Saturday, August 22, 2009

DƯ ÂM VỤ 4 NHÀ DÂN CHỦ ĐẦU HÀNG


Góc khuất của dân chủ là sân sau của cộng sản
Tôn Vân Anh
22/08/2009 3:06 sáng
http://www.talawas.org/?p=9284
Không ai để tâm tới dân chủ mà không khỏi trăn trở với
hình ảnh Nguyễn Tiến Trung mở màn cho một loạt những lời thú tội, củng cố bởi anh Lê Công Định khẳng định lại các câu chuyện về „hành vi phạm pháp” liên quan tới Nguyễn Sỹ/Sĩ Bình, Đảng Dân chủ Việt Nam (ĐDCVN) và Tập hợp Thanh niên Dân chủ (THTNDC).
Các diễn đàn ngập tràn bình luận. Tiếng nói của tôi cũng là một trong đó. Bốn người và đồng đội của họ đã tình nguyện chọn lựa vai trò đại chúng, tức muốn để tôi nhận quyền phán xét về việc họ làm.
Tôi không nói tới uẩn khuất nằm trong tay nhà cầm quyền cộng sản một khi nhà cầm quyền cộng sản chưa để cho bốn người ấy nói tiếng nói tự do trước công luận. Tôi không dành bài này để mổ xẻ về những gì xảy ra trong nhà tù cộng sản hay về cá nhân bốn người.
Bài trước tôi đã viết cùng Huyền Trang, trong bài này xin tiếp tục rải chiếu và đề cập tới anh Võ Tấn Huân, Nguyễn Hoàng Lan và những ban đại diện của hai tổ chức liên quan tới bốn người vừa có lời nhận tội trên truyền hình Việt Nam.
Ý kiến của tôi và cũng là quyền của tôi là được yêu cầu hai tổ chức đó phải thu hẹp góc khuất một cách triệt để nhất có thể. Tôi cho rằng, THTNDC và ĐDCVN đang để góc khuất lan ra tới phạm vi quản lý của mình.
Vùng sáng có hiện tượng đổi màu không phải từ khi có màn diễn của anh Trung mà bắt đầu rõ nét khi anh Huân từ nhà tù cộng sản trở về Mỹ với tuyên bố đầu hàng „là tiêu chí của các nhà dân chủ” trong lao tù. Các ban đại diện của hai tổ chức không có đính chính, thậm chí tiếp tục bênh vực anh Huân.
Thẳng thắn mà nói, tiêu chí kiểu này trùng hợp với tiêu chí của Đảng Cộng sản.
Tuy cảm thấy bị ăn cắp niềm tin nhưng gắng tôn trọng sự lựa chọn và quyết định độc lập của các tổ chức, tôi tiếp tục theo dõi các diễn biến, trông chờ những việc làm theo tiêu chí đã nêu (biết đâu đó là một nước tính tài tình mà tôi ngu không hiểu?).
Mâu thuẫn đầu tiên là việc THTNDC huy động mọi người ủng hộ việc thả anh Nguyễn Tiến Trung vì e ngại anh đang bị ép đầu hàng, tức là lôi kéo mọi người bỏ công vào làm cái điều đi ngược lại tiêu chí của tổ chức mình.
Màn diễn của bốn người trên ti-vi và
phát biểu sau đó của Hoàng Lan cũng vừa khẳng định tiêu chí, vừa coi đó là việc nằm ngoài mong muốn.
Hoàng Lan nên đối chiếu phát ngôn của mình với phát ngôn của tổ chức mình rồi cho dư luận một sự thông suốt. Đây là trách nhiệm còn lại của Hoàng Lan, đáp ứng quyền lợi của công luận. Nếu có bới móc hay cảm thông thì hãy để công luận bới móc và cảm thông trong không gian thông thoáng.
Chẳng có cách nào khác ngoài khai thông để giảm thiểu hậu quả của cuốn video nhận tội. Không khai thông được những gì xảy ra trong nhà tù cộng sản thì hãy khai thông tất cả những gì ngoài nó.
Ví dụ, ông Nguyễn Sĩ/Sỹ Bình (có mỗi một cái tên cũng không thống nhất được „i” hay „y”) hình như là người cực kì ít nói. Tổ chức nên có một vài lời bác bỏ, công nhận hoặc minh giải nhất định. Bỏ ngỏ tên ông và vai trò của ông để ông duy nhất hiện hữu trên môi đồng đội trong nhà tù, có mặt trên mọi trang báo cộng sản, điều đó chỉ mang lại ô nhiễm môi trường dư luận vốn đã rối bời sau mấy màn diễn. Tương tự như vậy đối với nhân vật mang tên Nguyễn Xuân Ngãi.
Nên để mọi người cập nhật thông tin ở mức tối thiểu dù trang nhà bị phá, bằng cách này hay cách khác gởi tuyên bố tới các trang điện tử vẫn hoạt động bình yên, sẽ chẳng ai từ chối cho mượn nơi đăng tải.
Tiếp nữa, tất cả các nhân vật đầu hàng đều chỉ là những người liên quan tới một mối – đây là thông tin từ nhà tù cộng sản, nhưng hai tổ chức liên quan có trụ sở tại hải ngoại không gật mà cũng không lắc với thông tin này. Lại một góc khuất tự tạo hoàn toàn không xứng đáng với sự trong trắng và khẳng khái của Hoàng Lan.
Một góp ý cuối. Khi trả lời phỏng vấn báo đài, những người phát ngôn nên dùng tên thật của mình, có thể bổ sung bút danh chứ đừng dùng bút danh thay cho tên thật. Bạn gái của Nguyễn Tiến Trung đang vô tình tiến gần đến chỗ không ai biết tên nào là tên thật của cô.
Góc khuất của dân chủ là sân sau của cộng sản, hi vọng mọi người đồng ý.
Warszawa, Ba Lan, 21 tháng 8 năm 2009
© 2009 Tôn Vân Anh
© 2009 talawas blog



