Việt
Nam ‘ủng hộ cuộc đấu tranh của Palestine, nhưng có lợi ích với Israel’
31/10/2023
Do lịch sử
tương đồng nên Việt Nam ủng hộ cuộc đấu tranh của Palestine nhưng quan hệ với
Tel Aviv ngày càng phát triển, đem lại nhiều lợi ích nên Hà Nội cố gắng thể hiện
lập trường cân bằng trong cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay, một nhà nghiên cứu
từ trong nước nói với VOA.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-026e-08dbd963eb39_w650_r1_s.jpg
Cuộc chiến của
Israel gây ra thảm hoạ nhân đạo ở dải Gaza
Trong lúc này, Israel đã tiến hành cuộc chiến
trên bộ ở Dải Gaza với mục tiêu tiêu diệt Hamas trong bối cảnh cuộc chiến giữa
Israel và nhóm chủ chiến này đã kéo dài gần một tháng với thương vong hàng chục
ngàn người kể từ khi Hamas tấn công đẫm máu vào thường dân Israel hôm 7/10.
Cuộc chiến này cũng làm nóng dư luận toàn cầu với lập trường chính phủ và người
dân các nước khác biệt. Trong khi các nước phương Tây lên án Hamas ‘khủng bố’
và thể hiện sự đoàn kết với Israel thì chính phủ nhiều nước Ả Rập đã lên án
hành động quân sự ‘tàn bạo’ của Tel Aviv và yêu cầu ngừng bắn. Các cuộc biểu
tình lên án Israel và ủng hộ Palestine cũng đã nổ ra ở Mỹ và thủ đô các nước
châu Âu.
Không lên án Hamas?
Về phần mình, Hà Nội cũng đã bốn lần thể hiện lập trường về cuộc xung đột giữa
Israel-Hamas kể từ ngày 7/10 thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao và trên diễn
đàn Liên Hiệp Quốc.
Điểm chung của những lần phát biểu này là lên án mạnh mẽ mọi hành động tấn công
vào dân thường và hạ tầng dân sự thiết yếu (của cả hai bên), yêu cầu cứu trợ
nhân đạo cho người dân trên Dải Gaza, đòi Hamas thả con tin, kêu gọi ngừng bắn
(điều mà Israel đến nay vẫn bác bỏ).
Về lâu dài, Việt Nam đề xuất hai bên đàm phán để giải quyết bất đồng, kêu gọi
chấm dứt kích động bạo lực, hận thù giữa hai bên. Về lập trường tổng thể đối với
mâu thuẫn Israel-Palestine, Việt Nam ủng hộ giải pháp hai nhà nước với Đông
Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine, kêu gọi Israel ngừng mở rộng các
khu định cư tại Bờ Tây cũng như ngừng trục xuất người Palestine, và kêu gọi hai
bên đàm phán để ‘giải quyết gốc rễ cuộc xung đột’.
Đáng lưu ý là ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 khiến hơn
1.400 người chết, đa số là dân thường, và hơn 200 người bị bắt làm con tin,
phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/10 đã không lên án đích danh Hamas
mà chỉ nói là ‘quan ngại sâu sắc trước bạo lực leo thang giữa Hamas và Israel,
gây nhiều thương vong cho thường dân’.
Trong khi đó, sau khi một bệnh viện ở Dải Gaza bị trúng tên lửa khiến hàng trăm
dân thường thiệt mạng hôm 17/10 mà phía Hamas và Palestine đổ lỗi cho Israel,
vào ngày 18/10, cũng phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ‘lên án mạnh mẽ
các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường’.
Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, vốn giảng dạy ngành Quan hệ Quốc tế
tại Đại học VinUniversity ở Hà Nội, nhận định rằng trong cuộc xung đột
Israel-Palestine, Việt Nam ‘luôn cố gắng thể hiện quan điểm cân bằng’.
“Nhìn chung, lập trường của Việt Nam lâu nay vẫn
nhất quán và không thay đổi, đó là lên án xung đột bạo lực nói chung và ủng hộ
giải pháp hai nhà nước theo tinh thần các nghị quyết Liên Hiệp Quốc,” Tiến sỹ Hải
nói và đánh giá ‘đó là cách tiếp cận phù hợp xuất phát từ chính kinh nghiệm, vị
thế quốc tế, cũng như mối quan hệ đan xen lợi ích của Việt Nam’.
Tiến sỹ Hải cho rằng là một nước nhỏ, Việt Nam
‘càng phải thận trọng’ phản ứng làm sao cho phù hợp với chính sách đối ngoại tổng
thể, quan hệ hữu nghị truyền thống, và lập trường chung của khối ASEAN và chỉ
ra rằng lập trường kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức của Hà Nội cũng phù hợp với
quan điểm của đa số các nước ASEAN.
Trả lời câu hỏi hỏi tại sao Việt Nam không phản
ứng mạnh mẽ trước vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10, ông cho rằng Hà Nội
cần xét đến mối quan hệ truyền thống với Palestine. Tuy nhiên, do Liên Hiệp Quốc
đã gọi hành động của Hamas là ‘khủng bố’ và Hà Nội luôn phản đối mọi hành động
khủng bố dưới mọi hình thức, ông thừa nhận Việt Nam nên đề cập hai chữ ‘khủng bố’,
cho dù là tránh nêu đích danh Hamas.
Ủng hộ cuộc đấu tranh của Palestine
Giải thích về lập trường gần gũi của Hà Nội đối
với phong trào đấu tranh của Palestine, học giả về quan hệ quốc tế này chỉ ra
hoàn cảnh tương đồng giữa hai bên.
“Là quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh
và từng bị ngoại bang chiếm đóng, và đến tại thời điểm này khi quần đảo Hoàng
Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực
chiếm đoạt, tôi cho rằng đương nhiên Việt Nam ủng hộ nỗ lực đấu tranh của người
dân Palestine giành độc lập chính đáng của họ,” ông nói.
Theo lời ông thì quan hệ giữa Việt Nam và
Palestine là ‘quan hệ truyền thống’ vốn đã được thiết lập hồi năm 1968 giữa Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vào đỉnh điểm Chiến
tranh Lạnh và phong trào giải phóng dân tộc, và Việt Nam cũng ‘là một trong những
nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Palestine’ sau khi
Palestine tuyên bố độc lập vào năm 1988.
Ông điểm lại cố lãnh tụ Palestine, ông Yasser
Arafat, đã đến thăm Việt Nam 10 lần trong khi tổng thống Mahmoud Abbas đã thăm
chính thức Việt Nam cách nay 13 năm. Ở Việt Nam cũng có Hội Hữu nghị Việt Nam –
Palestine cũng như Ủy ban Việt Nam Đoàn kết với nhân dân Palestine.
Tiến sỹ Hải chỉ ra lá thư gửi đến chính quyền
Palestine của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 29/11 năm ngoái trong đó
khẳng định ‘quyền dân tộc bất khả xâm phạm của người dân Palestine, trong đó có
quyền được thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền’.
Tuy nhiên, do Hà Nội lâu nay thể hiện lập trường
không dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp cho nên họ ‘không ủng hộ bất kỳ
hành động vũ lực nào giữa Israel và Palestine’, cũng theo Tiến sỹ Hải.
Quan hệ với Israel ‘nhiều lợi ích’
Về quan hệ với Israel, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải
cho biết Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao với Tel Aviv vào năm 1993, tức là
chỉ 5 năm sau khi công nhận nhà nước Palestine độc lập và kể từ đó quan hệ giữa
hai nước ‘ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam cả về
chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng’.
Tính đến cuối năm 2022, Israel là đối tác
thương mại lớn thứ 5 và là nước nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường
Tây Á với kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 10 lần từ năm 2008 đến năm
2022, đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ, ông chỉ ra, trong khi mỗi năm Việt Nam gửi rất nhiều
tu nghiệp sinh sang Israel để học về phương pháp canh tác nông nghiệp.
Ngoài ra, tập đoàn xe hơi VinFast của Việt Nam
đã đầu tư khoảng 40 triệu đô la vào Israel để phát triển pin sạc nhanh cho xe
hơi điện và công nghệ ô tô tự lái. Xe điện VinFast cũng đã được đưa vào thị trường
Israel từ cuối năm 2022, cũng theo lời của Tiến sỹ Hải.
“Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu đặt
mua vũ khí từ Israel để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí,” ông nói và nhấn mạnh
trong năm 2017, Việt Nam đã mua tổng trị giá 142 triệu đô la vũ khí của Israel
và là khách hàng lớn thứ hai của Israel sau Ấn Độ.
Về các hoạt động thăm viếng cấp cao, đến nay
chưa có thủ tướng Israel nào thăm Việt Nam và cũng chưa có lãnh đạo nào trong
nhóm tứ trụ của Việt Nam đã đến thăm Israel mặc dù họ có đi thăm các nước Ả Rập,
Tiến sỹ Hải cho biết, và các quan chức Việt Nam đến thăm Israel chỉ dừng lại ở
cấp thứ trưởng, bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị.
Mới đây nhất, phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã
đến Israel từ ngày 23 đến 25/7 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
giữa hai nước và trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã ký kết Hiệp định
Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – Israel.
“Đây là FTA đầu tiên giữa Israel với một nước
đông nam Á. Điều này cho thấy Israel rất coi trọng thị trường Việt Nam, và ngược
lại FTA cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường và công
nghệ tiên tiến của Israel,” ông nói.
Việt Nam trong thế khó?
Khi được hỏi Hà Nội coi trọng quan hệ với
Palestine hay Israel hơn, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải nói ‘không thể khẳng định là
Việt Nam coi quan hệ nào quan trọng hơn được’.
Mặc dù quan hệ với Tel Aviv đem lại cho Hà Nội
nhiều lợi ích nhưng Hà Nội ‘cũng không muốn hy sinh quan hệ truyền thống với
Palestine’, cũng theo lời ông Hải. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam và các nước
Ả Rập ‘cũng ngày càng phát triển và nhiều triển vọng’, thể hiện qua chuyến đi vừa
qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ả Rập Xê-út để tham dự Hội nghị Cấp cao
ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
“Với mạng lưới quan hệ đối ngoại hiện nay của
Việt Nam, có lợi ích đan xen nhiều tầng nhiều nấc từ các mối quan hệ này, tôi
nghĩ Việt nam có thể giữ được quan hệ cân bằng là tốt lắm rồi, và Việt Nam cũng
sẽ không đặt trọng quan hệ này cao hơn quan hệ kia bởi có đối tác quan trọng về
chính trị, có đối tác quan trọng về kinh tế-thương mại, miễn sao đem lại lợi
ích quốc gia cao nhất cho Việt Nam,” vị học giả này nhận định.
No comments:
Post a Comment