Sunday, August 23, 2009
ĐÀN ÁP CHÍNH TRỊ Ở VN NÓI CHUNG KHÔNG CÓ GÌ MỚI
Những gì đang xảy ra ở Việt Nam nói chung không có gì mới
Krzysztof Łoziński
Tôn Vân Anh thực hiện
23/08/2009 3:55 chiều
http://www.talawas.org/?p=9316
Ông Krzysztof Łoziński, nhà hoạt động đối lập thời Ba Lan cộng sản
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/TVA.jpg
Về kinh nghiệm trong các „vụ đầu hàng”, Tôn Vân Anh trao đổi với ông Krzysztof Łoziński, kí giả, nhà giáo, hoạt động đối lập tại Ba Lan liên tục từ năm 1968 tới khi Ba Lan kết thúc thể chế cộng sản vào năm 1989. Nhiều lần bị bắt, bị trù dập, từng bị nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan bỏ tù. Ông là tác giả cuốn sách mang tên Państwo Środka (Quốc gia của Trung điểm) nghiên cứu về Trung Quốc, ông cũng là nhân chứng của vụ thảm sát Thiên An Môn. Hiện ông là nhà báo tự do, sáng lập viên Hội Nhà báo Internet của Ba Lan. Ông liên tục tham gia các hoạt động ủng hộ cho cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan, đặc biệt ưu ái với các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam tại nước này.
_______________
Tôn Vân Anh: Chỉ trong vòng 2 tháng, chúng tôi được chứng kiến trên đài truyền hình Việt Nam nhiều màn diễn với các nhân vật tích cực hoạt động dân chủ được nhiều người biết tới (Võ Tấn Huân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim). Họ ở những độ tuổi khác nhau, người thì đọc lời viết sẵn trên giấy, người thì nói như thuộc lòng. Những đoạn video cho thấy cảnh họ thừa nhận „hành vi phạm tội” và xin khoan hồng. Các diễn đàn trên mạng nổ tung bởi các bình luận, người thì thất vọng, người thì nghi ngờ. Xin ông cho biết ở thời Ba Lan cộng sản có xảy ra những vụ việc tương tự không, thưa ông?
Krzysztof Łoziński: Có.Thời thiết quân luật mới thành hình (1981) và trước đó cũng có. Một số nhân vật từng đấu tranh dân chủ xuất hiện trên truyền hình, phát biểu ủng hộ thiết quân luật và dè bỉu những ai đòi đối lập. Nhân vật điển hình là ông Brunee, phát ngôn viên của Công đoàn Đoàn kết. Trở về Ba Lan sau chuyến công tác nước ngoài, ông lập tức bị bắt tại sân bay. Trong trại giam, ông bị đánh tới nỗi khi lên truyền hình nói „yêu Đảng Cộng sản”, người ta thấy mặt ông bầm tím. Những trường hợp bị thuyết phục đầu hàng thời Ba Lan cộng sản rất nhiều, người ta bị khủng bố về tính mạng, đe dọa gia đình. Tôi cũng từng bị khủng bố như vậy khi ngồi tù hồi năm 1982, rằng nếu tôi chịu lên truyền hình thì tôi và gia đình sẽ được nhà nước cho xuất ngoại, sẽ được rút thời gian hưởng án… Công an còn nói dối tôi, rằng học trò của tôi đã bị bắt và họ sẽ xử lý học trò tôi nếu tôi không làm theo ý họ… Tôi không lung lay và không làm theo ý của công an, nhưng tôi không lên án những người đã không chịu nổi khủng bố bởi tôi biết họ phải chịu áp lực kinh khủng như thế nào. Rất kinh khủng khi công an nói với bạn rằng chúng sẽ làm hại vợ, hại con bạn.
Tôn Vân Anh: Nhưng không vì sự thông cảm của ông với nạn nhân mà mấy màn diễn trên truyền hình trở nên vô nghĩa…
Krzysztof Łoziński: Cô muốn hỏi về giá trị của những cuốn video? Những màn diễn trên ti-vi hoàn toàn không thuyết phục bởi chúng chứng tỏ những người trong phim đã bị khủng bố. Ví dụ điển hình là ở Trung Quốc, đã có thời người ta sợ tới nỗi tự động viết bản tự kiểm điểm, tự viết ra những lỗi lầm người ta không phạm phải, tố giác láng giềng của mình rồi đem nộp cho nhà cầm quyền. Tất nhiên nhà cầm quyền lợi dụng những gì họ có để có thể đàn áp bất kì ai, bất cứ lúc nào. Nếu nạn nhân không bị khủng bố thì phải đặt câu hỏi bộ phim có bị ghép giả hay không. Nhất là trong điều kiện kĩ thuật thời nay, người ta có thể ghép vào phim cả những câu chữ mà người trong phim chưa bao giờ nói ra. Bản chất của cộng sản là dối trá, không nói dối thì không phải cộng sản. Cộng sản muốn dối trá trở thành thói quen. Những gì đang xảy ra ở Việt Nam nói chung không có gì mới mẻ.
Tôn Vân Anh: Thế dư luận Ba Lan trước kia phản ứng thế nào với những màn diễn đó? Có mẫu phản ứng chuẩn mực nào cho những tình huống như thế này không?
Krzysztof Łoziński: Tại Ba Lan thì đội ngũ dân chủ đã đạt mức mạnh mẽ và bao phủ. Ở Ba Lan xã hội đã hoàn toàn ngờ vực vào thể chế cộng sản. Cộng sản Ba Lan từng cho lên truyền hình cuốn video ghép hình Lech Wałęsa nói chuyện với em trai mình, trong đó người anh nói với người em là anh ta kiếm được không biết bao nhiêu tiền nhờ phong trào Đoàn kết, rồi nói chuyện bổng lợi thu được từ Nobel Hòa bình. Nhưng chẳng ai tin cuốn băng đó cả. Vì sao như vậy ư? Vì cộng sản đã phá sản niềm tin, dù có ghép hình khéo tới đâu. Có thể là ở Việt Nam người ta vẫn còn bán tín bán nghi, nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài. Sẽ tới lúc người dân biết họ bị dối lừa và rồi người dân sẽ quay lại trừng trị chế độ. vì bị lừa dối. Tất nhiên, không chỉ có chế độ độc tài gánh chịu hậu quả, xã hội cũng sẽ phải chịu những hậu quả lâu dài mà dối trá đem lại. Tại Ba Lan, đã 20 năm từ khi nước này giành được dân chủ, nhưng thi thoảng các vết thương cũ vẫn bị nhói đau.
Tôn Vân Anh: Đó là dư luận. Thế còn đội ngũ đối lập đã làm những gì khi đồng đội lên ti-vi đầu hàng, một tình huống rất không có lợi cho đối lập?
Krzysztof Łoziński: Chúng tôi đính chính các thông tin, nói quan điểm chính thống của chúng tôi như thế nào. Công cụ truyền thông xưa kia của chúng tôi rất thô sơ, khiêm tốn, chúng tôi chỉ có báo chí in chui và mấy đài radio tự chế, so với hệ thống truyền thông khổng lồ của Đảng Cộng sản. Thế nhưng chúng tôi có niềm tin của xã hội. Một tờ báo hai trang của chúng tôi, có khi in bị nhòe rất khó xem mà cũng được nhiều người truyền tay nhau đọc. Chúng tôi có được niềm tin, nhưng với điều kiện là chúng tôi phải trưởng thành tới mức biết từ bỏ dối trá và không tin cộng sản.
Cuộc nói chuyện với ông Krzysztof Łoziński thực hiện tại Ba Lan ngày 21 tháng 8 năm 2009.
© 2009 Tôn Vân Anh
© 2009 talawas blog
Khởi đầu của chiến dịch
Cập nhật: 07:51 GMT - chủ nhật, 23 tháng 8, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090823_thayer_viettrials.shtml
Tuần vừa rồi, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc "Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã khởi tố vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia".
Cáo báo cũng cho hay "lực lượng chức năng đã bắt, triệu tập, mời làm việc 27 đối tượng". Được biết trong số các đối tượng này, một số người đã bị bắt từ tháng 9/2008 cho tới nay chưa xét xử.
Tuy nhiên, hồi tháng 7/2009 ông Nguyễn Xuân Nghĩa và năm người khác đã bị truy tố tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN' theo điều 88 bộ Luật Hình sự.
Mới nhất, năm người là Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi chống Nhà nước.
Từ Úc châu, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia có bài nhận xét việc bắt bất đồng chính kiến được tiến hành làm hai đợt, tháng 9/2008 và tháng 05-06/2009.
Nói chung họ đều bị buộc tội 'Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN' theo điều 88 và còn có thể bị buộc tội 'Phá hoại khối đoàn kết dân tộc' theo điều 87.
Tuy nhiên theo bài nhận định của ông Thayer, những người này chưa bị kết tội nặng hơn là có 'Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân' theo điều 79 hay làm 'Gián điệp cho nước ngoài' theo điều 80.
Giáo sư Thayer đặc biệt đề cập tới vai trò của báo chí trong việc đưa tin về các vụ chính trị này.
"Từ khi ông Tô Huy Rứa vào Bộ Chính trị hồi đầu năm ngoái, người ta thấy có một sự mài giũa trông thấy đối với báo chí chính thống trong việc tường thuật các trường hợp liên quan bất đồng chính kiến."
"Ông Rứa là trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các vấn đề về tư tưởng."
Từ khi ông Rứa được vào Bộ Chính trị, ông Thayer đã có nhận xét rằng việc này sẽ dẫn đến thắt chặt kiểm soát tư tưởng đối với đội ngũ trí thức, học giả, nhà báo và thanh niên sử dụng mạng internet.
"Điều này nay đã rõ ràng."
'Chiến dịch của phe bảo thủ'
"Việt Nam đang tìm cách lật lại chỉ trích về nhân quyền và tự do tôn giáo bằng cách khẳng định chủ quyền của mình trong lĩnh vực luật pháp."
Ông Thayer cho rằng chỉ dấu đầu tiên của xu hướng này là phiên tòa xử linh mục Nguyễn Văn Lý hồi 2007, khi buổi xét xử được truyền hình trực tiếp cho các nhà quan sát nước ngoài xem.
"Thông điệp là Việt Nam không có gì che giấu cả, và Cha Lý bị tù vì vi phạm pháp luật chứ không phải vì lý do chính trị."
Giáo sư Thayer nhận xét rằng có một sự thiếu hụt trong cách tuyên truyền của báo chí Việt Nam, khi họ sử dụng những cụm từ nặng như "lực lượng chống đối", "phản động", "lật đổ chế độ"... nhưng không chỉ ra được bằng chứng nào cho thấy bất cứ người bị bắt nào đã lên kế hoạch hoặc đã sử dụng biện pháp bạo lực nhằm lật đổ.
"Những gì viết trên báo chí nhà nước cho thấy rằng bổn phận của Việt Nam trước hiến pháp và công pháp quốc tế về tự do ngôn luận và tự do hội họp đã không được tuân thủ."
Ngay cả các bài báo về vai trò của nước ngoài trong các hoạt động chống đối, theo ông Thayer, cũng chỉ chỉ ra được rằng tiền của nước ngoài đã được sử dụng để mua máy tính hay điện thoại di động, chứ không phải súng đạn hay vũ khí.
Báo chí trong nước cũng chưa đưa ra bằng chứng nào thuyết phục để chứng minh rằng các đảng phái ở nước ngoài như đảng Dân chủ Việt Nam hay Việt Tân là tổ chức phản động.
Giáo sư Thayer cho rằng có lẽ đáng chú ý hơn cả, là các cáo buộc khác, như các nhân vật bị bắt đã 'xuyên tạc chính sách', 'bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước' hay "chia rẽ đoàn kết nội bộ Đảng' vv..
"Nói cách khác, các nhân vật bất đồng chính kiến đã đưa ra các chủ đề tế nhị như bauxite, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, và tham nhũng ở tầng lớp lãnh đạo cao cấp."
Một chi tiết nữa là việc viện tới tư tưởng Hồ Chí Minh, mà một số nhà bất đồng chính kiến đã sử dụng trong các bài viết của họ.
Hồ Chủ tịch chủ trương 'đoàn kết dân tộc' và theo đuổi đưởng lối chính trị tương đối ôn hòa.
Từ những năm 1950, đường lối này đã bị thay bởi phe tư tưởng cứng rắn trong Đảng.
"Phe này chắc chắn không thể để các nhân vật bất đồng chính kiến thời nay sử dụng di sản của ông Hồ."
Ông Thayer kết luận:
"Đợt trấn áp bất đồng chính kiến hiện nay là mở đầu chiến dịch của phe bảo thủ về tư tưởng và khối an ninh trong Đảng nhằm hình thành các chính sách và ảnh hưởng việc lựa chọn lãnh đạo trước Đại hội Đảng đầu 2011."
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment