Monday, January 6, 2025

LỢI ÍCH & RỦI RO THỰC SỰ ĐẰNG SAU CUỘC ĐUA AI (Reva Goujon   -   Foreign Affairs)

 



Lợi ích và rủi ro thực sự đằng sau cuộc đua AI

Reva Goujon   -   Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

03/01/2025

https://nghiencuuquocte.org/2025/01/03/loi-ich-va-rui-ro-thuc-su-dang-sau-cuoc-dua-ai/

 

Mỹ, Trung Quốc, và các cường quốc tầm trung sẽ được gì và mất gì?

 

Cảm giác rằng cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu đang trở thành một trò chơi có tổng bằng không, và rằng phần còn lại của thế kỷ 21 sẽ được định hình theo hình ảnh của người chiến thắng, đang lan rộng khắp Washington, Bắc Kinh, và các phòng họp trên toàn thế giới. Nỗi lo này đã nuôi dưỡng các chính sách công nghiệp đầy tham vọng, cũng như các quy định phòng ngừa, và các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, trong lúc các chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân chạy đua để giành bá quyền về trí tuệ nhân tạo, không ai trong số họ có một tầm nhìn rõ ràng về việc “chiến thắng” sẽ trông như thế nào, hoặc lợi nhuận địa chính trị mà các khoản đầu tư của họ sẽ mang lại là gì.

 

Có nhiều thứ đang bị đe dọa hơn là khả năng thống trị về điện toán; cuộc cạnh tranh giành bá quyền AI giữa Mỹ, Trung Quốc, các cường quốc tầm trung, và các công ty công nghệ hàng đầu về cơ bản là một cuộc cạnh tranh xem tầm nhìn của ai về trật tự thế giới sẽ thống trị. Đối với Mỹ, AI là một biên giới mới – nơi họ phải duy trì sự thống trị công nghệ toàn cầu của mình. Nhưng khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ triển khai một “kho vũ khí” quy định để làm tê liệt sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và duy trì vị thế dẫn đầu, Trung Quốc đã tìm cách huy động sức mạnh của nhà nước để thu hẹp khoảng cách. Đồng thời, các cường quốc tầm trung đang cố gắng tránh nằm dưới cái bóng của bất kỳ siêu cường nào, cùng với các công ty công nghệ chuyên tâm phổ biến công nghệ toàn cầu thông qua các thị trường mở, tất cả đều nhận thấy rằng sự phát triển của AI đang mở đường cho một thế giới đa cực.

 

Các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ và phản ứng leo thang của Trung Quốc đang tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết: khi người Mỹ, với quyết tâm bảo vệ vị thế thống trị công nghệ, sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn để kìm hãm sự phát triển AI của Trung Quốc, thì một Trung Quốc bị dồn vào chân tường sẽ săn lùng đòn bẩy chống lại Mỹ, bao gồm ở cả các điểm nóng an ninh như Eo biển Đài Loan. Trong khi đó, các cường quốc tầm trung và các công ty công nghệ sẽ nỗ lực xây dựng các hệ thống và ứng dụng AI bên ngoài ranh giới của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường – cả hai nhóm này đều muốn khẳng định vị thế đối với trật tự công nghệ mới, bất chấp nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến. Khi cuộc đua AI toàn cầu dần nóng lên, những vụ đánh cược với rủi ro cao của các ông lớn công nghệ và các cường quốc thế giới có nguy cơ dẫn đến bùng nổ xung đột địa chính trị.

 

BẢO VỆ VỊ TRÍ DẪN ĐẦU

 

Mỹ đang xây dựng chiến lược AI của mình dựa trên giả định rằng họ có thể duy trì bá quyền cả về mặt tấn công, thông qua tốc độ đổi mới công nghệ vượt xa phần còn lại của thế giới, và về mặt phòng thủ, thông qua các biện pháp kiểm soát công nghệ sâu rộng nhằm làm tê liệt Trung Quốc, đối thủ địa chính trị lớn nhất của họ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư đã được thiết kế để cắt đứt dòng chảy hàng hóa, vốn, và bí quyết công nghệ đến Bắc Kinh. Chiến lược của Washington cho rằng Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái kinh tế theo cấu trúc, vì cách tiếp cận theo chủ nghĩa nhà nước của họ kìm hãm tinh thần của một nền kinh tế đang phải vâng phục Đảng Cộng sản và Tổng bí thư Tập Cận Bình.

 

Chiến lược của Mỹ cũng đặt cược rất lớn vào tính phổ biến và khả năng cạnh tranh của công nghệ Mỹ. Washington đang đặt cược rằng: những đối tác vẫn đang chống lại việc liên kết với chiến lược bảo hộ của Mỹ cuối cùng sẽ chọn gắn bó với công nghệ Mỹ và lời hứa về sự đổi mới AI của phương Tây, thay vì đánh cược vào việc Trung Quốc thu hẹp khoảng cách và có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Rốt cuộc thì, công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ vẫn đang thống trị mọi cấp độ của ngành công nghiệp AI. Các công cụ tăng tốc AI của Nvidia đang tăng sức mạnh tính toán theo cấp số nhân, thúc đẩy cuộc cách mạng AI; các nhà cung cấp dịch vụ đám mây của Mỹ, chẳng hạn như Amazon Web Services, Microsoft Azure, và Google Cloud Platform, đang phân phối các tài nguyên điện toán khổng lồ và cơ sở hạ tầng đám mây; và các công ty như Google, Meta, OpenAI, Anthropic, và xAI đang phát triển các mô hình AI nền tảng mà các công ty trên toàn thế giới sẽ dựa vào để tinh chỉnh các ứng dụng AI của họ.

 

Mỹ nắm giữ một đòn bẩy độc đáo trong giai đoạn đầu này của quá trình phát triển AI. Các mô hình AI quy mô lớn, đặc biệt là AI tạo sinh – AI sử dụng các mẫu học được từ dữ liệu hiện có để tạo ra nội dung mới – đòi hỏi sức mạnh tính toán khổng lồ và lượng dữ liệu khổng lồ, vốn là những nguồn lực mà ít có công ty nào bên ngoài nước Mỹ sở hữu. Việc Mỹ dẫn đầu trong ngành này không phải là ngẫu nhiên; họ đã thu hút hơn 328 tỷ đô la đầu tư trong năm năm qua để thúc đẩy phát triển AI, và nuôi dưỡng một nền văn hóa trong đó việc chấp nhận rủi ro sẽ được khen thưởng. Dựa trên bộ chính sách công nghiệp của chính quyền Biden nhằm mở rộng sản xuất chip trong nước, chính quyền Trump sắp tới đã chào hàng một “Dự án Manhattan dành cho AI” để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp AI do Mỹ lãnh đạo.

 

Tuy nhiên, bá quyền công nghệ của Mỹ không phải là bất khả xâm phạm. Sự phát triển và phổ biến công nghệ AI có thể làm giảm bớt lợi thế hiện tại của Mỹ. Cho đến nay, quá trình phát triển AI tạo sinh phần lớn tập trung vào việc xây dựng sức mạnh tính toán, dữ liệu, và năng lượng cần thiết để đào tạo các mô hình AI quy mô lớn, trong đó việc tiếp cận các chip tiên tiến nhất thế giới là rất quan trọng. Sự thống trị của Mỹ trong việc sản xuất các chip này thông qua các công ty như Nvidia và AMD đã cho phép chính phủ Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để hạn chế nghiêm ngặt quyền tiếp cận chip đó. Mỹ đang cố gắng cản trở sự phát triển AI trong nước của Trung Quốc, cụ thể là bằng cách cắt nguồn cung chip cao cấp, cũng như thiết bị và linh kiện cần thiết để sản xuất các node bán dẫn tiên tiến.

 

Nhưng Washington lại đang thấy mình ở trong giai đoạn khó xử của chiến lược này. Bất chấp một loạt các biện pháp kiểm soát chip do Mỹ đề xướng, HiSilicon của Huawei và SMIC – lần lượt là nhà thiết kế và sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, những tập đoàn dẫn đầu nỗ lực tự lực cánh sinh của nước này – đang sản xuất các bộ tăng tốc AI hiệu suất cao được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu, chẳng hạn như bộ xử lý Ascend 910C, với khả năng gần bằng chip H100 và A100 của Nvidia. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Trung Quốc vẫn còn kém hiệu quả hơn nhiều so với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công ty sử dụng công nghệ sản xuất tối tân nhất để sản xuất chip tiên tiến.

 

Các kỹ sư Trung Quốc đang được nhà nước cung cấp nguồn lực để đổi mới và thoát khỏi những hạn chế do Mỹ áp đặt đối với sản xuất chip. Phát triển AI đang chuyển hướng từ việc tối đa hóa sức mạnh tính toán để đào tạo các mô hình quy mô lớn, sang tối ưu hóa để có được các mô hình được đào tạo trước nhằm đưa ra các phản hồi phức tạp hơn cho các truy vấn. Nvidia và các công ty hàng đầu khác hiện đang tập trung ít hơn vào việc thu nhỏ các transistor ở cấp độ nguyên tử, và nhiều hơn vào việc tăng hiệu suất trên toàn bộ hệ thống AI, từ thiết kế của chính các con chip đến các hệ thống làm mát được sử dụng để tích hợp phần cứng trong các trung tâm dữ liệu. Khi vòng kiểm soát chip đầu tiên được triển khai vào tháng 10/2022, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng việc thu nhỏ node xử lý là điểm yếu cơ bản giúp “đóng băng tại chỗ” sản xuất chip của Trung Quốc. Nhưng với việc Huawei dẫn đầu các nỗ lực tự lực cánh sinh, Trung Quốc đã chứng minh rằng họ vẫn có khả năng kỹ thuật, nhân lực, và sự kiên trì tuyệt đối để theo kịp những tiến bộ của ngành trong việc tối ưu hóa hiệu suất.

 

Quan ngại về khả năng của Mỹ trong việc tạo ra lợi thế đủ lớn so với Trung Quốc trong phát triển AI sẽ dẫn đến các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, ít kiên nhẫn hơn đối với các đối tác không điều chỉnh chính sách của họ theo các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, và áp dụng nhanh hơn các biện pháp bên ngoài lãnh thổ. Vào tháng 12, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một gói biện pháp kiểm soát chất bán dẫn minh họa cho cách tiếp cận này, sử dụng các hạn chế sâu rộng để buộc các đối tác phải điều chỉnh và hạn chế sản xuất của Trung Quốc. Nhưng nếu các công ty Trung Quốc vẫn có thể mở rộng quy mô sức mạnh tính toán của họ, và vẫn còn lỗ hổng trong việc điều chỉnh kiểm soát chip của các đối tác, thì Washington có thể sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt đánh chặn đối với Huawei và mở rộng các hạn chế thương mại để bao gồm các nhà vô địch công nghệ AI của Trung Quốc. Đòn giáng tiềm tàng vào nền kinh tế Trung Quốc và tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh sẽ làm tăng thêm rủi ro của cuộc chiến AI và chip.

 

ĐUỔI BẮT

 

Trung Quốc tin rằng họ ngang hàng về mặt địa chính trị với Mỹ trong một thế giới lưỡng cực. Đối với Bắc Kinh, phát triển AI vừa là con đường duy trì sự ngang bằng với Washington, vừa là liều thuốc giải cho những thách thức kinh tế trong nước. Trung Quốc sở hữu sức mạnh nội tại: quy mô dân số và các ngành công nghiệp khổng lồ của nước này mang lại cho họ một nguồn dữ liệu khổng lồ để khai thác trong việc đào tạo các mô hình AI và cơ hội tiên phong trong các ứng dụng AI cho sản xuất. Một phần nhờ vào lực lượng nhân viên đông đảo sẵn sàng làm việc nhiều giờ, các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Baidu, DeepSeek AI, Huawei, và Tencent có khả năng cạnh tranh với các đối thủ Mỹ trong lĩnh vực phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và cơ sở hạ tầng đám mây. Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc tối ưu hóa sản xuất điện cho các trung tâm dữ liệu; nước này hiện là nhà phát triển sản xuất năng lượng nhanh nhất thế giới. Bắc Kinh đang đặt cược rằng nguồn tài trợ nhà nước dồi dào cho các ngành công nghiệp sử dụng AI sẽ mang lại kết quả, đặc biệt là nếu việc kiểm soát thương mại và công nghệ quá mức khiến các đối tác xa lánh Mỹ, đẩy họ vào vòng tay của Trung Quốc và mở ra thị trường mới cho công nghệ Trung Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, chiến lược này là hy vọng tốt nhất (và duy nhất) của nước này để ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế gần đây và tránh phụ thuộc vào Mỹ.

 

Nhưng Trung Quốc cũng phải đối mặt với những điểm yếu đáng kể, đáng chú ý nhất là khả năng phát triển phần cứng AI cần thiết để theo kịp Mỹ. Trong lúc các nhà công nghệ Mỹ tạo ra các chip AI và mô hình AI năng động ngày càng hiệu quả hơn, các xưởng đúc hàng đầu của Trung Quốc lại phải dành phần lớn nguồn lực chỉ để duy trì khả năng sản xuất chip của họ vì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận của họ đối với các thành phần chính. Nguồn lực bị chuyển hướng này sẽ khiến việc theo kịp tốc đọ đổi mới của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Các nhà phát triển AI của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức kép là tìm kiếm đột phá trong bối cảnh bị các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ kìm hãm, đồng thời tuân thủ nhiệm vụ mơ hồ của Đảng Cộng sản rằng các mô hình AI phải “duy trì các giá trị xã hội chủ nghĩa.”

 

Cho đến nay, các biện pháp kiểm soát chip do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa phải là không thể xuyên thủng, nhưng các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn từ Mỹ có thể làm giảm khả năng của các nhà sản xuất công cụ, nhà thiết kế chip, và xưởng đúc nước ngoài trong việc duy trì chỗ đứng trên thị trường chip của Trung Quốc. Nếu Mỹ dựa vào đà “cắt giảm rủi ro” hiện tại và phối hợp hiệu quả với các đối tác, Trung Quốc có thể thấy mình bị loại khỏi các khối công nghệ và thương mại mới nổi do Mỹ dẫn đầu, nơi quyền tiếp cận dữ liệu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng chỉ dành cho các quốc gia có cùng chí hướng. Bất kỳ sự tái tổ chức tiềm năng nào của các khối thương mại đều sẽ là thảm họa đối với khả năng mở rộng ra thị trường nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm các gã khổng lồ công nghệ của nước này đang dựa vào tăng trưởng ở nước ngoài để bù đắp cho sự suy giảm về mặt cấu trúc của nền kinh tế trong nước.

 

Nếu Trung Quốc phải vật lộn để theo kịp tốc độ phát triển chip, và Bắc Kinh lo ngại rằng điều này sẽ khiến họ tụt hậu hơn nữa so với Mỹ trong cuộc đua AI, thì nhà nước có thể chỉ đạo các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc tập trung hóa và mở rộng quy mô các nguồn lực điện toán của họ. Nhưng một bước đi như vậy sẽ khiến Trung Quốc phải chịu sự kiểm soát công nghệ của Mỹ nhiều hơn. Hiện tại, HiSilicon của Huawei là nhà thiết kế chip AI hàng đầu của đất nước. Nhưng Huawei cũng là công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt nặng nề nhất. Chip của Huawei được sản xuất bởi SMIC, một xưởng đúc do nhà nước Trung Quốc sở hữu; và giống như Huawei, SMIC hiện phải tuân theo các hạn chế về quy định sản phẩm trực tiếp nước ngoài của Mỹ. Những hạn chế này được thiết kế để ngăn chặn các thành phần từ bất kỳ quốc gia nào đến các nhà máy của SMIC, nơi đang sản xuất các chip tiên tiến. Nếu chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các nhà phát triển mô hình AI trên cả nước tập hợp các nguồn lực của họ để hỗ trợ quá trình phát triển AI của nhà nước, thì họ cũng sẽ trở thành mục tiêu chính cho các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ, theo đó làm suy yếu nỗ lực mở rộng thị phần của họ ra bên ngoài Trung Quốc. Mỹ đã mở rộng các danh mục kiểm soát xuất khẩu để bao gồm cả vùng xám là các công ty tham gia vào các hoạt động “hỗ trợ” quân sự. Lý do biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn đã được đưa vào các quy định của Mỹ và chỉ chờ được triển khai.

 

TẤM VÉ VÀNG?

 

Các cường quốc tầm trung và lãnh đạo các công ty công nghệ lớn lại có một góc nhìn khác về cuộc cạnh tranh AI toàn cầu. Nhiều người trong số họ xem sự lan tỏa của công nghệ là cơ hội cho một kỷ nguyên đa cực mới. Với việc Mỹ và Trung Quốc bị mắc kẹt trong cuộc đua giành bá quyền AI, các quốc gia như Pháp, Ả Rập Saudi, Singapore, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bắt đầu xây dựng các hệ thống AI có chủ quyền tận dụng thế mạnh quốc gia của họ: kiểm soát quyền truy cập dữ liệu, có hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế tương ứng của họ, và có chuyên môn về ngôn ngữ và văn hóa tương ứng của họ để giảm thiểu thiên kiến. Ví dụ, UAE nhiều khả năng sẽ triển khai tới 100 tỷ đô la trong vài năm tới như một phần trong mục tiêu trở thành một quốc gia dẫn đầu về AI trên toàn cầu vào năm 2031. Những lợi ích này phản ánh sự lo lắng về địa vị của các cường quốc tầm trung, cũng như sự thừa nhận của họ về cơ hội tạo ra chỗ đứng cho riêng mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Nhà sáng lập Nvidia, Jensen Huang, đã nhanh chóng nhận ra sự pha trộn giữa lo lắng và khát vọng ở các cường quốc tầm trung. Ông đã đi khắp Canada, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và Việt Nam, truyền tải cùng một thông điệp hấp dẫn: mỗi quốc gia cần có AI có chủ quyền riêng để phản ánh ngôn ngữ, văn hóa, và tham vọng của mình. Trong khi đó, Meta đã áp dụng mã nguồn mở cho mô hình ngôn ngữ lớn Llama của mình, chia sẻ bản thiết kế xây dựng mô hình với toàn thế giới. Mã nguồn mở giúp công nghệ dễ dàng lan tỏa qua biên giới hơn. Nó cũng có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của các đối thủ với mô hình đóng của Meta, bao gồm GPT của OpenAI, Claude của Anthropic, và Gemini của Google. Không giống như các đối thủ cạnh tranh, những người đã dựng lên những bức tường độc quyền xung quanh công nghệ của họ để bảo vệ sự đổi mới của họ, những công ty ủng hộ nguồn mở như Meta hy vọng một hệ sinh thái mở rộng của các nhà phát triển sẽ khuyến khích việc áp dụng rộng rãi và đổi mới trên nền tảng của riêng họ.

 

Tuy nhiên, đối với hầu hết các quốc gia, việc đạt được chủ quyền AI phức tạp hơn những gì các nhà lãnh đạo công nghệ hình dung. Các cường quốc tầm trung có thể xây dựng cơ sở hạ tầng AI, nhưng họ có lẽ sẽ làm vậy với các chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng đám mây của Mỹ, cũng như sự phụ thuộc lớn vào tài năng của Mỹ và các mô hình nền tảng AI có nguồn gốc từ Mỹ. Sự phổ biến của công nghệ Mỹ cho phép Washington áp đặt điều kiện lên các đối tác, chẳng hạn như loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ, và ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các hệ thống AI do Mỹ xây dựng, với lý do các công ty Trung Quốc gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia.

 

Việc tìm ra mức độ quản lý AI tối ưu cũng sẽ là một thách thức. Nhiều nhà lãnh đạo công nghệ thích có những quy định nhẹ nhàng về AI, để mở đường cho ngành công nghiệp tư nhân đổi mới mà không bị sa lầy vào các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng lời kêu gọi của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên của chính phủ Mỹ nhằm áp đặt các hạn chế ngăn chặn Trung Quốc và các quốc gia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc. Ví dụ, các mô hình kinh doanh nguồn mở khiến các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến bảo mật lo ngại rằng quyền truy cập không hạn chế có thể cho phép đối thủ dễ dàng phát triển hoặc khai thác công nghệ nhạy cảm hơn. Trong khi đó, các cường quốc tầm trung không có cơ sở công nghệ trong nước mạnh sẽ cố gắng khẳng định sự liên quan của họ bằng cách thông qua các quy định tạo ra tiêu chuẩn toàn cầu trên thực tế cho phát triển AI. Hồi tháng 8, Đạo luật AI của EU đã chính thức có hiệu lực với tư cách là luật AI toàn diện đầu tiên trên thế giới. Đạo luật này đã vấp phải sự chỉ trích đáng kể, bao gồm cả từ cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi, người đã cảnh báo rằng “cách tiếp cận thận trọng” của luật đối với quy định sẽ gây tác hại nặng nề, và khuyên rằng cần phải bãi bỏ quy định ngay lập tức để “thu hẹp khoảng cách đổi mới với Mỹ và Trung Quốc.”

 

NHỮNG CON CHIP TRÊN BÀN

 

Kh những quan điểm khác nhau về trật tự thế giới đối đầu, các đối thủ cạnh tranh sẽ làm mọi cách để giành lợi thế. Và những hậu quả không mong muốn sẽ theo sau. Các cơ quan quản lý của Mỹ có thể quá nhiệt tình với việc thắt chặt kiểm soát. Chẳng hạn, nếu Washington theo đuổi hạn ngạch được đề xuất về số lượng chip AI do Mỹ sản xuất mà các quốc gia khác có thể mua được, điều này có thể làm suy yếu đòn bẩy của họ trong việc tạo ra sự phụ thuộc chiến lược đối với công nghệ của Mỹ tại các thị trường đang phát triển nhanh. Các quan chức Mỹ cũng có thể đang đánh giá thấp động lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Vì quá tự tin vào hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, họ có thể xem sự kém hiệu quả trong sản xuất chip của SMIC là bằng chứng cho thấy chính sách của họ thành công. Nhưng cùng lúc đó, các nhà cung cấp trong nước của Trung Quốc đang đạt được những bước tiến với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước và các nhà phát triển mô hình nền tảng của Trung Quốc như DeepSeekAI và Alibaba đã tập hợp đủ sức mạnh tính toán cao cấp để cạnh tranh với các đối tác Mỹ.

 

Nếu Washington tin rằng khoảng cách công nghệ AI giữa hai siêu cường đang thu hẹp, họ sẽ thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn. Điều này có thể sẽ bao gồm việc áp đặt lệnh trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với Huawei và các hạn chế hà khắc hơn đối với các nhà vô địch công nghệ AI của Trung Quốc. Nếu các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bị từ chối tiếp cận thị trường nước ngoài khi mô hình kinh tế nhà nước của họ đang chao đảo trong nước, một Bắc Kinh bị dồn vào chân tường có thể sẽ cho các động thái của Mỹ là mối đe dọa sống còn, tạo ra các điều kiện để cuộc chiến công nghệ lan sang lĩnh vực an ninh.

 

Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể phản ứng với các hạn chế thương mại gia tăng bằng các động thái leo thang trong lĩnh vực khác. Giả sử rằng Washington sẽ cố gắng tránh chiến tranh trực tiếp, Bắc Kinh có thể thử thách giới hạn của đối thủ bằng các động thái vùng xám nghiêm trọng hơn ở Eo biển Đài Loan. Ví dụ, Trung Quốc có thể thiết lập lệnh kiểm dịch hải quan, thực sự khẳng định quyền của đại lục đối với các cảng nhập cảnh của Đài Loan và thách thức chủ quyền chính trị của Đài Loan. Một bước đi như vậy sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với tương lai của chuỗi cung ứng chất bán dẫn khi tài sản và đầu tư rời khỏi Đài Loan, mà còn đối với cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Hiện tại, sự lạc quan không kiềm chế của các nhà công nghệ sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng AI tiến lên, với hy vọng rằng sự lan truyền của công nghệ sẽ biến đổi nhân loại. Đồng thời, sự lo lắng của các nhà hoạch định chính sách, những người luôn thấy rủi ro kinh tế và an ninh rình rập ở mọi ngóc ngách, sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực định hướng cuộc cạnh tranh AI dựa trên các mục tiêu địa chính trị có tổng bằng không. Tất cả mọi người đều nhận ra rằng quyền lực sẽ thuộc về người nắm giữ chìa khóa phát triển và triển khai AI. Khi các quốc gia và các gã khổng lồ công nghệ tranh giành vị thế, cơn bão địa chính trị xảy ra sau đó có thể làm lu mờ tiềm năng biến đổi của công nghệ.

 

----------------------------------------------------

Reva Goujon là Giám đốc của Rhodium Group.

 

Nguồn: Reva Goujon, “The Real Stakes of the AI Race,” Foreign Affairs, 27/12/2024






No comments: