Tuesday, January 7, 2025

LÀM ĂN KINH DOANH TRONG NỖI BẤT AN ĐỊA CHÍNH TRỊ (Trúc Phương/Người Việt)

 



Làm ăn kinh doanh trong nỗi bất an địa chính trị

Trúc Phương/Người Việt

January 6, 2025 : 5:47 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lam-an-kinh-doanh-trong-noi-bat-an-dia-chinh-tri/#google_vignette

 

Dân kinh doanh và đầu tư quốc tế ngày càng lo ngại trước những hỗn loạn địa chính trị, đặc biệt trong năm 2025, khi Washington áp đặt chính sách thuế quan mới. Hàng loạt doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đương đầu một năm bất ổn địa chính trị, với những dấu hỏi lớn chỉ mới lờ mờ chân trời…

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/01/Nvidia-BL-1536x1036.jpg

Nvidia, có trụ sở chính tại Santa Clara, California, không phải là công ty duy nhất mà Bắc Kinh nhắm đến trong cuộc chiến thương mại với Washington. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Địa chính trị và địa kinh tế

 

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã bị bất ngờ bởi loạt sự kiện – đại dịch, xung đột ở Châu Âu và Trung Đông, sự bùng nổ chủ nghĩa dân túy, sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang… Tất cả khiến các tập đoàn lớn phải thiết lập rồi tái thiết lập các chiến lược truyền thống. Quy trình cũ, tập trung vào quy mô thị trường, chi phí và hiệu quả, đã bị đảo lộn. Bây giờ, địa chính trị là động lực quan trọng nhất, như nhận xét của Reema Bhattacharya, giám đốc đặc trách Châu Á của hãng tư vấn doanh nghiệp Verisk Maplecroft, dẫn lại từ Wall Street Journal.

 

Nếu Washington nhắm vào TikTok, Shein và Temu,… thì Bắc Kinh gia tăng áp lực lên các công ty kiểm toán của Mỹ lẫn những đại công ty như nhà sản xuất chip khổng lồ Nvidia. Tổng quát, gần 2/3 trong khoảng 900 giám đốc điều hành được công ty tư vấn McKinsey & Co. khảo sát (cho một báo cáo được công bố vào Tháng Mười Hai, 2024) đã nói rằng sự bất ổn địa chính trị là rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng toàn cầu. 49% cho biết những thay đổi trong chính sách thương mại là những rủi ro lớn.

 

Nhìn chung, địa chính trị và tác động của nó đến việc ra quyết định kinh doanh là điều ngày càng rõ ràng. Trong một thế giới kết nối, tác động của địa chính trị (Geopolitics) và địa kinh tế (Geoeconomics) đối với các doanh nghiệp không thể đánh giá thấp. Các công ty đa quốc gia đều phải điều hướng sự đan xen phức tạp của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội để đưa ra quyết định chiến lược đúng đắn. Việc hiểu được những tác động của các cuộc xung đột đang diễn ra, các nhóm lợi ích kinh tế và các tuyến thương mại mới nổi là điều cần thiết đối với những doanh nghiệp muốn phát triển và thành công trên thị trường toàn cầu.

 

Một cách lý thuyết, địa chính trị và địa kinh tế là hai khái niệm gắn liền nhau và định hình môi trường kinh doanh toàn cầu. Địa chính trị đề cập đến việc nghiên cứu tác động của các yếu tố địa lý ảnh hưởng đến những quyết định chính trị và mối quan hệ giữa các quốc gia; trong khi địa kinh tế tập trung vào việc sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia và tạo ra những kết quả địa chính trị hiệu quả.

 

Sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì trên thực tế, chúng thường chồng chéo lên nhau. Các yếu tố địa chính trị như xung đột lãnh thổ hoặc liên minh quân sự có thể tác động đến chính sách thương mại và quyết định đầu tư, trong khi những yếu tố địa kinh tế như hiệp định thương mại hoặc lệnh trừng phạt kinh tế có thể tác động đến động lực địa chính trị giữa các quốc gia. Điều quan trọng là các doanh nghiệp hoạt động trên trường quốc tế phải nhận thức được cả các yếu tố địa chính trị lẫn địa kinh tế, vì chúng định hình những quy tắc và rủi ro của thương mại và đầu tư.

 

Cần nói thêm, những cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu và Nhật có vai trò quan trọng trong việc định hình thương mại và vận tải thế giới bằng cách tạo ra các nhóm lợi ích và liên minh. Những thế lực hùng mạnh này thường tận dụng ảnh hưởng kinh tế của họ để thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị, đồng thời sử dụng chính sách thương mại, các thỏa thuận đầu tư và các dự án cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh quyền kiểm soát của họ đối với các tuyến đường thương mại và thị trường chiến lược.

 

Một cách tổng quát, rủi ro địa chính trị luôn là yếu tố được các đại công ty xem xét, đặc biệt kể từ vụ đại dịch COVID-19 (khi nhiều doanh nghiệp nhận ra sự mong manh của chuỗi cung ứng) và cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga (khiến nhiều công ty đa quốc gia lớn phải thoái vốn). Phân tích tình huống xung quanh các vấn đề địa chính trị đã trở thành điều bắt buộc đối với nhiều doanh nghiệp. Theo một cuộc khảo sát của công ty kiểm toán Ernst & Young, khoảng 3/4 giám đốc điều hành cho biết họ luôn ý thức những rủi ro địa chính trị mà họ đối mặt.

 

Những tổ chức tư vấn như Chatham House và Eurasia Group ngày càng gặp khó khăn trong phân tích và dự báo khi sự kết nối toàn cầu trở nên phức tạp và bất ổn bởi những sự kiện khó lường. Không ví dụ nào rõ rệt bằng khu vực Trung Đông, đặc biệt Iran, nơi từ lâu luôn cạnh tranh với các quốc gia Vùng Vịnh để giành ảnh hưởng khu vực.

 

Giới làm ăn Iran lâu nay qua mặt phương Tây bằng một hệ thống kinh tế phức tạp, được xây dựng chủ yếu với các quốc gia thân thiện, móc nối với các “nhà nước tài phiệt” như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự kiện 7 Tháng Mười, 2023 (khi Hamas tấn công Israel) đã khiến toàn bộ Trung Đông hỗn loạn và từ đó tạo ra lỗ hổng trong các mạng lưới kinh tế của Iran. Bây giờ, kinh tế Iran rơi vào tình trạng thảm hại. Nguồn tài chính Iran cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi họ mất hàng tỷ đôla mà trước đó họ cho (cựu) Tổng Thống Bashar al-Assad (Syria) vay.

 

“Đao kiếm vô tình”

 

Việc ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc luôn khiến giới làm ăn hai nước phải nín thở “dò đá qua sông” và xoay sở cách thức phản ứng thích hợp. Trong khi đó, như nhận định của Eric Sandberg-Zakian, chủ tịch nhóm thực thi kiểm soát thương mại tại công ty luật Covington & Burling (Washington DC), mức độ đan xen giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc khiến các công ty ngày càng khó đối phó với các biện pháp kiểm soát và hạn chế thương mại.

 

Thượng tuần Tháng Mười Hai, 2024, Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào công ty sản xuất chip Nvidia, trong hành động được cho là trả đũa mới nhất của Bắc Kinh đối với lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc. Nvidia, công ty thiết kế chip tiên tiến được sử dụng để cung cấp năng lượng cho công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường hơn $3.4 ngàn tỷ.

 

Cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc nhắm vào Nvidia diễn ra một tuần sau khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố vòng kiểm soát xuất cảng thứ ba nhằm mục đích giữ công nghệ tiên tiến tránh xa khỏi tay ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Các hạn chế này đã đưa thêm 140 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen.” Phản đòn, Bắc Kinh cấm xuất cảng gali, germani và antimon – được sử dụng trong sản xuất chip, pin mặt trời và pin xe điện, cùng nhiều công nghệ khác – sang thị trường Mỹ.

 

Nvidia từng lách luật kiểm soát xuất cảng của Mỹ bằng cách thiết kế chip riêng cho Trung Quốc, nơi công ty kiếm được 15% doanh thu. Theo Reuters, Nvidia có kế hoạch hợp tác với công ty Inspur (tên địa phương: Lãng Triều tập đoàn) của Trung Quốc để phân phối chip AI mới dành riêng cho Trung Quốc vào quý 2 năm 2025. Nvidia không phải là công ty duy nhất mà Bắc Kinh nhắm đến trong cuộc chiến thương mại với Washington.

 

Tháng Mười, 2024, Hiệp Hội An Ninh Mạng Trung Quốc đã khuyến nghị xem xét lại vấn đề bảo mật đối với các sản phẩm của Intel và cáo buộc công ty này cài đặt các tính năng “giám sát cửa sau.” Trước đó, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cấm những sản phẩm chip Micron của Mỹ sau khi công ty này không vượt qua được đợt “đánh giá an ninh.” Sự việc diễn ra sau các cuộc điều tra của Mỹ và các quốc gia khác nhằm vào những công ty công nghệ Trung Quốc là Huawei và ZTE.

 

Không chỉ Nvidia, TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) cũng đang bị “dính chưởng.”

 

TSMC, nhà cung cấp chip AI duy nhất cho Nvidia, đang làm ăn ngon lành, với ​​doanh số tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2020. Cho đến gần đây, TSMC vẫn hưởng lợi ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc, bị “Chú Sam” cấm sử dụng chip Nvidia, đã chuyển sang TSMC. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây cho thấy những hạn chế về địa chính trị đang bắt đầu ảnh hưởng TSMC.

 

Chưa hết, Wingtech Technology (Văn Thái khoa kỹ cổ phần hữu hạn công ty), một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple tại Trung Quốc, đang có kế hoạch thoái vốn khỏi mảng kinh doanh sản xuất theo hợp đồng điện tử tiêu dùng, do “những thay đổi trong môi trường địa chính trị,” vài tuần sau khi công ty này bị Washington đưa vào “danh sách đen.”

 

Báo South China Morning Post cho biết, công ty niêm yết tại Thượng Hải này đã đồng ý bán chín công ty con do họ sở hữu – bao gồm sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác – cho công ty mẹ của Luxshare Precision Industry, một nhà cung cấp khác của Apple tại Trung Quốc.

 

Wingtech là nhà sản xuất thiết kế nguyên bản điện thoại thông minh (smartphone original design) lớn thứ ba thế giới vào năm 2023, chiếm 20.6% tổng khối lượng điện thoại gia công từ bên ngoài (outsourced handset volume), nhờ các đơn đặt hàng từ Xiaomi, Samsung Electronics và Honor, công ty con tách ra từ Huawei Technologies. Tháng Mười Hai, 2024, Wingtech xuất hiện trong danh sách 140 tổ chức Trung Quốc mà Văn Phòng Công Nghiệp và An Ninh (Bureau of Industry and Security) thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trừng phạt. [kn]

 






No comments: