Việt Nam và Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường
của Trung Quốc
Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba
tổ chức tại Bắc Kinh vừa bế mạc hôm kia (18/10/2023).
BRI là chương trình phát triển quốc tế hoành tráng do Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình chủ trương năm 2013. Đây là sáng kiến nối Trung Quốc với Á châu và
Âu châu, gồm một Vành đai (One Belt) xuyên lục địa từ Trung Quốc qua vùng Trung
Á đến Âu châu, và một Con đường (One Road) từ Trung Quốc xuyên qua Biển Đông và
Ấn Độ dương đến châu Âu.
BRI ra đời đúng lúc kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và cũng là
lúc Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao với tham vọng thực hiện giấc mơ
Trung Hoa đưa Trung Quốc trở lại thời hoàng kim. Mục đích của BRI được đề ra là
chia sẻ thành quả phát triển với các nước liên quan qua hợp tác xây dựng cơ sở
hạ tầng. Một trong những công cụ thực hiện là lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á
châu (AIIB). Trung Quốc hy vọng, qua sáng kiến này trước mắt là đẩy mạnh xuất
khẩu hàng công nghiệp nặng (điển hình là thép) đang sản xuất dư thừa, và trong
dài hạn tạo quan hệ thân thiện với các nước tham gia BRI.
Qua 10 năm thực hiện, nhìn chung BRI không đạt mục tiêu như Trung Quốc
mong muốn. Những nước tham gia BRI tích cực thì mắc vào bẫy nợ như Sri Lanka và
Lào, hoặc có nguy cơ phụ thuộc sâu vào Trung Quốc như Cambodia. Cảng biển
Shihanoukville của Cambodia được xem như là mô hình của việc tham gia BRI. Vốn
đầu tư do Trung Quốc cung cấp, và kết quả là tư bản Trung Quốc chiếm tới 95%
khách sạn, nhà hàng ở đây và thành phố biển nầy tràn ngập trung tâm du lịch
(resorts) và sòng bạc (casino) với các bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc.
Ở Âu châu nước tiên tiến duy nhất tham gia BRI là Ý nhưng gần đây đã
tuyên bố rút lui vì thấy không có lợi ích như kỳ vọng. Tàu chở hàng Trung Á được
xây dựng để chuyển chở hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước Âu châu là một biểu
tượng cụ thể của BRI nhưng hoạt động rất kém, kết cuộc chủ yếu được dùng cho di
chuyển vật tư, hàng hóa giữa Trung Quốc và Nga. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu
Tổng hợp Daiwa, từ 2012 đến 2022, hơn 150 nước đã ký cam kết tham gia BRI nhưng
mậu dịch giữa họ với Trung Quốc không tăng đáng kể, trừ Nga và một số nước
ASEAN.
Trong thời gian qua, có yếu tố khách quan là đại dịch trong các năm
2021-2022 làm đình trệ nhiều dự án, nhưng chủ yếu là do chủ quan và tham vọng của
Trung Quốc muốn áp đặt và chi phối những nước cần vay vốn của họ để xây hạ tầng.
Có lẽ đã thấy kết quả 10 năm qua không như mong muốn và bị thế giới phê
phán, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình chủ trương sẽ ưu tiên chất lượng dự án và tăng tính tự chủ của các nước
tham gia.
Việt Nam ở tư thế và vị trí không thể không tham gia BRI nhưng cần thận
trọng đối với các dự án cụ thể, nhất là nên so sánh các điều kiện về công nghệ,
về vốn giữa Trung Quốc với các nước khác như Mỹ, Nhật. Một điểm quan trọng nữa
là cần tránh phụ thuộc quá sâu vào kinh tế Trung Quốc (hay với kinh tế một nước
nào khác). Hiện nay, tuy chưa tham gia cụ thể vào các dự án lớn liên quan BRI,
nhưng Trung Quốc đã chiếm một vị trí rất lớn trong nhập khẩu (trên 30% những
năm gần đây) và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (vị trí số 2 trong 9 tháng
đầu năm 2023. Nếu gộp Hồng Kông vào Trung Quốc thì Trung Quốc chiếm vị trí số
1).
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tại Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa thấy có
dự án nào có trình độ công nghệ cao và quy mô lớn để có thể góp phần làm chuyển
dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam lên cao hơn. Đó là chưa xét đến các yếu tố
về chất như trình độ quản trị doanh nghiệp (corporate governance) và văn hóa
kinh doanh, những yếu tố thường chưa được xác lập tại những nước mới phát triển.
.
No comments:
Post a Comment