Monday, December 28, 2009

CHÚNG TA ĐANG TỰ VẬN

Chúng ta đang tự vận
Danh Đức
Lên trang viet-studies ngày 27-12-09
http://www.viet-studies.info/kinhte/ChungTaDangTuVan_DanhDuc.htm
Ngay cả trong trường hợp (giả tưởng) không có biến đổi khí hậu gì cả, thì dải đất hình chữ S này cũng đang tự hủy bởi một thái độ “tự vận”, có khi do thiểu hiểu biết, song nhiều khi do hiểu biết mà vẫn cố ý, kể cả sát nhân hoặc nhân danh thi đua

Báo chí hàng ngày tràn ngập những “bất bình thuờng”, tỉ như một số tin trong hai ngày 17, 18 tháng 12, 2009:
1.000 tỷ đồng có cứu được sông Đồng Nai?
Trẻ nuốt pin phải cấp cứu
Cán bộ y tế hút thuốc lá gia tăng
Bắt tài xế tông chết cán bộ kiểm lâm
Kỷ luật chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh
Con gái cán bộ quản lý rừng bị xịt thuốc độc vào miệng
Nhà máy điện Hiệp Phứớc chôn chất thải trong 10 năm qua
Xe rút hầm cầu giả xe đông lạnh đi đổ bậy
Khu công nghiệp Lê Minh Xuân không xử lý nước
Đóng tiền lấy danh hiệu "Dũng sĩ Kế họach nhỏ"
Trại nuôi heo gây ô nhiễm khu dân cư
Ngành cao su trong nước gặp khó khăn trong chế biến
Đắc Nông kêu gọi 40 dự án đầu tư trên 10.000 tỷ đồng…

Các tin trên có thể tóm tắt ba trong ba nhóm sau (có khi nằm trong nhiều nhóm):

(1) Thiếu hiểu biết và giáo dục.
Tại sao trẻ ấy lại nuốt pin? Nếu như không phải do những người chung quanh em, bắt đầu là cha mẹ, không hề biét rằng xác pin là nguồn gây ngộ độc chì. Tối thiểu ở VN, mọi người đều phải biết nguy cơ đó, nhà sản xuất phải ghi rõ nguy cơ đó, trong khi chờ đến ngày có 3 loại thùng rác, để vất pin vào thùng đựng rác công nghiêp. Còn chuyện cán bộ y tế hút thuốc dữ quá, thì đâu là thực chất của giáo dục? Không lấy làm lạ tại sao các học sinh cấp 1 lại được thầy cô cỗ võ xin tiền cha mẹ… làm “Kế họach nhỏ” ! Vấn đề là: với một kiểu giáo dục như thế, thiếu hiểu biết vẫn là cực kỳ, cho dù giáo dục nay đã khá phổ cập, học hóa hữu cơ lẫn hóa vô cơ lên đến trình độ biết… điều chế cồn (trong các đề thi), và lối sống “kịch” được nhào nặn ngay từ nhà trường! Khi giáo dục không xây nền tảng nơi học sinh, khó có thể trông mong lớn lên sẽ là những công dân hiểu biết và công dân tốt.

(2) Luật pháp bị xuyên thủng. Luật rừng.
Từ đó, những qui uớc xã hội bị xé bỏ, luật pháp bị chà đạp thành thói quen cá nhân, mỗi cá nhân quen chà đạp đó gộp lại thành tập quán xã hội, tạo thành một xu thế “bất chấp luật pháp”. Từ những việc rất nhỏ như thải rác (trong đó có cả tàn thuốc và khói thuốc của cả các bác sĩ) xà bần, nuôi heo… đến những việc lớn như xả chất thải công nghiệp của các nhà máy đến khu công nghiệp.
Khi mà chỉ trong hai ngày đã có đến hai nhân viên kiểm lâm bị bức hại đến tính mạng, một quan chức kiểm lâm bị kỷ luật, không chỉ tấm lưới kiểm lâm đã bị chọc thủng ở nhiều chỗ, mà còn cả tấm lưới lương tâm và luật pháp. Người ta có thể giết người hoặc toa rập đồng lõa vì mấy khúc gỗ, một góc rừng… Khi các nhà máy, các khu công nghiệp nói chung đều tránh né xử lý chất thải, thì ở đó còn có sự “đồng thuận” những người có trách nhiệm. Và luật pháp bị thay thế bởi luật rừng xanh.

(3) “Kinh tế trước đã”.

Đến đây tức đã đến bài tóan cơ bản trong khoa học kinh tế và phát triển: mâu thuẫn giữa “lợi ích kinh tế trước đã” (market first) với “sự sống trước đã” (life first). Đây là một bài tóan đặt ra cho mọi nước chứ không chỉ cho các nước kém phát triển hay VN.

Nước càng giàu, canh bạc “Kinh tế trước đã” càng lớn và càng được che đậy thật hoa mỹ. Chi tiết trong thỏa hiệp Indonesia-Pháp, hai bên nhất trí giảm khí thải 50% vào năm 2050 so với ngưỡng năm 1990, thật ra là một sự đổi chác mà Indonesia “Ô Kê” với Pháp để đổi lấy việc anh chi vốn cho tôi bớt phá rừng và “vá” rừng trở lại: mức giảm 50% là mức giảm thấp nhất đang bị tranh cãi. EU, Nhật, Mỹ… loan báo chi bấy nhiêu tỷ euro, tỷ USD… là để “mua” cái quota khí thải càng thấp càng tốt. Châu Phi la ó vì họ kết đòan đòi mặc cả cao giá hơn!

Nếu như các nước giàu “lợi ích kinh tế trước đã” một cách hoa mỹ, thì ở các nước nghèo, người ta lại vụng về không biết che đậy hoặc vì tối mày, tối mặt trước những lợi ích lớn và nhỏ, mà sao nhãng những thận trọng cần thiết về môi trường cho hôm nay và mai sau. Những gì đã xảy ra trên sông Thị Vải ngày hôm nay sẽ là ngày mai của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, nhất là sau khi thượng nguồn từ cao nguyên bùn đỏ tràn xuống. Những khô hạn trên sông Hồng hàng năm từ đầu tháng 11 hay trên sông Thu Bồn là những hậu qủa của những kế họach”Sơn Tinh/ Thủy Tinh” thế thiên cải thế!

Tất cả, chưa “biển đổi khí hậu” đã là như thế rồi! Biết ra sao ngày mai? Nguời ta không chết tự nhiên mà là tự vận, các bác sĩ hơn ai hết biết rõ điều đó khi dặn bệnh nhân tim mạch thôi hút thuốc!


DANH ĐỨC


No comments: