Wednesday, August 12, 2009

NGUYỄN TẤN DŨNG BỊT MIỆNG CẢ NƯỚC

Nguyễn Tấn Dũng bịt miệng cả nước
Ngô Nhân Dụng

Tuesday, August 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=99501&z=7
Hôm qua có một bản tin đưa ra trên mạng lưới, đọc qua thấy là một tin đùa cợt. Bản tin nói rằng ông bộ trưởng Bộ Văn Phòng Chính Phủ gửi một cái thông báo “nội bộ” về “tin đồn 150 triệu đô la” dính đến ông Nguyễn Tấn Dũng. Ðọc xong thì thấy đây chắc là anh chị em nào muốn đùa chơi. Vì theo lời lẽ trong thông báo nội bộ này, một là, hai là... cho tới năm là, bao nhiêu điều biện hộ cho ông Nguyễn Tấn Dũng, không có một chỗ nào xác định rằng “Ông Nguyễn Tấn Dũng không nhận 150 triệu đô la nào để cho khai thác bô xít ở Việt Nam cả.”

Người viết bản tin đùa cợt trên cốt ý nhắc nhở bà con đến cái tin đồn ông Dũng và vụ 150 triệu đô la mà thôi. Nhiều người đem cái tin trên chuyển đi khắp nơi cho bạn bè, lối xóm đọc, cho thấy người ta tin rằng đây là tin có thật. Hoặc ít nhất, họ tin rằng vụ 150 triệu là có thật! Nếu bây giờ các ông trong nhà nước Nguyễn Tấn Dũng mắc bẫy, viết một bản thông báo mới để phủ nhận tin đồn trên, thì mới thật là khôi hài. Thí dụ, ông bộ trưởng văn phòng chính phủ có thể viết rằng rằng trong mấy ngày qua ông không hề viết bản một “thông báo nội bộ” nào với nội dung bác bỏ tin đồn ông Nguyễn Tấn Dũng được hối lộ 150 triệu đô la cả. Do đó, ông xác nhận các tin đồn mới đưa ra nói rằng ông đã ra thông cáo phủ nhận tin đồn 150 triệu đô la là hoàn toàn bịa đặt của những kẻ xấu! Liệu chuyện khôi hài này có thể xẩy ra được không? Có thể lắm. Chính quyền Nguyễn Tấn Dũng có khả năng làm nhiều chuyện còn buồn cười hơn nữa, nhiều chuyện có thể gọi là “cực kỳ hài hước!”
Thí dụ, khi người ta hỏi ông yêu thích cái gì nhất, thì thay vì nói như người bình thường rằng mình yêu vợ, yêu con, yêu đảng, yêu nước, vân vân, ông Nguyễn Tấn Dũng lại tuyên bố rất hùng hổ rằng ông chỉ yêu có “sự thật” thôi! Ngầm hiểu rằng ông yêu cái gọi là “sự thật” hơn cả yêu vợ, yêu con, yêu tổ tiên, yêu đảng, vân vân.
Nhưng sau khi nói xong câu đó, Nguyễn Tấn Dũng lập tức ra lệnh bắt mấy anh nhà báo đưa ra tòa! Mấy ông ký giả nghe lời ông thủ tướng hăm hở đi tìm sự thật trong những vụ tham nhũng tầy trời, đùng một cái bị tóm, ngẩn người ra không biết tại sao!
Tiếp theo, một quan lớn làm việc thông tin trong chính quyền ra lệnh báo chí phải đi đúng lề bên phải, không được đi qua bên trái. Lúc đó mới hiểu có những “sự thật” ở cả hai bên đường nhưng đảng và nhà nước chỉ cho phép ngó vô những “sự thật lề bên phải” mà thôi! Nhưng trên đường có người đi ngược, người đi xuôi, bố ai biết lề đường bên nào mới thật là lề bên phải? Cách tốt nhất là nhắm mắt không nhìn, không nghe, không nói một “sự thật” nào nữa!

Cái óc hài hước của ông Nguyễn Tấn Dũng đã phát triển lên hàng “cao cấp” khi ông ký một cái quyết định số 97, áp dụng kể từ ngày 15 Tháng Chín, 2009, tức là tuần sau. Nội dung quyết định này nhằm lập hàng rào cản ngăn cấm không cho người dân tự do “phản biện.” Ðặc biệt là những người trong các tổ chức khoa học và công nghệ, họ không được nhân danh tổ chức của mình mà công bố các ý kiến “phản biện” đối với những đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước Cộng Sản. Vậy người dân Việt Nam nghe các đường lối, chính sách của đảng rồi muốn “phản biện” thì họ phải làm gì, cho đúng khẩu hiệu “Ðảng lắng nghe Dân”?
Theo quyết định số 97 thì ai muốn “phản biện” cái gì thì hãy đem các ý kiến đó nộp cho các cơ quan nhà nước! Ðọc bản tin trên phải bật buồn cười. Tuy nhiên, đây không phải là một bản tin đùa cợt như câu chuyện 150 triệu đô la. Vì tin tức này được đăng trên tạp chí Pháp Luật xuất bản ở Sài Gòn, với những bài phỏng vấn và ý kiến bình luận kèm theo. Tức là cái quyết định số 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng là có thật. Và nội dung của quyết định này đúng như báo Pháp Luật đã đưa ra, là có thật.

Một điểm hài hước đầu tiên là cách dùng hai chữ “phản biện.” Ðó là hai chữ gốc cũng từ Trung Quốc đưa qua, mặc dù không dính dáng gì tới chuyện khai thác Bô xít cả. Hai chữ này có nghĩa rất rộng, cho nên cũng trở thành trừu tượng. Thế nào là phản biện các đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước? Theo lối bình dân thì ta nói là “góp ý kiến với,” hoặc mạnh hơn, nói là “phản đối,” hoặc là “bắt bẻ,” hay “phản bác,” vân vân. Một người góp ý kiến với các đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước trong đó hoàn toàn ủng hộ nhưng chỉ có một điều coi là sai, cũng là “phản biện.” Tại sao phải dùng một từ trừu tượng, có nghĩa rất rộng như vậy, khi muốn ký một cái quyết định ra lệnh dân chúng phải “phản biện đúng lề đường bên phải?” Không phải vì các ông nhà nước thích chữ Hán, không phải họ tin tưởng rằng “Chữ Hán còn thì người Hán còn.” Nhưng dùng những chữ Hán với nghĩa rộng rãi để viết một quyết định thì sau này các ông dễ xoay xở, lúc nào muốn gọi cái gì là “phản biện,” theo luật phải cấm, hay là không phải “phản biện,” không bị cấm, cũng được hết! Xưa nay ở cái nước “Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa” này nhà nước vốn đã có quyền cấm gì thì cấm, cho gì thì cho, phải bầy đặt rắc rối như vậy làm gì không biết!
Ví thử bây giờ chúng ta dịch hai chữ “phản biện” là “đóng góp ý kiến,” thì tính hài hước của cái quyết định 97 mà Nguyễn Tấn Dũng mới ký càng rõ rệt hơn.
Cái ông thủ tướng tự xưng mình là người yêu sự thật ra lệnh cho dân rằng ai muốn “góp ý kiến với những đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước” thì phải đưa ý kiến của họ cho các “cơ quan có thẩm quyền” mà thôi.
Như vậy thì giữa hai thằng dân đi ngoài đường, không ai được “phản biện” với nhau bất cứ điều gì về những đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước cả! Thí dụ có một thằng dân nghe báo nghe đài loan tin một công ty Trung Quốc đang đưa hàng ngàn công nhân người Trung Quốc vào nước ta khai thác bô xít, và ông thủ tướng tuyên bố chính sách bô xít là đường lối, chủ trương lớn của đảng và nhà nước, thằng dân thắc mắc về nhà hỏi vợ: “Bô xít là cái gì, má thằng nhỏ có biết không?” Làm như vậy là vi phạm quyết định số 97! Bởi vì má thằng nhỏ không phải là “cơ quan có thẩm quyền” để nói chuyện bô xít, bô xịt gì hết! Mà không cứ chuyện bô xít, bất cứ cái gì được “đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước” đụng vào đều bị cấm hết! Không được góp ý kiến nào với ai cả, ngoài việc bẩm báo với đảng và nhà nước! Ðó là mục tiêu của quyết định số 97!

Nhưng quyết định 97 của Nguyễn Tấn Dũng không nhắm vào những thằng dân bình thường, mà nhắm vào giới trí thức, trong đó có các nhà khoa học và kỹ thuật gia ở trong nước! Cho nên trong quyết định có cả những đoạn dài nói riêng về những người này. Gần đây đã có phong trào bàn tán về việc khai thác bô xít. Hàng vạn người đã góp ý kiến với nhau, đã thảo luận công khai trên mạng lưới. Trong đó có những nhà văn, nhà nghiên cứu, các khoa học gia, và cả những cựu tướng lãnh. Lại có một phong trào bàn tán về chủ quyền đất nước ở Biển Ðông. Các ông hòa thượng, các ngài linh mục, giám mục, các sử gia cũng đem ra bàn tán và bầy tỏ ý kiến công khai. Những hoạt động đó đều có thể gọi là “phản biện” được cả.

Bây giờ quyết định số 97 cấm hết. Ai muốn “phản biện” từ nay phải làm đơn nộp cho các “cơ quan có thẩm quyền” cứu xét. Cái ông thủ tướng “yêu sự thật” này muốn bắt mọi người dân chỉ được đi tìm sự thật trong các “cơ quan có thẩm quyền.” Bên ngoài “cơ quan có thẩm quyền” thì không có sự thật nào cả! Có khác gì bịt mồm bịt miệng cả nước, không cho ai nói hay không?
Cho nên, đọc qua nội dung cái quyết định số 97, ai cũng phải bật cười. Chỉ có ông Nguyễn Tấn Dũng chắc không cười, cho nên ông ta mới ký!

Nhưng một cái quyết định như vầy nó sẽ gây ra những hậu quả lớn, rất lớn, không thể lường trước được.
Ví dụ bây giờ ông bí thư xã ra lệnh xung công ruộng đất của bà con để cho Hàn Quốc làm sân cù, cho các đồng chí lớn và các nhà tư bản đỏ tập chơi golf với người ngoại quốc. Nếu các nông dân muốn góp ý kiến phản đối thì sao? Theo quyết định số 97, bà con được tự do phản biện, nhưng chỉ được phản biện với “cơ quan có thẩm quyền” mà thôi. Các nhà khoa học công nghệ cũng vậy. Hãy đi tìm những “cơ quan có thẩm quyền” mà phản biện. Và cái “cơ quan có thẩm quyền” ở đây chính là ông bí thư!

Trong một bài trước, chúng tôi kể chuyện các công nhân ở tỉnh Cát Lâm bên Trung Quốc đã giết chết một giám đốc xí nghiệp. Con người ta ai cũng muốn làm ăn sinh sống bình thường, không ai muốn giết người cả. Cùng quẫn lắm mới đi phạm tội giết người. Cùng quẫn, là vì nói không được, vì không được nói.

Cả một xã hội bị bịt mồm, bịt miệng, báo chí không có tự do, Quốc Hội là Quốc Hội gật, đi tới đâu cũng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện. Những nỗi phẫn uất không biết “phản biện” vào đâu, tích tụ lại bao nhiêu năm làm sao giải tỏa được? Phẫn uất quá, những con người hiền lương bỗng nhiên trở thành một bọn sát nhân. Ông Nguyễn Tấn Dũng nên suy nghĩ về hiện tượng đó mà rút lại cái quyết định bịt mồm bịt miệng này đi.


TIN LIÊN QUAN :

CẤM CÔNG BỐ Ý KIẾN PHẢN BIỆN

Tại sao công nhân giết giám đốc?

No comments: