Saturday, December 14, 2024

ĐI BỘ ĐỘI : NGHĨA VỤ CỦA CON NHÀ NGHÈO? (Diễm Thi / RFA)

 



Đi bộ đội: nghĩa vụ của con nhà nghèo?

Diễm Thi
2024.12.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nghia-vu-quan-su-nha-ngheo-bat-binh-dang-di-bo-doi-12142024183757.html

 

Vụ 12 quân nhân tuổi đời còn rất trẻ (từ 19 đến 25) tử vong trong cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7 tối ngày 2 tháng 12 vừa qua, một lần nữa khiến thanh niên tới tuổi nhập ngũ lo ngại cho tính mạng của mình trong môi trường quân ngũ.

Bên cạnh đó là chuyện không minh bạch trong chính sách gọi nhập ngũ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nghia-vu-quan-su-nha-ngheo-bat-binh-dang-di-bo-doi-12142024183757.html/@@images/aae13381-a7aa-416f-b2fe-498c83ec64e3.jpeg

Bộ đội nghĩa vụ trong một buổi lễ giao nhận quân ở Hà Nội, tháng 2 năm 2021. (REUTERS/Thanh Hue)

 

Vì sao thanh niên trốn lính?

 

“Tôi không muốn đi bộ đội vì tôi không thích lý tưởng cộng sản, không thích bị tuyên truyền một chiều, nhồi sọ. Theo tôi biết, rất nhiều thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự tìm mọi cách để khỏi phải vào môi trường quân ngũ vì họ thấy quân nhân bị đánh, bị tử vong nhưng việc công bố không minh bạch”. Một thanh niên không muốn đi nghĩa vụ quân sự cho RFA biết như vậy.

 

Hiện tượng thanh niên tìm cách trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự đã trở nên phổ biến đến mức ngay cả cơ quan quân đội cũng phải thừa nhận, trả lời phỏng vấn của đài RFA, người trực ban của Ban Chỉ huy quân sự Quận 5, TP. HCM cũng chia sẻ chuyện thanh niên bây giờ không muốn đi nghĩa vụ nhưng khi được hỏi lý do thì người này nói “không thể tiết lộ, chỉ có các sĩ quan mới biết”.

 

Trong những năm gần đây, hiện tượng quân nhân tử vong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự đã liên tiếp xảy ra, và trở thành đề tài được cả nước quan tâm. Tuy nhiên, thông tin về nguyên nhân tử vong không phải lúc nào cũng được minh bạch. 

 

Chỉ trong sáu tháng cuối năm 2021 có ba vụ quân nhân chết gây xôn xao dư luận.

 

Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 6 năm 2021, tân binh Trần Đức Đô, 19 tuổi, được phát hiện đã chết tại khu huấn luyện của một trường quân sự ở tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù đầu, mặt, lưng và ngực có vết thương nhưng Cơ quan điều tra hình sự cho rằng tân binh này đã chết ngạt do treo cổ tự tử, sau một cuộc điều tra chớp nhoáng. Năm tháng sau, cái chết của người lính trẻ Nguyễn Văn Thiên ở Gia Lai lại khuấy động dư luận khi nguyên nhân cái chết được thông báo không nhất quán. Lúc đầu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai thông báo quân nhân này chết vì đột quỵ do té ngã trong phòng tắm. Sau đó, cơ quan này lại nói Nguyễn Văn Thiên “bị đồng đội đánh chết”. Trước khi năm 2021 kết thúc, quân nhân Hoàng Bá Mạnh ở Hải Dương tử vong nghi bị đánh chết trong doanh trại.

 

Và mới nhất là trường hợp thương tâm của 12 bộ đội thuộc Quân khu 7, tử vong khi đang tham gia diễn tập. Phía quân đội giải thích đây là một vụ tai nạn do thiên tai. Cụ thể là do sét đánh trúng kíp nổ, rồi tạo ra một vụ nổ lớn, khiến các quân nhân tử vong. Lời giải thích trên đã gây phản ứng từ dư luận, khi cả giới chuyên gia lẫn dân thường đều nghi ngờ tính xác thực của thông tin mà quân đội đưa ra.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó cũng đã yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân.

Mỗi khi xảy ra trường hợp lính nghĩa vụ tử vong khi đang tại ngũ, tâm lý của người dân, đặc biệt là những gia đình có con em thuộc diện phải đi nghĩa vụ, bị tác động không nhỏ.

Anh Hùng ở Hà Nội có con trai đến tuổi đi nghĩa vụ nói với RFA rằng, nếu đất nước đang trong thời chiến thì anh vận động con anh cầm súng bảo vệ đất nước, còn bây giờ thì không vì anh không lường được chuyện gì sẽ xảy ra trong môi trường quân ngũ.  

 

“Thực ra vào trong bộ đội thì dễ bị bắt nạt, bị phân biệt vùng miền. Những ông chỉ huy ở trên không trực tiếp huấn luyện lính mới mà giao nhiệm vụ cho những thằng lính cũ phải huấn luyện cho lính mới. Chính vì thế xảy ra rất nhiều chuyện như đánh nhau đến chết. Trong bộ đội có những trường hợp đánh nhau lấy chăn trùm kín rồi đánh hội đồng kinh khủng lắm. Mà chỉ dám truyền miệng chứ đâu ai dám nói, dám viết ra”, anh Hùng giải thích.

 

Anh Hùng nói thêm, thay vì mất hai năm trong quân ngũ, con anh ở ngoài có thể đi học nghề gì đó để nuôi thân, chứ cái “bằng bộ đội” không giúp gì cho tương lai của con trai anh.

Sự lo lắng cho an toàn và tương lai của con em mình đã thôi thúc nhiều bậc phụ huynh tìm cách để giúp con trai trốn đi nghĩa vụ.

 

-------------------

Đi bộ đội: Khi nào thì bị đánh?

Tân binh chết sau 10 ngày nhập ngũ: Công an nói do tự tử, gia đình phủ nhận

Áp lực nào phải thừa nhận bộ đội Nguyễn Văn Thiên bị đánh chết chứ không phải bị té?

-------------------

 

“Chạy” cách nào?

 

 “Muốn “trốn” nghĩa vụ quân sự thì phải lo tiền cho Ban quân sự của phường, nơi phụ trách chuyện gọi quân. Danh sách phường không đưa lên thì trên quận sẽ không có giấy gọi quân đi khám sức khỏe. Nghĩa là phường sẽ không đưa tên vào danh sách tuyển quân. Tất cả những gia đình có tiền đều muốn con đường sự nghiệp, tương lai của con họ tốt, trơn tru, đi học xong rồi đi làm. Đâu ai muốn con mình mất mạng cho nên phải chạy tiền.

 

Có những tình huống không chạy để miễn được thì phải chạy để làm dân quân tự vệ của địa phương. Nếu không được nữa mà đành phải đi nghĩa vụ quân sự lại thì chạy tiền để vô được quân đoàn tốt”, bà Hoàng Lan có con trai 22 tuổi nhưng không phải đi nghĩa vụ quân sự do “chạy chọt”, nói với RFA.

 

Bà Lan nói thêm, nếu đưa tiền một lần thì sẽ rẻ hơn đưa hàng năm nhưng có thể “tiền mất tật mang” vì “tụi nó đổi người” nên bà đưa hàng năm, mỗi năm 5 triệu trong 8 năm ròng rã.

Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ và độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

 

Bà Uyên từng “chạy chọt” cho cháu mình khỏi đi nghĩa vụ quân sự cách đây mấy năm thì cho rằng, số lượng thanh niên tới tuổi nghĩa vụ hàng năm rất nhiều, không “xài” hết nên nếu ai có tiền thì khỏi đi, ai không có tiền thì nằm trong số phải đi.

 

Mấy người không có tiền hoặc mấy người quậy phá cha mẹ muốn tống đi cho xong thì mới phải đi nghĩa vụ quân sự. Ai có tiền cũng ‘chạy’ hết chứ đâu ai muốn cho con họ đi. Tiền đó tụi lo về tuyển quân chia nhau chứ không phải vô ngân sách nhà nước đâu”, bà Uyên giải thích thêm.

 

 

Không công bằng giữa người giàu và người nghèo 

 

Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Hiện nay, lực lượng thường trực là 450.000 người (bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương). Lực lượng dự bị động viên khoảng 5 triệu người.

 

“Tôi để ý hằng năm khi tuyển quân ở địa phương thì rất ít con em cán bộ, đảng viên phải nhập ngũ”; “Chuyện con em công nhân, nông dân phải đi nghĩa vụ quân sự, con em nhà giàu không phải đi nghĩa vụ quân sự đã là bức xúc xã hội rồi…” là những điều được đại biểu Quốc hội trình bày trong một buổi thảo luận ở Quốc hội về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nhiều năm trước. 

 

Chuyện con nhà giàu không phải đi lính, hay có đi thì là chỉ huy, ngồi tuyến sau, trong an toàn; con nhà nghèo luôn phải đi lính trong thời bình và phải ra trận trong thời chiến được coi là quy luật ở Việt Nam.

 

Báo Thanh Niên có bài phân tích về trường hợp này. Theo đó, việc đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự đã diễn ra từ lâu nay, ít nhất là ở các tỉnh thành lớn. Có điều, đó là việc bán công khai. Gia đình có người đến tuổi đi lính đều biết rằng có thể nộp một khoản tiền cho phường đội hoặc quận đội để được ở nhà đi học hay đi làm. Để dễ coi và ít gây bức xúc cho người khác, người đóng tiền thỉnh thoảng phải đi làm lao động công ích hay dân quân tự vệ loanh quanh khu vực cư trú lấy lệ.

 

Đề xuất đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự cũng từng được Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đưa ra. Theo ông Nhã, do thời bình nên lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự hàng năm rất nhỏ so với số lượng thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên để công bằng, số thanh niên này phải thực hiện “nghĩa vụ dân sự thay thế” bên cạnh nghĩa vụ công an nhân dân và nghĩa vụ dân quân tự vệ có thời hạn. Đóng tiền có thể coi là một trong các hình thức nghĩa vụ dân sự thay thế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

 

Đề xuất của Trung tướng Trần Đình Nhã bị nhiều phản đối vì sẽ tạo thêm bất công trong xã hội khi người có chức quyền, có tiền thì tìm cách cho con em thoát nghĩa vụ quân sự, chỉ con em nông dân, người nghèo mới vào quân đội. Hơn nữa, gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo lại càng thêm nghèo, bất công xã hội càng tăng.

 

Luật nghĩa vụ quân sự của Việt Nam hiện nay được áp dụng từ năm 2015 với nhiều trường hợp được miễn, giảm hoặc tạm hoãn. Một số người có tiền thường phải lo lót tiền cho ban quân sự tại địa phương để con, em mình nằm trong diện được miễn. Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA rằng có tình trạng mà có lẽ nhiều người cũng thấy nhưng không tiện nói ra, đó là họ làm ra luật khó khăn chẳng qua là để ăn tiền.

 

“Ai không muốn đi nghĩa vụ quân sự thì phải chạy tiền. Bản chất là họ đưa ra những cái càng khó, cố tình tạo ra một cái luật chặt chẽ như vậy để người đi cũng phải chạy chọt mà người không muốn đi cũng phải chạy chọt”, ông Trí nhận định.

 

Thực tế sau nhiều năm thực hiện, cơ quan hữu trách nhận thấy Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nhiều bất cập nên đề nghị sửa đổi, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi gì. Lý giải điều này, Bộ Quốc phòng cho hay đang tiếp tục nghiên cứu tổng thể, đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động liên quan, báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn. Đồng thời, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực, nghiêm minh.

 

 

 





No comments: