Sự
trì trệ của kinh tế Trung Quốc đã thay đổi cục diện chiến tranh thương mại
Daniel H. Rosen, Reva Goujon và Logan Wright | Foreign
Affairs
Nguyễn
Kế Thùy Linh, biên dịch
Mỹ hiện
đang chiếm ưu thế, nhưng các mức thuế cao tối đa của Trump vẫn tiềm ẩn nhiều rủi
ro.
Trung
Quốc mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đối mặt vào năm 2025 hoàn toàn khác
so với Trung Quốc mà ông từng gặp vào đầu nhiệm kỳ năm 2017, hoặc thậm chí là
so với quốc gia mà ông đã cùng đàm phán thỏa thuận thương mại vào cuối nhiệm kỳ.
Lần đầu tiên sau hơn bốn thập kỷ, tỷ trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế
toàn cầu đang suy giảm, từ mức cao nhất với 18% GDP toàn cầu vào năm 2021, nay
chỉ còn khoảng 16%.
Tăng
trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại đáng kể từ khi lĩnh vực bất động sản
đi xuống vào năm 2021, cùng với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến
COVID-19, làm gián đoạn hầu hết các hoạt động kinh tế vào năm 2022. Mặc dù nhu
cầu trong nước và tiêu dùng hộ gia đình đã bắt đầu phục hồi sau khi các biện
pháp hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP
chính thức của Trung Quốc vẫn không mấy cải thiện. Hơn nữa, tình trạng mất cân
đối trong cán cân thương mại và sự giảm sút của giá cả trong nước lại cho thấy
nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng hơn so với những gì
các con số GDP thể hiện. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế chủ yếu dựa
vào đầu tư. Quốc gia này chiếm tới 28% tổng đầu tư toàn cầu và đóng góp 35% sản
lượng sản xuất toàn cầu, nhưng chỉ chiếm khoảng 12% tiêu dùng toàn cầu. Điều
này cho thấy nền kinh tế nội địa không đủ mạnh để tiêu thụ hết sản lượng mà
Trung Quốc tạo ra. Để duy trì tăng trưởng, Bắc Kinh buộc phải dựa vào việc xuất
khẩu lượng hàng công nghiệp dư thừa mà thị trường trong nước không thể tiêu thụ.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có thể đạt được lợi thế lớn hơn từ xuất khẩu nếu các
quốc gia khác giảm đầu tư vào sản xuất, hoặc nếu Trung Quốc có thể tăng thị phần
xuất khẩu toàn cầu của mình.
Triển
vọng kinh tế yếu kém này tạo ra những cơ hội mới cho Hoa Kỳ trong việc kiềm chế
Bắc Kinh. Washington có thể tận dụng ảnh hưởng của thị trường tiêu dùng và nguồn
vốn của mình, đưa ra những lựa chọn hấp dẫn hơn cho các đồng minh và đối tác,
thay vì để họ bị áp đảo bởi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Trước mối lo ngại
ngày càng tăng về sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất
toàn cầu, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hiện có thể dễ dàng điều chỉnh
các chính sách của họ, từ thuế quan đến kiểm soát công nghệ, theo định hướng của
Washington, như một phần trong chiến lược “giảm rủi ro” nhằm giảm sự phụ thuộc
của các nền kinh tế phương Tây vào Trung Quốc.
Nếu
chính quyền Trump sắp tới muốn triển khai chiến lược này một cách hiệu quả, họ
sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng kế hoạch thuế quan của mình. Trump đã đề xuất áp
thuế lên đến 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với
hàng hóa từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế cao trên diện rộng
đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có nguy cơ gây ra một chuỗi phản ứng
tiêu cực trong các nền kinh tế phương Tây, bao gồm chi phí gia tăng, nhu cầu sụt
giảm và sự chậm trễ trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một lựa chọn hợp lý
hơn là áp thuế có chọn lọc đối với những ngành quan trọng, nơi xuất khẩu từ
Trung Quốc đang đe dọa tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp phương Tây, đồng
thời kết hợp với chiến lược đầu tư chủ động để xây dựng và mở rộng các chuỗi
cung ứng quan trọng không có sự tham gia của Trung Quốc. Hoa Kỳ và các đối tác
của mình hiện có cơ hội tận dụng động lực này để tái cấu trúc hệ thống thương mại
toàn cầu, phù hợp với các mục tiêu an ninh quốc gia của họ. Dù Washington quyết
định hành động như thế nào, sự gián đoạn kinh tế là điều không thể tránh khỏi,
và Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, phạm vi của
chiến lược thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ quyết định mức độ tổn
hại mà quá trình này có thể gây ra.
Sức
hấp dẫn đang phai nhạt
Nền
kinh tế Trung Quốc ngày nay không còn là cỗ máy tăng trưởng vượt trội như vài
năm trước đây. Kể từ khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản năm 2021, diện
tích sàn xây dựng bất động sản mới hàng năm đã giảm đến 66%. Điều này đã gây ra
hiệu ứng dây chuyền lên các lĩnh vực khác của nền kinh tế, bao gồm thép, xi
măng, nội thất và đồ gia dụng, đồng thời kéo theo sự sụt giảm đáng kể trong chi
tiêu tiêu dùng. Đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương, vốn bị hạn chế
bởi mức nợ cao, cũng đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Những thiệt hại
này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, không chỉ đối với Trung Quốc mà cả các quốc
gia từng dựa vào nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc để xuất khẩu ô tô, hàng hóa, và
dịch vụ. Chính Trung Quốc hiện cũng phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường nước
ngoài để tiêu thụ hàng hóa sản xuất của mình so với trước đây, một thực tế khiến
nước này ngày càng dễ bị tổn thương trước các biện pháp thuế quan và các loại hạn
chế xuất khẩu khác.
Tình
hình kinh tế của Trung Quốc có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì dữ liệu
GDP chính thức thể hiện. Việc báo cáo không nhất quán trong các thống kê kinh tế
từ lâu đã là vấn đề phổ biến ở Trung Quốc, tương tự như ở nhiều quốc gia đang
phát triển khác. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, độ tin cậy đối với các tuyên bố của
Bắc Kinh ngày càng giảm sút. Theo số liệu chính thức, trong giai đoạn các đợt
phong tỏa COVID-19 diễn ra trên toàn quốc, tốc độ tăng trưởng chỉ giảm khoản
2-3 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch, đạt 3% vào năm 2022 và phục hồi mạnh
lên hơn 5% vào năm 2023. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bắc Kinh chưa triển khai
các cải cách cần thiết để đạt được triển vọng tăng trưởng tích cực như vậy. Khả
năng cao là nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm trong năm 2022 và chỉ phục hồi ở
mức rất khiêm tốn vào năm 2023.
Sự
suy giảm kinh tế nghiêm trọng như hiện nay có thể lý giải tại sao Bắc Kinh đã
triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn vào cuối năm 2024. Những
biện pháp này bao gồm việc giảm lãi suất, triển khai chương trình trợ giá “đổi
cũ lấy mới” để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát hành trái phiếu mới nhằm giảm
áp lực nợ công địa phương đối với đầu tư, và cam kết sẽ tăng cường các biện
pháp hỗ trợ như giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công trong năm tới. Giới chức
trách Trung Quốc cũng đã thay đổi lập trường, từ việc khẳng định không có vấn đề
gì với nhu cầu nội địa sang thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu
hụt, đặc biệt trong tiêu dùng hộ gia đình. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nền kinh
tế Trung Quốc từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang tăng trưởng bền vững
nhờ tiêu dùng sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, và các biện pháp hỗ trợ cho hộ
gia đình hiện tại có vẻ chưa đủ để tăng thu nhập và thúc đẩy chi tiêu bền vững.
Trong
những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới,
đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nhằm giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường lớn
như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn chiến lược “đa dạng hóa” này chỉ mang
tính chất đối phó. Trên thực tế, hàng hóa Trung Quốc vẫn thường được chuyển qua
các quốc gia thứ ba trước khi đến tay người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.
Washington đã nhân ra cách thức lách thuế này và có khả năng sẽ áp dụng các biện
pháp hạn chế mạnh hơn trong tương lai, chẳng hạn như cấm nhập khẩu một số loại
sản phẩm cụ thể. Để ứng phó, nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài,
xây dựng nhà máy tại các quốc gia như Mexico và Việt Nam, nhằm xuất khẩu sang Mỹ
mà không bị áp thuế. Tuy nhiên, tính bền vững của giải pháp này vẫn còn là dấu
hỏi lớn, đặc biệt khi Mỹ ngày càng siết chặt các quy định thương mại. Bên cạnh
đó, các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc – vốn chiếm khoảng 30%
giá trị xuất khẩu của quốc gia này, cũng bắt đầu có kế hoạch chuyển sản xuất
sang các nước khác do nhu cầu nội địa suy yếu.
Washington
đang nắm ưu thế trước Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh dẫn đầu về công nghệ trong
các ngành công nghiệp then chốt. Kể từ khi thông qua Đạo luật CHIPS và Đạo luật
Giảm lạm phát vào năm 2022, Mỹ đã tăng cường năng lực công nghệ nội địa và thực
hiện các biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên
tiến của Mỹ. Những biện pháp này bao gồm kiểm soát xuất khẩu, hạn chế chuỗi
cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như áp đặt các quy định mới
đối với đầu tư nước ngoài. Trong nhiệm kỳ trước, chính quyền Trump đã áp dụng
các chính sách mạnh mẽ nhắm vào các công ty viễn thông Trung Quốc nhưng lại thể
hiện lập trường không nhất quán trong việc cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị
trường Trung Quốc thông qua thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một ký năm 2020. Điều
này sẽ khiến các công ty đa quốc gia tin rằng việc tách rời hoàn toàn chuỗi
cung ứng công nghệ Mỹ-Trung là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, với nhiều vòng kiểm
soát xuất khẩu và các quy định hạn chế ngày càng nghiêm ngặt dưới cả hai thời
chính quyền Trump và Biden, các công ty đang buộc phải cân nhắc lại chiến lược
của mình. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc,
tìm kiếm những lựa chọn thay thế an toàn hơn để thích ứng với môi trường chính
sách ngày càng khắc nghiệt.
Một
cuộc chuyển mình đầy thử thách
Sự
chuyển mình này chỉ là một phần trong phản ứng toàn cầu đối với chính sách
thương mại của Trung Quốc. Ngày nay, nhiều quốc gia không cần phải được thuyết
phục bởi các nhà đàm phán của Trump để đồng tình với các sáng kiến giảm thiểu rủi
ro của Mỹ; sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc cùng các lo ngại về an ninh quốc
gia liên quan đến việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc
đã đủ tạo động lực. Chiến lược tăng trưởng của Trung Quốc mang tính đối đầu và
theo kiểu “một mất một còn”: thay vì thúc đẩy toàn cầu, Trung Quốc lại gia tăng
sự cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Các quốc gia có nền công nghiệp phát
triển đang bị đe dọa bởi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các quốc gia
ở Nam bán cầu, vốn đang nỗ lực tăng trưởng kinh tế và gia tăng giá trị gia tăng
trong sản phẩm của mình, cũng có những lý do rõ ràng để hạn chế xuất khẩu từ
Trung Quốc. Lợi ích chung này đơn giản là chưa từng tồn tại trong nhiệm kỳ đầu
của Trump.
Sự
suy giảm kinh tế của Trung Quốc không chỉ khiến thị trường của nước này trở nên
kém hấp dẫn hơn đối với các đối tác thương mại và nhà đầu tư quốc tế, mà còn tạo
ra lý do cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển ở châu
Âu, hợp tác với Mỹ trong việc điều chỉnh chính sách thuế và kiểm soát xuất khẩu
đối với Trung Quốc. Nếu không làm vậy, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung
Quốc có thể khiến các sản phẩm này tràn vào thị trường của họ. Một số quốc gia
trong nhóm G-7 hiện đã bắt đầu cân nhắc áp dụng thuế quan và các biện pháp bảo
vệ chủ động để ngăn chặn sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc
dù những xu hướng này buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng ra
khỏi Trung Quốc, Mỹ và các đối tác của họ vẫn phải đối mặt với một nền kinh tế
toàn cầu ngày càng mất cân đối. Nhà kinh tế Brad Setser đã chỉ ra, các quốc gia
G-7 và các nền kinh tế phát triển khác hiện đang có cán cân thương mại âm khi
xét tổng thể, trong khi Trung Quốc, Nga hay nhiều quốc gia phụ thuộc vào hàng
hóa cơ bản lại thặng dư thương mại. Điều này khiến chiến lược giảm rủi ro do Mỹ
dẫn dắt trở thành một thử thách. Mỹ và các đối tác của mình sẽ cần xây dựng
năng lực sản xuất để có thể giảm nhập khẩu từ các đối thủ địa chính trị của họ.
Việc
các quốc gia G-7 cố gắng thay đổi nhanh chóng cấu trúc kinh tế này bằng cách giảm
mạnh lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ dẫn đến những xáo trộn lớn. Trong ngắn hạn, những
biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến mức sống ở các nền kinh tế phát triển theo cách
có tác động chính trị đáng kể. Các mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ
làm giảm sức cạnh tranh của quốc gia này tại các thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu
không có nguồn cung thay thế, giá cá các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày sẽ tăng, ảnh
hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, cùng với chi phí của các linh kiện
trung gian cho các nhà sản xuất. Kết quả là người dân Mỹ sẽ phải chi trả nhiều
hơn, đẩy lạm phát lên cao, hoặc buộc phải cắt giảm mức chi tiêu của hộ gia
đình.
Quy
mô đóng vai trò quan trọng trong tình huống này. Nếu chính quyền Trump áp dụng
chiến lược cực đoan với mức thuế cao trên diện rộng, điều này có thể làm giảm mạnh
nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, dẫn đến nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế thuộc
nhóm G-7. Các dự án sản xuất mới cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu
tư, khiến các quốc gia này khó khăn hơn trong việc giảm rủi ro chuỗi cung ứng
và đáp ứng nhu cầu của các thị trường phát triển. Ngược lại, nếu mức thuế vừa
phải, chẳng hạn như đề xuất tăng thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, dù
vẫn tốn kém nhưng sẽ ít sự xáo trộn hơn so với các mức thuế cao hơn. Cách tốt
nhất là xây dựng mức thuế dựa trên mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ chiến lược tái cấu
trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì áp dụng thuế trước rồi mới điều chỉnh chiến
lược. Khi thuế tăng, giá cả leo thang và nguồn cung bị gián đoạn, dẫn đến một
giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, những thách thức này sẽ dần được giải quyết khi
các nhà cung cấp mới thay thế hàng hóa từ Trung Quốc, giúp thị trường ổn định
trở lại.
Quản
lý rủi ro
Dù
đang đối mặt với những thách thức kinh tế, Bắc Kinh vẫn nắm trong tay sức mạnh
đáng kể để cản trở các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tái định hướng nền kinh tế
toàn cầu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thông thường, khi thặng dư thương mại
của một quốc gia tăng nhanh, đồng tiền của quốc gia đó sẽ mạnh lên, khiến hàng
hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn theo thời gian. Tuy nhiên, điều này dường
như không đúng với Trung Quốc, khi đồng Nhân dân tệ (RMB) nhiều khả năng sẽ tiếp
tục mất giá trong những năm tới. Nguyên nhân chính đến từ sự kết hợp của hai yếu
tố: hệ thống tài chính và cung tiền nội địa đã mở rộng nhanh chóng kể từ cuộc
khủng hoảng tài chính năm 2008, cùng với sự chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi
suất của Trung Quốc và Mỹ. Những yếu tố này đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi
Trung Quốc ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể làm cho
hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn bằng cách giảm can thiệp của ngân hàng trung ương
vào việc duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ.
Khi
giá hàng hóa Trung Quốc giảm, Mỹ và các đối tác sẽ có ít động lực hơn để đầu tư
vào các chuỗi cung ứng mới nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã
chứng minh sẵn sàng sử dụng các biện pháp can thiệp tiền tệ để đối phó với thuế
quan của Mỹ và bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Tính đến này, đồng Nhân dân
tệ đã giảm giá hơn 2% kể từ sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Dù việc để đồng Nhân dân tệ mất
giá nhanh có thể tiềm ẩn rủi ro, như tăng cường dòng vốn chảy ra nước ngoài,
nhưng không thể phủ nhận rằng Bắc Kinh có thể tận dụng đồng tiền này như một
công cụ chiến lược để ứng phó với thuế quan trong ngắn hạn.
Trung
Quốc không chỉ tận dụng sự bất mãn của các đồng minh Mỹ trước các chính sách cứng
rắn tiềm năng từ chính quyền Trump mà còn tìm cách phá vỡ mạng lưới liên minh
mà chính quyền Biden đã xây dựng. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho việc Trump
quay lại Nhà Trắng, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của ông, và có thể áp dụng
các biện pháp mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc, nhằm tạo ra lợi thế trong
mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ.
Trong
bối cảnh đó, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên. Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những lời hứa
đầu tư, xây dựng các quan hệ đối tác công nghệ trong các lĩnh vực mà nước này
đang dẫn đầu (như xe điện), và cung cấp các ưu đãi như giảm thuế, miễn thị thực,
nới lỏng kiểm soát xuất khẩu để thu hút sự hợp tác. Nếu các biện pháp mềm dẻo
này không mang lại kết quả, Bắc Kinh có thể chuyển sang các biện pháp cưỡng chế
mạnh mẽ hơn, đáp trả lại các rào cản thương mại của Mỹ và đồng minh bằng cách mở
rộng kiểm soát xuất khẩu. Ví dụ, Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu các nguyên
liệu quan trọng cho công nghệ sạch và sản xuất chất dẫn bán dẫn, như gallium,
germanium, graphite và antimony, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Mỹ và đồng
minh. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc có thể áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu
mang tính trừng phạt trên toàn quốc, như cấm toàn bộ graphite chế biến sang Mỹ,
một thành phần quan trọng trong sản xuất pin.
Ngay
cả khi Bắc Kinh chọn nhắm vào một số quốc gia cụ thể thay vì áp dụng chính sách
diện rộng, những mối đe dọa và biện pháp kiểm soát này vẫn sẽ khiến lo ngại lan
rộng khắp thế giới, từ Brussels đến New Delhi. Các chính phủ, không chỉ ở
phương Tây mà trên toàn cầu, sẽ buộc phải tự vấn: sự phụ thuộc của họ vào nguồn
nguyên liệu từ Trung Quốc liệu có an toàn và bền vững hay không? Nếu câu trả lời
là “không”, Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng một liên minh quốc tế nhằm giảm
thiểu rủi ro chuỗi cung ứng sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những
nỗ lực này đã bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như sáng kiến “Quan hệ Đối tác vì Khả
năng Phục hồi Công nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Lầu Năm Góc dẫn đầu,
nhằm thúc đẩy hợp tác về quốc phòng và công nghiệp. Mặc dù Bắc Kinh có chiến lược
đối phó với các chính sách của Trump, nhưng lại thiếu một kế hoạch rõ ràng để xử
lý hậu quả từ các biện pháp mà các đối tác của Mỹ có thể thực hiện nhằm đáp trả.
Tầm
nhìn lâu dài
Những
xu hướng kinh tế hiện nay đang dần tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ trong nỗ lực
giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh
có thể tiếp tục gia tăng thị phần xuất khẩu trong một hoặc hai năm tới, nhưng
điều này khó thay đổi được sự phản đối ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế
đối với các thực tiễn thương mại của họ. Chính những quốc gia đang bất mãn này
sẽ là các đối tác chiến lược mà Washington cần hợp tác để đa dạng hóa chuỗi
cung ứng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các khoản đầu tư mới vào chuỗi cung ứng
chỉ mang lại giá trị kinh tế khi có đủ nhu cầu trong các ngành công nghiệp trọng
yếu để bù đắp chi phí chuyển đổi.
Mặc
dù việc đồng bộ hóa chính sách với các đối tác về thuế quan và hạn chế thương mại
đang trở nên dễ dàng hơn, nhưng điều này không thể là mục tiêu cuối cùng của
chiến lược Mỹ. Việc áp thuế cao và tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm giảm phụ
thuộc vào Trung Quốc vốn dĩ gây ra những gián đoạn lớn. Dù Bắc Kinh hiện đang ở
vị thế yếu hơn, họ vẫn có khả năng đáp trả một cách mạnh mẽ. Do đó, để quản lý
những chi phí không thể tránh khỏi của chiến lược này, Washington nên lựa chọn
áp dụng các mức thuế vừa phải, đồng thời nhanh chóng mở rộng đầu tư vào các
ngành công nghiệp thay thế vai trò của doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi cung
ứng toàn cầu. Việc này không chỉ cần thực hiện ở Mỹ mà còn phải hợp tác cùng đối
tác quốc tế.
Thành
công của việc tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào mức độ cam kết
của chính quyền đối với các mục tiêu dài hạn. Những mục tiêu này bao gồm xây dựng
một nền tảng sản xuất vững chắc hơn và thiết lập các mô hình thương mại toàn cầu
bền vững hơn. Xây dựng một cơ sở nhu cầu rộng lớn hơn theo hướng này sẽ hiệu quả
và lâu dài hơn so với việc cạnh tranh trực tiếp bằng cách giành giật thị phần từ
một “chiếc bánh đang ngày càng thu nhỏ”. Đây là cách tiếp cận chiến lược nhằm tạo
sự ổn định và phát triển bền vững trong nền kinh tế toàn cầu.
--------------------------
Daniel
H. Rosen
là cựu Cố vấn cấp cao về Chính sách kinh tế quốc tế tại Hội đồng kinh tế quốc
gia Hoa Kỳ và Hội đồng an ninh quốc gia, thành viên của Lực lượng đặc nhiệm về
Chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc do Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc của Hiệp hội
Châu Á triệu tập.
Reva
Goujon
là một chiến lược gia về địa chính trị và giám đốc nhóm tư vấn doanh nghiệp tại
Rhodium Group, nổi tiếng với khả năng phân tích các xu hướng vĩ mô và dự đoán
tác động của các biến đổi cấu trúc toàn cầu đối với hành vi doanh nghiệp và trật
tự thế giới.
Logan là Cộng sự Cao cấp của
Trustee Chair trong lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, với kinh nghiệm dẫn đầu nghiên cứu về Trung
Quốc tại Medley Global Advisors và làm nhà phân tích Trung Quốc tại Stone &
McCarthy Research Associates ở Bắc Kinh.
Nguồn: Daniel H.
Rosen, Reva Goujon và Logan Wright, “China’s
Slowdown Has Changed the Trade War,” Foreign Affairs,
17/12/2024
No comments:
Post a Comment