HỘI
NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ ‘TRĂM NĂM CÔ ĐƠN’
Hai
phút mở màn loạt phim ‘Trăm năm cô đơn’ vừa ra mắt trên Netflix tràn ngập kiến,
kiến và kiến. Hình ảnh đàn kiến còn xuất hiện nhiều lần xuyên suốt loạt phim
này như một ẩn dụ và điềm báo về số phận của bảy thế hệ thuộc gia đình Buendía
cũng như của chính ngôi làng Macondo.
Trong
cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt cách nay hơn nửa thế kỷ và ngay lập tức trở
thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, Gabriel
García Márquez, nhà văn Colombia đoạt giải Nobel đã sử dụng kiến làm biểu tượng
của sự suy tàn và hủy diệt, báo hiệu định mệnh nghiệt ngã và bi thảm của gia
đình Buendía khi đứa trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ này bị đàn kiến ăn
thịt khi chỉ mới chào đời.
Trước
Gabriel García Márquez gần bốn thập niên, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, danh họa
Tây Ban Nha Salvador Dalí vẽ một trong những tác phẩm đầu tiên mang phong cách
siêu thực của ông: Đàn kiến. Không chỉ là chủ đề chính trong bức tranh khổ nhỏ
này, kiến còn là cấu phần quan trọng trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của
Dalí, từ Sự dai dẳng của ký ức đến Người thẩm du vĩ đại.
Giống
như trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Trăm năm cô đơn, kiến trong tranh của
Dalí mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc – sự phân rã, diệt vong, nỗi sợ hãi
tiềm ẩn và dục vọng bị kìm nén – tạo nên cảm giác siêu thực độc đáo không thể
nhầm lẫn khi ngắm tranh của danh họa này.
Như
một trò chơi của lịch sử và số phận, đúng vào năm 1967 khi Márquez hoàn thành
tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, ở bên kia địa cầu, thần đồng Trần Đăng Khoa cũng
viết xong bài thơ về kiến và cái chết. Bằng con mắt trong trẻo và nhân văn của
một đứa trẻ con, Trần Đăng Khoa mô tả cảnh đàn kiến xẻ thịt chia phần, chè chén
say sưa và tha xác một con giun đất như đám tang trịnh trọng của một nhân vật
đáng kính.
“Đám
ma bác giun
Bác
Giun đào đất suốt ngày
Trưa
nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ
hàng nhà kiến kéo ra
Kiến
con đi trước, kiến già theo sau
Cầm
hương kiến Đất bạc đầu
Khóc
than kiến Cánh khoác màu áo tang
Kiến
Lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến
Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai
Đám
ma đưa đến là dài
Qua
những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến
Đen uống rượu la đà
Bao
nhiêu kiến Gió bay ra chia phần…”
***
Sau
khi trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) trong cùng nhiệm kỳ
2000 – 2025 với Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, ông Trần Đăng Khoa được giao kiêm
nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống.
Cuối
tháng trước, ông Khoa thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng vì lý do tuổi
tác và sức khỏe, ông “đang nghỉ dần các chức vụ và công việc”. Ông Khoa cho biết
sẽ chỉ làm hết số Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống Xuân Ất Tỵ rồi nghỉ. Điều này
đồng nghĩa việc tạp chí sẽ có tổng biên tập mới sau vài tháng nữa.
Trong
buổi lễ trao quyết định điều động ông Lương Ngọc An, Ủy viên Ban chấp hành
HNVVN, giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần
Đăng Khoa “bày tỏ lòng cảm ơn tới Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều vì những quan
tâm, hỗ trợ thiết thực dành cho sự phát triển của tạp chí trong thời gian qua,
đặc biệt là về chế độ nhân sự và công tác phát hành”. Cụ thể hơn, việc ông
Lương Ngọc An, một Ủy viên Ban Chấp hành Hội được điều động về làm Phó Tổng
biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống là “minh chứng rõ nét cho sự quan tâm
đặc biệt này”. Ông Khoa “nhấn mạnh rằng, việc tạp chí có tới hai Ủy viên Ban Chấp
hành trong Ban Biên tập là điều hiếm có, mở ra cơ hội để tạp chí tiếp tục vươn
xa”.
Trước
đó hơn hai năm rưỡi, ông Lương Ngọc An từng bị cho thôi chức Phó Tổng biên tập,
Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ sau tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương rằng ông An đã
“nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức” bà Phương “như một nô lệ
tình dục”. Tiếp theo Dạ Thảo Phương, nhà văn Bùi Mai Hạnh cũng lên tiếng
tố cáo ông An từng tấn công tình dục và cưỡng hiếp bà tại nhà riêng nhưng bất
thành.
Là
một trong 11 thành viên Ban Chấp hành HNVVN nhiệm kỳ 2000 – 2025, gần như chắc
chắn ông Lương Ngọc An sẽ trở thành tổng biên tập mới của Tạp chí Nhà văn &
Cuộc sống khi ông Trần Đăng Khoa chính thức nghỉ chức vụ ở tạp chí này. Như vậy,
sau một thời gian để cho tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh
chìm xuồng, HNVVN gần như đã phục chức, thậm chí mở đường thăng chức cho ông
An.
***
Là
loạt phim chuyển thể từ một tiểu thuyết hiện thực huyền ảo tiêu biểu, Trăm năm
cô đơn có thể đưa người xem phiêu du xuyên không gian và thời gian, từ ngôi
làng Macondo nhỏ bé ở Mỹ Latin vào cuối thế kỷ 19 đến quê hương của Salvador
Dalí bên bờ Địa Trung Hải nửa đầu thế kỷ 20, rồi sang tận Việt Nam đương đại.
Trong
bức họa Đàn kiến, Dalí đã sử dụng kỹ thuật cắt dán để thêm một cô gái khỏa thân
với cặp mắt vô hồn đang trở thành miếng mồi ngon cho đàn kiến. Hình ảnh này
không khỏi khiến người xem liên tưởng đến nhà thơ Dạ Thảo Phương với ký ức, tâm
hồn và nhân phẩm bị một lũ sâu bọ thay nhau chà đạp, cắn xé và đánh chén ít nhất
hai lần: lần đầu tiên khi cô bị bạo hành và cưỡng bức, lần thứ hai khi những nỗ
lực can đảm đòi hỏi sự thật và công lý của cô bị những kẻ đồng lõa với tội phạm
dập tắt.
Trong
vai trò Phó Chủ tịch HNVVN kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống,
ông Trần Đăng Khoa chưa một lần lên tiếng trước tố cáo suốt hơn hai năm rưỡi
qua của nhà thơ Dạ Thảo Phương đối với ông Lương Ngọc An, cũng như khi ông An
được điều động giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí này và chuẩn bị thay thế ông
Khoa. Đây không phải lần đầu tiên người ta có thể nói rằng cậu thần đồng thơ
năm xưa, tác giả của Đám ma bác giun, đã chết.
Trong
vở kịch ‘Mổ nhà văn’ của Nguyễn Huy Thiệp, có nhân vật K-Oa được giới thiệu như
sau: “Bẩm sinh là một nhà thơ, một người đáng được tôn trọng và yêu mến. Môi
trường sống của anh ta không tốt, anh ta đã bị nhiễm bẩn dần dần, từ từ, từng
ngày, từng tí một. Một thiên thần cũng có thể bị biến thành một con lợn bẩn thỉu…”.
Đứa
trẻ cuối cùng mang đuôi lợn của dòng họ Buendía bị đàn kiến ăn thịt không khỏi
khiến độc giả liên tưởng đến nhân vật K-Oa. Còn đám sâu bọ đã thay nhau cắn xé
và nhậu ký ức, tâm hồn cùng nhân phẩm của nhà thơ Dạ Thảo Phương phải chăng là
chỉ báo về sự mục rữa, thối nát và suy tàn không tránh khỏi của một hội đã có lịch
sử gần bảy thập niên, y như định mệnh bi thảm của bảy thế hệ thuộc dòng họ
Buendía?
***
Hơn
hai năm rưỡi trước, sau tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương và nhà văn Bùi Mai Hạnh,
trách nhiệm giải trình được chia cho cả ông Lương Ngọc An lẫn HNVVN, trong đó
ông An chịu trách nhiệm chính. Lần này, bằng quyết định điều động ông An giữ chức
vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, trách nhiệm giải trình gần
như hoàn toàn thuộc về HNVVN và ông Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều.
Những
hội viên chính trực, còn phẩm giá của HNVVN cần lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hội
này thực hiện trách nhiệm giải trình của một tổ chức được nuôi bằng tiền thuế của
dân, nhằm bảo vệ tôn chỉ, mục đích cũng như các nguyên tắc tổ chức, hoạt động
đã được ghi rõ trong Điều lệ Hội. Đến lượt các hội viên HNVVN, trong vai trò
nhà văn, nhà thơ, những người này có trách nhiệm với độc giả của họ trong việc
bảo vệ những giá trị nhân văn cao đẹp mà văn chương của họ hướng tới.
Nếu
tất cả hội viên HNVVN đều im lặng, không một ai lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hội
thực hiện trách nhiệm giải trình, thì đơn giản là Hội này không xứng đáng được
nuôi bằng tiền thuế của dân, và quan trọng hơn, không xứng đáng tồn tại.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10161380066303757&set=a.127878708756
Bức
tranh “Salvador Dali” 1929
.
Trách nhiệm giải trình của Hội Nhà văn Việt Nam:
https://www.facebook.com/share/19hDwpe2T5
.
Đàn kiến trong bức họa Sự dai dẳng của ký ức:
https://www.facebook.com/share/15JZAdeXfJ
.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Tổng biên tập đương nhiệm của Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, ông Trần Đăng
Khoa, thông báo “đang nghỉ dần các chức vụ và công việc“.
2. Buổi lễ trao quyết định điều động ông Lương Ngọc An giữ
chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống.
3. Thông báo điều động ông Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng
biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ.
4. Nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo ông Lương Ngọc An đã
“nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức” bà Phương “như một nô lệ
tình dục”.
5. Nhà văn Bùi Mai Hạnh tố cáo ông An từng tấn
công tình dục và cưỡng hiếp bà tại nhà riêng nhưng bất thành.
6. 11 thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
7.
Vở kịch ‘Mổ nhà văn’ của Nguyễn Huy Thiệp.
8. Trách nhiệm giải trình của Hội Nhà văn Việt Nam.
No comments:
Post a Comment