang hoạt động ở vùng biển đánh cá lịch sử của Việt Nam. Ngày 10/12, phía Trung Quốc đã trả về một tàu sau khi lấy hết máy móc hành nghề và toàn bộ số ngư dân. Hai tàu còn lại, mới hơn với tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng, thì vẫn bị giữ. Lính Trung Quốc lấy cá và trang thiết bị trên tàu trị giá lên đến 750 triệu đồng.

THX/Đài Bắc Kinh
đưa tin ngày 26/12, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ hải đảo thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy việc phát triển và bảo vệ hải đảo.

***

Theo đánh giá các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý định thôn tính Trường Sa và làm chủ Biển Đông, nơi mà 21/25 đường vận tải biển của nước này đi qua. Quảng Đông, Quảng Tây hiện có rất nhiều nhà máy lọc dầu được xây dựng, để hút dầu từ Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.


Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia Carlyle Thayer cho rằng, cho dù áp dụng bất kỳ giải pháp nào, Trung Quốc đều sẽ tìm cách phân hoá các nước trong khu vực để đạt được một thoả thuận song phương. Điều mà các nhà ngoại giao Trung Quốc nói "sẽ đàm phán nhưng chưa đến lúc" phản ánh thực tế Trung Quốc sẽ chỉ thương lượng nếu chiếm được thế thượng phong. Điều đáng chú ý là, trong Hội thảo tại Hà Nội lần này, việc Đại sứ quán Mỹ tại VN không cử quan sát viên đến dự cho thấy Mỹ không muốn dính vào cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Nam Hải./.

Bạch Đằng (Theo báo Trung Quốc và nước ngoài)




No comments: