Tuesday, January 7, 2025

BÁN TIN VI PHẠM GIAO THÔNG CHO CÔNG AN : MỘT HÌNH THỨC ĐẤU TỐ? (Diễm Thi | RFA)

 



Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?

Diễm Thi
2025.01.07

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ban-tin-vi-pham-giao-thong-cong-an-nghi-dinh-176-168-dau-to-01072025120933.html

 

Từ đầu năm 2025, cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông cho công an sẽ được nhận tiền lên đến năm triệu đồng một vụ, theo Nghị định 176. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có cơ chế chi tiền để “mua tin” về trật tự an toàn giao thông một cách chính thức trong một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên cả nước.

 

Nghề báo cáo vi phạm giao thông

Từ trước đến nay, công an một số nơi cũng đã kêu gọi người dân cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua đường dây nóng, nhưng việc kêu gọi chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện.

 

Với quy định mới, việc tố giác vi phạm giao thông vì thế không còn được coi là đóng góp vì lợi ích chung của xã hội nữa, mà nó là một “nghề để kiếm tiền”.

 

“Hiện nay tình trạng thất nghiệp ở trong nước rất nhiều. Số tiền thưởng lớn như thế do công an trích lại sẽ tạo ra điều không hay là khuyến khích dân tố cáo lẫn nhau, xoi mói lẫn nhau. Người dân sẽ chạy theo mục đích không phải để giúp cho văn hóa giao thông tốt lên, mà nó lại trở thành một nghề để kiếm tiền”, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA.

 

Mục đích của ngành công an

Một cựu sĩ quan công an không muốn nêu tên cho RFA biết, việc ngành công an trả tiền để mua tin vi phạm giao thông có hai mục đích: Thứ nhất là mị dân, cho dân thấy chính phủ dân chủ, dân tố cáo tội phạm thì được thưởng, nhưng thực chất là dân tố nhau. Thứ hai là ăn tiền dân khi vi phạm.

 

“Nghĩa là khi có tin báo vi phạm, nhất là những vi phạm lớn, cảnh sát giao thông sẽ thương lượng với người vi phạm để ăn tiền”, ông giải thích.

 

Chỉ một ngày sau khi Nghị định 176 có hiệu lực, mạng xã hội lan truyền tin “Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”. Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội lên tiếng bác bỏ, gọi đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tinh thần của phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”.

 

Xét về mặt luật pháp, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, có thể đây là cách Bộ Công an hợp thức hóa việc được giữ lại đến 85% tiền phạt đang gây bất bình trong công luận.

 

Tôi thấy rõ ràng họ đang lập ra một quy định để sử dụng số tiền đó. Nhiệm vụ của CSGT là giữ gìn trật tự an toàn giao thông mà lại khuyến khích dân tố giác lẫn nhau gây sự nghi kỵ lẫn nhau; chuyên đi canh me để tố cáo nhau. Tại sao Bộ Công an không sử dụng số tiền đó để hoàn thiện cơ chế về giao thông cũng như hạ tầng cơ sở?

 

Thưởng như vậy tôi thấy họ đã vô tình hoặc cố ý hợp thức hóa việc chi 85% số tiền được giữ lại, hoặc để kiếm thêm bằng cách thương lượng với người bị tố giác”.

 

--------------

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý

Cho dân giám sát CSGT – Tưởng dễ mà lại khó!

--------------

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là người nêu giải pháp mua thông tin từ camera gắn trên các xe làm cơ sở xử phạt vi phạm giao thông để tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe. Theo ông Quang, “bây giờ không chỉ là công an, camera gắn trên đường, mà còn có cả camera trong các phương tiện đi xung quanh thì khả năng vi phạm bị lọt lưới rất thấp...”

 

Ông Quang cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ ai can dự, các đồng chí cứ nói liên lạc, nhắn tin cho tôi và tôi sẽ chịu trách nhiệm, không nghiêm không xong.”

 

 

Tác hại với xã hội

 

Chấp pháp là việc của người có quyền hành, có kỹ năng, nghiệp vụ. Người dân không có trách nhiệm ghi hình những vi phạm rồi “bán” lại cho công an, hoặc được khuyến khích làm việc của công an như thế.

 

Phó Giáo sư Hoàng Dũng cho rằng, việc tố cáo vi phạm giao thông để nhận tiền thưởng như thế sẽ gây ra hậu quả lâu dài về mặt đạo đức.

 

“Cái tác hại là phá hủy giá trị đạo đức trong xã hội. Nó lớn hơn rất nhiều so với cái mà họ nhận được. Họ biến cả xã hội này trở thành những chỉ điểm viên cho lực lượng công an. Toàn dân là những chỉ điểm viên tiềm năng. Cái đó nguy hiểm vô cùng và tôi cho rằng rồi nhiều người dân sẽ không còn thiện ý thúc đẩy cho xã hội tiến bộ mà chỉ tố cáo để kiếm tiền, dù vi phạm không đến mức phải rình rập nhau”.

 

Cũng theo PGS Hoàng Dũng, việc thưởng tiền để nhận tin báo từ người dân chỉ nên dành cho những trọng tội như tội gián điệp, tội phản quốc, chứ tố cáo vi phạm giao thông mà được thưởng tiền thì hành động đó không đáng tự hào mà chỉ nhận lại sự khinh bỉ của những người xung quanh.

 

Việc khuyến khích người dân soi mói lẫn nhau, rình mò lẫn nhau rồi tố giác lẫn nhau là chủ trương, chính sách xuyên suốt của đảng cộng sản Việt Nam từ mấy chục năm qua, trên mọi lĩnh vực trong đời sống của người dân. Họ gọi đó là phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 

Từ sau ngày “cướp chính quyền về tay nhân dân”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập những tổ chức, phong trào có tên gọi “Bảo mật phòng gian”, “Ngũ gia liên bảo”, “Thập gia liên bảo” để chính những người hàng xóm sống gần nhau theo dõi nhau, giám sát nhau rồi báo cáo công an với mục đích được nói là bảo vệ đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng.

 

Nổi bật là cuộc Cải cách ruộng đất bắt đầu từ năm 1949 và chấm dứt vào năm 1956 với chủ trương “đấu tố” giữa những người ruột thịt, những người từng là hàng xóm với nhau. Đấu tố càng nhiều thì được nhận tài sản của địa chủ bị tịch thu chia lại càng lớn. Chính sách này để lại vết thương chưa thể lành cho đến hôm nay.

 

Thậm chí môi trường học đường dành cho trẻ em cũng được tổ chức dưới dạng tương tự, khi học sinh được yêu cầu giám sát và tố cáo lẫn nhau, qua mô hình Sao đỏ.

 

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên từng bị Hiệu trưởng ép nghỉ việc với lý do “có hành vi bất minh, lợi dụng trang mạng xã hội để phát tán thông tin xấu” cho rằng, đội Sao đỏ là một vấn nạn nghiêm trọng trong môi trường giáo dục vì nó tạo cho trẻ em thói quen rình mò, soi mói bạn bè của mình, và nó chỉ xuất hiện dưới mái trường XHCN.

 

“Hồi đầu nó là đội “Cờ đỏ”, sau này nó biến tướng thành “Sao đỏ”. Đội Sao đỏ lập ra để theo dõi các bạn học cùng lớp. Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản, bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu xé nhau…”, cô giáo Xuân Mai nhận định.

 

Dù là Luật hay chỉ là Nghị định được ban hành thì nó phải giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, con người trong xã hội sống nhân ái với nhau hơn, chứ không phải để làm cho những người trong cộng đồng trở thành những con người rình rập nhau, tố cáo nhau chỉ vì đồng tiền, không vì mục đích cao đẹp cho xã hội mà quốc gia nào cũng hướng tới.

 

---------------------------------

Tin, bài liên quan

Thời Sự

 

CSGT không còn phải công khai kế hoạch tuần tra

Công an sao phải mua tin vi phạm giao thông từ dân?

Công an muốn tăng quyền cho CSGT nại lý do người chống đối ngày càng nhiều!

Đề án cải tiến trang phục CSGT: vẽ ra để tiêu tiền?

“Trưng mua, trưng dụng” một thông tư vi hiến?

 

 




No comments: