Friday, August 14, 2009

DỤ VIỆT KIỀU NUÔI ĐẢNG


Dụ Việt kiều nuôi Đảng
Phạm Trần

Đăng ngày 14/08/2009 lúc 02:23:54 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4033
Vào lúc niềm tin vào đảng của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam tung ra kế họach tổ chức Hội nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (NVNONN) vào tháng 11/2009 tại Hà Nội để dụ Việt kiều tiêm thuốc hồi sinh nuôi đảng.
Nhà nước CSVN cho biết Hội nghị này dự trù quy tụ 1000 người kể cả 300 người trong nước và 650 đại biểu kiều bào, tất nhiên phải là thành phần có cảm tình hay ủng hộ đảng CSVN ở nước ngoài.

Theo chỉ thị từ Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Hà Nội, các đối tượng sau đây sẽ được móc nối về nước tham dự Hội nghị:
- “Lãnh đạo và những người hoạt động trong các hội đoàn hướng về đất nước: hội người Việt Nam, hội doanh nghiệp, hữu nghị, câu lạc bộ, các tổ chức từ thiện, nhân đạo NGO (Non-Government Organizations, Phi Chính phủ), giới, ngành nghề.
- Trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào làm ăn thành đạt, thanh niên, sinh viên, tài năng trẻ.
- Cá nhân tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực v8an hoá-nghệ thuật, thể dục thể thao, xã hội, tôn giáo.
-Những nngười hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
Những nhân vật mới nổi hoạt động trong chính quyền địa phương; những nhân vật cao cấp trong chế độ cũ có tinh thần dân tộc, muốn tham gia Hội nghị trong tinh thần xây dựng và hoà hợp dân tộc”.

Mục tiêu của hội nghị

Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho báo chí trong nước biết: “Hội nghị sẽ có những hội thảo chuyên đề về 4 lĩnh vực: Đại đoàn kết dân tộc, Phát triển và bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam, Tri thức kiều bào với việc phát triển kinh tế Việt Nam và Doanh nhân kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước”.

Chi tiết hơn, trong Thư gửi Ban Lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp, Toà Đại sứ Hà Nội tại Paris đã không ngần ngại nói rõ kế họach khai thác tiềm năng và trí tuệ Việt kiều của Hội nghị này, đó là:
1) “ Xây dựng Cộng đồng Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (NVNONN) đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về quê hương, đất nước”, nội dung: Các chính sách, biện pháp hỗ trợ cộng đồng tăng cường đoàn kết và nâng cao vị trí trong xã hội sở tại. Xây dựng và phát triển các tổ chức hội đoàn tích cực trong cộng đồng NVNONNN, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động từ thiện, nhân đạo hướng về quê hương, đất nước. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh với các hoạt động đi ngược kại lợi ích của cộng đồng và đất nước. Công tác tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ kiều bào hướng về quê hương, đất nước.
2) “Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồngg NVNONN”, nội dung: Chính sách và biện pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Phát huy vai trò là cầu nối, quảng bá hình ảnh và văn hoá Việt Nam với thế giới. Chính sách và biện pháp tăng cường công tác thông tin đối với cộng đồng NVNONN.
3) “Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp chấn hưng đất nước”, nội dung: đánh gía tiềm năng, thế mạnh kinh tế của doanh nghioệp, doanh nhân kiều bào; phát huy vai trò cầu nối cho kinh tế trong nước với thế giới của doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào; các chính sách thu hút đầu tư, tài chính, kiều hối, kinh doanh dịch vụ…Kinh nghiệm qủan lý kinh tế vĩ mô; dự báo chiến lược; các biện pháp đồi phó với các tác động tiêu cực của khủng hỏang kinh tế thế giới đồi với kinh tế Việt Nam”.

Ngoài ra Nguyễn Thanh Sơn cũng không giấu giếm dự kiến thầm kín của đảng khi tuyên bố tại Hà Nội ngày 2/6/2009 rằng: “Đây không chỉ là diễn đàn cho kiều bào ta trên khắp thế giới được bày tỏ quan điểm với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn để trao đổi với nhau về những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình để có ý kiến đóng góp thiết thực nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao tiềm năng chất xám của kiều bào ở nước ngoài, hy vọng thông qua Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ nhất này, sẽ có những bài phát biểu, tham luận, những chuyển giao công nghệ quý báu từ trí thức kiều bào, các nhà khoa học người Việt ở các quốc gia tiên tiến trên toàn thế giới nhằm góp phần thực hiện thành công những chương trình phát triển kinh tế của đất nước”.

Vẫn theo báo chí trong nước, ông Sơn còn cho biết: “Các đại biểu kiều bào sẽ được Ban tổ chức đài thọ toàn bộ kinh phí ăn ở, đi lại trong thời gian tham dự Hội nghị. Đây là cố gắng rất lớn của Đảng và Chính phủ với mong muốn đưa tinh thần đại đoàn kết dân tộc đến với tất cả kiều bào và có những hội nghị thực sự biểu dương sức mạnh tri thức của NVNONN”.

Nhưng từ trước tới nay, người Việt ở nước ngoài đã có thái độ ra sao với đảng và nhà nước CSVN, ông Sơn khoe: “Các chính sách đối với kiều bào như: Luật quốc tịch, Luật cư trú đi lại, chính sách nhà ở, đầu tư, Những quy định về chế độ hồi hương, thăm thân, những thuận lợi trong việc chuyển kiều hối về nước... cũng đáp ứng được sự mong mỏi và đem lại niềm tin rất lớn cho bà con. Lượng kiều bào trở về quê hương ngày càng đông trong thời gian gần đây, cho thấy bà con ngày càng gắn bó với quê hương, mong muốn xây dựng một cộng đồng vững mạnh”.
Ông Sơn còn nói thêm: “Sự đoàn kết nhất trí hướng về quê hương, đất nước và niềm tin tưởng ngày càng lớn hơn vào sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và nhà nước với kiều bào góp phần cô lập, đẩy lùi sự hung hãn của các thế lực thù địch ở bên ngoài cũng như trong cộng đồng NVNONN”.

Tại sao phải tổ chức hội nghị?

Nếu đã thành công “vẻ vang” như thế thì cần gì phải bỏ tiền ra tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài để mưu tìm sự ủng hộ tinh thần và vật chất của những người muốn làm ăn hay giúp đỡ đảng CSVN?

Có mấy lý do để giải thích:
Thứ nhất, kể từ khi đảng CSVN tung ra Nghị quyết 36-NQ/TW: "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ngày 26 tháng 3 năm 2004, nhà nước Việt Nam tiếp tục thất bại ê chề trong công tác chủ động sinh họat của người Việt Nam ở nước ngoài (NVONN) , kể cả số công nhân lao động của Hà Nội tự ý ở lại nước ngoài sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1992 , hay được gửi đi lao động ở nước ngoài sau năm 1975.
Thứ nhì, tuy số tiền của NVONN, đa số là người Việt tị nạn Cộng sản, gửi về giúp cho gia đình hàng năm từ 4 đến 6 tỷ Mỹ kim, nhưng số người Việt bỏ tiền ra đầu tư vào Việt Nam hay trở về Việt Nam sinh sống vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù cho đảng CSVN đã thay đổi Luật Quốc tịch, chủ trương miễn thị thực và giản dị hoá các thủ tục mua nhà, tậu đất đối với NVONN.
Theo một báo cáo trong nước cho đến nay, có khoảng 3.000 dự án của NVONN đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ Mỹ kim nhưng phần đông vào các lĩnh vực dịch vụ như Du lịch, Nhà đất hay Cơ sở làm ăn nhỏ.
Thứ ba, con số Trí thức 300 ngàn người, phần lớn thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn mà đảng và nhà nước CSVN rất thèm muốn đã tiếp tục lạnh nhạt trước mánh khoé mồi chài muốn họ mang “chất xám” về giúp nước nên đảng CSVN, trong mấy năm gần đây đã bỏ tiền ra tổ chức vài Hội nghị, hay lập ra Câu Lạc Bộ Khoa học-Kỹ thuật Việt kiều (CLB KHKTVK) ở Sài Gòn tháng 12/2005 để câu khách mà vẫn bị bỏ rơi.
Lý do đơn giản vì đảng CSVN vẫn chỉ muốn rút ruột NVONN, trong khi giới Lãnh đạo vẫn chưa gột tẩy được mặc cảm thua kém, không chịu học hỏi và tiếp tục nghênh ngang, hống hách với chiếc “nón cối đảng viên” để nghi kỵ người Việt ở nước ngoài trở về, dù có nhiều trí thức ở tuổi cuối đời muốn thật lòng cống hiến khả năng để nâng cao đời sống cho người dân trong nước.
Thứ tư, cho dù Nghị quyết 36 chủ trương “luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, hay như họ minh thị trong Điều I, Chương II của Nghị quyết 36 rằng: “Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”, nhưng đảng CSVN đã chứng minh họ không bao giờ muốn “hoà giải” với người Việt bỏ nước ra đi sau biến cố 1975 mà chỉ muốn NVONN tự ý bồng bế nhau về đứng xếp hàng sau cán bộ để “hoà hợp” vào chế độ. Nói cách khác là phải chấp nhận quyền cai trị độc tài, độc tôn, phản dân chủ của một nhà nước tiếp tục bám lấy Chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thứ năm, về công tác thông tin – tuyên truyền thì đảng CSVN đã hoàn toàn bị các Cơ quan truyền thông của người Việt tị nạn chôn vùi không ngóc đầu lên nổi. Chủ trương đem sách, báo trong nước ra phổ biến ở nước ngoài không thành công; kế hoạch phủ sóng Truyền hình và Truyền thanh trong các Cộng đồng người Việt cũng thất bại.

Ngay cả chuyện đem lá Cờ Đỏ Sao Vàng của đảng để cạnh tranh với Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hoà ở nước ngoài cũng bị phủ nhận, hoặc có làm cũng chỉ lén lút nên nỗ lực phô trương thế lực của Ban Tuyên giáo đã hoàn toàn thất bại ở nước ngoài.

Ngoài ra cũng phải kể đến các Cuộc biểu tình của NVONN chống những cán bộ cầm đầu đảng và nhà nước đi ra nước ngoài ở khắp nơi, nhất là tại những quốc gia có đông người Việt tị nạn Cộng sản như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Úc, Tân Tây Lan v.v.

Mục tiêu chính trị

Ngoài những lý do đã có chứng minh nêu trên, cũng cần nói đến lý do thầm kín của việc Tổ chức Hội nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (NVNONN) tháng 11/2009.
Trước tiên là sự ra đời tại Hà Nội ngày 10/8/2009 của Tổ chức gọi là “Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài” do Hà Nội thành lập.
Theo tin của báo điện tử Đảng CSVN: “Đăng ký tham dự Đại hội có gần 300 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 40 đại biểu của các cơ quan trung ương và địa phương; gần 80 đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong nước”.
Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng: “Việc thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hôm nay là cột mốc đầu tiên rất quan trọng trên con đường xây dựng một mạng lưới đại đoàn kết, tập hợp doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới, hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hùng mạnh, có vị thế xứng đáng, góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước”.
Theo báo của đảng thì “Hiệp hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân VNONN nhằm huy động năng lực của cá nhân và tập thể doanh nghiệp vì lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và của đất nước Việt Nam”.
Như vậy là rõ như ban ngày Tổ chức này sẽ được đảng và nhà nước CSVN sử dụng để giúp đảng tồn tại về mặt kinh tế.

Bằng chứng đã viết trong Điều lệ của Hội như sau:

“Điều 2. Tôn chỉ, mục đích:
1. Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nhằm huy động năng lực của cá nhân và tập thể doanh nghiệp vì lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và của đất nước Việt Nam.
2. Tạo môi trường để hợp tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội trong và ngoài nước nhờ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Liên kết, phối hợp và hỗ trợ các hội viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi góp phần vào sự ổn định, phát triển và thành đạt của các hội viên trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Điều 3. Tư cách pháp nhân:
1. Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (Hiệp hội) có tư cách pháp nhân, có con dấu, logô, tài sản và tài khoản riêng.
2. Hiệp hội đặt trụ sở tại Hà Nội, thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và có các chi hội, chi nhánh văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động:
1. Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ về tài chính, tuân thủ luật pháp Việt Nam.
2. Hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tại các nước có người Việt Nam sinh sống và làm việc. Hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành khác về lĩnh vực có liên quan.
3. Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hội là thành viên tập thể của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam".

Thứ hai là do nhu cầu khẩn trương của tình chính trị ở trong nước. Hội nghị NVNONN được tổ chức để thu hút sự chú ý của người Việt trong và ngoài nước vào lúc đảng CSVN chuẩn bị Đại hội đảng kỳ thứ XI, dự trù vào trung tuần tháng 1/2011, và đang phải đối phó với tình trạng suy thoái tư tưởng nghiêm trọng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Kề từ Hội nghị 9 của Ban Chấp hành Trung ương đảng X tổ chức đầu tháng 1/2009, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng và các cấp lãnh đạo đảng đã thay phiên nhau báo động về tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” đang lan rộng trong nội bộ đảng.
Các lời báo động này đã để lộ ra một tình trạng chia rẽ, mất tin tưởng vào đường lối chính trị tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh của đảng.
Tình hình này xem ra đang ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của đảng trên nhiều lĩnh vực, nhưng quan trọng nhất là sự hoài nghi, mất tin tưởng của nhân dân và không ít đảng viên về thái độ khiếp nhược trước hành động bành trướng chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa trên đất liền và ở biển Đông và việc đảng CSVN nhượng quyền khai thác bauxite cho Bắc Kinh tại Tây Nguyên.
Vi vậy, bất kỳ việc gì nhằm giảm đi áp lực nội bộ để lấy lại niềm tin trong nhân dân vào lúc này như việc tổ chức Hội nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài cũng có lợi cho đảng CSVN.

Vấn đề đặt ra là liệu dư âm của Hội nghị bù nhìn này sẽ tồn tại được bao lâu ?

Phạm Trần
13/08/2009
© Thông Luận 2009


TIN LIÊN QUAN :

VỀ CÁI GỌI LÀ "HỘI NGHỊ NGƯỜI VN Ở NƯỚC NGOÀI"


No comments: