John
Mearsheimer: 'Người Trung Quốc nên vui mừng vì Mỹ đã theo đuổi bá quyền tự do'
John Mearsheimer
| Guancha
Lê Thị
Thanh Loan, biên dịch
02/01/2025
“Việc
Đức phát động Thế chiến thứ nhất là lý tính, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng
là lý tính, ngay cả đại chiến lược của Nhật Bản ở Đông Á trong Thế chiến thứ
hai (09/1931-06/1941) cũng là lý tính. Đây là “lý luận gây bùng nổ” mới nhất của
nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ John Mearsheimer và Sebastian Rosato
trong cuốn sách “Các quốc gia suy nghĩ như thế nào: Lý tính trong chính sách đối
ngoại”.
Chính
nhân vật đại diện cho chủ nghĩa hiện thực tấn công của Mỹ này đã chỉ trích
chính phủ Mỹ không nên lãng phí thời gian và sức lực vào cuộc khủng hoảng
Nga-Ukraine và Trung Đông, mà nên dồn lực vào việc đối phó với Trung Quốc.
Mearsheimer – người đã nhiều năm không tin vào sự trỗi dậy hòa bình của Trung
Quốc và kiên định cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ nhất định phải có một cuộc chiến
– không chỉ hoạt động tích cực trong không gian dư luận về chính trị quốc tế,
mà còn nhận được sự mến mộ của giới trẻ tại các trường đại học ở Trung Quốc.
VIDEO
:
John
Mearsheimer: 'Người Trung Quốc nên vui mừng vì Mỹ đã theo đuổi bá quyền tự do'
https://www.youtube.com/watch?v=f4FrLqmSD0c
Mới
đây, chuyên mục Thinker’s Teatime của Guancha.cn đã kết nối với Mearsheimer để
bàn luận về hành vi “lý tính” của Đức và Nhật Bản trong chiến tranh, “quyết
sách lý tính” trong việc mở rộng NATO về phía Đông và thúc đẩy bá quyền tự do của
Mỹ cùng tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ.
Việc
ra quyết sách chiến tranh thiếu đạo đức cũng là lý tính?
Guancha: Quan điểm mà
ông đưa ra trong cuốn Các quốc gia suy nghĩ như thế nào: Lý tính trong chính
sách đối ngoại khá mới lạ và thậm chí có phần khiến người ta kinh ngạc.
Quan điểm của ông cho rằng các hành động quân sự của Nga là lý tính chắc chắn
là một quan điểm vừa táo bạo vừa gây tranh cãi đối với phương Tây. Ngoài ra,
ông cũng đề cập rằng, nhiều hành vi của các cường quốc vốn bị cho là phi lý
tính thực ra lại là lý tính. Các ví dụ mà ông nêu ra bao gồm Đức trong cuộc khủng
hoảng tháng 7 trước Thế chiến thứ nhất và Nhật Bản vào đêm trước Trân Châu Cảng.
Vậy
thì định nghĩa của ông về lý tính và phi lý tính là gì? Trong cuốn sách của
ông, lý tính và phi lý tính dường như là những từ ngữ trung lập. Nhưng tôi tin
rằng trong suy nghĩ của rất nhiều người, lý tính và phi lý tính không trung lập,
mà là những phán đoán về chính nghĩa và phi nghĩa, về đạo đức và vô đạo đức.
John
Mearsheimer: Trước
khi đưa ra định nghĩa của mình, tôi muốn nêu ra hai điểm.
Đầu
tiên, không có mối liên hệ nào giữa lý tính và đạo đức. Một quốc gia có thể
theo đuổi chính sách đối ngoại về cơ bản là vô đạo đức và có thể quyết tâm tàn
sát một lượng lớn dân số của quốc gia khác, nhưng điều này chưa chắc đã là phi
lý tính. Đạo đức và lý tính là hai vấn đề khác nhau. Vì vậy, tất nhiên ông có
thể phán đoán điều gì đó là đạo đức hay vô đạo đức, nhưng điều này không liên
quan đến lý tính.
Điểm
thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là, nhiều người có xu hướng định nghĩa những chính
sách họ không thích là phi lý tính và những chính sách họ thích là lý tính. Điều
này không đúng chút nào. Trước tiên cần phải làm rõ định nghĩa về lý tính, thì
chúng ta mới có thể đánh giá liệu một chính sách có lý tính hay không.
Tôi
phải nhấn mạnh rằng, mặc dù trong nhiều năm qua, tôi đã phản đối nhiều chính
sách nhưng tôi vẫn cho rằng chúng là lý tính. Ví dụ, hãy xem xét chính sách tiếp
xúc của Mỹ với Trung Quốc trong những năm 1990 và 15 đến 20 năm đầu thế kỷ này.
Tôi từng phản đối chính sách tiếp xúc này, nhưng tôi cho rằng nó lý tính, vì nó
được xây dựng dựa trên lý thuyết hợp lý.
Với
nhận thức này, hãy để tôi định nghĩa điều mà tôi và đồng tác giả Sebastian
Rosato coi là lý tính.
Đầu
tiên, các cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết sách và
ta cần xem xét xem liệu trong đầu các cá nhân có những chính sách lý tính hay
không. Như chúng ta đều biết, một quốc gia hay chính phủ là một tập hợp các cá
nhân, do đó các cá nhân này phải tụ lại và cùng nhau bàn bạc để đưa ra chính
sách cho đất nước mình.
Nói
cách khác, chính sách đối ngoại của Trung Quốc không chỉ do một người quyết định.
Mặc dù rõ ràng có một người là lãnh đạo nhưng lãnh đạo đó luôn tiến hành bàn bạc
với những người khác
không có cùng quan điểm. Vì vậy, chúng ta cần lần lượt định nghĩa lý tính ở cấp
độ cá nhân và cấp độ quốc gia, và chỉ khi đáp ứng đồng thời cả hai định nghĩa
này thì một chính sách quốc gia lý tính mới có thể được hình thành.
Giờ
hãy nói về các cá nhân. Sebastian và tôi tin rằng, khi loài người nỗ lực lý giải
thế giới thì điều đó vốn mang tính lý thuyết. Khi các cá nhân quan sát thế giới
và tìm cách lý giải nó, cũng như tìm ra cách thế giới vận hành, họ đưa ra các
lý thuyết và những lý thuyết này dẫn dắt các ưu tiên chính sách của họ.
Cho
dù là Trung Quốc, Nga, Đức hay Pháp, chính sách của các quốc gia này đều được
xây dựng dựa trên lý thuyết về cách thế giới vận hành. Một số lý thuyết thì
đáng tin cậy, đúng đắn và hợp lý, trong khi một số khác lại là những lý thuyết
tồi và không đáng tin cậy. Nếu sử dụng một lý thuyết tồi, chúng ta sẽ gặp rắc rối.
Dù là một cá nhân hay một quốc gia, nếu các ưu tiên chính sách của họ đó dựa
trên các lý thuyết hợp lý thì chúng là lý tính. Đây là phần đầu tiên của định
nghĩa.
Phần
thứ hai của định nghĩa là, các cá nhân tạo nên nhà nước phải tiến hành bàn bạc
trên cơ sở pháp lý một cách hợp lý và có hệ thống, và mỗi người đều phải có cơ
hội bày tỏ quan điểm của mình. Họ không thể ngăn chặn các bằng chứng và buộc mọi
người phải chấp nhận một chính sách hay lý thuyết cụ thể, trong khi ngăn chặn
hoặc ép buộc người khác không được đưa ra lý thuyết của riêng mình. Vì vậy, đây
phải là một quá trình được cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng.
Do
đó, quan điểm của chúng tôi là, nếu chính sách đối ngoại của một quốc gia được
xây dựng dựa trên các lý thuyết hợp lý và là kết quả của các cuộc thảo luận hợp
lý thì đó là một chính sách lý tính. Nếu nó không dựa trên một lý thuyết hợp lý
mà dựa trên một lý thuyết ngốc nghếch, hoặc không phải là kết quả của một cuộc
thảo luận lý tính, vậy thì đó không phải một chính sách lý tính mà là một chính
sách phi lý tính. Đây là quan điểm cơ bản của chúng tôi về lý tính. Lý tính
không thể tách rời khỏi lý thuyết, vì lý thuyết lại cung cấp điểm tựa cho chính
sách, đồng thời lý tính cũng có mối liên hệ chặt chẽ với quá trình xem xét đánh
giá.
*
Guancha: Về nước Đức
trong Thế chiến thứ nhất, chúng ta có thể dễ dàng kết luận rằng điều đó lý tính
ở một mức độ nhất định, bởi cuộc chiến này chủ yếu được dấy lên bởi sự cạnh
tranh khốc liệt giữa các cường quốc châu Âu trong việc tranh giành thuộc địa và
lãnh thổ trên toàn cầu. Trong cuộc chiến này, Mỹ và Trung Quốc không phải các
bên tham chiến chính và cũng không liên quan trực tiếp nên chúng ta có thể xem
xét một cách bình tĩnh hơn, thay vì chỉ phán đoán dựa trên cảm tính. Vậy, ông
có cho rằng đây là cơ sở để đánh giá quyết định phát động Thế chiến thứ nhất của
Đức là lý tính?
John
Mearsheimer: Trước
khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, nước Đức ngày càng trở nên hùng mạnh. Đối mặt với
sự trỗi dậy của Đức, các đối thủ chính của nước này là Nga, Anh và Pháp bắt đầu
nâng cao năng lực quân sự của mình. Ba quốc gia này đã tăng cường quân bị và
thành lập một liên minh mang tên Triple Entente. Điều khiến Đức lo lắng là sức
mạnh của liên minh này ngày càng tăng lên. Ba nước Anh, Pháp, Nga không ngừng
nâng cao năng lực quân sự, sự gắn kết của các nước trong liên minh cũng ngày
càng bền chặt. Từ góc độ của người Đức, điều này chắc chắn mang đến nhiều nguy
hiểm hơn.
Vì
vậy, Đức đã quyết định phát động một cuộc chiến tranh phòng ngừa, tin rằng nếu
không làm vậy, thì ba nước này, đặc biệt là Nga, sẽ lớn mạnh hơn và đoàn kết lại
để áp đảo Đức. Do đó, thay vì đợi cho đến khi cán cân quyền lực trở nên mất cân
bằng hơn nữa, tốt hơn hết là hành động ngay. Vậy là vào năm 1914, khi cán cân
quyền lực vẫn đang nghiêng về phía Đức, trong cuộc khủng hoảng tháng 7, Đức đã
quyết định phát động cuộc chiến tranh phòng ngừa vào đầu tháng 8 năm đó.
*
Guancha: Vậy ý ông là,
không phải bởi cuộc chiến tranh này cách Mỹ và Trung Quốc rất xa, mà dựa trên
hai tiêu chí mà ông giải thích?
John
Mearsheimer: Đúng
vậy. Người Đức đã cân nhắc kỹ lưỡng trong quyết sách của mình. Đây là kết quả của
sự suy xét cẩn thận, họ đã đưa ra một lý thuyết chiến thắng, tin rằng cuộc chiến
tranh phòng ngừa là có lý và họ có thể đánh bại quân Đồng minh. Tất nhiên, mọi
chuyện đã không diễn ra như vậy. Nhưng tôi cho rằng đó là một chính sách lý
tính.
Có
lẽ có một vài người cho rằng đây là một chính sách sai lầm. Nhưng như tôi đã
nói ở phía trước, mọi người có thể coi một chính sách nào đó là ngu ngốc. Giống
như quan điểm của tôi về chính sách tiếp xúc của Mỹ với Trung Quốc. Tôi nghĩ đó
là một chính sách sai lầm, nhưng tôi vẫn cho rằng đó là một chính sách lý tính
vì nó được xây dựng dựa trên lý thuyết hợp lý, chính sách của Đức trước Thế chiến
thứ nhất cũng vậy.
*
Guancha: Điều này có thể
hiểu được. Tuy nhiên, về Nhật Bản trong những năm 1930, ông viết: “Từ tháng
9/1931 đến tháng 6/1941, đại chiến lược của Nhật Bản ở Đông Á – đặc biệt là
chính sách của nước này đối với Liên Xô – là lý tính.” Ông còn trích dẫn các
tài liệu nghiên cứu để giải thích rằng “Nhật Bản buộc phải sử dụng vũ lực để bảo
vệ ‘quyền sinh tồn của mình’”.
Trong
Chương 6, ông cũng nói rằng cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản là lý
tính. Cứ cho rằng ông không đồng cảm với lính Mỹ, nhưng tôi là người Trung Quốc
và biết chuyện gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong thời kỳ đó. Kể từ năm 1931, Nhật
Bản xâm lược Trung Quốc trong 14 năm. Sau khi quân Nhật chiếm Nam Kinh vào ngày
13/12/1937, họ đã tàn sát 300.000 thường dân Trung Quốc không một tấc sắt ở đây
chỉ trong vài tuần. Ông đã từng nghe nói về những thí nghiệm trên người mà Đơn
vị 731 khét tiếng đã tiến hành ở Cáp Nhĩ Tân chưa? Sự tàn bạo đẫm máu chống lại
người dân Trung Quốc này không dừng lại cho đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc
vào năm 1945.
Ông
thực sự cho rằng cuộc xâm lược đẫm máu và cái gọi là đại chiến lược Đông Á “bảo
vệ quyền sinh tồn” này là lý tính? Từ góc độ của người Trung Quốc, phải chăng
ông đang tìm kiếm tính chính danh và cơ sở lý tính cho các cuộc chiến tranh áp
bức, cướp bóc và theo chủ nghĩa đế quốc chống lại các quốc gia và dân tộc khác?
Ông có suy nghĩ ra sao về những sự thật mà ông đã phớt lờ?
John
Mearsheimer: Như
tôi đã nói ở phía trước, có một sự khác biệt cơ bản giữa đạo đức và lý tính. Có
vẻ như các ông cho rằng tôi đang bào chữa cho hành vi vô đạo đức của Nhật Bản
trong Thế chiến thứ hai. Tôi đồng ý với các ông về những hành vi vô đạo đức hoặc
phi luân trong chính sách của Nhật Bản, đặc biệt là hành vi của nước này đối với
Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai. Không phải là tôi không đồng ý với các ông,
nhưng ý định của tôi vốn không phải là thảo luận về tính đạo đức, mà là thảo luận
về lý tính trong quyết định tấn công Trân Châu Cảng năm 1941 của Nhật Bản.
Mặc
dù các ông có thể có những phản đối trên cơ sở đạo đức, nhưng cân nhắc của Nhật
Bản ở mọi điểm của quyết sách đều cực kỳ thận trọng và chúng đều dựa trên lý
thuyết hợp lý. Vì vậy, tôi cho rằng quá trình ra quyết định của Nhật Bản trong
giai đoạn này là lý tính.
Một
lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, việc một quyết sách là lý tính không có nghĩa nó
có tính đạo đức, cũng không có nghĩa là nó đúng. Có người sẽ tranh luận rằng, lẽ
ra họ nên áp dụng chính sách khác thay vì tấn công Mỹ, nhưng đó là một câu hỏi
khác. Câu hỏi tôi đặt ra là liệu hành vi của Nhật Bản trước Thế chiến thứ hai
và hành vi của Đức trước Thế chiến thứ nhất có phải là những chính sách lý tính
hay không. Điều này đòi hỏi phải có một định nghĩa rõ ràng về lý tính và rồi áp
dụng nó trong những trường hợp này. Theo tôi, hành vi của Đức trước Thế chiến
thứ nhất và hành vi của Nhật Bản trước Thế chiến thứ hai đều phù hợp với các
tiêu chuẩn về lý tính mà Sebastian và tôi đề xuất.
“Người
Trung Quốc nên vui mừng vì Mỹ đã đủ ngu ngốc để theo đuổi bá quyền tự do”
Guancha: Một vài quan điểm
mà ông bày tỏ vẫn còn khó hiểu. Chẳng hạn, ông nói rằng mặc dù có đủ lý do để
tin rằng bá quyền tự do của Mỹ kể từ những năm 1980 là một chiến lược thất bại,
nhưng nó vẫn là một đại chiến lược lý tính. Tại sao lại như vậy? Tại sao những
“chiến lược lý tính” như bá quyền tự do cuối cùng lại dẫn đến những sai lầm hay
những hậu quả không lường trước được? Theo logic của người bình thường, có vẻ
như chúng ta nên xem xét nó từ góc độ lịch sử. Liệu có hợp lý hơn khi đánh giá
một quyết sách nào đó là có lý tính hay không dựa trên những hậu quả tốt và xấu
mà nó mang lại?
John
Mearsheimer: Ông
không thể đo lường lý tính chỉ bằng kết quả và đó là sai lầm mà mọi người thường
mắc phải. Khi đưa ra quyết sách, người ra quyết định không biết kết quả sẽ ra
sao. Khi bất kỳ quốc gia nào phát động chiến tranh, họ không thể biết chắc liệu
mình sẽ thắng hay thua.
Vấn
đề nằm ở chỗ, khi những người ra quyết định cân nhắc có nên phát động chiến
tranh hay không, nên phát triển đại chiến lược lớn nào hay ứng phó ra sao với một
cuộc khủng hoảng, họ đã suy xét những gì. Chúng ta chỉ cần chú ý xem họ đã nghĩ
gì vào thời điểm đó và đánh giá xem quá trình ra quyết định lúc đó có lý tính
hay không. Nhưng nếu chỉ nhìn vào kết quả thì chúng ta sẽ bỏ sót bản chất của vấn
đề.
Có
rất nhiều sự không chắc chắn khi phát động chiến tranh và nhiều yếu tố khác
nhau có thể phá vỡ một chiến lược vốn lý tính. Giả sử chúng ta xây dựng một chiến
lược lý tính để phát động một cuộc chiến vào một tuần sau đó. Tuy nhiên, một
khi khai chiến, có thể xảy ra những sự kiện không lường trước được khiến chúng
ta không thể thực thi chiến lược. Cuối cùng, chiến lược vốn được hoạch định cẩn
thận, cân nhắc kỹ lưỡng, suy đi tính lại dựa trên lý thuyết vững chắc của chúng
ta đã thất bại trong cuộc chiến. Dù chúng ta đã hoạch định chu toàn, mong muốn
của chúng ta vẫn không được hoàn thành do những yếu tố không lường trước được
và một thế giới không chắc chắn. Logic cơ bản này giải thích lý do tại sao
không thể đánh giá lý tính chỉ dựa trên kết quả.
Điều
này quay trở lại ví dụ về Nhật Bản. Vào ngày 07/12/1941, Nhật Bản tấn công Trân
Châu Cảng của Mỹ. Đến tháng 08/1945, Nhật Bản đầu hàng và đất nước họ bị tàn
phá. Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc đánh bại quân đội Nhật Bản. Mỹ
gây ra thiệt hại to lớn cho Nhật Bản thông qua việc ném bom và phong tỏa trên
biển. Khi chứng kiến những gì đã xảy ra với
Nhật Bản, người ta càng cho rằng Nhật Bản chắc hẳn đã phi lý tính nên mới thất
bại. Nhưng không thể đánh giá lý tính chỉ bằng kết quả.
*
Guancha: Hãy quay trở lại
trường hợp bá quyền tự do của Mỹ đã đề cập ở phía trước. Dù cuối cùng nó đã thất
bại nhưng ông cho rằng lúc đầu nó là một quyết sách hợp lý.
John
Mearsheimer: Tôi
cho rằng bá quyền tự do mà tôi phản đối đã từng là một chiến lược lý tính. Nó dựa
trên ba lý thuyết nổi tiếng của chủ nghĩa tự do: thuyết phụ
thuộc lẫn nhau về kinh tế, thuyết hòa
bình nhờ dân chủ và thể chế tự do.
Lập
luận cơ bản đằng sau bá quyền tự do là bằng cách thúc đẩy hệ thống kinh tế Mỹ,
có thể khiến các quốc gia như Trung Quốc hội nhập vào chủ nghĩa tư bản và hòa
vào trật tự kinh tế toàn cầu mà Mỹ thiết lập sau Thế chiến thứ hai. Nếu Trung
Quốc có thể được phép gia nhập các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ
Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới và trở thành một thành viên tích cực
trong hệ thống quốc tế, nước này sẽ trở thành một bên liên quan có trách nhiệm.
Theo logic này, Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một nền dân chủ tư bản chủ
nghĩa và chung sống hòa hợp với Mỹ.
Ý
tưởng này về cơ bản là định hình lại thế giới theo mô hình của Mỹ. Nói cách
khác, điều mà bá quyền tự do muốn làm là truyền bá dân chủ ra khắp thế giới.
Theo
lập luận này, nếu mọi quốc gia đều theo chế độ dân chủ thì họ sẽ không gây chiến
với nhau. Bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa tư bản và đưa các quốc gia đến mức độ phụ
thuộc lẫn nhau về kinh tế, cũng có thể tránh được các vi phạm nhân quyền trên
quy mô lớn, bởi các quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng sẽ không hy sinh lợi
ích kinh tế của mình vì chiến tranh. Luận điểm cuối cùng là nếu có thể đưa tất
cả các quốc gia đó vào những tổ chức này, họ sẽ trở thành các bên liên quan có
trách nhiệm. Tất cả những gì Mỹ làm đối với Trung Quốc đều là theo đuổi bá quyền
tự do.
Tuy
nhiên, nhìn từ góc độ của Trung Quốc, bá quyền tự do không chỉ đại diện cho bá
quyền mà ở một mức độ nhất định còn giúp Trung Quốc trở nên giàu có. Đây chính
xác là lý do tại sao tôi cho rằng đây là một chính sách ngu ngốc. Mỹ đã vô hình
trung giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc. Từ góc độ của những nhà
hiện thực chủ nghĩa, đây chắc chắn là một sai lầm. Tuy nhiên, từ góc độ của chủ
nghĩa tự do và xét đến lập trường của các nhà hoạch định chính sách theo chủ
nghĩa tự do chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ từ năm 1990 đến năm 2017, thì
bá quyền tự do, đặc biệt là chính sách tiếp xúc với Trung Quốc, có những sự hợp
lý nhất định.
Tôi
nhấn mạnh một lần nữa, ông phải nhìn điều này từ góc độ của Trung Quốc, bá quyền
tự do, hay cụ thể hơn là chính sách tiếp xúc, là một điều tốt. Vì vậy, người
Trung Quốc không nên phàn nàn về bá quyền tự do mà nên vui mừng vì Mỹ đủ ngu ngốc
để theo đuổi bá quyền tự do.
Tuy
nhiên, tôi phải bày tỏ một lần nữa rằng, mặc dù tôi không đồng ý với bá quyền tự
do nhưng tôi cho rằng nó là một chính sách lý tính. Bởi vì nó dựa trên các lý
thuyết hợp lý, cụ thể là ba lý thuyết lớn của chủ nghĩa tự do trong chính trị
quốc tế, và là kết quả của sự cân nhắc kỹ lưỡng. Cả chính quyền Clinton và
chính quyền Bush đều tiến hành các cuộc thảo luận cực kỳ có hệ thống về vấn đề
này và cuối cùng đã áp dụng các chính sách bá quyền tự do.
*
Guancha: Bá quyền tự do
của Mỹ quả thực đã tạo ra một môi trường bên ngoài thuận lợi để Trung Quốc
nhanh chóng bắt kịp. Dường như ông không bàn nhiều về các sách lược phi lý
tính. Ông chỉ nêu 5 ví dụ về sách lược phi lý tính, trong đó có 3 ví dụ do Mỹ
tiến hành. Chẳng hạn, Mỹ quyết định vượt qua Vĩ tuyến 38 (đường phân chia Bắc
Nam trên bán đảo Triều Tiên) năm 1950; Mỹ xâm lược Cuba năm 1960 và Mỹ xâm lược
Iraq sau sự kiện 11/9. Tôi nghĩ Chiến tranh Việt Nam cũng có thể được tính vào,
và cả việc Mỹ kiên quyết ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống lại Palestine ở
Trung Đông nữa, phải không? Theo lý thuyết của ông, tại sao Mỹ lại đưa ra nhiều
quyết sách phi lý tính như vậy?
John
Mearsheimer: Chúng
tôi đã nghiên cứu 14 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp lý tính và 4 trường
hợp phi lý tính. 10 trường hợp lý tính này là ví dụ về những gì mà các học giả
thường gọi hay thường nhắc tới như là các trường hợp phi lý tính. Vì vậy, điều
này khá có tính thử thách đối với chúng tôi. Nói cách khác, chúng tôi đã chọn
ra 10 trường hợp mà những người tin rằng hành vi của các quốc gia là phi lý
tính sẽ sử dụng để hỗ trợ cho quan điểm của họ.
Chúng
tôi xem xét từng trường hợp và nhận thấy rằng, hành vi của các quốc gia trong tất
cả những trường hợp đó là lý tính. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với quan điểm
cho rằng những trường hợp này là phi lý tính.
Tiếp
đó, chúng tôi muốn tìm kiếm những ví dụ trong ghi chép lịch sử về các quốc gia
đã đưa ra quyết sách dựa trên những chiến lược ngu ngốc, để người đọc thấy rằng:
quả là có những ví dụ về sự phi lý tính. Trong 4 trường hợp phi lý tính mà
chúng tôi nhấn mạnh, hầu như không có quá trình cân nhắc hợp lý hoặc khôn
ngoan, và quá trình ra quyết định rất khác với cách hành xử nên có ở một quốc
gia lý tính.
Mặc
dù có nhiều trường hợp mà mọi người đều đồng ý rằng hành vi của quốc gia đó là
lý tính nhưng chúng tôi không đề cập đến những trường hợp này. Chúng tôi có thể
dễ dàng chọn ra thêm 10 hoặc 20 trường hợp trong đó hành vi của các quốc gia về
cơ bản là lý tính, nhưng chúng tôi đã không làm vậy. Chúng tôi đã chọn ra 10
trường hợp mang tính thách thức nhất đối với mình, đưa ra các luận điểm trong
cuốn sách và sử dụng những ví dụ này để hỗ trợ cho quan điểm rằng các quốc gia
thường hành xử lý tính. Tất nhiên, chúng tôi không phủ nhận rằng các quốc gia
đôi khi cũng có những hành vi phi lý tính, như 4 trường hợp trên đã chứng minh.
Nhưng nhìn chung, hành vi của các quốc gia này là lý tính.
“Tôi
không phải một kẻ hiếu chiến. Nhiều người ở Mỹ còn ‘diều hâu’ hơn tôi.”
Guancha: Trong một cuộc
phỏng vấn gần đây với Al Jazeera, khi được hỏi “Thế giới sẽ ra sao nếu các
chính trị gia lắng nghe ông?”, ông trả lời rằng ông đã lên tiếng phản đối việc
NATO mở rộng về phía Đông kể từ năm 2014 và nếu mọi người lắng nghe ông thì đã
có thể tránh khỏi cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, ông cũng viết trong cuốn
sách của mình rằng, việc Mỹ quyết định mở rộng NATO về phía Đông xuất phát từ
những cân nhắc lý tính. Vậy tại sao ông lại phản đối điều mà ông cho là một quyết
sách lý tính? Đây dường như là trường hợp duy nhất cho thấy ông không phải kẻ
hiếu chiến hay ‘diều hâu’ chiến tranh. Vậy ông có thể giải thích một chút về lý
do tại sao trên thực tế ông lại phản đối quyết sách lý tính này không?
John
Mearsheimer: Tôi
muốn nói rõ rằng tôi không phải một kẻ hiếu chiến.
Ý
tôi là, điều này quay trở lại những gì chúng ta đã thảo luận ở phía trước, khi
ông nói rằng tôi đang biện minh cho một vài cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, tôi muốn
chỉ ra rằng tôi không biện minh cho một cuộc chiến cụ thể nào, tôi cũng không
phải một người đặc biệt cứng rắn và hiếu chiến. Có nhiều người ở Mỹ còn ‘diều
hâu’ hơn tôi. Nhưng trong vấn đề Ukraine, rõ ràng rằng tôi đứng về phía ‘bồ
câu’.
Sau
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khoảng năm 1994, Tổng thống Clinton ra quyết
sách ủng hộ việc NATO mở rộng về phía Đông. Vào thời điểm đó, nhiều người theo
chủ nghĩa hiện thực như George Kennan cho rằng đây sẽ là một thảm họa, bởi người
Nga về lâu dài sẽ không chấp nhận sự bành trướng của NATO.
Ở
phía bên kia của cuộc tranh luận là những người theo chủ nghĩa tự do, điều này
quay trở lại những gì chúng ta đã thảo luận ở phía trước về bá quyền tự do. Sự
mở rộng của NATO là một phần của bá quyền tự do và lập luận cơ bản của nó là, Mỹ
sẽ biến Đông Âu thành một khu vực hòa bình rộng lớn, mở rộng NATO và EU, thúc đẩy
dân chủ ở Đông Âu thông qua các cuộc cách mạng màu, rồi sau đó mọi người sẽ sống
hạnh phúc mãi mãi. Giống như chiến lược tiếp xúc với Trung Quốc, đây cũng là một
phần của bá quyền tự do.
Tuy
nhiên, thực tế không phải vậy. Bởi những người hiện thực chủ nghĩa như George
Kennan, Bộ trưởng Quốc phòng William Perry của Clinton và tôi đều tin rằng đó
không phải là cách thế giới vận hành, việc mở rộng NATO sẽ dẫn đến thảm họa và
ý tưởng cho rằng Nga sẽ chấp nhận NATO ngay trước ngưỡng cửa nhà mình là một
sai lầm.
Thế
nhưng bá quyền tự do được chống đỡ bởi một loạt lý thuyết về chủ nghĩa tự do.
Những lý thuyết này được sùng bái và có rất nhiều người tin vào chúng.
Một
lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng tôi cho đó là một chính sách sai lầm. Nhưng giống
như những người phản đối bá quyền tự do và sự bành trướng của NATO, tôi đã
thua. Điều này cuối cùng đã dẫn đến cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, đây chắc chắn
là thảm họa đối với người Ukraine, cũng như đối với NATO, người châu Âu và người
Mỹ.
Vì
vậy, tôi cho rằng những nhà hiện thực chủ nghĩa đã có phán đoán đúng đắn về
toàn bộ vấn đề mở rộng NATO, nhưng điều đó không có nghĩa quyết sách hỗ trợ việc
mở rộng NATO là phi lý tính. Tôi cho rằng, quá trình ra quyết sách năm 1994 đã
được tiến hành thận trọng và chính sách hỗ trợ việc NATO mở rộng về phía Đông
được xây dựng dựa trên các lý thuyết hợp lý.
Dù
là với Nga hay Trung Quốc, Mỹ đều không nắm chắc phần thắng
Guancha: Chương 8 của cuốn
sách để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc
trong những năm qua và lý thuyết của ông đã cho người dân Trung Quốc biết một sự
thật tàn khốc: Đối với một quốc gia, an ninh là ưu tiên hàng đầu. Tôi nghĩ đây
có thể là lý do tại sao những tư tưởng và tác phẩm của ông rất được ưa chuộng ở
Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự bao vây từ Mỹ và
các đồng minh, điều này khá giống với tình huống mà chúng tôi từng phải đối mặt
khi đất nước mới thành lập hồi những năm 1950 và 1960. Vào thời điểm đó, điều
mà giới lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhất là sự tồn vong.
Trong
suốt thời kỳ từ cải cách mở cửa năm 1979 đến khi chiến tranh thương mại bùng nổ
năm 2017, chúng tôi không hề nghĩ vậy. Chiến tranh đã ở rất xa và phát triển là
ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vào thời điểm đó. Giờ đây, cả phát triển và an
ninh đều đã trở thành mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi. Ông nghĩ điều này là
tốt hay xấu?
Ông
đánh giá ra sao về quan hệ Trung-Mỹ hiện nay? Ông có cho rằng sự tồn vong cũng
là ưu tiên hàng đầu của Mỹ với tư cách là quốc gia hùng mạnh nhất? Từ góc độ của
Trung Quốc, thật khó để hiểu, Mỹ rốt cuộc đang lo sợ điều gì?
John
Mearsheimer: Vâng,
hãy để tôi nói ngắn gọn về Trung Quốc. Từ góc độ của Trung Quốc, việc trở nên
hùng mạnh, đặc biệt là về mặt quân sự, là rất quan trọng bởi đó là cách tốt nhất
để tồn tại trong hệ thống quốc tế. Trung Quốc từng phải gánh chịu nỗi nhục dân
tộc trong lịch sử và không muốn yếu ớt nữa. Vì vậy, cũng như tất cả các cường
quốc khác, Trung Quốc coi sự tồn vong là ưu tiên hàng đầu.
Sau
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc chưa phát triển toàn diện
và nước này vẫn chưa phải một cường quốc, mà nước Mỹ lúc này phải cân nhắc xem
cần ứng xử với Trung Quốc ra sao. Trung Quốc và Mỹ từng kết thành liên minh chống
Liên Xô, nhưng khi Liên Xô không còn tồn tại, Mỹ nên ứng xử với Trung Quốc như
thế nào? Như chúng ta đã bàn ở phía trước, Mỹ đã áp dụng chính sách tiếp xúc nhằm
khiến Trung Quốc trở nên giàu có. Nhưng những người hiện thực chủ nghĩa như tôi
cho rằng, nếu trở nên giàu có, Trung Quốc sẽ chuyển sức mạnh kinh tế thành sức
mạnh quân sự và có thể trở thành mối đe dọa thống trị châu Á.
Trung
Quốc muốn trở thành quốc gia hùng mạnh nhất Đông Á, đây là cách tốt nhất để tồn
tại. Vấn đề là điều này sẽ không làm vui lòng Mỹ. Mỹ cho rằng việc Trung Quốc mạnh
hơn về mặt kinh tế thì được, nhưng về mặt quân sự thì không, bởi người Mỹ muốn
trở thành lãnh đạo, họ muốn trở thành thế lực hùng mạnh nhất ở châu Á. Mặc dù Mỹ
ở Tây bán cầu, phía bên kia Thái Bình Dương nhưng Mỹ không muốn Trung Quốc thống
trị châu Á như cách Mỹ làm ở Tây bán cầu. Kết quả là, sự cạnh tranh an ninh đã
nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ.
Từ
năm 1990 đến năm 2017, thành tích kinh tế của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc,
trong khi quan hệ Trung-Mỹ vẫn tốt đẹp. Nhưng tôi không cho rằng mối quan hệ tốt
đẹp này sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì Trung Quốc cuối cùng sẽ trở nên đủ mạnh để
tham gia vào cuộc cạnh tranh an ninh với Mỹ. Hầu hết người Trung Quốc và người
Mỹ đều không lường trước được điều này, chỉ một số ít người theo chủ nghĩa hiện
thực là dự đoán được.
Chỉ
một số ít người theo chủ nghĩa hiện thực như tôi mới nói rằng thế giới không vận
hành theo cách ấy. Đây là một cục diện bi kịch, nhưng đó là cách nền chính trị
quốc tế hoạt động. Vì vậy, tôi đã đặt cho tác phẩm về chủ nghĩa hiện thực của
mình tiêu đề là Bi kịch của chính trị nước lớn. Tôi cũng hy vọng
Trung Quốc và Mỹ có thể cùng chung sống hạnh phúc, nhưng chừng nào nền kinh tế
Trung Quốc còn tiếp tục phát triển thì điều này sẽ không thể thực hiện được.
*
Guancha: Ông từng nhiều
lần đề cập rằng Mỹ đang vướng vào cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề ở Trung
Đông, và cách làm này là hoàn toàn sai lầm; nhiều người ở phương Tây lo lắng về
việc Nga tạo ra mối đe dọa, nhưng ông nói: “Mối đe dọa không phải Nga, mà là
Trung Quốc!” Tại sao ông lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược với người phương
Tây như vậy?
John
Mearsheimer:
Quy mô kinh tế và dân số của Nga không đủ lớn để trở thành đối thủ cạnh tranh của
Mỹ, đây là điều không cần bàn cãi. Nước Nga ngày nay đã không còn là Liên Xô
khi xưa nữa. Khi nói về Nga, nhiều người phương Tây dường như thấy sự tái hiện
của Liên Xô. Họ so sánh Putin với Hitler, họ thấy quân đội Nga là một đội quân
không gì sánh bằng, đồng thời tin rằng Nga có ý định chinh phục Ukraine và các
nước Đông Âu và sẽ đe dọa các nước Tây Âu. Thẳng thắn mà nói, điều này thật nực
cười. Nga không mạnh đến vậy.
Hiện
nay trên thế giới có ba cường quốc: Mỹ, Trung Quốc và Nga. Mỹ là nước mạnh nhất
trong hệ thống, Trung Quốc bám sát đằng sau với sức mạnh không kém Mỹ quá xa,
nước này là đối thủ cạnh tranh đồng cấp của Mỹ và là mối đe dọa đối với sự thống
trị của Mỹ ở Đông Á. Nga là nước mạnh thứ ba trong hệ thống, nước này không phải
là một bá quyền tiềm năng trong khu vực, chứ đừng nói đến việc làm đối thủ cạnh
tranh của Mỹ. Việc Mỹ gây chiến với Nga là vô nghĩa.
Tình
hình đối với Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Mỹ nên nỗ lực kiềm chế Trung Quốc
và ngăn chặn nước này thống trị châu Á. Tôi biết những người bạn Trung Quốc của
tôi không muốn nghe những lời này, nhưng đó là cách thế giới vận hành. Từ góc độ
của Mỹ, Mỹ không thể chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Đông Á; và từ góc
độ của Trung Quốc, việc Trung Quốc thống trị Đông Á là điều hoàn toàn hợp lý.
Đây chính là nguồn gốc dẫn tới mâu thuẫn giữa hai bên. Logic cơ bản này có thể
áp dụng cho quan hệ Trung-Mỹ ngày nay cũng như cho mối quan hệ Mỹ-Liên Xô trong
Chiến tranh Lạnh, nhưng điều đó không đúng trong quan hệ Mỹ-Nga ngày nay.
*
Guancha: Một giáo sư tỏ
ra hoài nghi về quan điểm của ông, tôi sẽ trích dẫn phát biểu của ông ấy: Nếu
ông tin rằng Nga có sức mạnh yếu ớt, vậy thì tại sao đã gần 3 năm kể từ khi chiến
tranh Nga-Ukraine nổ ra mà Mỹ và phương Tây đến nay vẫn chưa thể đánh bại được
Nga? Nếu cả Mỹ và phương Tây đều không thể đánh bại một mình nước Nga thì sao lại
dám khiêu khích Trung Quốc, thậm chí là nhóm hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc
và Nga? Các ông đã quên những thất bại của Cuộc chiến chống Mỹ xâm lược và viện
trợ Triều Tiên cùng Chiến tranh Việt Nam từng diễn ra ở châu Á rồi sao?
John
Mearsheimer: Trước
hết, Mỹ không hề muốn kích động chiến tranh với Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ là
kiềm chế Trung Quốc. Sẽ thật ngu ngốc nếu Mỹ khiêu khích Trung Quốc, bởi Mỹ
không thể thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc. Tôi cũng không chắc về việc liệu
Trung Quốc có giành chiến thắng trong cuộc chiến này hay không, nhưng trước
nguy cơ leo thang hạt nhân, nhiều khả năng cả hai bên đều sẽ rơi vào rắc rối cực
kỳ nghiêm trọng.
Đối
với Nga, Mỹ thực ra không tham gia một cách toàn diện vào cuộc xung đột
Nga-Ukraine. Như chúng ta đều biết, Mỹ không có bộ binh trên chiến trường
Ukraine mà chính quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc chiến trên thực tế. Mỹ chỉ
cung cấp vũ khí cho Ukraine, giúp họ lập kế hoạch hành động và hỗ trợ tình báo.
Mỹ can dự sâu vào cuộc xung đột này, nhưng không thực sự tham chiến. Nếu Mỹ quyết
định gây chiến với Nga thì sẽ không thể thắng vì cuộc chiến chắc chắn sẽ leo
thang thành chiến tranh hạt nhân.
Tôi
cho rằng nếu Mỹ và Nga bị cuốn vào một cuộc chiến tranh hạt nhân thì sẽ không
có người thắng mà sẽ chỉ có kẻ thua. Khả năng Mỹ đánh bại Nga gần như bằng
không. Một lần nữa, tôi không nghĩ Mỹ có thể thắng trong cuộc chiến với Trung
Quốc. Nhưng chúng tôi có thể ngăn chặn Trung Quốc giành chiến thắng, chúng tôi
có thể tạo ra một thế bế tắc hoặc một cục diện mà nếu Trung Quốc thắng thì đó sẽ
chỉ là một chiến thắng cay đắng. Nói cách khác, Trung Quốc cần phải trả một cái
giá cực kỳ đắt để giành chiến thắng và điều đó là không đáng. Nhưng Mỹ không có
ý định kích động chiến tranh, vì dù là Trung Quốc hay Nga thì đều không chắc sẽ
nắm được phần thắng.
Người
Trung Quốc là người hiện thực chủ nghĩa từ trong cốt tủy
Guancha: Dù sao đi nữa,
Trung Quốc là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Ông kiên định cho rằng Trung Quốc
là mối đe dọa đối với Mỹ. Từ góc độ của người Mỹ, có lẽ điều này có lý ở một mức
độ nào đó. Bởi trong lịch sử phương Tây, sau các cuộc chiến tranh liên miên,
Anh đã thay thế Hà Lan để trở thành nước bá chủ vào thế kỷ 19; tương tự, thông
qua các cuộc chiến tranh, Mỹ mới thay thế Anh và trở thành thế lực dẫn dắt thế
giới trong thế kỷ 20.
Tuy
nhiên, Trung Quốc không bao giờ chơi trò chơi có tổng bằng 0. Các thế hệ lãnh đạo
Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại rằng, dù đạt đến giai đoạn phát triển nào,
Trung Quốc cũng sẽ không xưng bá hay bành trướng. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn
đến công tác đối nội, sự thịnh vượng của đất nước và hạnh phúc của người dân.
Điều này phù hợp với “vương đạo” trong truyền thống Nho giáo của chúng tôi (tức
là trị nước bằng đức). Ngược lại với nó là “bá quyền” (tức là thu phục bằng vũ
lực), thì gần với triết học Mỹ hơn.
Ông
nói công việc của ông là giải thích cách thế giới vận hành. Có hơn 100 quốc gia
trên thế giới, ông có bao nhiêu hiểu biết về triết học chính trị Trung Quốc?
Hay ông chọn cách phớt lờ nó và cho rằng đó chỉ là một kiểu tuyên truyền chính
trị?
John
Mearsheimer: Tôi
cho rằng người Trung Quốc là người hiện thực chủ nghĩa từ trong cốt tủy. Ở
Trung Quốc, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi nói chuyện với các học giả, sinh
viên, nhà hoạch định chính sách hay nhà báo, vì họ đều là những người hiện thực
chủ nghĩa. Và tôi cho rằng, cách nói rằng Trung Quốc là một đất nước yêu chuộng
hòa bình và chủ trương tư tưởng Nho giáo… chẳng qua chỉ là một nắm đấm thép được
che dưới một lớp găng nhung. Ở Mỹ, chúng tôi cũng làm vậy. Chúng tôi nói về các
giá trị tự do, nhân quyền…, nhưng nếu nhìn vào hành vi của Mỹ, thì Mỹ đúng là một
quốc gia tàn nhẫn hệt như những gì phần lớn người Trung Quốc hiểu. Các cường quốc
dường như luôn tàn nhẫn.
Tất
nhiên, sẽ không có bên nào thừa nhận điều này. Vì vậy, một tình huống đã nảy
sinh: Người Trung Quốc tự cho mình là người tốt và gọi người Mỹ là kẻ xấu; người
Mỹ cũng tự coi mình là người tốt và gọi người Trung Quốc là kẻ xấu.
Nhưng
trên thực tế, nếu đi khắp Đông Á và thảo luận với người dân từ các quốc gia này
về quan điểm của họ đối với Trung Quốc, thì họ sợ Trung Quốc. Tại sao lại sợ
Trung Quốc? Bởi vì họ hiểu rằng, khi phù hợp với lợi ích của nước mình, Trung
Quốc cũng sẽ trở nên tàn nhẫn như cách Mỹ trở nên tàn nhẫn khi phù hợp lợi ích
của nó. Tôi biết phần lớn người dân Trung Quốc rất khó tin vào điều này, nhưng
tôi nghĩ đó là sự thật.
Tôi
cũng muốn nói thêm rằng, Trung Quốc không phải là “nước duy trì hiện trạng” ở
Đông Á. Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, lấy lại Đài Loan và thống trị Biển
Hoa Đông, nó trông giống một quốc gia có chương trình nghị sự bành trướng hơn.
Đây chính là điều tôi dự liệu và cũng là điều mà lý thuyết của tôi cho tôi biết
về những gì Trung Quốc có thể sẽ làm. Vậy nên tôi không ngạc nhiên chút nào.
Cạnh
tranh an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ là điều khó tránh khỏi, nhưng không phải là
không thể tránh khỏi chiến tranh
Guancha: Hành động của
Trung Quốc ở Đài Loan và Biển Đông là hoạt động thường tình để bảo vệ chủ quyền.
Logic của những điều ông nói là, ông chưa từng tin Trung Quốc sẽ trỗi dậy hòa
bình, đồng thời cho rằng phải có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, dù cho
Trung Quốc đang cực lực bác bỏ lý thuyết “Bẫy Thucydides” mà các học giả phương
Tây đề xuất.
Ông
cũng nói với Al Jazeera rằng “Các chính trị gia Mỹ không lắng nghe ông.” Nếu họ
không lắng nghe ông, vậy thì có thể coi là Trung Quốc đã may mắn. Tuy nhiên, thực
tế là Mỹ đang đi theo chiến lược của ông và không ngừng kiềm chế Trung Quốc bằng
nhiều cách khác nhau.
Hơn
nữa, Mỹ và các đồng minh châu Á đang tạo ra cục diện căng thẳng về vấn đề Đài
Loan. Chẳng hạn, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (lô vũ khí mới nhất trị giá 1,988 tỷ
USD) và có kế hoạch triển khai trên đảo Nhật Bản tên lửa nhắm vào
Trung Quốc đại lục.
Vì
vậy, nếu chiến tranh thực sự nổ ra vào một ngày nào đó, lý thuyết “cuộc chiến tất
yếu” của ông có lẽ sẽ trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm, với tiền đề là
Mỹ vượt qua lằn ranh đỏ trong vấn đề Đài Loan. Vậy “cuộc chiến tất yếu giữa Mỹ
và Trung Quốc” trong mường tượng của ông là gì? Chiến tranh hạt nhân? Thế chiến
thứ ba?
John
Mearsheimer: Tôi
đã biểu đạt rất rõ rằng, tôi chưa từng có chủ trương chiến tranh giữa Mỹ và
Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Nhưng kể từ khi Trung Quốc trỗi dậy, cạnh
tranh an ninh khốc liệt đã trở thành điều không thể tránh khỏi. Do đó, cuộc cạnh
tranh an ninh gay gắt và nguy hiểm này có khả năng dẫn đến chiến tranh.
Trong
Chiến tranh Lạnh, giữa Mỹ và Liên Xô cũng từng có một cuộc cạnh tranh an ninh
khốc liệt. Thật may mắn, đã không có cuộc chiến tranh nóng nào nổ ra giữa hai
siêu cường đó. Chúng tôi hy vọng rằng chiến tranh cũng sẽ không nổ ra khi cuộc
cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Hiện
nay, các ông nói rằng Mỹ đang theo đuổi chính sách của tôi, đó là kiềm chế
Trung Quốc. Tôi cho rằng điều này không sai. Nhưng người Trung Quốc về cơ bản
cũng đang theo đuổi chính sách của tôi. Tôi nghĩ người Trung Quốc quyết tâm thống
trị châu Á và họ có lý do để làm vậy.
Nếu
tôi là Trung Quốc, tôi sẽ muốn thống trị Biển Đông. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi
sẽ muốn lấy lại Đài Loan. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ muốn thống trị Biển Hoa
Đông. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ muốn đuổi Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất rồi
sau đó là chuỗi đảo thứ hai. Vì vậy, tôi cho rằng mọi điều Trung Quốc làm nhìn
chung đều phù hợp với lý thuyết của tôi và điều này cũng đúng với Mỹ. Đây là lý
do tại sao từ rất lâu trước đây, tôi đã cho rằng Trung Quốc không thể trỗi dậy
hòa bình.
Vấn
đề cuối cùng bày ra trước mắt chúng ta lúc này là Đài Loan. Tôi cho rằng vấn đề
Đài Loan là một vấn đề vô cùng nan giải trong thời gian tới. Ở đây, tôi muốn nhấn
mạnh cụm từ “tôi cho rằng”. Tôi không chắc về điều đó, nhưng tôi cho rằng chúng
ta khó có thể xảy ra chiến tranh vì vấn đề Đài Loan trong tương lai gần và tôi
hy vọng mình đúng. So với vấn đề Đài Loan, tình hình Biển Đông khiến tôi lo lắng
hơn, và Trung Quốc có nhiều khả năng xảy ra xung đột hoặc chiến tranh về vấn đề
Biển Đông hơn.
Vậy
tình hình Đài Loan hiện ra sao? Từ góc độ của Trung Quốc đại lục, việc lấy lại
Đài Loan không chỉ xuất phát từ lý do chiến lược mà còn bởi Đài Loan là phần
lãnh thổ thiêng liêng mà người Trung Quốc luôn muốn giành lại. Mặt khác, người
Mỹ không muốn Trung Quốc đại lục kiểm soát Đài Loan vì lý do chiến lược, bởi
Đài Loan là tài sản chiến lược vô cùng quan trọng đối với Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ nỗ lực
hết sức để ngăn Trung Quốc đại lục giành lại Đài Loan, điều này sẽ trở thành
nguồn gốc xích mích giữa hai nước.
Bởi
vậy, điều tôi muốn nói với ông là, không thể coi nhẹ những rắc rối tiềm tàng
trong vấn đề Đài Loan, nhưng tôi cho rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc chiến
trong tương lai gần. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc đại lục khó có thể giành lại
Đài Loan, nhất là khi Mỹ gần như chắc chắn sẽ hỗ trợ Đài Loan.
Một
trong những vấn đề chủ yếu là, để tới được Đài Loan, Trung Quốc đại lục sẽ phải
vượt qua eo biển Đài Loan và tiến hành chiến dịch đổ bộ, mà chiến dịch đổ bộ là
một trong những hoạt động quân sự khó khăn nhất có thể tưởng tượng được. Do vậy,
nếu Trung Quốc đại lục phát động cuộc tấn công eo biển Đài Loan trong bối cảnh
Mỹ giúp đỡ Đài Loan thì khó có thể thành công và khó có thể giành chiến thắng về
mặt quân sự.
Tôi
cho rằng, xét đến những khó khăn sẽ gặp phải trong việc giành lại Đài Loan,
Trung Quốc đại lục sẽ đưa ra kết luận rằng hiện giờ không phải là lúc lấy lại
Đài Loan. Tốt hơn hết là đợi cho đến khi Trung Quốc đại lục hùng mạnh hơn và khả
thi hơn về mặt quân sự thì mới hành động.
Các
ông đặt ra câu hỏi cuối cùng rằng liệu chiến tranh Đài Loan có leo thang thành
chiến tranh hạt nhân hay không. Đáp án là, chúng ta không biết, chúng ta không
cách nào biết được. Bởi vì trước hết, chúng ta chưa có kinh nghiệm về việc hai
quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân giao chiến với nhau. Chúng ta không có nhiều hiểu
biết về sự leo thang hạt nhân trong các cục diện như chiến tranh Đài Loan, vậy
nên thật khó để xác định điều gì sẽ xảy ra.
Tuy
nhiên, các ông có thể tưởng tượng, và tôi phải nhấn mạnh rằng ở đây tôi chỉ nói
“tưởng tượng”. Các ông có thể tưởng tượng về một kịch bản mà trong đó Trung Quốc
hoặc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu có một chiến tranh nổ ra vì vấn đề Đài
Loan và Trung Quốc ở vào thế bất lợi còn Mỹ chiếm thế thượng phong, Trung Quốc
đại lục có thể sẽ rất sợ hãi và chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân để đảo ngược
tình thế, khi nước này xét thấy chiến tranh đang diễn ra ngay trước ngưỡng cửa
và ngay trên biên giới của mình. Đồng thời, các ông cũng có thể tưởng tượng ra
cảnh tượng rằng nếu Mỹ ở vào thế bất lợi thì trong chiến tranh Đài Loan, Trung
Quốc đại lục sẽ giáng một đòn chí mạng vào nước Mỹ. Tôi không nói điều đó có
nhiều khả năng xảy ra, nhưng các ông có thể tưởng tượng về việc Mỹ sử dụng vũ
khí hạt nhân.
Một
điểm mà tôi muốn nói rõ là, việc cho rằng cả hai bên có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt
nhân là một quan điểm hợp lý là bởi phần lớn cuộc chiến sẽ diễn ra trên mặt nước,
thay vì trên đất liền. Sẽ dễ hình dung việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong kịch
bản chiến tranh ở Đài Loan hơn là trong kịch bản chiến tranh ở Ukraine, Tây Âu
hay Trung Quốc. Thật khó để tưởng tượng việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi chiến
tranh diễn ra ở một khu vực đông dân cư. Và khi cuộc chiến diễn ra trên một hòn
đảo với nước bao quanh, người ta có thể tưởng tượng đến việc một bên cho nổ một,
hai hoặc ba vũ khí hạt nhân.
Vì
vậy, tôi rất lo ngại rằng nếu giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra một cuộc chiến vì vấn
đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông hay vấn đề Biển Hoa Đông, có khả năng một bên sẽ
sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta phải làm mọi thứ có thể để
đảm bảo chiến tranh sẽ không xảy ra. Và nếu khủng hoảng nổ ra, hai bên phải giữ
bình tĩnh và xử lý như cách Khrushchev và Kennedy đã làm trong Cuộc khủng hoảng
tên lửa Cuba, nhằm tránh leo thang thành một cuộc chiến tranh nhiệt hạch.
*
Guancha: Nếu đúng như lời
ông nói thì nỗi lo của chúng tôi sẽ vơi bớt. Ông đã có một cuộc tranh luận nổi
tiếng với Jeffrey Sachs vào tháng 9. Jeffrey Sachs tin rằng Trung Quốc không phải
một mối đe dọa, ông ấy nói chiến tranh hạt nhân là vô cùng nguy hiểm. Ông nói:
“Tôi đồng ý với ông từ tận đáy lòng, nhưng trí óc tôi không hoàn toàn đồng tình
với ông.” Bởi vậy, tôi tưởng rằng ông mong đợi chiến tranh hay một điều tồi tệ
tương tự sẽ xảy ra.
Từ
góc độ của Trung Quốc, chúng tôi chưa từng mong đợi chiến tranh. Nhưng nếu một
cuộc chiến thực sự nổ ra, như lời ông nói rằng đó là điều không thể tránh khỏi,
thì chắc chắn rằng Mỹ và các đồng minh đã chạm đến lằn ranh đỏ trong các vấn đề
như vấn đề Đài Loan và tranh chấp Biển Đông.
John
Mearsheimer: Cuối
cùng, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng tôi không hề cho rằng chiến tranh là không thể
tránh khỏi. Tôi cho rằng cạnh tranh về an ninh, đặc biệt là cạnh tranh khốc liệt
về an ninh là điều không thể tránh khỏi. Đây là điều mà Jeffrey Sachs và tôi
không cùng quan điểm. Jeffrey cho rằng chúng ta không nhất định sẽ rơi vào cạnh
tranh an ninh và có thể tránh được cạnh tranh an ninh, trong khi tôi cho rằng cạnh
tranh an ninh là điều tất yếu.
Chúng
ta hãy cùng hy vọng rằng trong các cuộc khủng hoảng ở tương lai, các nhà hoạch
định chính sách của Bắc Kinh và Washington có thể giữ được bình tĩnh và đảm bảo
rằng cạnh tranh an ninh sẽ không leo thang thành chiến tranh giữa hai nước. Cảm
ơn các ông rất nhiều vì lời mời.
----------------
John Mearsheimer cảnh báo phương Tây: “NATO chơi với lửa nên bị bỏng”
Nguồn:
“Der Westen hat nicht verstanden, dass Putin nach anderen Regeln spielt”, WELT,
30/01/2022. Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Xung
đột Ukraine đang leo thang một cách nguy hiểm. Chuyên gia John Mearsheimer nói
rằng nguyên nhân chủ yếu là do phương Tây đã hiểu sai lợi ích của Nga. Trả lời
phỏng vấn, nhà … Continue reading John Mearsheimer cảnh báo phương Tây: “NATO
chơi với lửa nên bị bỏng”
No comments:
Post a Comment