Mỹ
có thể chuyển sang chế độ "bán độc tài" nếu Trump tái đắc cử, thực
thi "Project 2025"
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 17/07/2024 - 15:54 - Sửa đổi ngày: 17/07/2024 - 21:09
Đảng
Cộng Hòa Mỹ họp Đại hội tại Milwaukee, Wisconsin, ngày 15/07/2024, để chính thức
đề cử Donald Trump làm ứng viên tổng thống và công bố kế hoạch hành động của tổng
thống tương lai. Tuy nhiên, một kế hoạch hành động khác của giới cố vấn chính
trị đảng Cộng Hòa đang gây chú ý hơn gấp bội. Trong nửa đầu tháng 7/2024, kế hoạch
Project 2025 (tạm dịch là Dự án cầm quyền 2025) thu hút đông đảo dân Mỹ, vượt cả
giải bóng bầu dục Mỹ và Taylor Swift, nữ ca sĩ nổi tiếng nhất hiện nay.
HÌNH
:
Cựu
tổng thống Mỹ Donald Trump, đảng Cộng Hòa, trong cuộc vận động tranh cử tại
Freeland, Michiga, Hoa Kỳ, ngày 01/05/2024. AP - Paul Sancya
1/
‘‘Project 2025’’ (Dự án cầm quyền 2025) do ai soạn thảo và có những điểm gì
đáng chú ý ?
Dự án 2025
là một cương lĩnh cầm quyền do Heritage Foundation (1) soạn thảo. Viện
tư vấn này được thành lập trong thập niên 1970, theo xu hướng ‘‘tân bảo thủ’’,
nổi tiếng với vai trò là cố vấn chính trị cho nhiều đời tổng thống đảng Cộng
Hòa, ví dụ đã hai lần hậu thuẫn tranh cử tổng thống của Ronald Reagan. Trong cuộc
trả lời phỏng vấn đài RFI Pháp ngữ, ông Romuald Sciora, giám đốc Đài Quan sát Chính trị và Địa
chính trị Mỹ (Viện Iris), nhấn mạnh là từ những năm 1990 Heritage Foundation
ngày càng trở nên cực đoan, và giờ đây hoàn toàn là một cỗ máy phục vụ cho ‘‘tư
tưởng Trump’’ (Trumpism) với khẩu hiệu nổi tiếng ‘‘Make America Great Again/Làm
cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại). Dự án cầm quyền dày khoảng 900 trang được soạn thảo với
sự phối hợp của các cộng sự của Donald Trump (như cựu cố vấn chính Stephen
Miller, cựu bộ trưởng Nhà Ở Ben Carson, cựu bộ trưởng quốc phòng Christpher
Miller hay cựu cố vấn kinh tế Peter Navaro) và được đăng trên mạng để tất cả mọi
người có thể truy cập, đọc.
Chuyên
gia Romuald Sciora nhấn mạnh trước hết đến chính sách thay thế một bộ phận lớn
các quan chức trong bộ máy chính quyền Mỹ bằng người trung thành với tân tổng
thống trong Dự án cầm quyền 2025. Thông thường mỗi khi nước Mỹ có tổng thống mới,
số lượng quan chức cần thay thế là khoảng 4.000 người, nhưng theo kế hoạch này,
sẽ có đến khoảng 40.000 công chức cần phải thay. Đây thực sự là một dự án
‘‘thanh trừng’’ (2). Dĩ nhiên, không phải tất cả các công chức nói trên đều sẽ
bị thay thế đồng loạt, mà có thể sẽ có một số cơ quan mới được lập ra, có thẩm
quyền cao hơn các cấp hiện có, và sẽ có một số rất lớn công chức phải về hưu sớm.
Một
mục tiêu khác, được đề ra trong Project 2025, là đặt bộ Tư Pháp dưới sự chỉ đạo
trực tiếp của tổng thống. Trong dự án cầm quyền này, cũng như trong một số đề
xuất khác, Donald Trump và đảng Cộng Hòa muốn xem xét lại một số thẩm quyền của
Quốc Hội, nhằm giảm quyền của cơ quan lập pháp, tăng quyền của Nhà Trắng, tức
bên hành pháp. Theo chuyên gia Romuald Sciora, so với chế độ chính trị Pháp, tổng
thống Mỹ được coi là ít quyền lực hơn tổng thống Pháp (trong trường hợp đảng của
tổng thống kiểm soát được Quốc Hội, với nước Pháp).
Hiện
tại, phe Cộng Hòa ở Hạ Viện và Thượng Viện cho biết sẽ chấp thuận các đề nghị
theo hướng này, nếu Trump đắc cử. Một cải cách dự kiến khác là tổng thống sẽ trực
tiếp kiểm soát lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa, thường bao gồm nhiều thường dân, được
huy động trong các trường hợp rối loạn xã hội, hay thiên tai, vốn do thống đốc
các bang quản lý.
Hiện
tại phe Cộng Hòa nắm đa số tại Hạ Viện. Đối với Heritage Foundation, Project
2025 là một ‘‘cẩm nang’’ để Donald Trump có thể huy động 100% quyền lực của tổng
thống nhằm biến những ước mơ của phe bảo thủ thành hiện thực, theo chuyên gia
Angelia Wilson, Đại học Manchester (trả lời France 24).
2/
Vì sao một số nhà quan sát coi đây là một dự án hết sức nguy hiểm đối với nền
dân chủ Mỹ ?
Theo
chuyên gia Romuald Sciora, nếu Trump tái đắc cử, nước Mỹ không chuyển ngay sang
chế độ độc tài hay chế độ chuyên quyền trong giai đoạn đầu, nhưng Mỹ có thể biến
thành một chế độ ‘‘bán chuyên quyền’’, kiểu như hệ thống chính trị tại Thổ Nhĩ
Kỳ dưới quyền của tổng thống Erdogan hay Hungary dưới chế độ Orban. Chuyên gia
Đài Quan sát Chính trị và Địa chính trị Mỹ (Viện Iris) dự kiến là sẽ chỉ từ một
đến hai năm là nước Mỹ sẽ chuyển biến theo hướng này.
Quá
trình chuyển biến sẽ rất nhanh chóng, vì Viện tư vấn Heritage Foundation đã bắt
tay từ lâu vào việc chuẩn bị nhân sự. Từ mùa hè năm ngoái, Viện này đã bắt đầu
tuyển mộ với tốc độ phỏng vấn vài trăm ứng cử viên một tuần. Theo chuyên gia
Iris, rất có thể là quá trình này đã hoàn tất. 40.000 và thậm chí 50.000 công
chức trung thành với Trump sẽ sẵn sàng đảm nhiệm chức vụ, ngay khi Donald Trump
đăng quang ngày 20/01/2025, nếu đắc cử. Việc thành lập các cơ quan mới, có thẩm
quyền cao hơn, để chỉ huy bộ máy hiện có, sẽ phải được sự chấp thuận của một
trong hai viện Quốc Hội. Hiện tại phe Cộng Hòa đã có đa số tại Hạ Viện.
Việc
thay đổi bộ máy Nhà nước một cách triệt để và nhanh chóng như vậy sẽ là điều
chưa từng thấy với một nền dân chủ phương Tây. ‘‘Một nhà nước của Trump’’ sẽ
hình thành. Thay đổi như vậy là điều đã thấy ở Nga, hay Trung Quốc, nhưng là điều
chưa từng thấy với một nền dân chủ. Chuyên gia Viện Iris nhấn mạnh, thay đổi lớn
lao này được thúc đẩy bởi một chính trị gia giờ đây có thể coi là hiện thân cho
niềm tin vào tính ưu việt của một chế độ phát xít, cho dù không công khai khẳng
định như vậy (politicien crypto fasciste).
Theo
AFP, việc tập trung quyền lực ở mức độ rất cao cho phép Donald Trump rảnh tay
thực thi các chính sách ‘‘cực kỳ bảo thủ’’, từ vấn đề siết chặt nhập cư đến việc
ngăn chặn nạo thai. Trong số các biện pháp bị lên án mạnh mẽ nhất, có việc kiểm
soát chặt chẽ nạo phá thai, và siết chặt việc sử dụng thuốc ngừa thai, cũng như
chính sách chống lại các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, và khuyến
khích phát triển mạnh hơn các loại năng lượng hóa thạch. Giải thể bộ Giáo Dục,
hay tiến hành bắt bớ và trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ hợp lệ
nằm trong chủ trương của Project 2025.
Nhìn
chung, theo chuyên gia Angelia Wilson, Project 2025 cổ vũ cho việc Nhà nước
‘‘can thiệp sâu vào đời sống cá nhân của người dân Mỹ’’, khác hẳn với truyền thống
bảo thủ cộng hòa kiểu Reagan, với chủ trương giảm can thiệp Nhà nước. Project
2025 là một biểu hiện rõ ràng của xu hướng ngả hẳn sang cực hữu của Heritage
Foundation. Theo chuyên gia Romuald Sciora, bản thân cánh ôn hòa trong cánh hữu
Cộng Hòa Mỹ truyền thống nay cũng không còn trụ lại được nữa : Hoặc đã về
hưu, hoặc đi theo Trump, hoặc thất cử do sự cạnh tranh của các ứng viên mà
Trump ủng hộ.
Đầu
tháng 7 này, chủ tịch Viện tư vấn Heritage Foundation, Kevin Roberts, tuyên bố
thẳng thừng : ‘‘Chúng tôi đang hướng đến một cuộc cách mạng Mỹ lần thứ hai. Đây
là một cuộc cách mạng không đổ máu, nếu cánh tả không chống lại’’.
3/
Donald Trump có thái độ như thế nào đối với Dự án cầm quyền không chính thức
này ? Vì sao ứng cử viên tổng thống Donald Trump không thừa nhận đây là kế hoạch
hành động của mình một khi lên cầm quyền và tìm cách giữ khoảng cách với
‘‘Project 2025’’ ?
Ứng
viên tổng thống Donald Trump chắc chắn biết rất rõ về dự án Project 2025, bởi
đây là kế hoạch do các cộng sự thân tín soạn thảo, và được đương sự ủng hộ. Tuy
nhiên trong hiện tại, Trump muốn giữ khoảng cách với dự án này, ắt hẳn để không
gây sợ hãi cho bộ phận cử tri ‘‘ôn hòa’’ của đảng Cộng Hòa, cũng như khối cử
tri thiên hữu của đảng Dân Chủ cùng thành phần cử tri Dân Chủ nhưng thiên về
các giá trị truyền thống, bảo thủ. Theo Matthew Continetti, thuộc trung tâm tư
vấn American Entreprise Institute, trong thời điểm hiện tại, tin chắc vào sự ủng
hộ của khối cử tri trung thành, ông Trump ‘‘đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh
hưởng ra ngoài nhóm cử tri quen thuộc’’. Donald Trump thậm chí còn công khai chỉ
trích chung chung một số điều khoản trong Project 2025 để thể hiện bản thân
không có liên hệ. Cương lĩnh tranh cử chính thức của ông Trump chứa đầy các khẩu
hiệu hô hào, tránh đi vào các biện pháp cụ thể, nhất là các biện pháp cực kỳ bảo
thủ.
Trên
mạng Truth Social, cựu tổng thống - ứng cử viên tái tranh cử khẳng định không hề
biết gì về dự án cầm quyền 2025, và cũng không hề có liên hệ gì với Viện
Heritage Foundation về vấn đề này. Trong khi đó, hãng tin Pháp AFP dẫn lại một
phát biểu của Donald Trump trong một dạ tiệc năm 2022, do Heritage Foundation tổ
chức, đã khẳng định là công việc do viện này tiến hành sẽ xác lập các nền móng
‘‘cho những gì mà phong trào chúng tôi sẽ làm’’ trong nhiệm kỳ tiếp theo.
4/
Phe Dân Chủ xử sự ra sao với Dự án cầm quyền 2025 của giới cố vấn chính trị đảng
Cộng Hòa?
Đảng
Dân Chủ Mỹ coi việc vạch rõ bộ mặt thực của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng
Hòa với dự án cầm quyền 2025 mà một trọng tâm của cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, ban vận động tranh cử Biden – Harris đã tung ra hàng chục
thông báo về chủ đề này. Kể từ ngày 30/06, sau cuộc tranh luận trên truyền hình
đầu tiên Biden - Trump, dự án cầm quyền 2025 đã bắt đầu được công chúng Mỹ đông
đảo biết đến (''Dự án 2025, cuộc cách mạng bảo thủ cản trở chiến thuật quyến rũ
cử tri cánh trung của Trump, Le Monde 14/07/2024).
Phe
Dân Chủ huy động lực lượng đến bên ngoài khu vực Đại hội của đảng Cộng Hòa Mỹ,
trong những ngày vừa qua, trương nhiều khẩu hiệu, trực tiếp lên án dự án cầm
quyền bán chính thức của Donald Trump, mà cựu tổng thống muốn che giấu. Theo Le
Monde, chiến dịch lên án dự án cầm quyền 2025 bị che giấu, được tung ra đúng
vào lúc Donald Trump đang muốn tỏ ra mềm dẻo, để thu hút khối cử tri ôn hòa,
đang gây khó khăn cho ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa.
***
1/
Theo chuyên gia về chính trị Mỹ Angelia Wilson, ‘‘tất cả các chính trị gia Cộng
Hòa tại Washington đều có liên hệ gần xa với Heritage Fondation’’. Angelia Wilson, Đại học
Manchester, là tác giả cuốn ‘‘The Politics of Hate: How the Christian Right
Darkened America’s Political Soul’’ (tạm dịch là ‘‘Những chính sách của sự thù
hận : Cánh hữu Thiên Chúa giáo đã làm đen tối tâm hồn chính trị của nước Mỹ
như thế nào’’), Nxb Temple University Press, 2024 (theo France 24, ngày
10/07/2024).
2/
Theo chuyên gia Richard Johnson, Đại học Queen Mary (Luân Đôn), bảo vệ tính độc
lập của giới công chức trước giới cầm quyền là ‘‘một thách thức chính trị chủ đạo
của nước Mỹ cuối thế kỷ 19’’. Tổng thống thứ 20 của nước Mỹ James
Garfield, bị ám sát năm 1881, ít tháng sau khi lên cầm quyền, ‘‘bởi ông đã đưa
ra dự luật cải cách không cho phép các chính trị gia (thắng cử) bổ nhiệm người
thân cận vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính’’. Xu hướng tăng cường
bảo vệ sự độc lập của giới công chức với giới lãnh đạo chính trị, do James
Garfield khởi xướng, đã được chính quyền Mỹ các thời tiếp nối cho đến nay
(France 24).
3/
Trong bài trả lời RFI, Romuald Sciora (Viện Iris) nhấn mạnh đến sự chuyển hướng
180 độ của Trump, từ chỗ theo phe Dân Chủ những năm 2000, với lập trường ‘‘cấp
tiến’’, ủng hộ quyền phá thai, ly hôn, đến chỗ chuyển hẳn sang cổ vũ cho những
quan điểm cực kỳ bảo thủ. Trước khi ra tranh cử năm 2016, Trump thậm chí còn lưỡng
lự giữa Dân Chủ và Cộng Hòa. Theo Romuald Sciora, bước ngoặt quyết định với
Donald Trump là thất bại năm 2020, kể từ đó ông ta nhận ra rằng để giành được
thắng lợi, phải dựa hẳn vào các giá trị bảo thủ. Romuald Sciora nhấn mạnh tư tưởng chính trị mà Heritage
Fondation xây dựng qua Dự án cầm quyền 2025, gắn liền với xu thế cực đoan hóa của
cánh hữu Hoa Kỳ, vượt xa con người cá nhân Donald Trump. Mọi ứng cử viên tương
lai của phe Cộng Hòa, hoặc người kế tục Trump, đều sẽ phải tiếp nối xu thế này.
No comments:
Post a Comment