Ý kiến sau những đầu hang
Tôn Vân Anh và Huyền Trang
07/08/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=8735
Một loạt các vụ những người được coi là hoạt động dân chủ cho Việt Nam lần lượt lên tivi gây nhiều cảm xúc lẫn lộn. Cảm thông có, bức xúc cũng không phải ít… Có thể coi những cảm xúc đó chỉ là bề nổi của một dẫy các câu hỏi liên quan chưa được đáp ứng.
Các câu hỏi đó là gì? Là: công an đã làm gì khiến những người bị bắt phải đầu hàng? Những người bị bắt đã nghĩ gì khi tự tay viết bản nhận tội và xin ân xá? Sự thật nằm ở đâu trong những bản nhận tội? Những lời nhận tội đưa phong trào dân chủ vào con hẻm nào?
Thiếu câu trả lời ném sự việc tày trời „thú tội xin ân xá” vào màn im lặng khó chịu và giải pháp mông lung bằng câu an ủi đuề huề đại thể: „phải thông cảm” hay „dũng khí đấu tranh chưa mất”… như thể chúng ta muốn dùng chúng làm phép mầu ghép lành nhát chém tai hại an ninh cộng sản nhằm vào đội ngũ dân chủ.
Sẽ chẳng có phép mầu nào cả. Và sẽ chẳng có câu hỏi nào được trả lời thích đáng một khi Việt Nam còn chế độ cộng sản.
Tuy vậy, chúng ta, những người trăn trở với dân chủ có thể đặt câu hỏi về thái độ của mình đối với màn diễn „thú tội, xin khoan hồng”. Đây là vấn đề cuối có cơ hội thoáng giải hơn hết, vì nó không phần nào phụ thuộc cộng sản mà hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.

An ninh gặt hái
Vậy chúng ta đã làm gì để sự việc có cơ thoáng giải?
Luật sư Lê Công Định không phải người đầu tiên. Trước anh còn có Đỗ Nam Hải mang quốc tịch Việt Nam. Trước Võ Tấn Huân mang quốc tịch Mỹ còn có Nguyễn Thị Thanh Vân và Trương Leon (Trương Văn Sỹ).
[1]
Riêng anh Lê Công Định chưa có cơ hội lên tiếng sau màn diễn vì còn trong nhà tù cộng sản. Những người còn lại không nói gì hơn ngoài „bật mí” rằng bị các „chú” công an „khủng bố tinh thần” bằng những cuộc tra hỏi và lời đe dọa không cho gặp đại diện sứ quán nước mà họ là công dân. Chị Thanh Vân thậm chí còn khẳng định trong cuộc họp báo khi trở về Paris, rằng an ninh Việt Nam không dùng tới các thủ đoạn tra tấn thể xác vì chị mang quốc tịch nước ngoài.[2]
Trước nữa, chúng tôi còn được biết về một số trường hợp. Tuy việc của họ không rùm beng nhưng đều đáng ghi nhận và suy nghĩ.
Anh Ba (không phải tên thật) sống hợp pháp ở Đông Âu nhưng mang quốc tịch Việt Nam, từng chính thức tham gia một số hội thảo về dân chủ nên bị nhân viên tòa đại sứ Việt Nam „khủng bố tinh thần” không cho anh gia hạn hộ chiếu. Cuối cùng anh quyết định đổi lại cuốn hộ chiếu bằng „thỏa hiệp” dưới hình thức viết bản tường trình về những cuộc họp dân chủ nộp cho sứ quán Việt Nam.
Chị Bốn, mang quốc tịch một nước Đông Âu nhưng có nhu cầu về Việt Nam thăm cha mẹ già. Chị cũng hoạt động bề nổi nên tất nhiên, lãnh sự Việt Nam không cấp visa cho chị. Đằng đẵng một thời gian, cuối cùng chị kí cam kết sẽ không hoạt động dân chủ trong thời gian về Việt Nam thăm nhà và không tiếp xúc với các nhà dân chủ trong nước. Khi đã về Việt Nam, chị còn bị công an gọi lên thẩm vấn. Chị cũng không cưỡng lại mặc dù chưa mất quốc tịch nước châu Âu và không có giấy gọi chính thức của cơ quan công an. Trở lại châu Âu, chị nói với bạn bè rằng mình đã làm như vậy bởi „muốn yên thân”. Cũng theo chị mô tả, trong cuộc thẩm vấn mệt mỏi kéo dài nửa ngày, chị „chỉ nói những gì an ninh đã biết”.
Đúng như nhận định của anh Huân, một trong những nạn nhân, nhà cầm quyền dùng lời nói của anh khi anh không còn khả năng chống cự để làm gương cho người dân trong nước.
Không chỉ thế, clip đầu hàng còn làm cho những cuộc vận động thả tù nhân trở nên vô duyên hơn bao giờ hết.
Riêng những gì xảy ra sau đó bên ngoài thế giới cộng sản, là điều an ninh Việt Nam trông chờ và gặt hái ngoài dự định.
Anh Ba, không theo đề đạt đưa ra là phải minh bạch với công chúng, nhất là đồng đội của anh, về việc anh đã làm với nhà cầm quyền cộng sản. Còn chị Bốn thì tuyên bố không muốn làm rùm beng vì… còn muốn về Việt Nam lần nữa.
Các anh chị khác mà chúng ta đã được thấy trên tivi cũng không có, dù chỉ một lời minh bạch, chứng tỏ với đồng đội, rằng đầu hàng dẫu chỉ là hình thức, là việc đáng ân hận, dù bị ép buộc.
Ngược lại, có vẻ như các vị minh tinh của truyền hình Việt Nam còn coi sự thông cảm thường trực của dư luận là giải pháp cho những ê chề, để xí xóa mọi sai phạm tày trời. Anh Huân còn tuyên bố phương án đầu hàng xong phủ nhận là „tiêu chí” của những người cùng cảnh ngộ như anh.
[3]

Không minh bạch?
Sẽ hợp tình hơn nếu dư luận tiếp tục cảm thông, còn những ai đã từng đầu hàng an ninh cộng sản sẽ đánh giá đúng mức những sai phạm của mình và có thái độ thích hợp với công luận. Đó mới là sòng phẳng và minh bạch. Sự minh bạch đó không lật lại được những trang giấy đầu hàng. Sự minh bạch đó giúp bầu không khí sinh hoạt dân chủ lành mạnh hơn.
Chưa thực hiện các nguyên tắc tối thiểu ắt chưa thể lành mạnh. Chưa lành mạnh thì đừng quay lại đổ tội cho người Việt „dân trí thấp” với „văn hóa thụt lui”.
Sẽ còn nhiều người khác bị chính quyền Việt Nam khủng bố. Họ sẽ nhớ tới ai trong những lần tra hỏi? Nhớ tới gương bất khuất của các Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, của chị Lê Thị Công Nhân từng bị nhốt cùng với côn đồ? Hay sẽ nhớ tới lời kêu gọi của anh Huân, sau khi được thả về Mỹ „khuyên” các bạn trẻ nên lên tiếng cho sự thật?
[4]
Thế hệ Vũ Thư Hiên, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế và bao người vô danh chưa có ai đầu hàng mà ta có thực sự thông cảm và hiểu được ý nghĩa của những hi sinh đó? Ta có nên gạt bỏ những hi sinh đó để cống hiến chúng cho một thế hệ đấu tranh mới, chỉ coi đầu hàng là một hủ tục phải làm quen?
Phong thánh cho những nhà dân chủ mà cạc vi-sít là những lời tự thú tức đặt dấu bằng giữa các hi sinh. Một kiểu bắc thang cho dối trá cực kì tai hại. Thái độ của chúng ta thế nào cho thích hợp để đừng quá sa đà? Hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta.
Những người viết bài này đã có thái độ.
Cùng lắm, nếu muốn an ủi, có thể nhìn vào tổng số người đầu hàng thực sự rất nhỏ, so với số người đã hi sinh.
5 tháng 8 năm 2009
© 2009 Huyền Trang, Vân Anh
© 2009 talawas blog


--------------------------------------------

[1] http://www.laodong.com.vn/Home/Nguyen-Thi-Thanh-Van-lat-long-trao-tro-nhu-the-nao/20081/73225.laodong
[2] http://www.viettan.org/spip.php?article5250http://www.viettan.org/spip.php?article4810
[3] http://thtndc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=620:-tng-trinh-vic-c-quan-an-ninh-vit-nam-bt-giam-ngi-trai-phap-lut&catid=58:baivietvethtndc&Itemid=75
[4] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-with-VoTanHuan-who-has-been-released-from-detention-inVN-GMinh-07302009131725.html


Võ mồm và võ biền
Lâm Hoàng Mạnh
22/08/2009 11:20 sáng
http://www.talawas.org/?p=9287
Vũ khí duy nhất của những người đấu tranh cho dân chủ, tự do cho Việt Nam là những bài viết, lời phát biểu và những hoạt động không thường xuyên như treo băng rôn, dán khẩu hiệu để vạch trần những trò dân chủ giả hiệu của nhà nước cộng sản Việt Nam. Tất cả những hoạt động đó có thể gọi là “võ mồm” vì không bạo động.
Trong khi đó, nhà nước cộng sản Việt Nam có một lực lượng công an, mật vụ khổng lồ, có một bộ máy tuyên truyền từ trung ương đến địa phương rất lớn, có một hệ thống toà án và ngoài ra còn có hệ thống nhà tù với giới cai tù thật chuyên nghiệp và bài bản, chưa kể đến hơn triệu lính trong các binh chủng, khi cần thiết họ sẽ đưa xe tăng, thiết giáp (như vụ Thiên An Môn) đến đàn áp. Hơn nữa, những người lãnh đạo Đảng và nhà nước hầu hết xuất thân từ lính (trừ ông Nông Đức Mạnh từ công nhân lâm nghiệp và ông Nguyễn Tấn Dũng từ y tá quân đội trưởng thành), nên họ quen cách sử dụng “võ biền” để xử lý với “võ mồm” của các nhà dân chủ trói gà không chặt.
Ai đã một lần bị bắt giam, bị hỏi cung trong nhà tù của một nhà nước cộng sản mới hiểu được tính chuyên nghiệp của những cái bẫy mà những người tuổi trẻ và ít kinh nghiệm thường bị sập, cho nên
chuyện Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định… thú tội và nhận tội là điều dễ hiểu, tôi chẳng ngạc nhiên khi nghe tin này.
Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam (hay các nước cộng sản khác) cho chúng ta thấy những người hoạt động trong giai đoạn đầu hầu hết từng ra tù vào khám, nhiều người đã hy sinh… cho nên họ có rất nhiều kinh nghiệm để đối phó với những ai chống đối, lật đổ họ. Trong khi đó những thanh niên có chút kiến thức (nghề nghiệp làm cần câu cơm) muốn dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ và tự do cho đất nước thì cần phải biết trau dồi cho mình những “bí quyết, mánh khóe” trong cuộc đấu tranh mà họ phải đối mặt. Họ phải hiểu con đường trước mặt là tạm giam, mất việc (cần câu cơm) thậm chí sẽ đi hết nhà tù này đến nhà tù khác… và có được ra tù thì cuộc sống vẫn bị quản thúc tại gia như nhiều nhà dân chủ ở Việt Nam từng đối mặt.
Chỉ vài ngày nữa, bốn người đấu tranh cho dân chủ sẽ được “đặc xá” nhân Quốc khánh 02-9 và con đường cuả bốn anh đi về đâu sau ra tù là một dấu hỏi khá lớn.
Chắc chắn với “lý lịch bất hảo chống phá nhà nước XHCN” của các anh thì việc kiếm được một công việc ổn định là điều không tưởng.
Còn với những người đồng chí hướng trong và ngoài nước, mọi người sẽ nghĩ sao về những gì các anh đã tự thú trên đài truyền hình?
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh
© 2009 talawas blog


No comments: