Saturday, July 27, 2024

TÁC NGHIỆP và SỰ BẤT KÍNH hay PHẠM HÚY (Chu Minh Khôi / Facebook)

 



Tác nghiệp và sự “bất kính” hay phạm húy

Chu Minh Khôi

27-7-2024  09:17   

https://www.facebook.com/NhabaoChuMinhKhoi/posts/pfbid0eV7iRF13McgA4Dhcz6yn163MYD7XZCYvgQHvZFfmdWM9RkTUAmfgKN5x8gavKbWdl  

 

Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/07/Anh-man-hinh-2024-07-27-luc-21.28.56.png

Ảnh chụp màn hình

 

Ngày hôm nay, sau khi Quốc tang đã hết, thì cõi mạng và giới báo chí bàn tán nhiều về vấn đề “sự cố tác nghiệp” của một số phóng viên ảnh. Đặc biệt, được đọc cái văn bản “bố cáo” của Báo Dân trí rằng, phóng viên ảnh đó không phải là người của Báo Dân trí, thì những “mũi giáo” lại hướng về phía các báo khác, trong đó có Đại Thông tấn.

 

Tôi chỉ là phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực nông nghiệp nông dân nông thôn, nên tôi không được “tác nghiệp” về Quốc tang Tổng Bí thư. Do vậy, tôi chỉ theo dõi sự kiện qua đọc các báo và xem truyền hình. không được tận mắt nhìn thấy những vất vả của đồng nghiệp khi tác nghiệp ở sự kiện lớn này.

 

Tuy vậy, tôi cũng mạo muội viết lên đây một số suy nghĩ.

 

1.  Ấn tượng về phóng viên ảnh của Đại Thông tấn (ĐTT)

 

Như trên đã nói, tôi chỉ được theo dõi về nông nghiệp nông dân nông thôn, nên chỉ được tác nghiệp ở những sự kiện ở tầm Bộ NN&PTNT. Tôi gần như không được “bén mảng” đến tác nghiệp ở các sự kiện tầm Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Tuy vậy, cũng có những sự kiện liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng do Thủ tướng chủ trì. Nếu sự kiện đó diễn ra tại Bộ NN&PTNT thì những phóng viên đã quen với Bộ như chúng tôi thì không có trở ngại gì. Nhưng cũng có sự kiện lớn được diễn ra ở không gian khác, thì rất nhiều sự kiện, chúng tôi đến dự – cho dù đã làm đủ thủ tục và được cấp thẻ tác nghiệp tại sự kiện, nhưng vẫn buộc phải theo dõi qua màn hình, mà không được vào hội trường, hoặc chỉ được phép đứng ở dưới hội trường với khoảng cách mà máy ảnh không thể với được lên khán đài.

 

Những sự kiện như vậy, chỉ có máy quay của đài truyền hình VTV1 và Phóng viên ảnh của Đại Thông tấn mới được phép tiếp cận khán đài. Đó là sự “đặc quyền” riêng của Đại Thông tấn và rất bất bình đẳng với các báo bình thường, kể cả báo Nhân dân. Ở những sự kiện như vậy, khi chúng tôi đề cập với Ban tổ chức hoặc Bộ phận phụ trách báo chỉ của Ban tổ chức sự kiện về vấn đề ảnh cho bài viết, thì có những Ban tổ chức cung cấp ảnh cho phóng viên chúng tôi. Nhưng có vô vàn sự kiện, Ban tổ chức chỉ trả lời rằng: Chúng tôi đã ủy nhiệm cho phóng viên Đại Thông tấn chụp ảnh và cung cấp cho mọi phóng viên có nhu cầu. Nói vậy, nhưng thực chất là “huề”, bởi chả phóng viên ảnh nào của Đại Thông tấn tự nguyện cung cấp ảnh cho phóng viên các báo cả. Bạn muốn có, thì phải mua ảnh của Đại Thông tấn. Đó là một sự bất bình đẳng ghê gớm, mà từ khi đi làm phóng viên, tôi hiểu rằng phải chấp nhận.

 

Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Phóng viên ảnh của Đại Thông tấn có vẻ như họ ở “đẳng cấp khác” so với phóng viên bình dân như chúng tôi. Ấy là, trong vô vàn sự kiện đang diễn ra, khi đến những phút giây quan trọng nhất, tất cả phóng viên chúng tôi đang dàn hàng ngang đứng với khoảng cách đến tiêu hình hợp lý nhất để đảm bảo cho mọi phóng viên đều có chỗ đứng chụp được ảnh, đồng thời ai cũng lấy được toàn bộ khuôn hình. Tưởng như đã đạt được sự đồng thuận và quá trình đứng chuẩn bị mất tới 3-5 phút chờ khoảnh khắc quan trọng diễn ra. Thì đùng một phát, đến lúc khoảnh khắc quan trọng diễn ra, thì ông Phóng viên ảnh của ĐTT ôm cái máy ảnh to tổ bố nhảy ra phía trước đứng vào chính giữa, và đứng trước hàng các phóng viên với khoảng cách từ 1-2m. Dĩ nhiên là phóng viên ảnh của ĐTT quay đít về phía phóng viên. Thế là “A lê hấp”, toàn bộ hình ảnh sự kiện được chup ảnh vào máy ảnh với cái đít của phóng viên ĐTT đứng giữa. Khi những khoảnh khắc quan trọng kết thúc, thì Phóng viên ảnh cuả ĐTT mới đi ra khỏi khuôn hình. Thế là toàn bộ ảnh chụp của phóng viên bình dân như chúng tôi phải vứt vào “sọt rác”. Vì chả báo náo đăng ảnh mà trong ảnh có người quay đít vào độc giả. Những tình trạng như thế này, cá nhân tôi và các đồng nghiệp gặp như “cơm bữa”.

