Thursday, July 25, 2024

MIẾN ĐIỆN VÀ BIỂN ĐÔNG VẪN BAO TRÙM CUỘC HỌP NGOẠI TRƯỞNG ASEAN (Chi Phương / RFI)

 



Miến Điện và Biển Đông vẫn bao trùm cuộc họp ngoại trưởng ASEAN

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 25/07/2024 - 11:55Sửa đổi ngày: 25/07/2024 - 14:53

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240725-n%E1%BB%99i-chi%E1%BA%BFn-%E1%BB%9F-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-v%C3%A0-c%C4%83ng-th%C4%83ng-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-bao-tr%C3%B9m-cu%E1%BB%99c-h%E1%BB%8Dp-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-asean

 

Hội nghị thường niên của các ngoại trưởng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) khai mạc tại Viêng Chăn, thủ đô Lào hôm nay, 25/07/2024, và sẽ kéo dài 3 ngày. Ngoại trưởng của các nước đối tác lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có mặt, với chủ đề thảo luận chính là tình hình bạo lực ở Miến Điện và căng thẳng ở Biển Đông, vùng biển tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc.

 

HÌNH :

(Từ trái sang phải) Thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Miến Điện Aung Kyaw Moe, ngoại trưởng Enrique Manalo của Philippines, Vivian Balakrishnan của Singapore, Maris Sangiampongsa của Thái Lan, thứ trưởng Việt Nam Đỗ Hùng Việt, ngoại trưởng Saleumxay Kommasith của Lào, Mohamad Hasan của Malaysia, thứ trưởng Ngoại Giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof, ngoại trưởng Sok Chenda Sophea của Cam Bốt, Retno Marsudi Indonesia, Bendito dos Santos Freitas của Đông Timor, tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chụp ảnh ngày khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 57 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viêng Chăn, Lào, ngày 25/07/2024. REUTERS/Chalinee Thirasupa REUTERS - Chalinee Thirasupa

 

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, được AP trích dẫn, với tư cách chủ tịch luân phiên của khối, ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith nhấn mạnh « trước những thay đổi địa chính trị và địa kinh tế, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN để thúc đẩy khả năng phục hồi của Hiệp hội, nhằm giải quyết những thách thức mới và nắm bắt những cơ hội trong tương lai ».

 

Tại hội nghị lần thứ 57, các ngoại trưởng sẽ thảo luận về kế hoạch kêu gọi « chấm dứt bạo lực » ở Miến Điện « ngay lập tức ». Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bày tỏ lo ngại về những vụ phạm tội xuyên biên giới và số người tị nạn gia tăng do khủng hoảng ở Miến Điện, « tác động tiêu cực đến nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ».

 

Trên mạng xã hội X, ngoại trưởng Indonesia hôm nay khẳng định « chúng tôi có cùng quan điểm là tập đoàn quân sự Miến Điện thiếu cam kết tôn trọng kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết nội chiến ở nước này ».

 

Sau cuộc đảo chính của quân đội vào năm 2021, Miến Điện vẫn chìm trong khủng hoảng, bạo lực, khiến 2,6 triệu người phải đi tị nạn. ASEAN đã đề xuất  đối thoại giữa các bên liên quan, cử đặc phái viên hòa giải của ASEAN, cung cấp viện trợ nhân đạo…, nhưng toàn bộ những nỗ lực đó đều bị lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện phớt lờ. Để gây áp lực lên Miến Điện, ASEAN đã không cho phép chính quyền quân sự cử bất cứ đại diện chính trị nào đến dự các cuộc họp cấp cao của khối mà chỉ cho phép thư ký của bộ Ngoại Giao nước này, Aung Kyaw Moe đến dự.

 

Về tình hình Biển Đông, căng thẳng giữa Phillippines và Trung Quốc đã gia tăng trong năm nay với các cuộc đụng độ bạo lực. Bắc Kinh và Manila đã đạt được thỏa thuận vào cuối tuần trước, nhằm chấm dứt xung đột mà không thừa nhận yêu sách lãnh thổ của bên nào. Điều này dấy lên hy vọng về những thỏa thuận tương tự có thể được thiết lập với các nước khác như Việt Nam, Malaysia hay Brunei, cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Trong hội nghị lần này, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán về xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

 

Các ngoại trưởng Đông Nam Á cũng sẽ thảo luận về những vấn đề khác, như căng thẳng giữa Việt Nam và Cam Bốt liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam trên sông Mekong, đang gây những lo ngại về sinh thái và an ninh. Các dự án xây dựng đập lớn ở thượng nguồn con sông này tại Lào cũng sẽ được nêu ra.

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự kiến lần lượt sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp với các ngoại trưởng bên lề hội nghị. Hai cường quốc đang tìm cách mở rộng quan hệ, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Các nhà ngoại giao từ các nước đối tác khác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay Úc cũng sẽ có mặt, dự trù thảo luận về các vấn đề kinh tế, an ninh, khí hậu và năng lượng.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ASEAN - MIẾN ĐIỆN

ASEAN “quan ngại sâu sắc” về xung đột gia tăng ở Miến Điện

 

PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG - ASEAN

Philippines muốn xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên các nước ASEAN

 

TRUNG QUỐC- ASEAN

Trung Quốc cảnh báo ASEAN về "căng thẳng không kiểm soát được" ở Biển Đông

 

 





No comments: