Kiếp cầm ca
Chủ Nhật, 27/12/2009, 16:02 (GMT+7)
http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/tuoitre.com.vn/Kiep-cam-ca/3670933.epi
Hiện nay, không ít giọng ca quyết định chọn phòng trà, các tụ điểm ca nhạc hay quán café-bar làm nơi khởi nghiệp. Có người an phận xem nghiệp hát như một công việc ổn định để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lại có người ẩn nhẫn chờ cơ hội xem đây là nơi tôi luyện mình.
Trên thực tế, không ít ca sĩ phòng trà đã được đông đảo công chúng hâm mộ, nhưng còn một bộ phận ca sĩ vô danh khác đêm về vẫn cất tiếng hát buồn than cho kiếp cầm ca…
Khó kiếm sống
“Về đây loài cỏ khô chết đứng trong chiều, người lữ khách bâng khuâng…”, giọng hát khắc khoải cất lên, ca từ sâu lắng ẩn chứa nhiều triết lý. Hát xong ba bài, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nguyễn T. hồi hộp chờ đợi nhận xét từ một nghệ sĩ đàn chị nổi tiếng: “Em hát rất hay, cả những ca khúc của em cũng vậy. Chị thấy em quyết định đi theo con đường nghệ thuật này là rất đúng. Nhưng những ca khúc của em hơi mang tính… địa phương. Em cứ để số điện thoại lại, có gì chị sẽ liên lạc với em sau…”.
Chàng nhạc sĩ trẻ ra về, có điều gì đó nghèn nghẹn ở cổ. Anh không biết điều gì đợi anh nơi Sài Gòn phồn hoa này và cứ trăn trở mãi với hai chữ địa phương trong âm nhạc của mình. Nguyễn T. chỉ là một trong rất nhiều nghệ sĩ chưa có tên tuổi từ Bắc vào Nam tìm cơ hội, mà tài năng và đam mê thuần túy dường như không đủ để anh chen chân vào giới showbiz hào nhoáng.
Có nhiều ca sĩ trẻ từ đủ các tỉnh thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… như Nguyễn Việt Hùng, Hùng Jimmi, Lê Thu Hà, Quỳnh Lan… vật lộn mưu sinh hằng ngày ở TP.HCM, với những show diễn nhỏ thỉnh thoảng mới có, hay những tối hát thử việc không lương. Thỉnh thoảng, là biểu diễn với thù lao 50 ngàn đồng/đêm tại các quán cà phê, tụ điểm ca nhạc.
Nhiều người trong số họ phải chuyển nghề vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, hoặc trở về quê quên đi giấc mơ nổi tiếng quá đỗi mù mịt. Một số ít trụ lại, vì công việc hát quán đều hơn, mỗi tối có thể chạy qua vài ba tụ điểm, kiếm được khoảng 200 - 300 ngàn đồng, tạm đủ trả tiền thuê nhà, tiền xăng, điện thoại. Nhưng mọi chuyện không đơn giản chỉ là trang trải cuộc sống.
Hùng Jimmi tâm sự: “Cái khó nhất chính là trang phục để diễn. Anh không thể mặc mãi năm, sáu bộ quần áo hát hết ngày này qua ngày khác được. Phải thay đổi rất nhiều, không phải quần áo bình thường mà phải là quần áo đẹp, hơi diêm dúa hoặc ấn tượng một chút. Mà một bộ như vậy rẻ nhất cũng phải hơn triệu đồng, phải bóp mồm bóp miệng mà mua. Đó là chưa kể mặc được ít hôm thì bị chê là nhà quê, hay chủ nói xéo “đi diễn mà ăn mặc thế này sao em…”. Thôi thì đủ hết, nhưng thu nhập chỉ có vậy, cố thêm lại chất nợ nần”.
Với những ca sĩ hát thử việc không lương tại các phòng trà và hát lót cho đủ chương trình, cuộc sống mới thật sự vất vả. Nhiều người muốn xin thêm việc khác làm ban ngày nhưng cũng rất khó khăn, vì buổi tối phải hát khuya, giờ giấc thất thường, làm đêm ngủ ngày…, cái nghiệp ca hát thời nào cũng vậy. Đó là chưa kể một số đông không được nơi nào nhận, vì đủ ca sĩ rồi hoặc phải nghe điệp khúc “có gì liên lạc lại sau”.
Phi H. - một ca sĩ người Nam Định kể: “Một tuần tôi chỉ hát ba buổi, trong tháng may ra được hát khoảng vài show đám cưới, khó khăn lắm. Bao nhiêu quyết tâm, mơ ước hồi mới vào Sài Gòn giờ đã lung lay lắm rồi. Vẫn biết là khó khăn, nhưng tôi không nghĩ nó khắc nghiệt đến vậy”. “Chỉ hát vậy làm sao đủ sống?”, người viết hỏi.
H. trả lời: “Ban ngày tranh thủ chạy xe ôm. Hồi đầu thấy ngại và tủi lắm, vì nghĩ mình cũng có tài, hồi ở quê nhà bạn bè còn khuyến khích theo nghề ca sĩ nữa. Có lần chở một người khách từng nghe tôi hát ở quán, anh ấy hỏi rằng có phải tôi đã hát ở đó không nhưng tôi không dám nhận. Chuyện này cứ dày vò tôi mãi, tự thấy mình hèn quá…”. Trước khi đến với giấc mơ vinh quang đổi đời, không thể không bước qua cánh cửa cơm, áo, gạo, tiền. Cánh cửa này mới nhiều chuyện để nói: trôi, nổi, lên, dạt, dập, treo… đều gọn trong đó.
Trong vô số ca sĩ chưa tên tuổi chạy đôn đáo xin hát ở các tụ điểm, không chỉ có các ca sĩ miền Bắc vào mà còn đông đảo các gương mặt đến từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ. Ca sĩ Nam Khánh, cựu thành viên AC&M cho biết: “Thị trường ca nhạc TP.HCM là một miếng bánh ngon. Cách đây chừng hơn mười năm, miếng bánh đó do một số ít ca sĩ nổi tiếng chiếm hầu hết thị phần.
Vinh quang, danh tiếng mà họ có được đã dấy lên ước mơ đổi đời của các bạn trẻ. Hiện nay, miếng bánh đó vẫn vậy, nhưng phải chia cho hàng ngàn người, và con số đó đang tiếp tục tăng lên. Thị trường chỉ có vậy, nên để tồn tại và khẳng định tên tuổi mình tại TP.HCM bây giờ không hề đơn giản. Trừ khi bạn đã có sẵn hậu thuẫn và bệ phóng”.
Phận kép, đào
Bệ phóng thì không có, đương nhiên phải cầu cạnh, ngoại giao, xin được có cơ hội chứng tỏ tài năng với các bầu sô ca nhạc, hy vọng được chú ý mới có show mà sống. Đa số phải chạy bữa từng ngày, với những show diễn lâu lâu có một lần hoặc may hơn thì tham gia hát đám cưới. Nhưng đám cưới cũng là một miếng bánh đã đủ người, trừ khi ca sĩ nào đó đột xuất không diễn được. Thân trai đã cực, thân gái còn khó hơn.
K. Ngọc - một nữ ca sĩ quê Đồng Tháp có gương mặt khá dễ thương tại một bar ca nhạc ở quận 6 tâm sự: “Một tối hát, thù lao chỉ được 50 ngàn đồng, làm sao đủ sống. Tôi và nhiều bạn khác phải vừa hát vừa tiếp khách để có thêm tiền boa… Tiếp khách ở đây không như mọi người nghĩ đâu, chúng tôi chỉ ăn mặc gợi cảm một chút, hát xong rồi qua ngồi cùng bàn với khách, uống rượu, trò chuyện với họ, rồi nhảy với khách. Mọi chuyện chỉ dừng lại ở việc cầm tay hay ôm eo thôi. Nhưng có nhiều người do khó khăn quá cũng đi chơi qua đêm”.
“Một tối như vậy được chừng bao nhiêu tiền boa?”. “Thường thì 50 ngàn đồng, gặp người hào phóng thì được 200 - 300 ngàn đồng, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi”. “Sao không hát thêm ở những chỗ khác nữa?”. “Họ không nhận, mà chúng tôi cũng không có thời gian chạy mấy chỗ như vậy. Làm ở đây quen rồi, khách cũng quen, đi chỗ khác mất chỗ ở đây liền. Mà tiền chắc là không bằng nếu chỉ hát mà không ngồi với khách. Tôi không dám phiêu lưu”. “Hát ở đây, đến mấy giờ mới về nhà?”. “Thường thì 1g30 về đến nhà vì phải hơn 12g khách ở đây mới vãn. Có hôm ở lại nhậu cùng mấy anh quản lý hay ban nhạc đến 2-3g sáng”.
Nhìn bộ váy dài xẻ đến gần ngang hông lấp lánh ánh bạc khá đẹp, hỏi giá bao nhiêu, cô nói: “Hàng cỏ đó, chứ tiền đâu mà mua đồ xịn. Hàng Trung Quốc nhái hàng hiệu, giá 1,3 triệu đồng. May thì rẻ hơn, chỉ khoảng một triệu đồng thôi. Mỗi tháng tôi may thêm hai chiếc, thay đổi với những bộ cũ cũng đủ diễn”. M.H., - một ca sĩ thâm niên ca hát trên mười năm, tâm sự: “Tuy chỉ ngồi với khách, nhưng cũng phải khéo lắm. Những vụ khách xô xát, tranh giành xảy ra liên tục, không nhanh trí là bị vạ lây như chơi. Mà khi chúng tôi gặp chuyện gì, không ai bênh vực cho đâu. Mình thân cô thế cô, biết thân biết phận, cứ nhịn một chút…”. Những cô ca sĩ vừa hát vừa ngồi với khách như vậy, trong giới gọi là đào.
Cái số đào, kép mà ông cha ta gọi ngày xưa với lắm nỗi truân chuyên có lẽ cũng không thể trăm nẻo như đào thời buổi này. Nào là đào nhà (hát và tiếp khách cố định tại quán hằng đêm), đào ruột (vợ hờ của quản lý hay chủ quán), đào chạy (nơi khác đến làm không lương, chỉ có tiền boa), đào khách (có đi đêm), đào nhảy (hát, tiếp khách và nhảy với khách), đến MC cũng là… đào, kiêm phụ trách (chị cả), giao tiếp với khách mới, cũ. Thân phận là thế, nhưng một vài ca sĩ nam lại… mơ được như vậy.
T., một ca sĩ hay hát lại ca khúc của Đàm Vĩnh Hưng, được mọi người gọi đùa là “Cháu nội của Mr. Đàm”, tâm sự: “Tôi hát xong ba bài là đi về, thu nhập chỉ chừng đó. Làm con gái như mấy cô kia lại sướng…”. Một trong những tụ điểm nổi tiếng về đào hát là Bar-café Nhịp điệu Việt (155 Võ Văn Tần). Hằng đêm, các cô đào kiêm ca sĩ tới lui nườm nượp. Đầu năm 2009, tụ điểm này đã bị công an giải tỏa, các đào lại tỏa đi trăm ngả Sài Gòn...
Những ước mơ đã xa vời
Có một vài ca sĩ có danh hơn một chút, nhận được show thường xuyên hơn. Có danh ở đây không phải nổi tiếng, mà là được các chủ phòng trà tín nhiệm, mời show thường xuyên. Họ được treo bảng giới thiệu rõ: Ca sĩ phòng trà: X, Y… các tối… bên cạnh những băng rôn lớn: Đêm nhạc Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm…
Ca sĩ Ngân Quỳnh gần 40 tuổi nhưng vẫn đẹp, hát mặn mà và khá đắt sô. Chị là ca sĩ phòng trà thường xuyên ở Không Tên (Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba), Sỏi Đá (thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật). Gần 20 năm nay, Ngân Quỳnh chỉ có danh tiếng nhất định ở phòng trà, chứ cơ hội để thành người nổi tiếng không mỉm cười với chị. Hiện chồng chị đã thôi hát, làm thợ may và tối tối chở chị đi diễn.
Chị tâm sự: “Hát đã là một phần cuộc sống của tôi. Có thể giờ không quá khó khăn như ngày xưa nữa nhưng cũng không muốn thôi hát. Tôi quen với ánh đèn sân khấu, quen với tiếng vỗ tay động viên của khán giả mỗi tối rồi. Dù không có cơ hội nổi tiếng, nhưng với tôi thế đã là hạnh phúc”.
Ngân Quỳnh cũng từng đóng một số phim truyền hình. Nhìn nụ cười hạnh phúc, tay trong tay của cặp nghệ sĩ trung niên ấy, chúng tôi nghĩ họ là những người may mắn. Họ có một gia đình hạnh phúc, một người bạn đời hiểu mình, những đứa con ngoan… Chỉ có ước mơ thì đã xa.
Một ca sĩ phòng trà chuyên hát nhạc trữ tình Pháp khá nổi danh là anh Quang Vĩnh. Mỗi tối, anh hát ở một vài tụ điểm như Napoli, Serenata… Giọng hát ấm áp, nhuộm màu thời gian của anh với những tình ca như Khúc nhạc buồn, Magic Boulevard… được khán giả yêu cầu mỗi đêm với những tràng pháo tay nồng nhiệt. Khuôn mặt già trước tuổi cả chục năm, dáng đi liêu xiêu nhưng vẫn giữ phong thái của một nghệ sĩ nề nếp thời xưa, quần kaki, áo sơ mi, cầm theo chiếc đàn guitar.
Rồi các ca sĩ Vân Khánh, Thụy Long, Bá Thắng…, họ đều là những người hát rất hay, hát nhiều thể loại từ nhạc tình đến nhạc ngoại, nhưng tất cả đều an phận với việc hát phòng trà của mình. Ở những tụ điểm như Điểm hẹn Sài Gòn, Hoài Niệm… ca sĩ hát lót nhiều vô vàn với đủ nhóm, tấu hài… Mỗi tối họ kiếm được từ 50-150 ngàn đồng, mỗi phòng trà chỉ trả họ 150-200 ngàn cho ba bài hát, thậm chí là năm bài.
Sài Gòn phồn hoa hằng đêm vẫn lấp lánh nhiều ước mơ, những giọt mồ hôi thấm ướt những vạt áo lấp lánh kim tuyến và trong đó có cả nước mắt của những mảnh đời nghệ sĩ lận đận không biết đến ngày mai.
Theo THIÊN CA
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
No comments:
Post a Comment