 

(Xin mở ngoặc là xin lỗi bác Sinh – phóng viên ảnh ĐTT chuyên trách mảng nông nghiệp, bác không thuộc trường hợp “đại phóng viên” mà tôi vừa nêu. Bởi bác và bọn em đã quá quen thuộc nhau, nên bác không đứng trước mặt anh em thân quen mà chụp ảnh, mà thường bác khi thấy anh em dàn hàng ngang, thì bác kéo cái ghế đứng ở phía sau và đứng lên ghế để chụp ảnh).

 

 

2. Nói đi cũng phải nói lại

 

Ấy là về vấn đề “sự cố” “bất kính” khi tác nghiệp. Thấy người ta phê phán về việc phóng viên ảnh đứng trước bát hương Cụ Tổng để “tác nghiệp”. Như thế là “bất kính” và “phạm húy”… Đúng là bất kính và phạm húy. Thậm chí, nghe nói hôm qua, có phóng viên ảnh còn tỳ chân lên cỗ pháo để lấy tư thế thuận lợi cho tác nghiệp chụp ảnh – như thế là không thể chấp nhận được.

 

Nhưng là phóng viên, chúng ta đã quá quen thuộc với những nghi lễ dâng hương, mà có lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc Lãnh đạo cấp tỉnh tham gia dâng hương, hành lễ. Ở đó, khi các lãnh đạo dâng hương, thì thường có một dàn phóng viên đứng sau bát hương để chụp ảnh. Nếu nhìn ở góc độ “tâm linh’’ hay văn hóa, thì có người sẽ bảo rằng: các lãnh đạo đang dâng hương phóng viên chứ có phải dâng hương Phật, hay dâng hương vua Hùng đâu!

 

Bởi, khi đứng ở phía những người dâng hương, sẽ thấy phía sau bát hương là các nhà báo chắn kín ban thờ Phật, ban thờ Vua Hùng. Tức là, các nhà báo quay lưng vào Thần Phật khi nghi thức dâng hương đang diễn ra. Thậm chí tại nhiều sự kiện dâng hương, tận mắt tôi đã chứng kiến phóng viên của ĐTT còn trèo lên cả bàn thờ để chụp xuống các vị lãnh đạo cho ảnh đẹp, rõ và có “hồn”.

 

Tại các sự kiện như vậy, dường như không có ai nhắc nhở hay phê phán các phóng viên, cho dù nhiều nhà lãnh đạo luôn có trợ lý đi theo, và có cả cảnh vệ ở những sự kiện như vậy. Tôi hiểu, tác nghiệp như thế là rất bất kính, nhưng tôi nghĩ có lẽ các nhà lãnh đạo cũng hiểu rằng để có những tấm ảnh đăng báo phản ánh trung thực nhất, thì các phóng viên buộc phải “phạm húy” như vậy. Khi độc giả đọc báo, họ sẽ chỉ nhìn thấy những tấm ảnh đẹp, trung thực, mang tính thời sự kịp thời… Chứ họ sẽ không thể hiểu được những cái khó của phóng viên tác nghiệp để có được những bức ảnh đó.

 

Có lẽ khi tôi nói rằng, khi các nhà lãnh đạo dâng hương, có dàn phóng viên đứng trước bát hương, sẽ có nhiều độc giả nghi ngờ tôi nói sai. Thì đây, tôi chỉ cần vào google, gõ chữ “dâng hương”, là ra vô vàn tấm ảnh đăng trên báo, từ những báo Đỉnh nhất như: Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhân dân, Tuyên giáo… đến những báo bình thường… đều có những tấm ảnh minh chứng cho lời nói của tôi. Trong các bức ảnh này, độc giả sẽ chẳng nhìn thấy phóng viên nào. Nhưng cứ nhìn ảnh đi, nghĩ và sẽ thấy…

 

À, mà nếu bà con độc giả mà nhìn thấy hình ảnh phóng viên ngồi giữa bàn thờ Phật để chụp ảnh xuống, thì còn “kinh nữa”. Tôi đã từng tận mắt nhìn rồi đấy.

 

                                              CMK

 

P/s: Tôi vẫn phải cố vớt một câu thế này: Đúng sai tùy thuộc góc nhìn.

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10224215779692797&set=pcb.10224215784052906  

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10224215779652796&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10224215780892827&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10224215781852851&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10224215781772849&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10224215781932853&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10224216438669271&set=pcb.10224215784052906

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10224216438949278&set=pcb.10224215784052906

 

.

7 BÌNH LUẬN   

 

 





No comments: